5 CÁCH ĐỂ NHẬN RA THIÊN CHÚA ĐANG HÀNH ĐỘNG TRONG CUỘC ĐỜI CHÚNG TA
WHĐ (16.05.2023) – Đã có bao giờ bạn liên lỉ cầu nguyện mà không có kết quả rõ ràng chưa? Đã có bao giờ bạn tha thiết cầu nguyện và cảm thấy như lời cầu nguyện của mình rơi vào khoảng không vô tận và vô nghĩa chưa? Đã có bao giờ bạn thành tâm cầu nguyện về một điều gì đó và thấy thực tế lại như càng tệ hơn chưa?
Trong những lúc như thế, đã có bao giờ bạn bạn đặt câu hỏi: Liệu lời cầu nguyện có tạo nên sự khác biệt không? Liệu Thiên Chúa có đang lắng nghe không? Và, bạn bỏ cuộc, ngừng cầu nguyện, vì cho rằng mình đang làm một điều vô ích?
Tôi phải thừa nhận rằng, tôi đã hơn một lần làm như thế. Và rồi, trong những năm qua, tôi đã học được một bài học quan trọng: Từ bỏ việc cầu nguyện vì nghĩ rằng Thiên Chúa không nghe thấy mình là một sai lầm lớn!
Dưới đây là 5 cách có thể giúp chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không chỉ nghe lời cầu nguyện, mà còn luôn luôn đáp lại lời mà chúng ta cầu xin.
- Lời cầu nguyện củabạn được nhận lời
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng có thể dễ dàng bị bỏ qua. Cá nhân tôi đã chứng kiến những câu trả lời kỳ diệu cho lời cầu nguyện mà không thể phủ nhận. Khi 2 đứa con gái sinh đôi của chúng tôi chào đời vào năm 1997 (mặc dù chỉ có 10% cơ hội sống sót), không thể phủ nhận rằng Thiên Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của chúng tôi và can thiệp một cách kỳ diệu.
Mặt khác, tôi cũng nhận ra rằng, Thiên Chúa thường đáp lại những lời cầu nguyện của tôi theo những cách tinh vi hơn. Có thể, tôi không nhận được công việc mơ ước mà tôi đã cầu xin, nhưng tôi đã được mời làm một công việc khác giúp tôi có thể thanh toán các hóa đơn của mình. Do đó, thay vì bực bội, chúng ta có thể chọn cảm ơn Chúa đã chu cấp cho những nhu cầu của bạn. Chắc chắn, câu trả lời khó nhất trong tất cả các câu trả lời là khi Thiên Chúa nói “không”. Tuy nhiên, đó vẫn là một câu trả lời.
- Bạn thấy những dấu hiệutích cực.
Mặc dù đôi khi Thiên Chúa can thiệp bằng những phép lạ mạnh mẽ và tức thời, nhưng nói chung, Thiên Chúa thường đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta từ từ, do đó, chúng ta khó nhận ra những dấu chỉ rất nhỏ của việc Ngài đang hành động.
Chúng ta có thể cảm nhận điều này trong câu chuyện của ngôn sứ Êlia (x 1V 17). Một trận hạn hán lớn đang diễn ra được ba năm, Thiên Chúa phán với vị ngôn sứ rằng hạn hán sẽ sớm chấm dứt. Cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối, Êlia cầu nguyện xin cho lời Chúa phán được ứng nghiệm. Với niềm tin chắc chắn, sau đó Êlia nói với người đầy tớ “Con đi lên và nhìn về phía biển” (1V 18, 43). Sau khi người đầy tớ cho biết rằng mình không thấy gì cả, Êlia liền bảo “Hãy trở lại bảy lần”. Cuối cùng, người đầy tớ quan sát thấy “một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên” (1V 18, 44). Nghe nói thế, Êlia sai đầy tớ đi báo tin cho vua Akháp biết rằng hạn hán đã qua. Ngay sau đó, cơn mưa lớn kéo đến.
