BLAISE PASCAL, MỘT TÂM HỒN CAO QUÝ
WGPMT (19.06.2023) – “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết”. Thuở còn trẻ, đọc câu này của Pascal, tôi chỉ nghĩ đến tình cảm nam nữ có những rung động mà lý trí không kiểm soát được. Sau này mới biết phải đặt câu nói nổi tiếng này trong bối cảnh suy tư tôn giáo của ông. Chỉ dùng lý trí để suy tư về Thiên Chúa thì giỏi lắm cũng chỉ đạt tới vị “Thiên Chúa của các triết gia và các nhà thông thái” mà thôi, chứ không phải là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Thiên Chúa của các triết gia và các nhà thông thái chỉ là những ý tưởng trừu tượng, Deus ex machina, chứ không phải là Thiên Chúa của các Tổ phụ, Thiên Chúa sống động, dấn mình vào trong lịch sử nhân loại để yêu thương, bảo vệ, nâng đỡ.
Đây không chỉ là suy tư trừu tượng nhưng với Pascal, đó còn là kinh nghiệm thần bí được sánh với kinh nghiệm của Môsê trong trình thuật Bụi gai bốc lửa (x. Xh 3,1-6). Trong Tông thư Sự cao cả và nỗi khốn cùng của con người, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới kinh nghiệm thần bí này: “Vào ngày 23.11.1654, Pascal đã có một trải nghiệm rất mạnh mẽ mà cho đến nay người ta vẫn gọi đó là “Đêm lửa” của ông. Trải nghiệm thần bí này khiến ông rơi nước mắt vì sung sướng, mãnh liệt và dứt khoát đến nỗi ông đã viết về nó trên một mảnh giấy có ghi ngày tháng chính xác, tựa đề là “Tưởng niệm”, rồi nhét vào trong lớp lót áo khoác của mình, và chỉ được phát hiện sau khi ông qua đời. Mặc dù không thể biết chính xác bản chất của những gì đã diễn ra trong tâm hồn Pascal đêm hôm đó, nhưng dường như đó là một cuộc gặp gỡ mà chính ông thừa nhận như có sự tương đồng với cuộc gặp gỡ, nền tảng cho toàn bộ lịch sử mặc khải và cứu độ, mà Môsê đã trải nghiệm trước bụi gai rực lửa (x. Xh 3)”.
Trải nghiệm ấy phản ánh nơi Pascal một trái tim không ngủ yên, một tâm hồn khắc khoải kiếm tìm chân lý như thánh Augustinô diễn tả: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Ai dám nói Pascal là con người thiếu suy tư của lý trí? Ngay từ nhỏ, Pascal đã nổi tiếng thông minh xuất chúng. Năm 17 tuổi, Pascal đã gặp gỡ và bàn luận với những người uyên bác nhất thời ấy và đã công bố những khám phá và ấn phẩm nối tiếp nhau. Năm 1642, ở tuổi 19, ông đã phát minh ra máy tính số học, tiền thân của máy tính hiện đại của chúng ta.
Thế nhưng Pascal cũng nhận ra những giới hạn của lý trí. Lý trí của con người đúng là một kỳ công của tạo hóa, phân biệt con người với mọi sinh vật khác, và Pascal đã diễn tả bằng câu nói nổi tiếng: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng lại là một cây sậy biết tư duy”. “Nhưng lý trí, tự nó, không thể giải quyết những vấn đề cao cả nhất và cấp bách nhất. Cuối cùng, đối với thời của Pascal cũng như thời nay, câu hỏi lớn nhất và cấp bách nhất vẫn là gì? Đó là ý nghĩa bao trùm vận mệnh, cuộc đời, và niềm hy vọng của chúng ta, hướng đến một hạnh phúc mà chúng ta được phép nghĩ như là vĩnh cửu, nhưng là hạnh phúc mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng” (Ibid). Và Pascal khắc khoải tìm kiếm.
Niềm khắc khoải của ông là lời nhắc nhở cho con người ngày nay, bị quá nhiều thú tiêu khiển bên ngoài lôi kéo, hoặc cố tình lao vào những thú tiêu khiển ấy để quên đi những gì là cốt lõi: “Vậy thì nỗi khao khát và cảm giác bất lực này là gì đối với chúng ta, nếu không phải là con người đã từng được hưởng một hạnh phúc thực sự, mà giờ đây chỉ còn lại một dấu vết trống rỗng mà họ cố gắng một cách vô ích để lấp đầy bằng mọi thứ xung quanh, tìm kiếm những thứ họ thiếu, những thứ họ không thể đạt được từ những thứ họ có. Tuy nhiên, không thứ gì trong số này có thể thỏa mãn được, vì vực thẳm vô tận này chỉ có thể được lấp đầy bởi một đối tượng vô tận và bất biến, đó là chính Thiên Chúa”.
Pascal, một con người mà đã hơn 350 năm rồi, tác phẩm Suy Tưởng (Pensées) của ông vẫn còn là quyển sách gối đầu giường của nhiều người. Pascal, một con người đã chào đời cách nay 4 thế kỷ, vậy mà có vị Giáo hoàng viết cả một Tông thư để tưởng nhớ ông. Ấy hẳn là con người vĩ đại, một tâm hồn cao quý và rất đáng trân trọng.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net