5 ĐỨC TÍNH CỦA KITÔ HỮU GIÚP CHÚNG TA
HỌC CÁCH SỐNG THỰC TRẠNG “BÌNH THƯỜNG MỚI”
WHĐ (27.3.2022) – Cụm từ “bình thường mới” ngày càng cho chúng ta có cảm giác như nó là một cụm từ vô nghĩa. Với mỗi sự thay đổi mới trong trải nghiệm của những chủng virus Corona mới lạ, những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã biết cần phải được trình bày lại và những gì được coi là hướng dẫn hoặc các phương pháp hay nhất phải được viết lại. Điều này có nghĩa là sự chắc chắn và khả năng dự đoán, đều trở nên bấp bênh, mơ hồ kể từ khi cơn đại dịch ập đến.
Kết quả là sự mệt mỏi và thiếu kiên nhẫn trở nên phổ biến, điều này có thể giải thích cho sự gia tăng các hành vi bộc phát và sai trái nơi công cộng khi mọi người cố gắng tái hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Chưa hết, mọi thứ như đang bắt đầu trở nên khác thường khi mà sự gia tăng của các ca nhiễm do biến thể chủng Omicron tăng lên đến đỉnh điểm rồi sụt giảm nhanh chóng trên khắp nước Mỹ. Thì cùng lúc, tại một số khu vực ở châu Á và châu Âu lại tiếp tục đối phó với đợt bùng phát của chủng này. Tất cả, như muốn nhắc thế giới rằng căn bệnh này không hề biến mất.
Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng cho biết rằng chúng ta có thể đang tiến đến giai đoạn cuối của cơn ác mộng, với lời hứa khả quan là COVID-19 có thể không còn thống trị như nó đã từng khuynh đảo cuộc sống của chúng ta kể từ tháng 3/ 2020.
Trên bình diện cá nhân, tôi cũng đã nhận thấy được mọi thứ đã thay đổi, mà đôi khi, thay đổi rất nhanh như thế nào. Trước khi bắt đầu đại dịch, tôi thường di chuyển vài lần trong tháng để thuyết trình hoặc hướng dẫn các cuộc hội thảo và tĩnh tâm. Trong năm thứ nhất của đại dịch, tôi không bước chân lên máy bay, xe buýt hay xe điện ngầm lần nào cả. Trong 3 tháng đầu tiên, tôi vẫn ở trong bán kính 8km xung quanh khu vực tôi sống, và chỉ đạt được khoảng cách đó khi tôi chạy bộ.
Giống như hàng triệu người khác, vì không phải là nhân viên tuyến đầu hoặc nhân viên làm những công việc thiết yếu, tôi đã ngẫu nhiên trở thành một đan sĩ, có nghĩa là, tôi làm việc và giao tiếp xã hội từ xa tại nhà thông qua hệ thống trực tuyến. Một cách cụ thể, tôi đã dạy tất cả các khóa học, thực hiện hàng chục bài giảng hoặc hội thảo trên cùng một chiếc ghế trước máy tính của mình.
Mùa xuân năm ngoái, sau khi được tiêm phòng đầy đủ, tôi đã lên máy bay lần đầu tiên trong năm để thăm gia đình ở New York. Tôi cảm thấy hy vọng vì có lẽ ánh sáng cuối đường hầm đã hiện rõ. Nhưng rồi, làn sóng lây nhiễm của chủng Delta và sau đó là chủng Omicron, cùng với các chỉ thị bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế qui tụ đông người… một lần nữa, làm mờ đi độ sáng của những gì chúng ta hy vọng có thể là một “sự bình thường mới”.
Nhưng chúng ta ở đây hôm nay, và cảm thấy như có điều gì đó rất khác lạ. Trong khi tôi vẫn thỉnh thoảng gặp gỡ hoặc thuyết trình trực tuyến, còn hầu hết những cuộc giao lưu diễn thuyết đều diễn ra trực tiếp với ít hoặc không có sự giãn cách xã hội nữa. Việc đeo khẩu trang tuy vẫn còn phổ biến, nhưng cũng không còn quá bó buộc, những cuộc quy tụ đông người cũng phổ biến hơn và thường xuyên hơn.
Ví dụ, tôi vừa trở về từ Đại hội Giáo lý của Tổng giáo phận Los Angeles, vốn là một trong những cuộc họp mặt Công giáo thường niên lớn nhất ở Hoa Kỳ với hàng chục nghìn người tham gia tại Trung tâm Hội nghị Anaheim.
Trong khi số người tham dự trực tiếp năm nay chỉ có vài nghìn người, ít hơn hẳn so với thường lệ, nên thật là vui khi được cùng với rất nhiều người tụ họp tại các phòng họp lớn để cầu nguyện, học hỏi và giao lưu. Những người mà tôi có dịp nói chuyện với đều đã tỏ ra rất vui mừng vì được quy tụ trở lại, và họ ước mong Đại hội năm tới, mọi sự sẽ có thể trở lại quy mô bình thường như trước kia.
Những trải nghiệm trong vài tuần lễ vừa qua rất giống với những trải nghiệm khi chưa xảy ra đại dịch, khiến tôi suy nghĩ về ý nghĩa của việc sống một thực trạng “bình thường mới” khác, sự bình thường mà tôi cầu nguyện có thể mở ra một khoảng thời gian an toàn hơn và ít căng thẳng hơn cho tất cả mọi người. Việc điều chỉnh để thích nghi với sự trở lại các hoạt động trực tiếp và đi lại thường xuyên hơn đã cho tôi lý do để dừng lại và suy tư về những gì cần thiết để ứng phó tốt hơn với thế giới khi nó thay đổi. Sau đây là một số điều tôi đã suy nghĩ về.
