PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN TRONG SẠCH
Dẫn nhập
Vào năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lên núi Bát Phúc ở Palestine, và đã giảng cho hơn 20 ngàn thanh thiếu niên qui tụ ở đó, ngài nói như sau: “Chúa Giêsu đã giảng Bát Phúc, Chúa Giêsu đã sống Bát Phúc, Chúa Giêsu chính là Bát Phúc và Bát phúc là con đường để tiến vào Nước Trời”.
Thật vậy, tám mối phúc là một bức tranh vẽ chân dung của Chúa Giêsu. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu chúng ta sẽ biết thế nào là tâm hồn nghèo khó, là sống hiền lành, là chịu đau khổ, là khát khao sự công chính, là có lòng thương xót, là có tâm hồn trong sạch, là xây dựng hòa bình và bị bách hại vì lẽ công chính. Bước theo con đường Bát Phúc là bước theo Chúa Giêsu, là làm cho trái tim của mình nên giống Trái Tim Chúa Giêsu. Con đường Bát Phúc có khả năng thay đổi lối sống của con người chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra Bát Phúc là một mạc khải về Chúa Giêsu. Đó là tám bản tiểu sử ngắn gọn về Chúa Giêsu, là một lời mời gọi chúng ta noi gương Ngài, một con người thuộc trọn về Chúa Cha. Nói thế có nghĩa là con người không thể tìm thấy hạnh phúc nơi bản thân nhưng cần phải tìm ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải là những người để cho Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các mối phúc trình bày chân dung của một con người có hạnh phúc trọn vẹn. Con người đó là Chúa Giêsu, người đã dâng cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Trong bài giảng về Bát Phúc, Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Nhưng thế nào là tâm hồn không trong sạch? Tâm hồn của Chúa Giêsu trong sạch như thế nào? Tại sao việc được nhìn thấy Thiên Chúa lại là phần thưởng cho người có tâm hồn trong sạch? Và tâm hồn trong sạch là gì?
- Thế nào là một tâm hồn không trong sạch?
Kinh Thánh cho chúng ta biết, người có tâm hồn không trong sạch là kẻ hai lòng, vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa tôn thờ ngẫu tượng, và là kẻ có thái độ giả hình.
a-Người có tâm hồn không trong sạch là kẻ hai lòng, vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa tôn thờ ngẫu tượng.
Dân Israel thời vua A-kháp vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa thờ tượng thần Baal, vị thần phong nhiêu. Họ không muốn bỏ tôn giáo của cha ông họ, nhưng đồng thời họ cũng muốn được nhiều của cải. Vào thời đó, các nghi lễ liên quan đến thần phong nhiêu được xem như một phương thế bảo đảm cho một mùa màng bội thu, và dân Israel tin rằng thần Baal sẽ cho dân lúa mì, rượu nho và dầu ôliu, nên họ cũng tôn thờ vị thần này. Vì thế ngôn sứ Êlia đã nói với họ: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó” (1 V 18, 21). Người có tâm hồn không trong sạch là kẻ hai lòng, vừa muốn làm tôi Thiên Chúa, vừa muốn chiều theo các dục vọng của lòng mình. Ngày nay có những tín hữu Công Giáo vừa có bàn thờ Chúa trong nhà, vừa có bàn thờ Thần Tài béo phệ hở rốn ở góc nhà, vì họ muốn bắt chước các đại gia, những người giàu sang có bàn thờ Thần Tài trong nhà.
Kinh Thánh cảnh cáo điều này nhiều lần, cụ thể là:
-Vịnh gia đã bày tỏ tâm tình chán ghét kẻ hai lòng: “Kẻ hai lòng, con chê con ghét, nhưng luật Ngài, con chuộng con yêu” (Tv 118, 113).
-Tác giả thư Giacôbê cũng khuyên nhủ: “Hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can” (Gc 4, 8).
-Còn Chúa Giêsu cảnh cáo kẻ làm tôi hai chủ: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24). Đó cũng là những kẻ vừa đi theo Chúa Kitô vừa hoài nghi Ngài (x. Mt 28, 7).
b-Người có tâm hồn không trong sạch là kẻ có thái độ giả hình.
Kẻ giả hình là người có vẻ bề ngoài đạo đức nhưng không có lòng sùng mộ bên trong. Người hành động theo luật nhưng tâm hồn không có ý ngay lành. Thiên Chúa nói về dân Israel qua lời của ngôn sứ Isaia: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng họ xa Ta” (Is 29, 13). Các ngôn sứ tố cáo sự trống rỗng về tôn giáo, lên án những thực hành tôn giáo giả hình, những việc làm thiếu lòng mến trong tâm hồn: “Đức Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Vì tay các ngươi đầy những máu” (Is 1, 11-15).