Có những lúc, cảm thấy dường như Thiên Chúa không đáp lời mình cầu xin, chúng ta hãy tìm kiếm “những đám mây nhỏ” trong cuộc đời mình. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá những dấu chỉ rất nhỏ cho thấy rằng những lời cầu nguyện của chúng ta đang được lắng nghe. Các dấu chỉ vẫn luôn có đó, chúng ta chỉ cần nhận ra chúng.
- Bạn thấy những dấu hiệu tiêu cực.
Một cách khác để nhận ra rằng Thiên Chúa đang đáp lại lời cầu nguyện đó là tìm kiếm những thay đổi tiêu cực!
Khi chúng ta cầu nguyện cho một điều gì đó, và rồi mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn, đó chắc chắn có thể là một dấu cho thấy Thiên Chúa đang hành động trong cuộc đời của chúng ta. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây là một sự thật!
Trong Xh 3, 7, chúng ta được biết rằng Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng kêu cứu của dân Israel đang làm nô lệ tại Ai Cập. Thiên Chúa tiếp tục phán rằng “Ngài đã xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 8).
Điều này xem ra có vẻ đơn giản, khi dân chúng kêu cầu, và Thiên Chúa ra tay giải quyết vấn đề. Nhưng trong thực tế, diễn tiến không theo một chiều như vậy!
Thực ra, dù Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ, nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, trước khi chúng trở nên tốt đẹp hơn. Khi lần đầu tiên làm theo lời Thiên Chúa, Môise và Aarôn đến gặp Pharaôn để xin thả cho dân đi, để thờ phượng Chúa trong sa mạc. Phản ứng trước hết của Pharaôn là hạn chế rơm được trao cho người dân để xây gạch. Điều này có nghĩa là, ngoài việc buộc phải sản xuất cùng một số lượng gạch mỗi ngày, giờ đây dân Israel còn phải tự mình đi lượm rơm mà làm! Đây có phải là một ví dụ về sức mạnh của lời cầu nguyện chăng? Mặc dù phải mất 40 năm và sau rất nhiều đau khổ, Môise từng vấp ngã và phàn nàn, nhưng ông không bao giờ ngừng cầu nguyện và vâng phục, cuối cùng, lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện và những người nô lệ đã được tự do.
- Không có gì thay đổi.
Thiên Chúa cũng có thể đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta bằng cách không thay đổi điều gì — ít nhất là ở bên ngoài.
Một cách thường bị bỏ qua để xác định rằng Thiên Chúa đang nghe và đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta đó là, trước khi bất cứ điều gì cụ thể xảy ra, chúng ta cảm nhận một cảm giác hy vọng mà không thể giải thích được. Không phải là tình cờ, niềm hy vọng mà bạn cảm thấy thường là kết quả đầu tiên của lời cầu nguyện.
Thánh vịnh 13 đưa ra một ví dụ cụ thể về khái niệm này. Đavít mở đầu bài Thánh vịnh này và kêu lên: “Lạy CHÚA, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ vẫn còn ngoảnh mặt làm ngơ?” Đavít lặp đi lặp lại câu chất vấn với Thiên Chúa “mãi tới bao giờ”. Rõ ràng là Đavít cần sự trợ giúp của Thiên Chúa và cần ngay bây giờ!
Sau khi than thở với Thiên Chúa bằng những vấn đề nan giải của mình, Đavít tiếp tục kêu cầu “xin đoái nhìn và thương đáp lại”. Và, dựa theo sự thay đổi trong giọng văn, cho thấy rằng, thay vì chỉ lo lắng và cảm thấy tuyệt vọng trước mối nguy hiểm thực sự vây quanh mình, Đavít đã kêu cầu Chúa và mong đợi lời cầu nguyện của mình được chấp nhận. Kết quả là Đavít nhận được một niềm hy vọng rất cần thiết. Dù mối đe dọa vẫn còn, ông vẫn có thể vui mừng vì đã có lại được niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Khi tiếp tục cầu nguyện cho một ý muốn “chưa được đáp ứng”, chúng ta hãy tìm kiếm cảm giác bình yên hoặc hy vọng nội tâm. Điều này có thể mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục tiến về phía trước mặc dù vấn đề khó khăn của chúng ta vẫn còn đó.
