HÃY ĐỂ THIÊN CHÚA THANH LUYỆN ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA TRONG MÙA CHAY NÀY
WHĐ (21.3.2023) – Tôi nhớ Kinh Tin mà chúng tôi đọc thuộc lòng trong lớp Giáo lý, được bắt đầu bằng việc tuyên xưng đức tin vào Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm Người, rồi kết thúc bằng câu này:
“Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền sự ấy chẳng có lẽ nào sai được”.
Lời cuối cùng này ngụ ý rằng động cơ đức tin của chúng ta phải không ngừng được làm sáng tỏ và thanh luyện, nghĩa là, tại sao chúng ta tin những gì chúng ta tin. Chúng ta không tin vì chúng ta hiểu thấu đáo lời của Chúa hoặc vì những gì chúng ta có thể nhận được khi tin. Chúng ta không tin vì điều đó dễ dàng, thuận tiện, hợp sở thích, hoặc hợp thời. Trái lại, chúng ta tin và hành động theo lời của Chúa vì Ngài mặc khải chân lý cho chúng ta một cách nhưng không, và Ngài là Đấng “không thể lừa dối và cũng không thể bị lừa dối”. Đây là động cơ đích thực và trưởng thành của đức tin Kitô giáo.
Chúng ta hãy suy gẫm về đức tin của tổ phụ Abraham, người cha trong đức tin của chúng ta. Hãy tưởng tượng cú sốc và tình thế tiến thoái lưỡng nan của Abraham khi Thiên Chúa yêu cầu ông đem con trai duy nhất của mình là Isaac làm của lễ toàn thiêu trên núi Moriah. Chắc chắn lúc đó Abraham không hiểu tại sao Thiên Chúa lại đưa ra mệnh lệnh này. Isaac không chỉ là người con duy nhất mà ông mong mỏi bấy lâu nay, mà còn là người con của lời hứa mà Thiên Chúa dành cho ông. Mất đi người con một này cũng có nghĩa là Abraham sẽ mất tất cả những gì ông có, và tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa với ông.
Abraham chỉ hiểu được tại sao Thiên Chúa truyền lệnh cho ông làm một việc như vậy chỉ sau khi ông đã vâng theo lời Chúa cho đến cùng. Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn kế hoạch của Ngài vào phút cuối khi Abraham chuẩn bị sát tế đứa con trai duy nhất của mình: “Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch” (St 22, 17).
Bây giờ chúng ta hãy hình dung niềm vui lớn lao tràn ngập tâm hồn Abraham khi biết rằng Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho ông bằng việc đặt ông làm tổ phụ của nhiều dòng dõi chiến thắng. Tất cả những điều này là vì Abraham, cho dù tâm can nặng trĩu, nhưng vẫn vâng theo mệnh lệnh Thiên Chúa trong đức tin, từng bước một cho đến cùng.
Câu chuyện của tổ phụ Abraham cho chúng ta thấy rằng càng vâng lời Thiên Chúa trong đức tin, chúng ta càng thực sự bắt đầu hiểu đường lối của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và để Ngài làm cho chúng ta có được niềm vui đích thực. Chúng ta vui mừng vì nhận ra rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ lừa dối chúng ta trong lời nói cũng như trong lời hứa của Ngài dành cho chúng ta.
Chúa Giêsu đem ba môn đệ “đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao” (Mc 9, 2). Rõ ràng là các ông không biết tại sao Chúa Giêsu lại tách mình ra khỏi các môn đệ khác. Lúc đó các ông không biết tại sao mình lại được dẫn lên một ngọn núi cao. Các ông đã theo Chúa Giêsu với một đức tin yếu ớt và sợ hãi, từng bước một, cho đến tận đỉnh núi, nơi Chúa Giêsu “biến đổi hình dạng trước mắt các ông”.
Chỉ khi ở trên đỉnh núi các ông mới hiểu được lý do tại sao. Trong ánh sáng của Đức Kitô biến hình, các ông nhận ra rằng Người đưa họ lên đỉnh núi này là để cho họ thoáng thấy vinh quang mà Người che giấu bên trong nhân tính của Người. Chúa Giêsu đưa các ông đến đó để các ông trực tiếp nghe được tiếng của Chúa Cha. Chúa Giêsu đưa các ông đến đó để thêm sức cho các ông khi phải đối diện với cớ vấp phạm của thập giá tại Giêrusalem. Cuối cùng, Chúa Giêsu đưa các ông đến đó để làm cho các ông thấm nhuần niềm vui khi được ở cùng với Người, vốn là điều sẽ vượt thắng bất kỳ nỗi sợ hãi nào đối với đau khổ, “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá!”
