MÙA CHAY: MÙA HOÁN CẢI VÀ TRÀN ĐẦY ƠN PHÚC
Mục lục |
1. Mùa Chay là gì?
Mùa Chay bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro , ngày 2 tháng 3 năm 2022, và kết thúc vào Thứ Năm, ngày 14 tháng 4 năm 2022, trước khi cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa. Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá vào ngày 10 tháng 4 năm 2022. Tam nhật Thánh bắt đầu vào Thứ Năm, ngày 14 tháng 4 năm 2022, cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, tiếp theo sau là Thứ Sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2022, tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Kitô trên Thập Giá. Vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 17 tháng 4 năm 2022, các Kitô hữu kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Kitô.
Thời gian của Mùa Chay – bốn mươi ngày không kể các ngày Chủ nhật – đặc biệt là nói đến bốn mươi năm sống trong sa mạc của dân Israel từ lúc họ rời khỏi Ai Cập cho đến khi họ vào đất hứa; Mùa Chay cũng đề cập đến bốn mươi ngày của Chúa Kitô trong sa mạc từ khi chịu phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả cho đến khi bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài. Con số bốn mươi này tượng trưng cho thời gian chuẩn bị cho những khởi đầu mới.
2. Thứ Tư Lễ Tro là gì?
Thứ Tư Lễ Tro, ngày đầu tiên của Mùa Chay, được đánh dấu bằng việc xức tro: linh mục chấm một ít tro rồi vẽ hình Thánh giá lên trán mỗi tín hữu, như một dấu chỉ của sự mong manh của con người, nhưng cũng là niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tro như một biểu tượng đã được nói đến trong Cựu Ước. Ở mọi nơi, người ta đều coi tro như tượng trưng cho tội lỗi và sự mong manh của sự sống. Chúng ta có thể đọc thấy trong Cựu Ước rằng khi con người dùng tro phủ lên mình, đó là vì họ muốn cho Thiên Chúa thấy rằng họ nhận ra lỗi lầm của mình. Bằng cách đó, họ xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của mình và sẵn sàng thực hiện việc đền bù tội lỗi, như ông Gióp “Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (Gióp 42:6) hoặc như tiên tri Đaniel nài van Thiên Chúa: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đaniel 3:3). Còn dân thành Ninivê tin vào Thiên Chúa, “họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Giôna 3:5-8).
3. Thời gian hoán cải
Tất cả chúng ta đều trải nghiệm tội lỗi. Làm thế nào để thoát ra khỏi tội lỗi? Chúa Giêsu dạy rằng chúng ta sẽ chiến thắng tội lỗi khi chúng ta nhờ Tin Mừng học biết cách thay thế ngọn lửa của sự dữ bằng ngọn lửa của Tình yêu. Bởi vì ngọn lửa bùng cháy hôm nay trước hết sẽ hủy diệt những hư hỏng nơi cõi lòng, nhưng đồng thời cũng soi sáng, sưởi ấm, an ủi, hướng dẫn và khích lệ chúng ta.
Tro được bôi lên trán để kêu gọi chúng ta hoán cải một cách rõ ràng hơn, chính xác là bằng nẻo đường khiêm hạ. Tro là những gì còn lại sau khi ngọn lửa đã thiêu rụi những thứ mà nó chiếm được. Khi chúng ta thấy tro tàn, rõ ràng là không còn gì sót lại từ ngọn lửa đã thiêu hủy chúng. Đó là hình ảnh của sự hư không nghèo nàn của chúng ta. Nhưng tro tàn cũng có thể làm cho trái đất mầu mỡ và sự sống có thể tái sinh dưới lớp tro tàn đó.
Trong khi xức tro, linh mục nói với các tín hữu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Bài Tin Mừng Thứ Tư lễ Tro năm C là một đoạn của Thánh Matthêu – chương 6, các câu 1 đến 6 và 16 đến 18 – khuyến khích các tín hữu cầu nguyện và hành động, không phải bằng cách tự hào và phô trương, nhưng trong sự thầm lặng của lòng họ:
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Nghi thức xức tro cho cộng đoàn mở ra thời gian Mùa Chay, “thời gian trọn vẹn 100% để tìm kiếm Thiên Chúa”. Nhưng làm thế nào để bạn đạt được điều này, trong cộng đoàn hay trong phòng riêng của bạn, khi bạn cầu nguyện một mình?
