LINH ĐẠO MÙA ĐỢI CHỜ
WHĐ (21.12.2023) – Chúng ta bắt đầu năm mới phụng vụ với việc cử hành các Chúa Nhật Mùa Vọng. Mùa Vọng là thời gian chờ đợi và hy vọng. Hội Thánh mời gọi chúng ta cử hành Mùa Vọng với hai mục đích: trước hết là chuẩn bị và cử hành biến cố Con Thiên Chúa giáng sinh tại Bêlem cách đây 2000 năm; Thứ đến là hướng về tương lai, đợi chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang trong ngày quang lâm (parousia) để xét xử mọi người.
Mùa Vọng được dịch từ tiếng La Tinh là Adventus, diễn tả hai khía cạnh của đức tin Kitô giáo, khía cạnh khách quan và khía cạnh chủ quan, hay nói cách khác, khía cạnh đến từ phía Thiên Chúa và khía cạnh đến từ phía con người.
- Thiên Chúa đến
Trước hết, Adventus diễn tả khía cạnh khách quan: ventus có nghĩa là “Chúa đến, hay sự đến của Chúa.” Đây là nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo: Thiên Chúa mà chúng ta tin không phải là một Ý Tưởng hay một Hữu Thể Tuyệt Đối bất khả thụ cảm, cũng không phải là một vị thần ở trên cao, kính nhi viễn chi, không màng gì tới đời sống con người. Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là thiên chúa của các triết gia hay của các bậc tri giả, nghĩa là sản phẩm do con người nghĩ ra. Nhưng Thiên Chúa là vị Thiên Chúa của mạc khải, Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót đối với loài người. Vì thế, Người chủ động, đi bước trước để đến với con người, tìm kiếm, gặp gỡ từng người như Kinh Thánh diễn tả ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế: Thiên Chúa tìm kiếm và hỏi Ađam: Ngươi ở đâu? (x. St 3,10-11). Thiên Chúa ấy đi vào lịch sử, đến gặp gỡ con người qua các thời đại, từ Cựu Ước đến Tân Ước, từ xưa tới nay qua từng thế hệ. Người tỏ mình qua các biến cố: Sáng tạo, quan phòng, cứu chuộc và cánh chung.
Thiên Chúa ấy đã đến. Đây là thì quá khứ của Thiên Chúa trong thời gian và lịch sử. Người đã đến và gặp gỡ con người qua việc sáng tạo thế giới và con người. Người đã đến khi sai Con Một mình nhập thể làm người tại Bêlem để ở với loài người cách đây hơn hai ngàn năm trong thân phận tôi đòi, nghèo hèn, khiêm hạ, để cứu độ chúng ta. Thiên Chúa đã đến với con người khi sai Chúa Thánh Thần đến trong ngày lễ Hiện Xuống để hướng dẫn và ở lại với Hội Thánh cho đến ngày tận thế.
Thiên Chúa ấy sẽ đến. Đây là thì tương lai của Thiên Chúa. Người sẽ đến trong vinh quang và quyền năng vào ngày cánh chung, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Lúc đó, Người xuất hiện như vị thẩm phán tối cao để xét xử nhân loại. Lúc bấy giờ số phận mỗi người sẽ được định đoạt. Người lành sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Còn kẻ dữ sẽ bị phạt muôn kiếp trong hoả ngục.
Thiên Chúa ấy cũng đang đến. Đây là thì hiện tại của Thiên Chúa. Người đang đến với mỗi người chúng ta qua từng ngày sống, qua từng biến cố. Đặc biệt, Người đang đến với chúng ta qua bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành hằng ngày. Người đến trong âm thầm và kín đáo để đồng hành, nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta trên hành trình tiến về nhà Cha.
Như thế, Thiên Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến với loài người và từng người chúng ta.
- Ta làm gì để đón Chúa đến?
Thứ đến, từ Adventus diễn tả khía cạnh chủ quan, tức là thái độ của mỗi người hướng về việc Chúa đến. Theo đó, Mùa Vọng diễn tả tính chất vọng cuộc đời, nghĩa là: sống là chờ đợi, là hướng tới tương lai, chờ đợi điều gì đó và Ai đó. Nếu không có hy vọng ta không thể sống được. Nếu không có gì để hướng tới, không có ai đó đang chờ ta và ta chờ đợi, thì cuộc sống này mất ý nghĩa và động lực để sống. Vậy, chúng ta cần có thái độ nào phù hợp để đón Chúa đến?
