PHẢN TỈNH VỀ Ý CẦU NGUYỆN THÁNG BA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: CẦU CHO CÁC KITÔ HỮU ĐÁP LẠI CÁC THÁCH ĐỐ VỀ ĐẠO ĐỨC Y SINH HỌC
Dẫn nhập
Giữa lúc cả thế giới còn đang chao đảo, khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành sau hai năm khởi phát, thì ngày 24/02/2022, quân đội Nga, dưới hiệu lệnh của tổng thống Putin, đã làm cho nhân loại càng bi thảm hơn khi mở cuộc tấn công quân sự tàn khốc vào Ukraine, tàn phá các cơ sở hạ tầng, văn hóa, quân sự, gần các thành phố lớn của Ukraine đẩy phần lớn dân chúng vào cảnh đau thương, ly tán, đói khát, chết chóc, đe dọa nền hòa bình vốn đã mong manh của Mẹ Đất. Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ lên án những kẻ gây chiến tranh đã quên đi tình nhân loại, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt quyền lợi đảng phái, quyền lực lên trên hết, họ đã tin vào sức mạnh đàn áp mang tính phá hủy của vũ khí, thứ xa cách với luận lý của Chúa nhất. Những người dân thường, những người già, phụ nữ, trẻ em, khát khao cuộc sống bình an, và cần được bảo vệ, luôn là các nạn nhân đầu tiên của chiến tranh.[1] Con người đã lạm dụng tự do khi sử dụng thành tựu nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào chiến tranh.
Cùng với việc lên án chiến tranh, Ý Cầu Nguyện tháng Ba của Đức Thánh Cha Phanxicô là Cầu cho các Kitô hữu đáp lại những thách đố về mặt đạo đức sinh học. Bên cạnh nhiều điều tích cực, sự tiến bộ của y sinh học đồng thời đặt ra cho chúng ta, những Kitô Hữu, và nhân loại nói chung, các thách thức. Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta phải có “sự phân định sâu sắc và tinh tế hơn” và không “trốn tránh trách nhiệm.” Phản ứng này của Kitô Hữu là một điểm khởi đầu thiết yếu: “Các ứng dụng của công nghệ sinh học phải luôn được sử dụng trên sự tôn trọng phẩm giá con người.” Sự tiến bộ y sinh học cũng như của khoa học là điều tất yếu, chúng ta phải tìm cách bảo vệ “cả phẩm giá và sự tiến bộ đích thực của nhân loại”, chống lại “văn hóa loại bỏ” và tránh “cho phép lợi nhuận tài chính nắm vai trò định đoạt nghiên cứu y sinh.”[2]
Chạm trán nhiều lưỡng nan y sinh học trong hơn 30 năm thực hành nghề y, thỉnh thoảng đây đó, tôi có viết một số bài thuộc lãnh vực này. Tháng Ba này cùng với thao thức của vị Cha Chung Giáo hội, trong bài phản tỉnh ngắn, tôi chỉ đưa ra (hay nhắc lại) vài lý do cơ bản giải thích vì sao một số thực hành của dân chúng trong đời thường tại Việt Nam không đi đúng đường hướng Huấn quyền chỉ dạy. Mỗi tín hữu có trách nhiệm phân định để có thể đưa ra một sự đáp trả mang tính Kitô Giáo trước các thách đố về đạo đức y sinh học.
1/ Án tử hình
Tại Việt Nam, theo Báo cáo thi hành án hình sự trong năm năm (2011-2016) mà Bộ Công an công bố công khai vào tháng 2/ 2017, Việt Nam có 1.134 tử tù, và trong ba năm (2013-2016), có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc , còn một nửa trong số đó khi ấy chưa thi hành án.[3] Các tác giả ủng hộ việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam dựa trên quan điểm cho rằng hình phạt này có tác dụng răn đe vượt trội, vì thế việc duy trì nó là cần thiết do tình hình tội phạm đang diễn ra phức tạp.[4] Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng số án tử hình vẫn thi hành nhưng số tội phạm và độ tàn độc của tội ác vẫn ngày càng tăng. Thử hỏi một người đang lên cơn nghiện ma túy, còn đâu lý trí để sợ hãi? trước mắt chỉ biết bằng mọi cách thậm chí giết người để có tiền thỏa mãn cơn nghiện! Riêng cá nhân tôi, thấy có thêm mối nguy cơ giữa thi hành án tử hình với việc gợi lên một văn hóa trả thù, lòng hận thù, “cho đáng kiếp” tên côn đồ ác nhân! Thật ra, ý thức về Thiên Chúa, giáo dục con người nhân bản, xây dựng gia đình, vẫn phải là con đường cơ bản để thăng tiến con người và xã hội.