4. Chay tịnh trong Mùa Chay
Kiêng cữ là tạm thời bỏ đi thứ gì đó dù cần thiết hoặc thứ gì đó khoan khoái dễ chịu đối với chúng ta nhằm dành cho mình nhiều thời gian hơn để tìm kiếm điều thiết yếu. Ví dụ, một người kiêng ăn. Ăn chay cho phép chúng ta biết rõ hơn những gì là sự sống thực sự trong chúng ta. Mong muốn sâu xa nhất của chúng ta là gì? Là nhận ra rằng sự hiện hữu đích thực nơi mình luôn đói khát Thiên Chúa và Lời của Ngài. Đó là mục đích của việc ăn chay: làm cho chúng ta nhận ra rằng con người không bao giờ cảm thấy tự mình là no đủ, không bao giờ cảm thấy thế giới này là đủ, cuộc đời này là đủ! Con người luôn có trong sâu thẳm lòng mình một “sự mở ra khôn cùng hướng về vô biên – Infinite openness to the infinite”[1]. Chay tịnh là quay về với lòng mình, quay về với sự mở ra khôn cùng đó, mà trong cuộc sống chìm ngập giữa đa đoan người ta thường dễ quên nó đi, và không còn thực sự là mình, trở nên “vong thân – aliéné(e)” ít nhiều. Việc quay về với khát vọng vô biên đó chính là sự hoán cải, không mải mê quay quắt đi tìm những điều phàm trần nữa, mà sẵn sàng cho một “tư thế lên đường” tìm kiếm những giá trị “đời đời” “ái mộ những sự trên trời”[2]. Cuộc hành trình quay về với chính mình ấy là sự sám hối, là trở về với tình thương của một người Cha, một tình thương vốn ghi khắc sẵn trong cõi lòng sâu thẳm của mọi người con, và luôn luôn lên tiếng kêu gọi và chờ đợi những người con ấy trở về: “… Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy…” (Luca 15:11-32). Chính vì thế, thánh Phaolô đã nói rằng đức mến không câu nệ hoặc nề hà chi cả: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:7-8). Chúa Giêsu đã chứng minh với tông đồ Phêrô về “lòng tha thứ vô hạn” – tức là lòng thương xót đó. Cuộc trở về ấy là cử chỉ liên kết với Lời Chúa và với Thiên Chúa, để rồi liên kết với những người khác, nhất là những người nghèo, và là lời mời gọi chia sẻ, bố thí. Đó là sự tự nguyện bỏ đi những gì thỏa mãn cái tôi ích kỷ của chúng ta: có lẽ là một ít thức ăn, nhưng cũng có thể là những dục vọng đầy cạm bẫy ghê gớm như ma túy, rượu chè, dục tình, phim ảnh bạo lực, xem truyền hình, điện thoại, máy tính quá nhiều… từ bỏ mọi thứ vốn dĩ đặt cuộc sống của chúng ta dưới sự thống trị áp chế của các nhu cầu đa tạp và những thói tật cố hữu.
Việc thiếu đi một ít thức ăn làm cho con người trở nên khó chịu. Tuy nhiên việc thiếu thốn đó lại giúp cho con người nhận ra rằng ngoài thức ăn vốn chỉ nuôi dưỡng cơ thể, làm no bụng mà thôi, còn có những nhu cầu khác cần được đáp ứng ngoài chuyện ăn uống. Chay tịnh giúp làm được việc đó. Chúa Giêsu trong 40 ngày ăn chay trong sa mạc nói:
“Người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4: 4)
Mùa chay không phải là thời gian buồn bã, nhưng hoàn toàn ngược lại! “Hỡi Giêrusalem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi” (Ca nhập lễ CN thứ 4 mùa chay, năm C). Điều quan trọng là chuẩn bị cho lễ Phục sinh, nghĩa là Mùa Chay hướng về sự Phục sinh của Chúa Kitô từ cõi chết, về sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Việc đổi mới lời cầu nguyện, quyết tâm chia sẻ và rèn luyện tính tự chủ, vốn đặc biệt được khuyến khích trong Mùa Chay, mời gọi chúng ta vui mừng. Tất cả thời gian của Mùa Chay Kitô giáo được sống trong bầu khí đơn sơ, vui tươi và hy vọng , để mở ra cho chúng ta thấy Chúa Phục Sinh, là Đấng mang lại ánh sáng và ơn cứu độ: “Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.” (Lời nguyện hiệp lễ Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay, năm C).
5. Làm thế nào để sống Mùa Chay một cách cụ thể?
Trong sa mạc, Chúa Kitô đã tiến hành một trận chiến thiêng liêng và Người đã chiến thắng. Bước theo Chúa Kitô không phải chỉ bằng nỗ lực của chính sức phàm nhân của chúng ta mà là để Chúa Kitô ngự trị trong chúng ta và làm theo ý muốn của Người và để chúng ta được Thánh Thần hướng dẫn.
