TIN CẬY VÀO CHÚA LUÔN MÃI TRONG MỌI SỰ
WHĐ (17.8.2022) – Linh mục Lorenzo Scupoli[2] nói rằng trong đời sống tâm linh, chúng ta không được tin tưởng vào bản thân mà phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Ngài mô tả sự không được tin tưởng vào bản thân như thế này: “Mặc dù tự bản thân chúng ta, chúng ta không là gì cả, nhưng chúng ta lại hay có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của bản thân và kết luận sai rằng chúng ta có tầm quan trọng nào đó.” Chúng ta không thể cậy dựa vào bản thân, sức mạnh, kiến thức, khả năng, ý định và ý tưởng của chúng ta, mà đồng thời vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa được.
Ngoài ra, chất lượng của sự không cậy dựa vào bản thân quyết định chất lượng của sự tin cậy của chúng ta vào Thiên Chúa. Khi chúng ta không còn sự cậy dựa này vào chính mình, thì việc chúng ta tin cậy nơi Thiên Chúa sẽ thuận lợi hơn. Điều này có nghĩa là chúng ta thường hay chọn lựa giữa những gì và khi nào chúng ta sẽ tin cậy nơi Thiên Chúa và những gì và khi nào chúng ta sẽ tin cậy vào chính mình. Do đó, chúng ta chỉ tin cậy nơi Thiên Chúa khi thuận tiện để làm như vậy. Chúng ta không tin cậy nơi Ngài khi mọi việc trở nên bất tiện hoặc khi những kết quả bất lợi hoặc khó khăn sắp xảy ra. Tóm lại, chúng ta từ chối và không muốn tin cậy Chúa luôn mãi và trong mọi sự.
Giêrêmia 17: 5-8 nêu bật những hậu quả khủng khiếp của một kiểu tin cậy nơi Thiên Chúa chỉ khi thuận tiện đến độ kiểu tin cậy đó như xuất phát từ việc cậy dựa vào chính mình: “Chúa phán như sau: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Thiên Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người. Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa, và có Thiên Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.” Cõi lòng chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa khi chúng ta tin cậy vào chính mình. Do đó, chúng ta không thể nhận được từ Ngài tất cả những điều tốt đẹp mà Ngài muốn ban cho chúng ta.
Người cậy dựa vào chính mình, hay chỉ tin cậy vào Thiên Chúa khi thuận tiện, trở thành không có sự sống và không có niềm hy vọng trong đời sống thiêng liêng, như một “bụi cây trong hoang địa”. Một người như vậy không thể cảm nghiệm được bất cứ sự phát triển hoặc đổi mới nội tâm nào bởi vì người ấy giống như một cái cây “ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy”. Người ấy cũng không thể nuôi dưỡng tinh thần và sinh hoa kết trái bởi vì người ấy giống như một cái cây “trong vùng đất mặn không một bóng người”. Một người như vậy sẽ có vô số lý do giải thích cho việc không sinh hoa kết trái về đàng thiêng liêng.
Mặt khác, những ai tin cậy nơi Thiên Chúa chứ không tin cậy vào chính mình có thể nhận được sự đổi mới nội tâm, sự khích lệ, sức mạnh và sinh hoa kết quả từ Thiên Chúa. Họ giống như những cái cây “đâm rễ sâu vào mạch suối trong”, “mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì”, “lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái”. Không có điều kiện bên ngoài hay bên trong nào ngăn cản họ sinh ra hoa trái và đổi mới về đàng thiêng liêng.
Một trong những món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta và chỉ những ai tin cậy nơi Ngài bằng cách phó thác bản thân mới có thể tận hưởng được đó là món quà hạnh phúc của chính Ngài. Sự thật là Thiên Chúa muốn chúng ta thực sự hạnh phúc hơn cả những gì chúng ta mong muốn được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc mà Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta là hạnh phúc trong Ngài và nhờ Ngài chứ không phải trong chính chúng ta hay bất cứ thụ tạo nào khác.
Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đang ban cho chúng ta hạnh phúc của chính Ngài bây giờ và trong cuộc sống mai sau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống thực sự hạnh phúc của Ngài qua các Mối phúc, “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, … Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, … Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, … Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” (Luca 6:21-25). Những Mối Phúc này là thái độ của Chúa Giêsu và Ngài là hiện thân của tất cả những Mối Phúc này một cách hoàn hảo.