Trong buổi tiếp kiến ngày 11/05/2018 dành cho Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn văn bản mới của đoạn số 2267 về xóa án tử hình trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG):
- “Việc các chính quyền hợp pháp dùng đến án tử hình, khi đã xét xử công bằng, từ lâu được coi là một hình phạt tương xứng với tính trầm trọng của một số tội ác và là một phương thế có thể chấp nhận được, tuy là cực đoan, để bảo đảm công ích.
Tuy nhiên, ngày nay, người ta ngày càng ý thức rằng phẩm giá con người không bị mất, ngay cả sau khi đã phạm những tội ác rất nặng. Hơn nữa, con người ngày nay cũng có nhận thức mới về tầm quan trọng của các hình luật chế tài từ phía nhà nước. Sau cùng, các hệ thống tù giam hữu hiệu hơn cũng được xây dựng để bảo đảm an ninh cần thiết cho người dân, nhưng cũng đồng thời không tước đoạt cách vĩnh viễn cơ hội hoán cải của phạm nhân.
Vì thế, dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội dạy rằng ‘án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người’ và Giáo Hội quyết liệt dấn thân để án tử hình được bãi bỏ ở mọi nơi trên thế giới.”
2/ Chế tạo vaccine COVID-19 có sử dụng tế bào phôi thai bị phá
Khi phát triển vaccine COVID-19, một số nhà sản xuất đã sử dụng HEK 293 (human embryonic kidney cells) để tạo ra vector virus. Ba loại vaccine trong thử nghiệm giai đoạn 3 áp dụng phương pháp này thuộc về Đại học Oxford – hãng dược AstraZeneca của Anh, hãng dược CanSino Biologics của Trung Quốc và Viện Gamaleya của Nga (vaccine Sputnik V). Vaccine Johnson & Johnson của Hoa Kỳ cũng có dùng các tế bào gốc phôi thai người. Vấn nạn đạo đức của sự kiện này liên quan đến hai nhóm đối tượng: 1/ các nhà khoa học nghiên cứu; và 2/ các người sẽ sử dụng vaccine để phòng ngừa nhiễm virus.
Các nhà khoa học nghiên cứu
Liên quan đến việc sử dụng “chất liệu sinh học” từ nguồn gốc bất hợp pháp, Bộ Giáo Lý Đức Tin hướng dẫn rất rõ ràng trong Huấn thị “Phẩm giá con người” (Dignitas Personae, DP).
“Để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và sản xuất các vaccine hay những sản phẩm khác, thỉnh thoảng người ta dùng những dòng tế bào mà đó lại là kết quả thu được từ một can thiệp bất hợp pháp nào đó chống lại sự sống và sự toàn vẹn thể lý của con người. Sự liên can tới hành vi bất chính có thể là trực tiếp hay gián tiếp, vì nói chung đó là những tế bào được sản sinh cách dễ dàng và rất dồi dào. “Chất liệu” này đôi khi được thương mại hóa hay được phân phối miễn phí ở những trung tâm nghiên cứu của các tổ chức chính phủ được luật pháp cho phép. Tất cả những điều đó khơi lên những vấn đề đạo đức khác nhau liên quan tới sự cộng tác với điều xấu và điều tai tiếng. Bởi thế, cần phải công bố những nguyên tắc chung nhờ đó những người có lương tâm ngay thẳng có thể đánh giá và giải quyết trong những hoàn cảnh mà họ rất có thể bị liên can trong hoạt động nghề nghiệp của mình.” (DP s.34)
“Một trường hợp khác cần được lưu ý là khi các nhà nghiên cứu sử dụng “chất liệu sinh học” có nguồn gốc bất hợp pháp, được sản xuất từ bên ngoài trung tâm nghiên cứu của họ hay do mua bán trao đổi. Huấn thị Donum Vitae đã trình bày nguyên tắc chung phải tuân giữ trong trường hợp sau đây: “Các xác của phôi thai người, dù có bị phá cách chủ ý hay không, cũng cần phải được tôn trọng như những thi hài của những con người khác… Hơn nữa, một đòi hỏi luân lý cần phải được bảo đảm, đó là không được phép đồng lõa trong việc phá thai chủ ý, cũng như phải loại trừ mọi nguy cơ gây gương xấu” …
Khi điều bất hợp pháp lại được luật pháp điều hành hệ thống y tế và nghiên cứu khoa học thông qua, thì người ta buộc phải tách rời mình ra khỏi những khía cạnh bất chính của hệ thống này để không gây cho người khác tưởng lầm mình dung túng tới mức nào đó hay mình ngầm chấp thuận các hành động xấu nghiêm trọng như thế. Mọi vẻ biểu hiện như chấp nhận hẳn góp phần làm cho ngày càng gia tăng hơn thái độ dửng dưng, nếu không muốn nói là đồng thuận, đối với những hành vi xấu như thế trong một số giới y khoa và chính trị…