Trong suốt Mùa Chay, để chuẩn bị cho lễ Phục sinh, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu vào cuộc chiến thiêng liêng đó. Chúng ta được mời gọi trang bị cho mình những phương tiện cụ thể: cầu nguyện cùng với Người, chay tịnh cùng với Người, chia sẻ với anh em chúng ta cùng với Người, để giúp chúng ta phân biệt được các ưu tiên của đời mình. Mùa Chay cũng là một thời gian khuyến khích sự im lặng lắng nghe Lời Chúa. Bằng cách lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày, vốn rất phong phú trong mùa phụng vụ Mùa Chay này, chúng ta cũng có thể, như Chúa Giêsu trong sa mạc đã chống lại Satan ba lần, vượt qua ba cơn cám dỗ về nhu cầu thân xác, về quyền lực, và việc không chấp nhận giới hạn con người của mình, chối bỏ sự tùy thuộc vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa: “Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ…” (Luca 4:1-13).
a. Cầu nguyện tĩnh lặng
Chúng ta phải dành thời gian, dù cuộc sống bận rộn, để quay lại với chính mình. Hãy cầu nguyện như Chúa Giêsu, là Đấng biết thoát ra khỏi đám đông, dành thời gian cho cuộc hàn huyên với Thiên Chúa Cha để rồi sau cuộc đối thoại với Chúa Cha, cứu chữa đám đông hiệu quả hơn. Bằng cách suy gẫm Lời Chúa trong thinh lặng, tắt tivi, radio, tránh quá lệ thuộc vào điện thoại thông minh… mỗi ngày chúng ta chấp nhận đặt mình trước mặt Chúa dăm mười phút để được Ngài nắm bắt. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng im lặng trong cuộc sống của mình, thoát ra khỏi sự hời hợt bề nổi của những thời khóa biểu hoạt động nào đó, để dành ưu tiên cho Đấng Quan Trọng Nhất: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Luca 18,1). Nếu bạn không biết cầu nguyện như thế nào, hãy nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Điều đẹp nhất và thích hợp nhất mà tất cả chúng ta phải làm đó là lặp lại lời cầu xin của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!” (Luca 11:1-4). Chắc chắn Chúa sẽ không để cho lời cầu xin của chúng ta rơi vào trong hư không.”[3]
b. Bớt ăn uống – nói năng
Khổ chế là một thực tại khiến chúng ta sợ hãi. Chúng ta không quen tự tước bỏ các nhu cầu cho dù ngày nay trên đất nước chúng ta, nhiều đồng bào đang sống trong điều kiện bấp bênh và lo lắng cho ngày mai. Chắc chắn, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về những hành vi khổ chế đáng kể nhất định: ăn ít hơn vào mỗi thứ Sáu; nhịn ăn – ít nhất là một bữa ăn – vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh; kiểm soát bản năng của chúng ta.
Cũng đừng quên rằng bớt ăn uống cần phải song hành với một thứ khổ chế khác vốn cấn đến nhiều nỗ lực hơn đối với một số người: bớt nói năng. Việc giảm bớt nói năng, nhất là những lời nói vô bổ, giúp chúng ta bớt xao động tâm trí, giữ được yên tĩnh trong tâm hồn, sẽ dễ dẫn đưa chúng ta đến điều cốt yếu của cuộc sống. Bạn chỉ nên nói khi biết rằng sự im lặng đã hết giá trị. Publilius Syrus nói: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ hối tiếc vì sự im lặng của mình.” Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin nói; “Người nói càng nhiều càng tạo ra nhiều nhầm lẫn.” Ông bà ta cũng cùng một ý như thế: “Đa ngôn đa quá” hoặc
“Sảy chân, gượng lại còn vừa,
Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.”
(Ca dao Việt Nam)
Còn Chúa Giêsu nói: “Tôi nói cho các người hay: đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12: 36).