Tự bản thân những Mối Phúc này, chẳng có gì đáng khen khi nghèo khó, đói khát, khóc lóc, hay bị người khác ghét bỏ. Tuy nhiên, đây là những hoàn cảnh và điều kiện, trong đó Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng cậy dựa vào bản thân nữa, mà hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa, hướng lòng về Ngài và nhận từ Ngài những điều dẫn đến hạnh phúc đích thực. Trong những giờ phút đó, chúng ta được mời gọi hãy buông bỏ sự cậy dựa vào chính mình và chia sẻ hạnh phúc thần linh qua sự tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Do đó, chúng ta có nhiệm vụ nuôi dưỡng sự không cậy dựa vào bản thân. Chúng ta phải làm như vậy nếu chúng ta muốn tiến xa hơn việc chỉ tin cậy vào Thiên Chúa khi thuận tiện và tận hưởng hạnh phúc lâu dài và viên mãn mà Thiên Chúa đang ban cho chúng ta.
Đây là một số bước trong việc nuôi dưỡng sự không cậy dựa vào bản thân này:
– Trước hết, chúng ta phải luôn luôn suy gẫm Lời Chúa: “Phúc thay người nào am tường luật Chúa và ngày đêm suy gẫm luật Ngài.” (Tv 1) Chúng ta càng suy ngẫm về những lời Kinh Thánh, thì chúng ta càng nhận ra và chấp nhận sự hư vô của mình trước sự uy nghi của Thiên Chúa. Khi chúng ta đã nhận ra tình yêu bất diệt của Ngài dành cho chúng ta qua những lời của Ngài, chúng ta bắt đầu không cậy dựa vào bản thân nữa mà tin cậy nơi Ngài nhiều hơn.
– Thứ hai, chúng ta phải chân thành nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn hoàn toàn không cậy dựa vào bản thân. Chỉ một mình Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi ảo tưởng cậy dựa vào bản thân. Việc không còn cậy dựa vào bản thân thực sự không phải là chuyện thuộc về tâm lý mà là kết quả của việc cầu nguyện bằng tấm lòng chân thành trước mặt Thiên Chúa về các khuynh hướng cậy dựa vào chính mình.
– Thứ ba, chúng ta phải nuôi dưỡng một tấm lòng biết ơn. Khi chúng ta chân thành cảm ơn Chúa về bất cứ điều tốt lành nào mà chúng ta thấy nơi bản thân, chúng ta lớn lên trong niềm tin chắc rằng Thiên Chúa đã ban điều đó cho chúng ta và chỉ một mình Ngài duy trì điều đó trong chúng ta. Do đó, chúng ta không cậy dựa vào bản thân nữa mà phụ thuộc vào Ngài nhiều hơn để giữ gìn các ân huệ của Ngài trong chúng ta.
– Thứ tư, chúng ta phải tự kiểm tra lại những thất bại trong quá khứ của mình. Những thất bại này lại không cho chúng ta thấy rằng chúng ta có xu hướng cậy dựa vào sức mạnh và vào những quyết tâm thánh thiện của mình như thế nào sao? Chúng ta cũng rất giống như thánh Phêrô đã tin tưởng vào chính mình đến nỗi đã khoe rằng: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không” (Mc 14,29). Chúng ta đều biết điều đó đã kết thúc như thế nào! Chúng ta cũng có thể thấy hình mẫu cậy dựa vào chính mình đằng sau tất cả những thất bại của mình và chấp nhận những thất bại đó như lời mời gọi dịu dàng của Thiên Chúa đừng cậy dựa vào bản thân nữa để chúng ta có thể tin cậy nơi Ngài nhiều hơn.
– Thứ năm, chúng ta phải tìm cách sống bằng đức tin chứ không phải theo cảm tính. Đời sống đức tin của chúng ta giảm đi khi chúng ta quá tin tưởng vào cảm xúc của mình và để cảm xúc điều khiển những lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta không thể sống trong niềm tin và sự tin cậy nơi Thiên Chúa trong khi lại trao quyền cai trị tự do cho mọi cảm xúc và cảm giác. Để không cậy dựa vào bản thân, chúng ta phải để cho đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta trong mọi việc, bất kể chúng ta cảm thấy thế nào.