Nghĩa vụ tránh cộng tác vào điều xấu và điều gây cớ vấp phạm liên hệ đến các hoạt động nghề nghiệp thường ngày của họ (các nhà nghiên cứu khoa học), các hoạt động mà họ cần phải định hướng cách đúng đắn và qua đó họ phải làm chứng cho giá trị của sự sống, bằng cách chống lại những luật lệ bất công nghiêm trọng. Vì thế, cần phải nói rõ rằng người ta có nghĩa vụ phải từ chối “chất liệu sinh học” này, dù cho không có một liên hệ gần gũi nào giữa các nhà nghiên cứu với các nhà kỹ thuật thực hiện việc thụ tinh nhân tạo hay phá thai… Nghĩa vụ này phát xuất từ nghĩa vụ phải tách rời mình ra, trong phạm vi hoạt động nghiên cứu của mình, khỏi một khuôn khổ pháp chế bất công nghiêm trọng và phải khẳng định cách rõ ràng giá trị của sự sống con người…” (DP s. 35)
Phá thai luôn là một tội ác dù với mục đích gì. Việc sử dụng tế bào HEK 293 lấy từ phôi thai bị phá, hay tế bào gốc phôi thai người là cộng tác vào điều ác. Mục đích tốt không biện minh được cho phương tiện xấu. Như thế, rõ ràng các nhà khoa học nghiên cứu Công giáo không được phép tham gia vào các dự án sử dụng HEK 293 hay tế bào gốc phôi thai người.
Về phía người sử dụng vaccine để phòng ngừa COVID-19
Trong khi các Tổng giám mục tại Úc phản đối các nhà nghiên cứu sử dụng HEK 293 để sản xuất vaccine, các ngài nói rằng các Kitô hữu có thể xem xét việc sử dụng vaccine hay không tùy theo “lương tâm cá nhân”. Liên quan đến vấn nạn này, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã hướng dẫn như sau:
“…có các mức độ trách nhiệm khác biệt. Các lý do nghiêm trọng có thể tương xứng về mặt luân lý để biện minh cho việc sử dụng “chất liệu sinh học” [làm ra từ những dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp] này. Chẳng hạn, khi đứng trước nguy cơ đe dọa sức khỏe của con cái, các cha mẹ có thể chấp nhận sử dụng một thứ vaccine vốn được làm ra từ những dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trong khi họ vẫn phải biểu lộ sự bất đồng ý kiến về vấn đề này và vẫn có bổn phận phải yêu cầu các hệ thống y tế làm ra các loại vaccine khác để sử dụng…” (DP s. 35)
Như thế, theo giáo huấn trên, người tín hữu một mặt cần lên tiếng biểu lộ sự phản đối về việc sử dụng HEK 293 để chế tạo vaccine. Một mặt trước nguy cơ lây nhiễm lan rộng có khả năng chết người của đại dịch COVID-19, mà khi chưa có vaccine nào hữu hiệu ngoài vaccine chế tạo từ HEK 293, Kitô hữu hoặc có thể từ chối sử dụng nó (nhân đức anh hùng), hoặc có thể với lương tâm quyết định sử dụng vaccine này trong thời điểm hiện tại, điều này vẫn được phép về mặt luân lý. Điều này cũng có thể được biện minh theo nguyên tắc “dung nạp điều ít xấu hơn”.
3/ Phá thai
Trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội Công Giáo là phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh (hợp tử) đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như là con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận. Bộ Giáo Lý Đức Tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured Abortion, 12) …“Giáo huấn này vẫn còn giá trị và được xác định hơn … bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành.” ( Donum Vitae DV, I,1.)
Phá thai, nghĩa là việc trực tiếp và cố ý kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống, hoặc trực tiếp cố ý phá hủy thai còn sống. Phá thai bao gồm cả giai đoạn giữa khi thụ thai và phôi thai làm tổ.[5]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố: “Với uy quyền mà Đức Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, và trong sự hiệp thông với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng. Giáo lý này, dựa trên luật không văn tự mà con người, dưới ánh sáng của lý trí, tìm thấy trong tim mình (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh tái khẳng định, Truyền Thống của Giáo Hội lưu truyền, và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” (EV 57).