2.1. Trước hết, thái độ tỉnh thức và sẵn sàng
Phụng vụ Lời Chúa tuần I Mùa Vọng trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy: Để đón mừng Chúa đến, ta được mời gọi sống tỉnh thức và sẵn sàng (x. Mc 13,33-37).
Tỉnh thức là gì? Xin thưa: tỉnh thức là không ngủ, là tỉnh táo về phương diện thể lý, tinh thần, tâm linh và luân lý. Về phương diện thể lý, tỉnh thức không ngủ gà ngủ gật; về phương diện tinh thần, tỉnh thức là nhạy bén và nắm bắt những gì là giá trị tinh thần để tìm kiếm và theo đuổi; về phương diện luân lý, tỉnh thức là không rơi vào những cám dỗ và con đường tội lỗi, nhưng luôn bước đi theo con đường công chính và thánh đức.
Cuộc đời này được ví như một đêm dài. Tương lai mới là ngày. Con người sống trong cuộc đời được ví như một giấc mơ, “đời là giấc mơ,” người ta thường thích ngủ, mơ mơ màng màng, hơn là tỉnh thức đợi chờ. Thánh Augustinô đã chí lý khi nói rằng: “Cuộc đời này làm mảnh đất lắm người mê ngủ hơn là những người đang sống và đang thức.” Thời ông Noe, người ta vui chơi, mải mê thế sự, ăn uống, dựng vợ gã chồng, chỉ có gia đình ông Noe là tỉnh thức và biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa để đóng một con tàu chuẩn bị cho lụt hồng thuỷ sắp xảy ra. Khi lụt tới, loài người bị lụt cuốn đi, chỉ còn lại gia đình ông được cứu (x. St 7-8).
Thời Chúa Giêsu cũng vậy, phần lớn người Do Thái cũng không tỉnh thức và sẵn sàng khi Chúa đến với họ, nên họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà họ đợi trông. Chỉ một nhóm nhỏ nhận ra Chúa, còn lại là ngủ trong thành kiến và cố chấp của họ.
Tháng 4 năm 1912, con tàu Titanic lần đầu tiên xuyên qua Đại Tây Dương để sang đất nước Mỹ. Trên tàu, người ta ăn uống, vui chơi, mê đắm thú vui hưởng lạc. Đã có những tín hiệu từ rađa và những con thuyền khác báo là có nguy hiểm ở phía trước, vì có những tảng băng ngầm ở dưới biển có thể va vào tàu và làm vỡ tàu. Nhưng mọi người trên thuyền vẫn vui chơi, lễ hội, ca nhạc, không một ai để ý, nên điều gì phải xảy ra thì đã xảy ra. Tàu đã va vào những tảng băng ngầm ấy nên đã bị chìm trong giá lạnh. Có 1500 người bị chết và chỉ vài người sống sót.
Thời đại chúng ta hôm nay, thế gian này cũng lắm kẻ đang ngủ và mải mê với thú vui trần thế, vùi mình trong danh lợi dục, hưởng thụ, và chạy theo vật chất, nên đã xa rời đức tin và đạo lý. Nên rất nhiều người đã mất hướng đi trong cuộc sống.
Triết gia hiện sinh Công Giáo Søren Kierkegaard dùng hình ảnh con tàu vượt biển đại dương để diễn tả rằng, tất cả chúng ta đang ở trên con tàu này, và người thuyền trưởng của con tàu phải luôn tỉnh thức và quan sát về phía trước để xem có gì nguy hiểm cho mọi người trên tàu mà tránh. Ông không chỉ lo cho mình và còn phải lo cho người khác trên thuyền. Mỗi người chúng ta sống trên đời này, chúng ta có sự liên đới và trách nhiệm đối với tha nhân. Chúng ta tỉnh thức và giúp người khác cũng tỉnh thức.
Như thế, thái độ tỉnh thức và sẵn là thái độ cần có và cần thiết để đón Chúa đến với mỗi người. Với thái độ ấy, chúng ta sống cuộc đời này cách ý nghĩa hơn và có thể gặp Chúa bất cứ lúc nào Chúa đến, như người tôi trung luôn sẵn sàng chờ đợi chủ trở về trong đêm khuya (x. Mc 13,35), hay như năm cô khôn ngoan cầm đèn đầy dầu đi đón chàng rể (Mt 24,1-12). Đó là lúc tao phùng gặp gỡ, chứ không phải là giây phút kinh hoàng sợ hãi. Ước gì trong Mùa Vọng này ta sống tỉnh thức và sẵn sàng hơn.