– Thứ sáu, chúng ta cũng phải cảnh giác với những lời khen ngợi của con người, “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng” (Luca 6,26). Những lời khen ngợi và tán dương mà chúng ta nhận được từ người khác càng củng cố lòng tin của chúng ta vào bản thân đến mức chúng ta không thể công nhận tác động của ân sủng Thiên chúa nơi chúng ta trong mỗi điều tốt chúng ta làm.
– Cuối cùng, chúng ta hãy nuôi dưỡng lòng sùng kính chân chính và tình con thảo đối với Mẹ Thiên Chúa. Mẹ sẽ dạy chúng ta giống như những đứa trẻ không có gì để mà cậy mình. Mẹ Maria tin tưởng vô điều kiện vào Thiên Chúa cho dù điều đó có thuận lợi cho Mẹ hay không. Mẹ cậy dựa vào Thiên Chúa trong mọi việc và luôn mãi. Mẹ là người đầu tiên từ bỏ hoàn toàn bất cứ sự cậy dựa nào vào bản thân để hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa và nhận lãnh ân huệ của chính Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ, “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:34-35). Mẹ đã tin cậy Ngài trong những việc tầm thường như xin Ngài ban cho rượu tại Cana cũng như trong những giây phút đen tối khi nhìn Ngài chết trên thập giá trên đồi Canvê. Chúng ta thực hành sự không cậy dựa vào bản thân thực sự trong đời sống thiêng liêng của mình khi đến gần Chúa Giêsu qua Mẹ Maria và với Mẹ Maria.
Vì niềm hy vọng được ban cho chúng ta trong phép rửa, chúng ta có thể tin cậy nơi Thiên Chúa như Ngài xứng đáng trong mọi sự và trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. Điều duy nhất cản trở chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa là việc chúng ta tiếp tục cậy dựa vào chính mình. Chính sự cậy dựa vào bản thân này tạo ra sự thuận lợi hoàn toàn cho những hậu quả gây tai hại đến sự tin cậy của chúng ta nơi Thiên Chúa.
Mỗi lần lãnh nhận Bí tích Thánh Thể là một lần gia tăng niềm hy vọng và do đó lãnh nhận một khả năng tin cậy vào Thiên Chúa lớn hơn. Thiên Chúa của chúng ta đến để đổ tràn đầy những ân phúc đáng kinh ngạc cho những ai hoàn toàn tin cậy nơi Ngài và hoàn toàn không cậy dựa vào bản thân. Ngay hôm nay chúng ta hãy bắt đầu không cậy dựa vào chính mình nữa để cõi lòng của chúng ta hướng về Ngài trong niềm tin cậy đợi trông sẵn sàng đón nhận những điều đẹp đẽ mà Ngài muốn ban cho chúng ta, đặc biệt là hạnh phúc của chính Ngài.
Vinh danh Chúa Giêsu! Tôn vinh Mẹ Maria!
Linh mục Nnamdi Moneme, OMV[1]
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (09.6.2022)
[1] Linh mục Công giáo La Mã thuộc Dòng Hiến sĩ Trinh Nữ Maria (OMV) hiện đang truyền giáo tại Philippines. Ngài phục vụ trong Tác vụ Tĩnh tâm cho các Hội đoàn và trong Viện Đào tạo dành cho các tập sinh và các sinh viên thần học ở Antipolo, Philippines.
[2] Linh mục Lorenzo Scupoli (khoảng 1530 – 1610) là tác giả của cuốn “Il combattimento Spirituale – Cuộc chiến đấu thiêng liêng”, một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn lao trong linh đạo Công giáo. Cuốn sách đã được đánh giá cao và trở thành một cuốn sách bán chạy nhất. Trong 20 năm đầu, cuốn sách đó đã được xuất bản 60 lần và được dịch sang tiếng Đức, Latinh, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Tiếp theo là các phiên bản tiếng Bồ Đào Nha, Croatia , Ba Lan, Armenia, Hy Lạp (bởi Nicodemus Núi thánh Athos), Ả Rập và Nhật Bản. Vào thế kỷ 19, tu sĩ người Nga Theophanes đã sửa đổi nhiều phần của cuốn sách, và viết ra cuốn “Cuộc chiến vô hình”, một cuốn sách có ảnh hưởng trong Giáo hội Chính thống phương Đông . Cho đến nay đã có khoảng 600 phiên bản “Cuộc chiến đấu thiêng liêng”. (Chú thích này là của người dịch).