Tất cả phá thai trực tiếp, dù bất cứ lý do gì, đều không hợp luân lý Công Giáo. Giáo hội nhìn nhận rằng, thực tế, các chọn lựa phá thai nhiều khi xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí bi đát, cô độc, nhiều áp lực nặng nề về kinh tế, về tinh thần. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến đâu, chính sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, đặc biệt là khi sự sống ấy còn chưa có khả năng bảo vệ chính mình, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng (x. EV 18, 58) và tác động đến sự hiệp thông, mối tương quan của người ấy với Thiên Chúa và với tha nhân. Đồng cảm với thử thách mà nhiều cặp vợ chồng phải đối phó, Giáo Hội thừa nhận đôi khi phải cần nhân đức “anh hùng” để tuân giữ các chân lý luân lý vốn gắn liền với đức tin về phẩm giá nội tại con người. Điều đáng lo ngại hơn ở đây, ngày nay vấn đề vượt ra khuôn khổ các hoàn cảnh riêng tư, mà tồn tại ở tầm mức văn hóa, xã hội, chính trị, và ở triết lý sống nền tảng, quan niệm về tự do. Thái độ chọn lựa chống lại sự sống ngày càng được chấp nhận rộng rãi, được xem như biểu hiện hợp pháp của tự do cá nhân (x. EV 18). Hệ thống giá trị luân lý bị đảo lộn, giá trị vật chất được đặt lên trên giá trị tinh thần, giá trị thiêng liêng.
4/ Khám tiền sản và phá thai chọn lọc
Xã hội Việt Nam, cũng như nhiều xã hội khác trên thế giới, cách riêng ngành y khoa, ngày nay chấp nhận và ngay cả khuyến khích các thai phụ phá thai khi phát hiện thai khuyết tật. Số phận các thai nhi như một cuộc “xổ số” may rủi, hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng chẩn đoán và lập trường các bác sĩ khám tiền sản, và vào cha mẹ. Tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng thực tế cho thấy con số phá thai chọn lọc tăng tỉ lệ thuận với khả năng chẩn đoán y khoa.
Lịch sử cho thấy nhiều lần các tiến bộ y sinh học thay vì phục vụ sự sống, lại quay ra hủy hoại sự sống, nhân danh vì một “cuộc sống hạnh phúc hơn”. Vì thế, Huấn Quyền thận trọng đối với vấn đề khám tiền sản: “Chẩn đoán tiền sản, vốn không trái luân lý nếu được thực hiện để xác định trị liệu y khoa có thể cần thiết cho thai nhi, rất thường trở thành cơ hội để đề nghị và gây ra phá thai. Đây là phá thai ưu sinh, được biện minh trong công luận dựa trên não trạng- nhận thức một cách sai lầm rằng đó là phù hợp với đòi hỏi của ‘các can thiệp chữa trị’- chỉ chấp nhận sự sống dưới một số điều kiện nhất định và chối bỏ sự sống khi bị khiếm khuyết, tật nguyền, hay bệnh tật nào đó” (EV 14). Sự sống luôn là điều thiện hảo.
Khám tiền sản ngày nay bộc lộ một thái độ ưu sinh đã áp đặt những quy luật của nó, và cả những nguy cơ. Đó chính là nền văn hóa duy lợi buộc phải loại trừ tất cả những gì không tỏ ra hoàn hảo, gây tốn kém cho xã hội. Với nền văn hóa này, trách nhiệm làm cha mẹ gắn với não trạng làm cha mẹ “có điều kiện”, không chấp nhận những đứa con không đáp ứng lòng mong muốn của mình. Tất cả những gì nền “văn minh sự chết” này đem lại là sự trống rỗng, sự vô nghĩa của một cuộc sống thiếu đi những nền tảng. Nhiều trường hợp, sự sống con người đã bị xem thường đến mức “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, các thai nhi khỏe mạnh bị phá do bị chẩn đoán lầm là khuyết tật.[6]
Ngoài ra, các bác sĩ khám tiền sản thực hiện phá thai ưu sinh đang làm thay đổi chính bản chất của nghề y khoa: thay vì bảo vệ sự sống, nay thầy thuốc đang trở thành người hủy hoại sự sống bằng cách giết chết các bệnh nhi của mình ngay trong lòng mẹ.
5/ Thai ngoài tử cung (GEU: Gestation extra uterine)
Theo hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, trong trường hợp GEU, không can thiệp nào được coi là hợp luân lý nếu như gây ra việc phá thai trực tiếp.[7] Chẳng hạn việc tiêm methotrexate để thai chết như hiện nay y khoa có thể áp dụng là phá thai trực tiếp. Cần lưu ý là hiện tại với sự phát triển của phương tiện chẩn đoán siêu âm, có thể phát hiện GEU rất sớm, bác sĩ có thể theo dõi diễn tiến của GEU vì một số trường hợp GEU sau đó phôi thai chết tự nhiên và tự tiêu; hoặc để can thiệp kịp thời khi cần (như mổ cắt đoạn vòi trứng chứa GEU là hợp luân lý Công giáo, lý do giải thích chi tiết đã được trình bày ở một bài viết khác).