2.2. Hãy dọn đường cho Chúa đến
Nếu Chúa Nhật I Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta phải sống tỉnh thức và sẵn sàng; thì Chúa Nhật II Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta phải dọn đường và sám hối cho Chúa đến qua lời mời gọi của Isaia và của Gioan Tẩy Giả.
Vào thời đó, dân Do Thái đang phải sống trong cảnh lưu đày ở Babylon. Chính lúc đó, Isaia đến loan báo cho dân một tin đầy hy vọng: Chúa sẽ đến để an ủi dân, sẽ giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ và tội lỗi. Nhưng để được như thế, Isaia kêu gọi: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường con queo hãy làm cho ngay thẳng” (Is 40,5tt). Mọi người sẽ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa xuất hiện.
Những gì Isaia loan báo được ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay theo thánh Máccô. Đức Giêsu xuất hiện như là Con Thiên Chúa và được Gioan Tẩy Giả làm chứng. Gioan là tiếng kêu trong hoang địa: “Hãy dọn đường Chúa. Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.” Gioan là người dọn đường cho Chúa đến bằng lời kêu gọi dân chúng sám hối đời sống và chịu phép rửa. Ông làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống chứng tá của mình, một đời sống khắc khổ, khó nghèo và khiêm hạ. Ông làm chứng rằng: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người” (Mc 1,8).
Cũng như Gioan, để dọn đường cho Chúa đến với mình và với người khác, chúng ta cần sám hối, cần chỉnh đốn lại đời sống của mình.
Trong chúng ta, có những hố sâu của tính tham lam, hố sâu của những đam mê danh lợi dục. Cần phải lấp đầy những hố sâu này bằng sự thánh thiện, công chính và khó nghèo.
Trong chúng ta, có những núi đồi của tính kiêu ngạo, của cái tôi phình quá lớn, muốn nâng mình lên, không chịu thua ai, có những núi đồi của tính tự ái và ích kỷ. Cần phải bạt chúng đi bằng những đức tính khiêm nhường và nhân ái.
Trong chúng ta, có những con đường cong queo, đó là tính lươn lẹo, dối trá, giả hình… Cần phải uốn nắn cho ngay thẳng bằng sự thật thà, đơn sơ, liêm chính. Nếu không, chúng ta sẽ không gặp được Người.
2.3. Hãy vui luôn trong Chúa
Với Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần tới đại lễ Giáng Sinh. Khắp nơi đã bừng lên bầu khí Giáng Sinh với việc trang hoàng hang đá, cây thông, đèn điện nơi thành phố cũng như thôn quê. Tất cả đều diễn tả niềm vui Giáng Sinh. Cùng với bầu khí đó, theo truyền thống, Chúa Nhật III này được gọi là Chúa Nhật của niềm vui: “Gaudete in Domino Semper – Hãy vui luôn trong Chúa.”
Tiên tri Isaia loan báo Đấng Mêsia là người được xức dầu bởi Thần Khí và được sai đi để làm chứng nhân cho niềm vui cứu độ. Nhờ việc xức dầu và sai đi này, Đấng Mêsia đến để “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61,1-2). Như thế, theo lời ngôn sứ, Đấng Mêsia là người mang niềm vui của Thiên Chúa cho nhân loại.
Như thế, những lời tiên báo của Isaia nay đã được ứng nghiệm. Đấng Mêsia mà dân Chúa đang mong đợi chính là Đức Giêsu, Người mang niềm vui và chính là niềm vui của Thiên Chúa. Thật vậy, Con Thiên Chúa làm người là Tin Mừng lớn nhất cho nhân loại. Người đến để giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Đó là niềm vui lớn lao nhất! Bởi thế, giáo phụ Irênê quả quyết: “Chúa Giêsu vừa là Tin Mừng, vừa là nội dung Tin Mừng.”
Chúng ta cần suy tư xa hơn: ơn cứu độ mà chúng ta có được không phải nhờ những thành tựu khoa học, kỹ thuật, cũng không phải do của cải vật chất, hay ý thức hệ mang lại, nhưng một cách chính yếu, là do ân sủng của Thiên Chúa ban tặng qua Đức Kitô. Thế nên, Kitô giáo căn bản là “tin mừng” hay “tin vui,” dẫu một số người như Nietzsche cho rằng Kitô giáo là sự cản trở niềm vui, bởi vì họ thấy trong đó một loạt những điều cấm chế và luật lệ. Trong thực tế, Kitô giáo là lời loan báo về chiến thắng của ân sủng trên tội lỗi, về sự sống trên sự chết. Và nếu Kitô giáo đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật của lý trí, con tim và cách hành xử, điều đó là chính đáng, bởi vì trong con người luôn có những gốc rễ ích kỷ và độc tố tội lỗi vốn làm cho chúng ta phải buồn phiền vì đánh mất niềm vui đích thực.
