THÁNG THÁNH TÂM
WGPMT (12.06.2023) – Một trong những việc đạo đức bình dân quen thuộc với các tín hữu Công giáo Việt Nam là lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Rất nhiều nhà thờ ở Việt Nam có danh hiệu và Bổn mạng là Thánh Tâm, hình Thánh Tâm Chúa được trưng bày trong nhiều gia đình Công giáo, và hiện nay Gia đình phạt tạ Thánh Tâm vẫn là một trong những hội đoàn hoạt động mạnh mẽ trong lòng Giáo hội.
Lòng tôn sùng Thánh Tâm là việc đạo đức có nền tảng thần học và Kinh Thánh vững chắc chứ không phải là việc đạo đức nặng tình cảm và quá ủy mị như một số người lầm tưởng. Thông điệp Haurietis aquas của Đức Piô XII cho thấy đâu là nền tảng thần học của lòng tôn sùng Thánh Tâm: “Thông điệp khai triển một nhân học và thần học về sự hiện hữu xác thể, được coi là nền tảng tâm lý học và triết học của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thân xác không phải là cái gì ở bên ngoài tinh thần nhưng là sự tự diễn tả của tinh thần, là ‘hình ảnh’ của tinh thần. Những yếu tố tạo nên đời sống thể lý cũng là những yếu tố của nhân vị. Con người thể hiện nhân tính của mình nơi thân xác, do đó thân xác là sự thể hiện của con người; nơi thân xác, chúng ta nhận ra sự hiện diện vô hình của tinh thần. Vì thân xác là sự thể hiện hữu hình của con người, và con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên thân xác – trong toàn bộ những tương quan của nó, chính là nơi cái thần linh được bày tỏ, phát biểu, và chúng ta có thể chiêm ngắm. Cũng vì thế, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa bằng những hình ảnh về thân xác và thế giới của nó” (Joseph Ratzinger, Behold the Pierce One, Ignatius Press, 51-52). Đỉnh cao của mầu nhiệm này là Thánh Tâm Chúa Giêsu, Trái tim của Đấng Thiên-Chúa-làm-người-và-ở-cùng-chúng-ta, Trái tim bày tỏ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người.
Kinh Thánh Cựu Ước nói đến Trái tim Thiên Chúa 26 lần. Trái tim được coi như nơi diễn tả ý muốn của Chúa và con người bị xét xử dựa vào ý muốn đó của Thiên Chúa. Kinh Thánh sử dụng ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ như nhân để diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa: Trái tim Chúa buồn rầu (x. St 6,6) vì tội lỗi nhân loại nên Người quyết định cho lụt hồng thủy đến tàn phá. Rồi vì thấy rõ sự yếu đuối của con người nên Thiên Chúa tự nhủ: “Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (St 8,21). Cùng một hướng đi, tiên tri Hôsê diễn tả bằng hình ảnh thật sống động: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu thương nó, từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi…” (11,1-2). Vì Israel không chịu về với Chúa nên “gươm đao sẽ hoành hành trong các thành của nó, sẽ làm cỏ và ngốn sạch con cái nó, vì chúng có những ý đồ xấu xa” (11,6). Thế nhưng tấm lòng của Thiên Chúa đã không nương theo cơn giận dữ ấy: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi! Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận” (11,8).
Tình yêu và lòng thương xót ấy được bày tỏ trọn vẹn nơi Trái tim Chúa Giêsu, Trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu (x. Ga 18,34) bày tỏ “tình yêu đến cùng” (Ga 13,1), tình yêu lớn nhất vì là “tình yêu hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Tôn sùng Thánh Tâm Chúa là thực hành linh đạo tình yêu. Linh đạo tình yêu ấy dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và trút gánh âu lo cho Chúa như lời Người kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho”. Linh đạo tình yêu cũng mời gọi chúng ta hãy học với Chúa là Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28-30) để có thể góp phần vun đắp nền văn minh tình thương trong một thời đại quá nhiều gian dối và bạo lực.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái tim Chúa.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net