6/ Ngừa thai nhân tạo
Ngừa thai nhân tạo mâu thuẫn với sự thật trọn vẹn của hành vi tình dục như diễn tả độc đáo của tình yêu vợ chồng, nó tách rời ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa truyền sinh vốn bất khả phân ly được thiết lập bởi Thiên Chúa trong hành vi phu phụ (Humanae Vitae, HV s. 11, 12). Huấn Quyền hiện nay vẫn giữ lập trường KHÔNG đối với ngừa thai nhân tạo (x. GLGHCG s. 2370). “Có thể nhiều người sử dụng ngừa thai với ý tránh cám dỗ phá thai sau đó. Nhưng các giá trị tiêu cực gắn liền với ‘não trạng ngừa thai’- vốn rất khác với việc làm cha mẹ có trách nhiệm, được sống trong sự tôn trọng sự thật toàn vẹn của hành vi vợ chồng- trong thực tế lại làm mạnh thêm sự cám dỗ phá thai khi xảy ra sự thụ thai không mong muốn. Thật vậy, nền văn hóa ủng hộ phá thai mạnh mẽ một cách đặc biệt, chính ở những nơi mà giáo huấn về ngừa thai của Giáo Hội bị chối bỏ” ( Evangelium Vitae EV s. 13).
Các lời tiên báo của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI về hậu quả tác hại nghiêm trọng nếu giáo huấn này bị chối bỏ (x. HV 17) nay tất cả đều thành hiện thực: cùng với sử dụng tự do các biện pháp ngừa thai nhân tạo, con người cũng dễ dãi, tự do quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, tiền hôn nhân; tầm thường hóa tình dục, thân xác phụ nữ bị xem như món đồ giải trí, có thể thương mại; con số phá thai, ly dị ngày càng cao; tuổi bắt đầu quan hệ tình dục ngày càng sớm hơn…Về mặt y khoa, tỉ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng, biến chứng của các loại thuốc ngừa thai nhân tạo vẫn được báo chí đề cập đến như rối loạn đông máu, tắc nghẽn mạch do huyết khối, thậm chí ung thư. Cách riêng các phương pháp triệt sản gây vô sinh vĩnh viễn.
Cần nhắc lại, một số biện pháp ngừa thai nhân tạo thực chất là hủy sự sống con người trong giai đoạn khởi đầu, như vòng tránh thai trong tử cung. Cơ chế tác dụng chính của dụng cụ tử cung là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về sinh hóa tế bào nội mạc và không tạo điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ. Những số tiền khổng lồ đã được đầu tư và tiếp tục đầu tư trong việc sản xuất các dược phẩm có khả năng giết chết phôi thai trong bụng mẹ mà không cần sự trợ giúp y khoa. Vài loại thuốc phá thai như Postinor, RU-486 (MIFESTAD 5mg). Cái gọi là “điều hòa kinh nguyệt” khi người phụ nữ trễ kinh vài ngày, thực chất là nạo thai sớm. Tôi đã từng nhiều lần gặp các cô gái đi khám bệnh kể về việc đã sử dụng thuốc để loại bỏ thai, với cách thản nhiên như vừa uống một loại thuốc trị bệnh! Lương tâm con người dường như đã bị bào mòn vì lối sống buông thả, thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa.
7/ Thụ thai nhân tạo
Huấn Quyền nhắc nhở khi áp dụng các thành quả y khoa vào con người, các nhà khoa học có trách nhiệm luân lý phải tôn trọng mọi nhân vị, trong mọi giai đoạn cuộc sống, và các can thiệp sinh sản phải bảo đảm tính đặc thù của các hành vi nhân vị truyền thông sự sống. Phẩm giá con người bắt nguồn từ hình ảnh Thiên Chúa được ghi khắc trong từng con người, và từ mầu nhiệm Làm Người của Ngôi Hai giúp con người được tham dự vào đời sống vĩnh cửu với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi dứt khoát chối từ mọi đối tượng khác và tự do ưng thuận bước vào đời sống hôn nhân, các đôi vợ chồng đã hoàn toàn trao hiến cho nhau, đã thiết lập nhau thành những người bất khả thay thế và không chia lìa được, và vì thế, họ làm cho chính mình đủ tư cách để thực hiện những chuyện rất “riêng biệt và độc quyền”: hành vi kết hợp thân xác và đón nhận hồng ân sự sống. Cả hai cùng nhau chia sẻ và gánh vác trách nhiệm nuôi nấng sự sống ấy lớn lên. Vì lẽ đó, hành vi trao hiến vợ chồng và đón nhận hồng ân sự sống chỉ được xứng hợp trong bối cảnh gia đình.