Trong Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 27.02.2022 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý:
“Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về lời nói của mình. Chúa giải thích rằng “lòng đầy miệng mới nói ra” (Luca 6: 45). Đúng vậy, từ cách nói của một người bạn có thể nhận ra những gì trong lòng anh ta. Những lời nói chúng ta sử dụng nói lên chúng ta là ai. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ít chú ý đến lời nói của mình và sử dụng chúng một cách hời hợt. Nhưng lời nói có sức nặng: chúng cho phép chúng ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, nói lên nỗi sợ hãi mà chúng ta có và những dự án chúng ta dự định thực hiện, để chúc tụng Thiên Chúa và chúc phúc cho những người khác. Tuy nhiên, thật không may, bằng lời nói, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những định kiến, nâng cao những rào cản, làm hại và thậm chí tiêu diệt các anh chị em của chúng ta: những lời đàm tiếu gây tổn thương và vu khống có thể sắc bén hơn một con dao! Ngày nay, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, lời nói truyền tải nhanh; nhưng có quá nhiều người truyền tải sự tức giận và gây hấn, đưa tin tức sai sự thật và lợi dụng nỗi sợ hãi của tập thể để tuyên truyền những ý tưởng xuyên tạc…Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình dùng những lời nói nào: những lời thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, hiểu biết, gần gũi, cảm thông hay những lời chủ yếu nhằm mục đích làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp trước mặt người khác? Và rồi, chúng ta nói nhẹ nhàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, khiến cho sự gây hấn lan rộng?”.
Trong Trong Mùa Chay chúng ta càng cần phải xin ơn chế ngự miệng lưỡi: “Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con” (Tv 141: 3).
Nhưng trên hết, chay tịnh hay khổ chế nhằm giúp chúng ta tập chú vào tầm quan trọng của lối sống. Lối sống đó được truyền cảm hứng bởi Chúa Kitô và sự khuyến khích của Giáo hội, chứ không phải với cái cớ phải theo kịp thời đại, lối sống đó lại bị xúi dục thông đồng tinh vi với đủ thứ mốt thời đại, với thói đời thế tục, vốn ẩn giấu đằng sau chúng những quan niệm nhuốm màu duy vật chủ nghĩa, nhân sinh quan vô thần, trào lưu hưởng thụ, trends[4] tiêu dùng, cổ vũ cho châm ngôn “sống cho hôm nay, biết ra sao ngày mai!” Chúng ta hãy bước vào những ngày chay tịnh của Mùa Chay này cùng với tất cả anh chị em Kitô hữu chúng ta, cũng như với tất cả những người đói khát, thiếu tự do hoặc thiếu nhân phẩm, với tất cả những người mà cuộc sống hàng ngày đã là một thứ khổ sở bó buộc không tránh được, như bước vào một nơi tắm gội tẩy rửa mọi thứ cũ kỹ dẫn đến chệch hướng và sa lầy đó để được tái sinh vào một sự sống mới: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rôma 6: 3-4).
c. Làm việc bác ái
Nói đến ăn chay không phải chỉ là nói đến sự từ bỏ, mà còn là nói đến sự chia sẻ và cho đi những gì chúng ta đã dành dụm được. Chia sẻ và cho đi là một cách từ bỏ chính mình một cách cụ thể và rõ ràng nhất. Chúng ta được mời gọi để trao tặng cho những người đói ăn hàng ngày, vì họ không dư dả để mua thức ăn. Họ là hàng triệu người trên thế giới và hàng trăm nghìn người trong đất nước chúng ta!
Chúng ta loại bỏ tính ích kỷ cá nhân và sự ù lì ra khỏi cuộc sống của mình để dấn thân phục vụ những người thiệt thòi hơn mình. Chúng ta phát triển tinh thần đoàn kết trong cộng đoàn của chúng ta hoặc thông qua các hội đoàn hoặc phong trào đang cố gắng tiếp cận và phục vụ những người dễ bị tổn thương. Chúng ta đừng quên tất cả những người vốn đang sống trong những hoàn cảnh còn bi thảm hơn hoàn cảnh của chúng ta, cụ thể là suy dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc y tế, nghèo đói cùng cực, do chiến tranh bạo lực mù quáng, hoặc bị giam giữ tập trung trong các trại tị nạn đầy những khốn khổ và hỗn loạn, nhất là các nạn nhân của cơn đại dịch Côvít thế kỷ chưa hồi kết thúc này: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động. Còn tôi tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin…Ông Abraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo…Anh em thấy đó: nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.” (Giacôbê 2: 17-18, 21, 24)
d. Xét mình, ăn năn và xưng tội
Mùa Chay này sẽ chỉ thực sự là cuộc hoán cải nếu chúng ta dám bước đi đến mức chấp nhận sự tha thứ của Thiên Chúa trong Bí tích Hòa giải. Bí tích thánh này, một khi được lãnh nhận một cách cá nhân, làm chứng cho cộng đoàn Kitô hữu và cho tất cả những người bị ghi dấu bởi thất bại và tội lỗi, rằng Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô luôn mở rộng lòng tha thứ của Ngài cho mọi người thiện chí, không có sự thất bại nào là mãi mãi: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và người biết hết mọi sự.” (1Gioan 3:20).