Như thế, Chúa Giêsu là niềm vui của nhân loại, là niềm vui của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Niềm vui đó phát xuất từ trong sâu thẳm nhất của con người, mà không có gì và không ai có thể lấy đi được. Chúng ta được mời gọi chia sẻ niềm vui này với mọi người.
Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể làm chứng cho Chúa chính là niềm vui? Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica (1 Tx 5,16-24), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong khi đón chờ Chúa đến, chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng cách sống một cuộc đời thánh thiện và xa lánh những gì xấu xa. Thánh Tông Đồ đưa ra ba việc quan trọng cần làm:
Trước hết, “anh em hãy vui luôn trong Chúa,” nghĩa là hãy trải nghiệm niềm vui, rồi mới có thể chia sẻ niềm vui.
Thứ đến, “hãy cầu nguyện không ngừng,” nghĩa là để có niềm vui thực sự, phải luôn kết hợp và sống thân tình với Chúa qua đời sống cầu nguyện.
Thứ ba, “hãy luôn có tâm tình tạ ơn trong mọi hoàn cảnh và đừng dập tắt Thần Khí,” tức là hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn.
Như thế, niềm vui là thái độ đặc trưng của người Kitô hữu. Thế nên, nói như bậc thầy tâm linh, “một vị Thánh buồn là một vị thánh đáng buồn.” Một người Kitô hữu buồn là một người không có Chúa, không có niềm vui. Vì lý do này mà Đức Giáo hoàng Phanxicô quả quyết: Vui vẻ, hài hước là 1 trong 5 biểu hiện của sự thánh thiện nơi một người.[1]
2.4. Để Chúa được giáng sinh nơi lòng mỗi người
Linh đạo Mùa Vọng đạt tới tột đỉnh trong tuần IV, nơi khuôn mặt trung tâm của sự đợi chờ, không ai khác, đó chính là Đức Maria, người Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế.
Bài Tin Mừng Luca kể: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ… Trinh nữ ấy tên là Maria ” (Lc 1,26). Thiên thần truyền tin cho trinh nữ ấy biết: cô sẽ thụ thai và sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời. Đức Maria bối rối và băn khoăn: Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng. Được thiên thần giải thích: cô mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,30-35), Đức Maria thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bằng sự đáp trả này với thiên thần, Mẹ như nói rằng: “Này con đây, con như chiếc bảng trắng, Chúa cứ viết trên đó những gì Ngài muốn.” Hay như ngày hôm nay, chúng ta có thể nói: “Con là tờ giấy trắng, Chúa hãy viết trên con những gì Chúa muốn.”
Bởi vì, ai có thể giải thích thay cho Đức Maria điều sẽ xảy ra nơi mình? Ai có thể tin rằng Đức Maria mang thai là do “quyền năng của Chúa Thánh Thần?” Điều này trước và sau chưa hề xảy ra. Khi nói về đức tin, triết gia Kierkegaard cho rằng: “Tin là dám bước đi trên một con đường mà tất cả các bảng chỉ đường hướng dẫn: hãy quay lại đằng sau, quay lại đằng sau! Tin là như một người ở trên biển rộng mà ở dưới đó có bảy mươi tầng sâu; tin là hành vi của người dám phó thác hoàn toàn trong vòng tay của Đấng Tuyệt Đối.”
Đó chính là hành vi đức tin của Đức Maria. Mẹ đã trải qua những giây phút cô đơn mà không ai có thể chia sẻ với Mẹ ngoài một mình Thiên Chúa. Đức Maria cũng biết đến “nguy cơ của đức tin!” Chấp nhận chương trình của Thiên Chúa có nghĩa là chấp nhận nguy cơ bị hiểu lầm, ném đá và giết chết (x. Đnl 22,20-21). Đối diện với một hoàn cảnh éo le như thế, Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ tin vào quyền năng của Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Mẹ đã thưa “xin vâng,” với cặp mắt đóng lại. Mẹ đã tin rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.”
Lời xin vâng của Mẹ không phải là sự đáp trả nửa vời, buồn bã, nhưng là một sự đáp trả trong phó thác, sẵn sàng, vui tươi và hạnh phúc. Bởi thế, tác giả Tin Mừng Luca cố ý diễn tả Đức Maria ở trong tình trạng của niềm vui, khát khao và kiên nhẫn chờ đợi điều sắp xảy tới. Đó là một giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Đức Maria. Tình trạng đó đã khiến Đức Maria vui sướng và cất lên lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa.” Đó là giây phút mà một thụ tạo đạt được mục đích của mình vì con người được tạo dựng cho sự tự do, niềm vui và hạnh phúc trong Thiên Chúa.