“Cội nguồn của sự sống con người phải ở trong một bối cảnh chân thực của nó là hôn nhân và gia đình, trong đó nó được sinh hạ nhờ một hành động biểu lộ tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ” (Dignitas Personae DP, s.6). Qua hành vi truyền sinh, người nam và người nữ được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng con người. Hai chiều kích tự nhiên và siêu nhiên của sự sống con người, “giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các hành vi làm cho một con người sinh ra đời và qua đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau, là một phản ánh của tình yêu của Ba Ngôi” (DP s.9) .
“Nhờ sự kết hợp của đôi phối ngẫu, mục đích kép của hôn nhân được thể hiện: lợi ích của chính đôi phối ngẫu và sự lưu truyền sự sống. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân, mà không làm biến chất đời sống tinh thần của đôi phối ngẫu cũng như phương hại đến những lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình” (GLGHCG s.2363).
Như thế, khi tách rời sự truyền sinh khỏi hành vi vợ chồng trong thụ thai nhân tạo, con người đã xâm phạm đến chính nội tại phẩm giá con người, và con người bị trở nên “kém” hơn điều chính con người phải là, và đồng thời, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người cũng bị xâm phạm. Thật vậy, ở các động vật khác, hành vi tính giao giữa con đực và con cái chỉ có ý nghĩa sinh sản, được thúc đẩy bởi bản năng. Nhưng chỉ con người mới có sự kết hợp toàn diện thể xác, tình cảm, tâm hồn, thiêng liêng trong hành vi giao hợp, và chính Thiên Chúa hiện diện khi hai thể xác và hai tâm hồn nên một, truyền sinh sự sống. Vậy ta có thể nói, hơi khó nghe nhưng đúng bản chất, khi sự tạo sinh con người mới không ở trong bối cảnh kết hợp vợ chồng, sự sinh sản chỉ ở tầm mức giống các động vật khác mà thôi. Trong thụ thai nhân tạo, sự sinh sản con người bị hạ thấp, chỉ mang tính máy móc kỹ thuật trong một quy trình “làm ra”, “sản xuất” ra. Đây là điểm Giáo hội đặt trọng tâm.
Điểm cần lưu ý ở đây, là thụ thai nhân tạo dị ngẫu (trứng hoặc tinh trùng đem sử dụng không thuộc về cùng cặp vợ chồng điều trị vô sinh) bị loại trừ trước hết do xúc phạm bản chất đơn nhất của hôn nhân (x. DP s.12). Còn nhiều vấn nạn luân lý trong thực hành thụ thai nhân tạo dị ngẫu như bán tinh trùng, bán trứng, thuê người mang thai hộ, hôn nhân đồng huyết thống …Thụ thai nhân tạo đồng ngẫu (trứng và tinh trùng được sử dụng là thuộc cùng cặp vợ chồng điều trị vô sinh) cũng không được chấp nhận vì tất cả các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay đều thay thế hành vi vợ chồng. Ngay cả phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra-uterine insemination) là phương pháp điều trị vô sinh đầu tay và được áp dụng phổ biến nhất, và được đánh giá là kỹ thuật điều trị vô sinh hiệu quả nhất hiện nay, mà nhiều người, lầm tưởng là có thể chấp nhận vì sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người nữ, cũng không được chấp nhận về mặt luân lý vì nó vẫn thay thế hành vi vợ chồng.
Các kỹ thuật của thụ thai nhân tạo, mục đích đầu tiên là phục vụ sự sống và thường được thực hành với ý hướng này, thực tế mở ra các tấn công mới đối với sự sống con người. Chẳng hạn, do tỉ lệ thất bại cao, thất bại cả trong việc thụ tinh và còn nguy cơ chết trong sự phát triển tiếp sau đó của phôi, và để giảm giá thành, các nhà chuyên môn thường tạo ra số phôi nhiều hơn nhu cầu cho việc cấy vào tử cung người phụ nữ. Các phôi này, gọi là “phôi dư”, sau đó bị phá hủy hoặc dự trữ đông lạnh để dùng trong nghiên cứu, với danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học, thực chất hạ thấp sự sống con người xuống cấp độ chỉ là một “chất liệu sinh học” có thể tùy nghi sử dụng (x. EV s.14). Hơn nữa, trước khi cấy vào tử cung, các phôi sẽ được phân loại di truyền tốt xấu, phôi tốt được giữ lại, phôi xấu bị loại bỏ. Sau hết, đa thai là một hậu quả khác của thụ thai nhân tạo, và để bảo đảm thai phát triển tốt, nhiều khi bác sĩ sẽ thực hiện phá thai chọn lọc, giữ lại thai mạnh khỏe và bỏ thai yếu hay khuyết tật. Cả thầy thuốc và cha mẹ thực hành chủ thuyết ưu sinh, vốn đi ngược lại phẩm giá con người.