Chúng ta hãy dấn bước vào con đường dài của Mùa Chay, một cách quyết tâm và với đức tin. Sau khi tháp tùng Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem vào Chủ Nhật Lễ Lá, tham gia Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, cùng với Ngài lên đồi Golgotha vào Thứ Sáu Tuần Thánh, bước vào đêm Phục Sinh, với tất cả những người mới được rửa tội, chúng ta sẽ làm mới lại các cam kết của chúng ta khi lãnh nhận phép rửa và chúng ta sẽ hát Lễ Vượt Qua Alleluia, cầm trên tay những ngọn nến thắp sáng của chúng ta, qua đó Chúa Giêsu Phục sinh sẽ thắp sáng khuôn mặt của chúng ta.
Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung
[1] Infinite openness to the infinite: Karl Rahner’s contribution to modern catholic thought on the child, Mary Ann Hinsdale, trang 13, 2001, The child in Christian thought, College of the Holy Cross.
“Thirdly, in taking human experience as its starting point, Rahner makes use of a”transcendental method.” Put simply, what this means is that Rahner wants to find the conditions for the possibility of experiencing God in human life. According to this method, human beings experience a fundamental openness (a self-transcendence) toward God in every truly human act. This unthematic, “transcendental” experience (as distinct from particular, “categorical” experience) lies at the very center of what it means to be human. It is the “horizon” for the offer of God’s self-communication which is constitutive of human identity. A major theme that runs throughout all of Rahner’s theology is that grace and revelation (the self-communication of God) are found in our human experience. As Harvey Egan explains, Central to Rahner’s thinking is the notion that what is at the core of every person’s deepest experience, what haunts every human heart, is a God whose mystery, light, and love have embraced the total person. God works in every person’s life as the One to whom we say our inmost yes or no. We may deny this, ignore it, or repress it, but deep down we know that God is in love with us and we’re all at least secretly in love with one another…
Tạm dịch như sau:
Thứ ba, khi lấy kinh nghiệm của con người làm điểm khởi đầu, Rahner sử dụng “phương pháp siêu nghiệm”. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là Rahner muốn tìm ra những điều kiện để có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống con người. Theo phương pháp này, con người cảm nghiệm được một sự cởi mở căn bản (một sự siêu việt tự tại) hướng đến Thiên Chúa trong mọi hành động thực sự của con người. Cảm nghiệm “siêu nghiệm” không theo bất cứ chủ đề này (vì khác biệt với trải nghiệm “biệt loại”) nằm ở trung tâm của ý nghĩa của việc trở thành con người. Đó là “chân trời” cho việc trao ban sự tự thông truyền của Thiên Chúa, vốn là cấu tạo của căn tính con người. Một chủ đề chính xuyên suốt toàn bộ học thuyết của Rahner là ân sủng và sự mặc khải (sự tự thông truyền của Thiên Chúa) được tìm thấy trong kinh nghiệm của con người chúng ta. Như Harvey Egan giải thích: Trọng tâm trong suy nghĩ của Rahner là quan niệm rằng điều cốt lõi trong cảm nghiệm sâu sắc nhất của mỗi người, điều ám ảnh cõi lòng mỗi con người, là một vị Thiên Chúa mà sự mầu nhiệm, ánh sáng và tình yêu của Ngài đã bao trùm toàn bộ con người. Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của mỗi người với tư cách là Đấng mà chúng ta thưa đồng ý hoặc không đồng ý tự đáy lòng. Chúng ta có thể phủ nhận điều này, phớt lờ nó hoặc kiềm chế nó, nhưng trong sâu thẳm chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và tất cả chúng ta đều yêu thương nhau, ít ra là trong thầm lặng…
[2] Tư Thế Lên Đường, Karl Rahner, Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân chuyển ngữ,
http://giaophanxuanloc.net/suy-tu/tu-the-len-duong—cha-karl-rahner-18445.html
Phép lần hạt Mân Côi, ngắm thứ hai, mùa mừng “Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”.
[3] Bài giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha”, buổi tiếp kiến chung dành cho khoảng 10 ngàn tín hữu, sáng thứ tư 05/12/2018.
[4] Trend: là một xu hướng. là hướng đi của một vấn đề, một sự kiện, một sự việc, được nhiều người đón nhận và quan tâm theo dõi thậm chí là bắt chước trong một khoảng thời gian nhất định. Trong kinh doanh, luôn nắm bắt “hot trends – xu hướng mới” để có thể có được chỗ đứng vững chắc trong thị trường công nghệ số hiện nay chính là thu hút, khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm (công nghệ, thời trang, âm nhạc…) của mình.