COVID: NIỀM HY VỌNG TỪ LỄ HIỆN XUỐNG
WHĐ (10.6.2022) – Sau khi tôi nghỉ công việc toàn thời gian trong vai trò trợ lý bác sĩ chính của phòng cấp cứu tại Bệnh viện North Central Bronx, Thành phố New York, để đảm nhận chức vụ bề trên Hội dòng, một phóng viên đã hỏi tôi rằng liệu tôi có nhiễm bệnh trong đợt Covid thứ ba chăng.
Ngẫm nghĩ một chút, tôi buồn bã trả lời, “Không, không có!” Giống như tất cả các nhân viên y tế, tôi đã dốc hết sức lực cho việc chăm sóc sức khỏe vào tháng 3. 2020 và trung thành đáp lại lời kêu gọi phục vụ khi đại dịch coronavirus xảy đến, và 1 năm sau đó là biến thể delta. Tới giờ, tôi vẫn ngạc nhiên và khiêm tốn nhìn nhận một sự thật là tôi vẫn còn sống! Cùng với các đồng nghiệp, trong tuyến đầu ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng tôi đã chìm mình trong Covid khi thiếu phương tiện bảo hộ cá nhân, thiếu kiến thức về căn bệnh, và thiếu nguồn lực khiến chúng tôi rơi vào tình thế rất nguy hiểm đến tính mạng. Như Brené Brown đã nói trong chương trình 60 phút (60 Minutes) của đài truyền hình CBS, “Bạn sẽ chẳng thể tìm thấy sự can đảm nơi người không dễ bị tổn thương“. Chúng tôi đã là những người dễ bị tổn thương! Và chúng tôi tiếp tục dễ bị tổn thương!
Mặc dù hiện nay tôi đang ở vị trí lãnh đạo Hội dòng, nhưng trái tim và sự nâng đỡ của tôi vẫn luôn dành cho các đồng nghiệp. Tôi đã tổ chức những buổi thuyết trình Helping Healers Heal (Giúp chữa lành thày thuốc), một chương trình được thiết lập trước cả khi Covid xảy ra, nhằm cung cấp cho các nhân viên y tế một không gian để chia sẻ kinh nghiệm với những người có thể đồng cảm với họ. Chương trình này trở thành vô giá trong giai đoạn Covid và hiện nay cũng thế. Thậm chí tôi còn quay lại bệnh viện và làm việc trong ca 12 tiếng khi nhiều nhân viên y tế bị căng thẳng vì người thân của họ qua đời, khi phải giải phẫu cấp cứu, ngay cả khi em bé bị sinh thiếu tháng. Khi tạo điều kiện để có buổi Giúp chữa lành thày thuốc, tôi đã ấn tượng bởi rất nhiều cảm xúc khác nhau của các nhân viên, chẳng hạn như: sự sợ hãi, mất tinh thần, tức giận và không muốn tin rằng mình đang ở giữa một làn sóng Covid khác.
Sơ Mary Catherine Redmond, thứ hai từ phải sang, bên cạnh các đồng nghiệp.
Covid, dù với bất kỳ biến thể nào, ngay cả khi những triệu chứng của nó có vẻ giống như cảm lạnh thông thường, thì cũng vẫn là Covid! Tôi đã bị ám ảnh và do đó, luôn phản ứng theo bản năng khi mỗi khi nghe thấy từ “Covid“, có lẽ vì tôi đã chứng kiến nhiều người hấp hối vì loại virus khủng khiếp này; đã thấy nhiều gia đình bị tàn phá vì đau buồn, sợ hãi; đã mục kích từng đống thi thể trong túi đựng chồng chất lên nhau.
Cũng chính Covid đã khiến tôi khép kín vòng kết nối của mình trong 2 năm qua, và, Mùa Chay vừa rồi, tôi đã thực hiện ý định nới rộng vòng kết nối và cởi mở hơn với những việc tôi vẫn thực hiện trước đây. Tôi đã rất lo lắng khi tới tham dự đám cưới của con trai một người bạn; tôi đã rất sợ hãi khi đi đến những chỗ đông người; và tôi đã trải qua cảm giác băn khoăn mà tôi chưa từng trải qua trước đây. Đối với tôi, mở rộng vòng kết nối có nghĩa là sẽ bao gồm rất nhiều người – dù đó là những người phủ nhận Covid là có thật, dù đó là những người không tin vào việc tiêm vắc-xin, và ngay cả dù đó là những người cho rằng tiêm vắc-xin trễ thì tốt hơn là tiêm sớm.
Thật khó để chấp nhận những người không tin vào những gì tôi đã chứng kiến và trải nghiệm một cách sống động như vậy. Thật khó để dung hòa giữa việc một đại dịch lại chia rẽ nhiều người đến thế- khi mà trải nghiệm của tôi với vòng kết nối đồng nghiệp, gia đình, cộng đoàn, và những nhóm nhỏ bạn bè có nghĩa là cùng gắng sức để bảo vệ, cứu nguy, và hỗ trợ lẫn nhau. Câu chuyện của tôi vọng lại câu chuyện của nhiều nhân viên y tế khác, là những người vẫn đang phải đối phó với hết làn sóng Covid này đến làn sóng Covid khác.