- Hãymở Kinh Thánh ra!
Tuy nhiên, có một kinh nghiệm thực tế đó là, mặc dù thấy mình đã cầu nguyện sốt sáng, tha thiết nhưng chúng ta không thấy bất kỳ thay đổi nào hoặc không cảm thấy thêm chút hy vọng nào. Vậy thì chúng ta phải làm sao?
Chắc chắn một điều, không có cách nào ngăn cản Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài luôn nghe chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện. Qua những lời Thiên Chúa phán với ngôn sứ Giêrêmia cho chúng ta xác tín vào điều này: “Các ngươi kêu cầu Ta, các ngươi đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhận lời các ngươi”. (Gr 29, 12)
Vấn đề ở đây là nghe và phản hồi là hai việc khác nhau. Ngay cả khi Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta, làm sao chúng ta biết là Ngài đang đáp lời?
Câu trả lời đó là: Mặc dù đúng là chúng ta có thể không đạt được điều chúng ta muốn, lúc chúng ta muốn, nhưng chúng ta sẽ luôn nhận được câu trả lời khi cầu nguyện, vì chính Thiên Chúa đã hứa như vậy!
Thiên Chúa nghe chúng ta cầu nguyện
Đừng để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc sự thiếu đáp ứng rõ ràng đối với những lời cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, Thiên Chúa nghe và Ngài sẽ trả lời theo một cách nào đó khi đúng thời điểm. Việc học cách nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta cần có thời gian và thực hành. Đừng bỏ cuộc. Hãy tiếp tục cầu nguyện với niềm hy vọng. Chúng ta sẽ không phải thất vọng đâu!
Khi Thiên Chúa nói ‘không’
Khi thân phụ của tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi và ung thư xương vào năm 2002, tôi đã cầu nguyện xin cho ông được chữa lành. Nhưng cha tôi qua đời vì một cơn đau tim một tháng sau đó, và tôi hết sức ngỡ ngàng.
Mặc dù biết rằng ung thư là căn bệnh rất đáng sợ, nhưng tôi tin rằng Thiên Chúa có thể chữa lành một cách kỳ diệu, hoặc ít là cho chúng tôi có một thời gian bên cạnh hơn bố hơn. Khi ngồi trong phòng cấp cứu với mẹ và chị tôi đang lo xử lý những gì vừa xảy ra, tôi nhận ra rằng lời đáp “không” của Thiên Chúa thực sự lại là sự nhận lời cho lời cầu nguyện của chúng tôi: Cha tôi qua đời rất nhanh và không đau đớn gì khi đang ngồi trên chiếc ghế ông yêu thích và tận hưởng cuộc viếng thăm của một số người bạn thân. Cái chết của ông thật thanh thản và căn bệnh ung thư không còn là mối đe dọa nữa. Cha tôi không còn đau đớn nữa.
Từ đó, tôi đã học được rằng, cho dù vẫn còn đó những hoài nghi, lấn cấn, nhưng tôi vẫn quyết định tin tưởng vào Thiên Chúa.
***
Có lẽ, ai trong chúng ta cũng có những trải nghiệm về việc cầu nguyện và kết quả của lời cầu nguyện của mình: có khi đúng ý, có khi không, và cũng có khi, dường như chẳng có tín hiệu gì!
Ước mong, trên hành trình đức tin, dù có thế nào, tận trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm được rằng: Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và nâng đỡ chúng ta. Ngài luôn có đó, để lắng nghe, và đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta.
Nhưng, xin cho chúng ta cũng khiêm tốn để vững tin rằng: Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta (x. Is 55, 8), và trên tất cả, Ngài biết rõ điều gì là tốt nhất cho chúng ta.
Gary Zimak
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicdigest.com