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, đức tin và mẫu gương của Mẹ là bí quyết giúp chúng ta cử hành một mùa Giáng Sinh có ý nghĩa và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng:
“Đức Maria đã thụ thai và sinh Đức Kitô nhờ đức tin trước khi Mẹ thụ thai và sinh Người trong lòng và trong thân xác mình.”
Chúng ta không thể bắt chước Đức Maria trong việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu cách thể lý; trái lại, chúng ta có thể và phải bắt chước Mẹ trong việc mang thai và sinh hạ Chúa cách thiêng liêng, cách tinh thần nhờ đức tin. Tin là “mang thai,” là làm cho Ngôi Lời nhập thể. Điều này được chính Chúa Giêsu quả quyết khi Người nói rằng: “Ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa là anh chị em và là mẹ của tôi” (x. Mc 3,33-35). Chúng ta cũng được phúc làm Mẹ của Chúa trong đức tin.
Vì thế, chúng ta hãy xem mình có thể mang thai và sinh hạ Chúa Kitô như thế nào. “Cưu mang Chúa Kitô” có nghĩa là quyết định thay đổi đời sống, thái độ, và suy nghĩ của mình theo các giá trị Tin Mừng. Sinh hạ Chúa Kitô là thực hiện những thay đổi cụ thể trong đời sống, thay đổi thói quen xấu của mình. Chẳng hạn, nếu tôi có những tương quan bất hòa, giờ đây tôi đi làm hòa; nếu tôi không đón nhận các bí tích, giờ đây tôi đến nhà thờ; nếu tôi là người thiếu kiên nhẫn trong nhà, giờ đây tôi cố gắng trở thành người biết cảm thông với người khác hơn…
Nếu trong tối hôm lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu nói: “Thầy khát khao ăn lễ Vượt Qua với anh em” thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta: “Thầy khát khao mừng lễ Giáng Sinh với anh em.” Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta làm hang đá và trang trí đèn điện để mừng lễ. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài, ăn uống, lễ hội, quà cáp, vui chơi… nhưng còn phải trang trí cả trong tâm hồn và bên trong ta nữa, để Chúa Giêsu thực sự một lần nữa, được giáng sinh trong lòng ta. Bởi lẽ, như Giáo phụ Origene xưa nói: “Sẽ có ích gì cho tôi khi Chúa Giêsu được sinh ra một lần bởi Đức Maria ở Bêlem nếu không được sinh ra nhờ đức tin trong lòng tôi?”[2]
Trong lần Giáng Sinh này, chúng ta sẽ mang gì đến cho Chúa Hài Đồng Giáng Sinh? Như thói quen khi Giáng Sinh về chúng ta tặng cho nhau nhiều món quà. Có một lời cầu nguyện của phụng vụ Chính Thống giáo gợi cho chúng ta những ý tưởng thật tuyệt vời:
“Lạy Chúa Kitô, chúng con sẽ tặng cho Chúa điều gì khi Chúa làm người vì chúng con? Mỗi thụ tạo đều dâng lên Chúa dấu chứng của lòng biết ơn: các thiên thần dâng Chúa lời ca tiếng hát, các tầng trời dâng Chúa ngàn ánh sao, Ba Vua dâng Chúa lễ vật, các mục đồng đến thờ lạy Chúa, trái đất dâng Chúa hang đá, sa mạc dâng Chúa máng cỏ. Còn chúng con, chúng con dâng cho Chúa Đức Mẹ Đồng Trinh.”
Vâng, chúng ta dâng lên cho Chúa Đức Trinh Nữ Maria là món quà quý nhất của toàn thể thụ tạo. Vì Mẹ là kiểu mẫu và bản tóm lược sống động của nền linh đạo Mùa Vọng, mùa đợi chờ Chúa đến!
Kính chúc quý Anh chị em một mùa Giáng Sinh và Năm Mới an lành, thánh đức và đầy ân phúc!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Giáng Sinh 2023
[1] Cf. ĐGH. Phanxicô (Gm. Gioan Đỗ Văn Ngân dịch) Tông huấn Hãy vui mừng và Hoan hỷ, 2018, số 122-128.
[2] Origene, Commentary on Gospel of Luce, 22,3 (SCh 87, 302).
#linhdaomuachodoi #linhdao #muachodoi