Tôi đã mở rộng vòng kết nối của mình, nhưng điều này không dễ dàng chút nào. Một phần của việc mở rộng vòng kết nối ấy là rời khỏi nhóm nhỏ gồm những đồng nghiệp, gia đình thân thiết, các thành viên trong cộng đoàn và bạn bè, những người đã ở bên tôi trong giai đoạn tăm tối nhất của tôi. Khó khăn nhất là xa đồng nghiệp, vốn là những người biết được nỗi sợ hãi và lo lắng tôi đang đề cập đến mà không cần phải giải thích quá nhiều. Tôi nhiệt thành nói với mọi người rằng nhân viên y tế đang bị quá tải. Khi người trợ lý bác sĩ mới đến gặp tôi để xin lời khuyên về những việc cần làm để giúp đỡ nhân viên, tôi đã nói với cô ấy rằng hãy khuyến khích mỗi người làm những việc họ cần làm vì sức khỏe thể chất, tâm lý và tinh thần của chính họ. Sau đó, tôi đề nghị cô ấy đến gặp nhân viên trợ lý bác sĩ, là một cựu quân nhân và hỏi cô ấy xem họ làm gì trong thời gian phục vụ khi mọi người chiến đấu không ngừng nghỉ trong suốt một thời gian dài. Về cơ bản, đó là những gì đang xảy ra trong khoa.
Ngay sau lễ Phục sinh, có nghĩa là sau 6 tháng vắng mặt, tôi quay lại khoa cấp cứu để thay ca. Nhiều người trong số những người tôi từng làm việc với đã nghỉ hưu, và một số thì rời sang các khoa khác. Những người tôi đã làm việc cùng trong ca đó là những người vẫn đang khao khát chu toàn công việc, đồng thời, cố gắng tìm ra cách tốt nhất để thực hiện những gì họ được mời gọi trong khi vẫn cần chăm sóc bản thân và gia đình của mình. Khi tiếp tục trò chuyện với mọi người và nghe câu chuyện của họ – bao gồm chị em trong Hội dòng của tôi, những tu sĩ thuộc các dòng tu khác, những người thuộc mọi ngành nghề khác nhau, và cả những người đang học đại học và phổ thông- tôi nhận ra rằng Covid đã có những ảnh hưởng lâu dài đối với rất nhiều người. Sự cô lập, sợ hãi, mất mát, đối phó để sinh tồn… đã khiến tất cả tan nát, và trở nên dễ bị tổn thương. Đúng thực, chẳng một ai thoát khỏi hệ quả của Covid.
Dù thế, Covid cũng chỉ là một phần của thế giới, nơi mà sự chia rẽ vẫn không ngừng tiếp diễn. Có quá nhiều thứ gây rạn nứt trong gia đình, cộng đoàn địa phương, đất nước, và thế giới của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới, nơi mà mỗi người tự nhốt mình trong căn lều niềm tin riêng của mình và không thể tiếp cận với người khác. Chúng ta đã đánh mất khả năng muốn đồng cảm với người khác để có thể nói, “Hãy giúp tôi hiểu bạn hơn” và sẵn sàng lắng nghe. Chúng ta đã ở trong phương thức sinh tồn của riêng mình quá lâu nên khó có thể nhìn thấy người khác, thấu hiểu, và giúp đỡ họ.
Tôi hy vọng khi trải nghiệm Lễ Hiện xuống, chúng ta được Chúa Thánh Thần nhắc nhở để nài xin các ân sủng của Ngài, đó là: ơn khôn ngoan, ơn suy biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông hiểu, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Chúa, nhờ đó, chúng ta biết tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa trong tất cả những gì chúng ta thực hiện.
Trong một tập gần đây của chương trình truyền hình “New Amsterdam”, một bác sĩ cảm thấy bị thất vọng bởi cách đối xử mà một số người dành cho cô trong giai đoạn hậu Covid, đã thắc mắc rằng, “Hy vọng ở đâu rồi?” và đã nhận được câu trả lời: “Bạn chính là niềm hy vọng”. Điều này thật ý nghĩa biết bao!
– Ước mong chúng ta biết mở rộng vòng kết nối của mình từng chút một, trong từng hoàn cảnh, môi trường sống, để góp phần tiếp tục xây dựng vương quốc của Thiên Chúa ngay trên trái đất này;
– Ước mong chúng ta, mỗi người theo cách riêng của mình, vượt qua những ranh giới để tìm hiểu, đón tiếp và chia sẻ cuộc sống với người khác;
– Ước mong chúng ta nhận ra niềm hy vọng mình có được, và tin tưởng rằng mỗi chúng ta chính là niềm hy vọng ngay tại thời điểm này trong lịch sử của nhân loại.
Xin Chúa Thánh Thần tuôn tràn bất cứ ân sủng nào mà chúng ta đang cần. Để rồi, ngay trong phòng tiệc ly của cuộc đời mình, chúng ta được truyền cảm hứng để ra đi, gặp gỡ, và chia sẻ cho người khác những hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận.
Sr. Mary Catherine Redmond[1]
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: globalsistersreport.org (06. 6. 2022)
[1] Sơ Mary Catherine Redmond hiện là Bề trên của Dòng Presentation of the Blessed Virgin Mary. Trước đây Sơ từng là trợ lý bác sĩ tại phòng cấp cứu của bệnh viện, phục vụ những người bị bỏ rơi tại Thành phố New York, Hoa Kỳ.