Tất cả những gì chúng ta thực hành trong Mùa Chay – cầu nguyện, ăn chay, bố thí – là để đào sâu và đổi mới đức tin mà chúng ta lãnh nhận qua Phép Rửa. Đức tin của chúng ta không thể đơn thuần là một đức tin chỉ cầu xin những điều từ Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta phải trưởng thành đến độ chúng ta tuân theo lời Thiên Chúa nói với chúng ta cho đến cùng, bất kể những hậu quả, những đòi hỏi, những hệ lụy, những hy sinh hoặc những phiền phức kèm theo. Chúng ta chỉ có thể đạt đến sự trưởng thành này trong đức tin khi chúng ta để cho Thiên Chúa thanh luyện động cơ tin vào lời Ngài của chúng ta.
Tác giả Thánh vịnh cất lên rằng: “’Tôi đã tin cả khi mình đã nói: “Ôi nhục nhã ê chề!”; ‘Ðối với CHÚA thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người’” Điều đắt giá đối với Thiên Chúa chắc hẳn không phải là cái chết tự nhiên của chúng ta. Điều làm Thiên Chúa hài lòng là sự trung hiếu không ngơi của chúng ta đối với Ngài và lời của Ngài, ngay cả khi chúng ta phải đối diện với cái chết. Nếu đức tin của chúng ta không ngừng được thanh luyện, thì những nỗi ưu phiền trong cuộc sống chẳng thể dập tắt được niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa và lời của Ngài.
Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như mình không hiểu những gì Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc sống, trong gia đình, trong Giáo hội và trong thế giới. Mọi thứ dường như vượt ra khỏi tầm kiểm soát và có vẻ như chúng ta đang mất tất cả—sự bình an, sức khỏe, hy vọng, thành công, sức mạnh, mối tương quan, niềm vui, và thậm chí cả linh hồn của chúng ta. Khi đối diện với những điều chẳng thể hiểu được, chúng ta không ngừng tra vấn: “Tại sao? Tai sao Thiên Chúa lại cho xảy ra?” Chúng ta không nhận ra rằng đó là những lúc Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm sáng rõ động cơ tin vào Ngài và để Ngài thanh tẩy những động cơ này bằng “ân sủng và sự thật” của Ngài (Ga 1, 17).
Hãy để phản ứng của chúng ta bắt nguồn từ đức tin vào những gì Thiên Chúa đã dành cho chúng ta trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta vững tin vì “Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32). Thiên Chúa sẽ không ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn; nhưng trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để vâng theo lời Ngài trong đức tin, từng bước một, cho đến cùng và bước vào vương quốc hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài.
Trong biến cố Chúa Giêsu Biến hình, Chúa Cha đã phán: “Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người“. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu không ngừng nói với chúng ta “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Thánh Phaolô cũng nhắc nhớ chúng ta rằng “Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8, 34). Chúa Giêsu đang chuyển cầu cho chúng ta có được đức tin trưởng thành của Mẹ Người là Đức Maria, đấng được chúc phúc vì đã “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. (Lc 11, 28) Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta chung phần niềm vui mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 49).
Bí tích Thánh Thể là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô Biến Hình, Đấng duy nhất có thể thanh luyện động cơ đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu yêu thích đức tin của chúng ta dành cho Người trong Thánh Thể; nhưng điều Người không muốn chúng ta đó là một đức tin yếu ớt đối với Người và lời của Người. Chúng ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ hiểu được những kế hoạch mầu nhiệm của Người dành cho cuộc đời của chúng ta. Nhưng chúng ta biết rằng, Đấng đã từng mặc khải cho các môn đệ một cái nhìn thoáng qua về vinh quang vĩnh cửu của Người, thì chắc chắn Người sẽ ban một đức tin thuần khiết mà chúng ta cần để trung thành bước đi với các chân lý của Người cho đến cùng.
Chỉ bằng việc vâng nghe lời Chúa Giêsu trong đức tin thuần khiết này, từng bước một, cho đến khi đạt tới cuộc sống mai hậu, chúng ta mới hiểu hết đường lối của Người và vui hưởng niềm vui vĩnh cửu được diễn tả qua những lời này: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá!“.
Lm. Nnamdi Moneme, OMV
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (20. 3. 2023)