HY TẾ: MỘT TỪ HOÀN TOÀN LIÊN KẾT VỚI THÁNH THỂ
WHĐ (22.3.2023) – Một trong những cách diễn tả được trích dẫn nhiều nhất về Bí tích Thánh Thể là trích từ Hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, trong đó gọi Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Kitô hữu.
Nhưng điều đôi khi bị bỏ qua là bối cảnh cụ thể của lời tuyên xưng ấy – đó là hy tế. “Khi tham dự hy tế Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” mạch văn diễn tả tiếp, các tín hữu “dâng lên Thiên Chúa Tế vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy” (LG số 11).
Bản chất hy tế nội tại của Bí tích Thánh Thể cũng được củng cố ngay từ câu đầu tiên của sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về Bí tích Thánh Thể, trong đó nói rằng chúng ta “nhờ bí tích Thánh Thể được tham dự vào chính hy tế của Chúa cùng với toàn thể cộng đoàn” (GLCG số 1322).
Tóm lại, hy tế là tâm điểm của Thánh Thể, nguồn sống của chúng ta. “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
Nhưng liệu điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Khi kết thúc thánh lễ, chúng ta thường nghe lời cầu chúc quen thuộc này “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, và lấy đời sống làm sáng danh Chúa” (theo sách lễ Tiếng Anh). Đối với tôi, dường như lời cầu chúc này chứa đựng một kế hoạch chi tiết về cách sống Thánh Thể, và do đó, sống hy tế. Chúng ta được mời gọi làm vinh danh Chúa qua việc hiến dâng đời sống của mình như Đức Kitô đã làm. Một cách cụ thể, đó là sống như Thánh Phaolô đã hướng dẫn các Kitô hữu giáo đoàn Roma: “Hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12, 1). Cũng vậy, mỗi chúng ta được mời gọi sống hy tế theo gương Đức Kitô. Nhưng bằng cách nào?
Rõ ràng là, chẳng ai trong chúng ta là không có gánh nặng thập giá trong cuộc đời của mình. Ở một khía cạnh nào đó, mỗi chúng ta đều biết thế nào là đau khổ và vị tha. Nhưng việc chúng ta sống những thực tại này như thế nào sẽ xác định tư cách môn đệ của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Hãy vác thập giá của mình mà theo Người. Đồng thời, Người cũng nhắc chúng ta hãy hy sinh mạng sống của mình cho người khác.
Khi chúng ta hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa và người khác – được kết hợp với Thánh Thể theo khuôn mẫu hy tế của Đức Kitô – thì những chiến đấu, lo lắng, sợ hãi, khó khăn, đau đớn và khổ sở của chúng ta đều được biến đổi và có được ý nghĩa và mục đích của chúng. Ngoài ra, hy tế của Chúa Giêsu bắt nguồn từ tình yêu dành cho người khác: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).
Trong hy tế Thánh Thể, nơi chúng ta gặp gỡ và lãnh nhận Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được làm cho phù hợp với lối sống duy nhất đáng được sống, và lãnh nhận ân sủng cần thiết để duy trì những nỗ lực để sống lối sống ấy. Bí tích Thánh Thể chỉ cho chúng ta biết cách để hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô, và kín múc từ nguồn mạch sự sống phương thế để đạt tới sự sống đời đời.
Trong Thánh lễ, chúng ta được tháp nhập vào hy tế của Chúa Giêsu, Đấng đã chết để giải thoát chúng ta. Chúng ta cũng hiến trao mạng sống như Người đã làm. Bánh và rượu được biến đổi để trở thành Mình và Máu Đức Kitô, thì cuộc sống và những hy sinh của chúng ta cũng vậy, trở nên một điều gì đó tốt lành và mang lại sự sống.
Như cố Hồng Y Francis E. George, O.M.I. đã từng nói: “Sự tự do mà Đức Kitô ban cho chúng ta cùng với chính Người trong Thánh Thể không chỉ là tự do để hành động, mà còn là sự tự do để hiến thân hoàn toàn, thậm chí đến mức hy sinh chính mình, như Chúa Kitô đã tự hiến cho đến nỗi chết trên thập giá”.
Giống như Chúa Giêsu, nếu chúng ta đón nhận và trung thành vác thập giá của mình, có nghĩa là, chúng ta để cho Thánh Thể mặc khải điều gì là tâm điểm và mục đích của cuộc đời chúng ta, thì thập giá sẽ không mang lại gì khác ngoài những điều tốt lành.
Bằng việc tự hiến cùng với Đức Kitô, chúng ta có thể thông chuyển những ân sủng và phúc lành dồi dào của Người cho những ai đang tìm kiếm sự hoán cải, nên thánh, và tình bằng hữu với Thiên Chúa.
Và thực, Thánh Thể sẽ chỉ cho chúng ta biết làm thế nào, qua việc hy sinh mạng sống của mình – kết hợp với hy tế của Đức Kitô, chúng ta có thể mang sự sống của Thiên Chúa cho chính mình và người khác.
Michael R. Heinlein
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (15. 3. 2023)