ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI VÀ ĐỨC MẸ NGỦ
WGPSG (14.8.2022) – Tại sao lại có hình Đức Mẹ đồng trinh đang ngủ? Hình ảnh này tương ứng với niềm tin thuở ban đầu của Giáo hội về “Đức Mẹ ngủ”.
Nhiều người trong thế giới cổ đại mô tả cái chết như là “rơi vào giấc ngủ”. Khái niệm này cũng thấy có trong Kinh Thánh, như lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nhìn và thương đáp lại, toả ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu.” (Tv 13, 4).
Thánh Phaolô cũng sử dụng hình ảnh này trong Thư gửi tín hữu Thessalonica để nói đến việc Chúa cho kẻ chết sống lại: “Những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,14).
Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Maria ra khỏi thế giới này, nhiều Kitô hữu thời sơ khai gọi đó là “Giấc ngủ của Đức Maria”. Điều này làm nổi bật niềm tin rằng Đức Maria đã chết trước khi được lên thiên đàng.
Thánh Gioan thành Damas, vào thế kỷ thứ 8, kể lại rằng: “Thánh Juvenal, Giám mục thành Giêrusalem, tại Công đồng Chalcedon (451), đã nói… rằng Đức Maria đã chết trước sự chứng kiến của tất cả các Tông đồ, nhưng ngôi mộ của Mẹ, khi được mở ra theo yêu cầu của Thánh Tôma, đã trống không; từ đó các Tông đồ kết luận rằng: thân xác Đức Mẹ đã được đưa lên trời.”
Truyền thống đặc biệt này rất phổ biến trong Giáo hội sơ khai và có nhiều biến thể khác nhau, nhưng hầu hết đều xoay quanh việc Đức Maria đã chết trước sự chứng kiến của các Tông đồ. Giáo hội Đông phương vẫn cử hành lễ “Giấc ngủ của Mẹ Thiên Chúa” vào ngày 15-8, cùng ngày với người Công giáo Rôma mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cả hai đều kỷ niệm cùng một sự kiện, nhưng sử dụng các thuật ngữ khác nhau và nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của nó.
Giáo hội không chính thức nói Đức Maria được lên thiên đàng như thế nào, hoặc Mẹ có chết trước khi về trời hay không. Giáo Hội chỉ dạy rằng “Đức Trinh Nữ Maria đã hoàn thành cuộc đời dương thế, đã được vào vinh quang thiên quốc cả hồn và xác.” Tuy nhiên, Thánh Gioan Phaolô II đã nói đến điều này trong một buổi tiếp kiến chung: “Để được chia sẻ sự Phục sinh của Đức Kitô, trước tiên Đức Maria phải chia sẻ cái chết của Chúa”. Việc an nghỉ và lên trời là một ân sủng độc nhất được ban cho Đức Maria, hoa trái từ ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ.
Với ý nghĩ này, nhiều họa sĩ thời cổ đại đã vẽ cảnh Đức Mẹ ngủ trên giường, xung quanh là các Tông đồ. Chúa Giêsu thường hiện diện ở trung tâm bức tranh, cầm hình thu nhỏ của Đức Maria, biểu trưng cho việc Chúa Giêsu đưa xác và hồn trong sáng của Mẹ Maria lên thiên đàng.
Đây là một hình ảnh đẹp, giúp ta suy ngẫm và nhớ đến cách chúng ta sẽ yên nghỉ trong vòng tay của Đấng Cứu Độ.
Philip Kosloski
Vi Hữu
Chuyển ngữ từ aleteia.org (12.8.2017)
Nguồn: tgpsaigon.net