NGÀI VẪN Ở ĐÓ…
WGPMT (05.06.2023) – “Chúng tôi vào nhà thờ ít lâu, và khi chúng tôi đứng đó trong tĩnh lặng, có một phụ nữ bước vào với giỏ đi chợ trên tay rồi quỳ xuống ở một hàng ghế cầu nguyện. Đó là điều hoàn toàn mới mẻ với tôi. Trong hội đường Do Thái cũng như trong các nhà thờ Tin Lành mà tôi đã đến thăm, người ta chỉ đến nhà thờ vào giờ làm việc thờ phượng. Nhưng ở đây có người đến nhà thờ lúc nhà thờ vắng người và trong giờ làm việc như thể đến để nói chuyện với một người bạn. Tôi không bao giờ quên cảm nghĩ đó”.
Những dòng trên đây là cảm nhận của Thánh nữ Teresa Beneđicta Thánh Giá, quen được biết đến với tên gọi Edith Stein. Ngài sinh ra tại Breslau, Đức quốc, là con út trong một gia đình Do Thái có 11 người con. Người cha trong gia đình qua đời khi Edith Stein mới lên 2 tuổi. Dù sinh ra trong một gia đình Do Thái có bà mẹ rất đạo đức, năm 14 tuổi, Edith Stein quyết định không giữ đạo, không bận tâm đến chuyện tôn giáo nữa. Năm 20 tuổi, cô ghi danh học Tâm lý học ở đại học Breslau và quyết định theo Edmund Husserl nghiên cứu Hiện tượng luận, sau này được coi là nữ triết gia sáng giá.
Rồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Edith Stein xung phong làm việc trong bệnh viện, ở đó bắt đầu chứng kiến những đau khổ và sự chết, đặc biệt là năm 1917, cô mất đi một người vừa là bạn vừa là người hướng dẫn, Adolf Reinach. Cuộc sống với những khổ đau và mất mát đặt cho Edith Stein nhiều câu hỏi ở chiều sâu. Năm 1921, sau khi đọc tác phẩm Tự thuật của Thánh Teresa Avila, Edith Stein quyết định theo Công giáo năm 1922, vào dòng Carmel với danh hiệu Teresa Benedicta Thánh Giá. Vì là người Do Thái, ngài đã bị bắt và đưa vào trại tập trung Auschwitz và bị giết trong phòng hơi ngạt. Ngày 11/10/1998, Ngài được Thánh Gioan Phaolô II tuyên thánh, gọi ngài là “người con kiệt xuất của Israel và người con trung tín của Hội Thánh”.
Những dòng cảm nhận trên được Edith Stein viết ra trong một chuyến thăm Nhà thờ chính tòa Frankfurt, trong khoảng thời gian đang thao thức đi tìm chân lý. Người phụ nữ Công giáo trên đường đi chợ đã ghé vào nhà thờ viếng Chúa, có lẽ bà không ngờ việc ghé vào nhà thờ viếng Chúa của bà lại làm cho một trí thức vô thần thắc mắc và khơi lên trong lòng họ những câu hỏi về niềm tin tôn giáo: Tại sao lại vào nhà thờ khi không phải là giờ lễ? Ai ở đó để người phụ nữ kia ghé thăm và trò chuyện? Người phụ nữ bình dân kia không thể ngờ là việc viếng Chúa của bà đã trở thành lời giới thiệu và làm chứng về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không chỉ thể hiện qua việc đến nhà thờ dâng lễ hoặc rước kiệu Thánh Thể cách long trọng, nhưng còn bằng những thói quen đạo đức như viếng Chúa, chầu Thánh Thể, kể cả bằng những thái độ, cử chỉ của chúng ta khi đến nhà thờ. Trong quyển sách của một nhà thần học Á châu, tác giả nhắc lại trình thuật Môsê gặp Chúa nơi bụi gai bốc lửa, và tiếng Chúa phán “Hãy cởi dép ra, quỳ gối xuống”. Từ đó tác giả so sánh thái độ của người Công giáo với Hồi giáo khi đến nhà thờ và đền thờ. Một bên rất cung kính: Cởi giày dép, quỳ sát đất; một bên lại thoải mái: Giày dép đầy đủ, ngồi bắt chân chữ ngũ… Chúng ta không quá cực đoan nhưng có thể có những cách hành xử, thái độ, cử chỉ của chúng ta vô tình làm mất đi cảm thức thánh thiêng nơi người khác, chẳng hạn biến cung thánh thành nơi trình diễn ca nhạc và nhảy múa, rồi sau đó làm lễ; biến nhà thờ thành nơi sinh hoạt; ăn mặc quá thoải mái khi đi lễ… Âu cũng là dịp để ý thức lại.
“Hội Thánh và trần gian rất cần sự tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong Bí tích tình yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm tràn đầy đức tin và sẵn sàng đền tạ những tội lỗi và tội ác nặng nề của trần gian. Chúng ta hãy không ngừng tôn thờ Thánh Thể” (Thánh Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 3).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net