8/ Mua bán nội tạng người trong cấy ghép cơ phận
Việc hiến tặng cơ phận trong cấy ghép cơ quan ở người chính là nghĩa cử cao quý, một biểu lộ của một hành vi yêu thương đích thực. Đây không chỉ là vấn đề cho đi một cái gì đó thuộc về chúng ta nhưng là cho đi một cái gì đó chính chúng ta, vì “do sự kết hiệp mật thiết với linh hồn, thân xác không thể được xem đơn thuần là một phức hợp của các mô, cơ quan, hay các chức năng… đúng hơn, nó là một cấu thành của nhân vị mà qua đó nhân vị biểu hiện và diễn tả chính mình (DV, s.3).
Theo đó, tiến trình nào có khuynh hướng thương mại hóa cơ quan con người, hay xem chúng như các điều khoản trao đổi hay buôn bán phải xem là không thể chấp nhận về mặt luân lý, bởi vì sử dụng thân thể như một “đồ vật” là xâm phạm phẩm giá nhân vị.[8]
9/ Nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người
Liệu pháp tế bào gốc (stem cell, SC) là bước tiến nhảy vọt của ngành y sinh học vào đầu thế kỷ 21. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng các SC khi được cấy vào một mô bị thoái hóa, có thể giúp phát triển các tế bào mới và tái sinh lại mô này. Điều này mở ra các viễn ảnh mới cho khoa y học tái tạo, và khơi niềm kỳ vọng được chữa lành cho nhiều người bệnh như bệnh ung thư máu, tim mạch, Alzheimer, Parkinson, tiểu đường, phỏng nặng, teo cơ… [9] Liệu pháp SC thu hút một sự quan tâm lớn lao của các nhà nghiên cứu và của các tôn giáo trên toàn thế giới vì các thành tựu của nó và cùng lúc các vấn nạn đạo đức được đặt ra.
Vấn nạn luân lý của nghiên cứu tế bào gốc hệ tại ở nguồn thu nhận tế bào gốc và các nguy cơ liên quan tới việc thí nghiệm hay ứng dụng điều trị , cách thức và mục đích sử dụng tế bào gốc. Ở đây chỉ đề cập đến nguồn thu nhận. Trên người, tế bào gốc có thể có bốn nguồn. 1/ Phôi: có tiềm năng biệt hóa lớn nhất nên hấp dẫn các nhà nghiên cứu. 2/ Thai và các bộ phận phụ của thai như cuống rốn. 3/ Tế bào gốc trưởng thành được thu nhận từ cơ thể trưởng thành như tế bào tạo máu từ tủy xương, tế bào thần kinh từ não. 4/ Tế bào gốc nhân tạo, chính xác hơn là thuật ngữ “tế bào gốc đa năng cảm ứng” (induced Pluripotent Stem cell-iPS) do con người tạo ra nhờ kỹ thuật chuyển gen in vitro từ các tế bào sinh dưỡng (somatic cell) như tế bào da. Chúng có đặc tính sinh học tương đương với tế bào gốc từ phôi.[10]
Về cơ bản, Huấn quyền xem là hợp luân lý việc lấy tế bào gốc ở các trường hợp (4), (3) và ( 2) với điều kiện các mô bào thai đã chết bởi một nguyên nhân tự nhiên, không phải do phá thai (x. DP s.32); Đức thánh Cha Bênêđíctô XVI tán thành việc hiến tặng cuống rốn, “một hành vi liên đới nhân bản và Kitô giáo”, tuy nhiên, ngài không đồng ý việc thương mại hóa nó.[11] Riêng trường hợp (1), Huấn Quyền khẳng định lấy các tế bào gốc phôi người còn sống ắt sẽ làm cho nó chết và do đó, bất hợp luân lý. Dù các kết quả có hữu ích điều trị như thế nào, thì việc nghiên cứu đã hủy diệt sự sống của con người vốn có cùng phẩm giá với các con người khác. Đây là việc làm thiếu nhân tính. Việc sử dụng các tế bào gốc từ phôi hay các tế bào đã biệt hóa phát xuất từ đó –cả khi chúng được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu khác vẫn không hợp luân lý vì lý do cộng tác vào điều ác và gây gương xấu (x. DP 32).