- SựKiên nhẫn
Thánh Thomas Aquinas lập luận rằng sự kiên nhẫn, về mặt cơ bản, không phải là đức tính “vĩ đại nhất“, nhưng rõ ràng là trong đại dịch – và nhất là khi đại dịch tiến tới giai đoạn này – thì kiên nhẫn có thể là đức tính quan trọng nhất. Mọi người mệt mỏi, suy nhược, sợ hãi và tiếp cận trở lại với cuộc sống xã hội và công cộng với sự lo lắng, là điều có thể hiểu được. Khó khăn và đau khổ mà đại dịch này gây ra không biện minh cho việc đối xử thiếu tôn trọng với người khác, nhưng hoàn cảnh có thể giúp giải thích tại sao nhiều người ít khoan dung hơn và ít kiềm chế hơn đối với hành vi xấu của cá nhân.
Chúng ta cần ghi nhớ cách ý thức rằng: hãy kiên nhẫn với người khác và với chính mình khi chúng ta tiếp tục thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi. Là một người thường xuyên di chuyển trước đại dịch, tôi tin rằng tôi đã tu dưỡng một thực hành của tính nhẫn nại và kiên nhẫn đã giúp tôi cách hiệu quả trong quá trình trải qua nhiều bất tiện và trắc trở khi phải đi lại nhiều như vậy. Tuy nhiên, khi di chuyển trở lại thường xuyên hơn, tôi nhận thấy có những tình thế tôi cảm thấy dễ cáu kỉnh và khó chịu hơn. Những gì đã từng là bản tính thứ hai, giờ đây là một đức tính tôi cần thực hành và trau dồi.
- 2.Sự khiêm tốn
Tôi cần phải nhận ra rằng đại dịch đã và đang tiếp tục gây ra một số thiệt hại rất rõ đối với tôi cũng như đối với rất nhiều người khác. Đúng là chẳng dễ dàng thể ngừng thế giới của trước tháng 3/2020 lại, và cũng chẳng dễ dàng gì để khởi động lại thế giới ấy ngay lúc này được. Làm việc dựa trên sự khiêm tốn có nghĩa là nhìn nhận những giới hạn của mình và thừa nhận những tác động của 2 năm thử thách, mất mát và đau khổ vừa qua, đồng thời chấp nhận rằng những hậu quả lâu dài của nó sẽ được thể hiện dưới nhiều cách thế khác nhau.
- 3.Sự đồng cảm
Bằng nhiều cách, sự đồng cảm bắt nguồn từ cả sự kiên nhẫn lẫn sự khiêm tốn. Tôi tin rằng rất nhiều hành vi thiếu tôn trọng mà chúng ta đang chứng kiến ở nơi công cộng xuất phát từ sự thiếu đồng cảm. Mọi người đều đối phó với những thời điểm đầy thử thách này theo những cách thế khác nhau. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta có thể không biết được những gánh nặng, nỗi buồn hay đau khổ của người khác, và vì vậy, chúng ta cần đối xử với mọi người bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu. Chẳng hạn, như chúng ta chỉ đơn giản nhớ là người khác cũng đang trải qua những khó khăn thì điều này cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
- 4.Sựtin tưởng
Đại dịch đã khiến ngay cả những người dễ tin nhất cũng trở nên nghi ngờ người khác, chỉ nguyên việc hồ nghi về sự tiềm ẩn của virus COVID-19 cũng là vấn đề lớn của lòng tin. Thật vậy, sự hoài nghi này, nhiều khi kết hợp với những thông tin sai lệch, đã dẫn đến sự mất lòng tin vào người khác nói chung và ngay cả vào những cơ quan có tiếng nói chính thức nói riêng. Nhưng để chúng ta hướng tới một cách sống và tồn tại tốt hơn, chúng ta cần phải xây dựng lại cảm thức về sự tin tưởng của mình.
- 5.Sựlinh hoạt
Nếu có một điều mà đại dịch đã dạy tôi, thì đó là tôi cần phải linh hoạt hơn. Thực tế là, sự xa xỉ của những kế hoạch ổn định và lịch trình cứng ngắc đã đi vào dĩ vãng. Một điều xuất hiện lặp đi lặp lại trong các sách Phúc âm là khả năng thích ứng bằng ân sủng và lòng hiếu khách của Chúa Giêsu đối với bất cứ điều gì và bất cứ ai ngài gặp, kể cả trong những thời điểm căng thẳng không thể đoán trước, chẳng hạn như khi hàng ngàn người cần được cho ăn (Mt 14, 13-21, Lc 9, 12-17). Liệu chúng ta thích nghi với những tình huống thay đổi như thế nào?
Chắc chắn, những đức tính và tính cách này không phải là thuốc chữa bách bệnh cho tất cả những gì chúng ta tiếp tục đối diện trong thời điểm thử thách này, nhưng chúng có thể giúp chúng ta định hướng lộ trình bất định phía trước theo cách cư xử phản ánh ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.
Lm. Daniel P. Horan[1]
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncronline.org 23. 3. 2022
[1] Cha Daniel P. Horan, dòng Phanxicô là giám đốc Trung tâm về Tâm linh, và là giáo sư triết học, tôn giáo học và thần học tại Đại học Saint Mary ở Notre Dame, Indiana, Hoa Kỳ.