Tạm kết
Xin mượn suy tư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong EV
Sự sống con người được ghi dấu bởi chân lý của Thiên Chúa, không thể xóa bỏ được. Chính khi lắng nghe Lời Chúa, qua giáo huấn Giáo hội, mà chúng ta có thể sống trong phẩm giá và chân lý. Điều ấy mang lại hoa trái sự sống và hạnh phúc đích thực đời sau. Thánh gia Nazarét, đã phải đối diện và vượt qua muôn thử thách từ lúc Đức Maria được truyền tin mang thai Ngôi Lời Nhập thể, thánh Giuse bối rối, Hài nhi Giêsu được sinh ra nơi máng cỏ ngoài đồng hoang, cuộc chạy trốn Hêrôđê,… cho đến khi Đức Maria đứng dưới chân thập giá. Trong cuộc đời Chúa Giêsu, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, chúng ta tìm thấy một biện chứng độc đáo giữa kinh nghiệm về sự bấp bênh của đời người và sự khẳng định phẩm giá của sự sống ấy. Các nghịch lý, rủi ro trong đời sống đã được Đức Giêsu chấp nhận hoàn toàn. Chính qua cái chết của mình mà Đức Giêsu mạc khải tất cả vẻ rạng ngời và phẩm giá của sự sống, vì sự hiến tế của Ngài trên thánh giá trở nên nguồn sống mới cho mọi người (x. Ga 12, 32). Trong cuộc hành trình giữa các đối kháng và sự tự hiến chính mạng sống mình, Đức Giêsu được hướng dẫn bởi niềm xác tín rằng sự sống Ngài ở trong bàn tay Cha. Vì thế, trên Thập giá, Ngài có thể thưa với Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!” (Lc 23, 46), đó là sự sống của con (EV, s. 33).
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Lễ Thánh Giuse, 19/3/2022
[1] “Toàn bộ diễn từ lên án chiến tranh của Đức Thánh Cha”,
< https://www.youtube.com/watch?v=_jlVE-wQfrY >
[2] <https://www.youtube.com/watch?v=X5Asg_H3Ql8>
[3] Báo cáo Quốc gia về Thực hiện Quyền con người tại phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền
trước Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc của Việt Nam, ngày 22/01/2019 tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Nguồn:
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-refuses-to-reveal-no-of-dead-penalty-citing-national-secret-01222019213828.html (truy cập lần cuối: 25/01/2021). Trích lại trong Vũ Công Giao, Nguyễn Quang Đức, “Những thuận lợi và thách thức với việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam”.
[4] “Những thuận lợi và thách thức với việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam”.
[5] Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, “Chỉ Dẫn Đạo đức và Tôn giáo cho Việc Chăm sóc Sức khỏe Công giáo”, Ấn bản lần thứ 6, (2018), số 45.
[6] X. Vietnamnet, “Mâu thuẫn quanh vụ thai nhi 7 tháng bị đem chôn”, http://www.zing.vn/news/xa-hoi/mau-thuan-quanh-vu-thai-nhi-7-thang-bi-dem-chon/a250310.html ”(17/5/2012) ; Ngọc Hà, “Phá thai nhầm vì bệnh Rubella”, <https://tuoitre.vn/pha-thai-nham-vi-benh-rubella-449944.htm>.
[7] “Chỉ Dẫn Đạo đức và Tôn giáo cho Việc Chăm sóc Sức khỏe Công giáo”, (2018), số 48.
[8] Address of the Holy Father John Paul II to the 18th International Congress of the Transplantation Society, (29/8/2000), <http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/2000/jul-sep/documents/hf_jp-ii_spe_20000829_transplants.html>
[9] X. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc, (Tam Kỳ, Nxb Giáo Dục VN 2010), tr. 40-51; Lan Anh, “Điều trị thành công bệnh nhân ung thư máu 7 năm” <https://tuoitre.vn/dieu-tri-thanh-cong-benh-nhan-ung-thu-mau-7-nam-519775.htm>, (10/11/2012)
[10] X. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc, (Tam Kỳ, Nxb Giáo Dục VN 2010), tr. 34-37.
[11] Tý Linh (theo AFP), “Đức Thánh Cha tán thành việc hiến tặng dây rốn, chứ không chấp nhận việc thương mại hóa nó”, <http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/02/27/duc-thanh-cha-tan-thanh-viec-hien-tang-day-ron>
#phantinhveycaunguyenchocactinhuu #ycaunguyenchocactinhuu #thachdovedaoducysinhhoc