Tâm hồn trống rỗng nhưng ra vẻ đạo đức, bởi vì họ muốn gây ấn tượng cho những người khác, làm việc thiện cốt cho thiên hạ hoan hô tán thưởng, và thiếu sự thành thật của tâm hồn. Đó là những người vừa muốn được người đời khen ngợi là đạo đức, vừa muốn buông thả theo xác thịt, vừa muốn được vào thiên đàng vừa muốn hưởng thụ mọi vui thú, sung sướng ở trần gian này. Những người muốn bắt cá hai tay.
Chúa Giêsu đã tố cáo họ: “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6, 5); Chúa còn nói về họ rằng: “Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23, 25-28).
Thói giả hình xuất phát từ chủ nghĩa hình thức, tính phô trương, từ sự mù quáng, tự lừa dối mình, và từ tính tự mãn, kiêu ngạo mà cứng lòng không chịu hoán cải (x. Mt 15, 3-14). Cả những vị lãnh đạo có bổn phận dạy dỗ người khác cũng có nguy cơ trở nên giả hình, thậm chí có nguy cơ là kẻ giả hình nhưng không nhận ra tính giả hình của mình (x. Mt 7, 20-23). Tính giả hình là một nguy cơ thường xuyên đối với những ai thực hành tôn giáo cách hình thức. Các thực hành và nghi thức tôn giáo phải xuất phát từ một thái độ bên trong của con tim dâng hiến cho Thiên Chúa và Dân Thiên Chúa. Chỉ khi những lời nói và hành động của chúng ta xuất phát từ nội tâm chúng ta mới có thể tránh được nguy cơ giả hình.
2- Tâm hồn của Chúa Giêsu trong sạch như thế nào?
Kinh Thánh cho chúng ta thấy tâm hồn của Chúa Giêsu trong sạch, vì Ngài đã luôn qui hướng về Chúa Cha trong ý chí, lời nói và việc làm.
-Chúa Giêsu đến không phải để sống theo ý riêng của mình, nhưng Ngài đã đến để làm theo ý Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10, 7); và Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).
-Trong suốt cuộc đời công khai, Chúa Giêsu chỉ dạy những gì Ngài đã nghe biết nơi Chúa Cha: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7, 16).
-Chúa Giêsu chỉ làm những gì Ngài thấy Chúa Cha đã làm: “Đức Giêsu nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5, 19); và Chúa Giêsu xét xử như Chúa Cha đã nói với Ngài: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5, 30).
Như vậy, cả cuộc đời của Chúa Giêsu là sống cho Thiên Chúa, và để cho Thiên Chúa chiếm trọn vẹn tư tưởng, lời nói, việc làm, tâm hồn và con người của Ngài. Vì vậy tâm hồn của Ngài đã thuộc trọn về Chúa Cha, không lấy gì làm hơn ý muốn của Chúa Cha. Đây là tâm hồn trong sạch và hạnh phúc nhất, vì đã nên một với Thiên Chúa như Chúa Giêsu nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).
3- Tại sao việc được nhìn thấy Thiên Chúa lại là phần thưởng cho người có tâm hồn trong sạch?
Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta: niềm khát vọng lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Đồng thời Kinh Thánh cũng chỉ ra nguyên nhân tại sao chúng ta không khao khát nhìn thấy Thiên Chúa. Tuy nhiên, Sách Thánh cũng khẳng định chắc chắn rằng: chỉ người nào có tâm hồn trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa.
a-Khát vọng nhìn thấy Thiên Chúa của con người
-Trong Cựu ước, vịnh gia đã thốt lên rằng: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 41, 3). Còn trong Tân ước, tông đồ Philípphê nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Cả thánh Phaolô cũng nói: “Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5, 6-8). Người ta kể lại rằng thánh Đaminh Savio có thói quen nhìn xuống đất. Các bạn học thấy vậy mới hỏi tại sao lại có cử chỉ như thế. Savio trả lời: “Tôi muốn để dành đôi mắt để chiêm ngưỡng Thiên Chúa trên thiên đàng sau này”. Nhưng tại sao con người lại khao khát nhìn thấy Thiên Chúa? Thưa: lý do là vì Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, mà hình ảnh thì phải luôn luôn đi theo chủ thể, cho nên chỉ khi con người qui hướng về Chúa mới gặp được hạnh phúc đích thực. Như nước từ trời cao đổ mưa xuống, nước mưa chảy thành suối, suối chảy ra sông, sông chảy ra biển, nước biển bốc hơi lại bay lên trời thế nào thì con người cũng phải trở về với nguồn mạch của mình là Thiên Chúa như vậy. Thiên Chúa là nam châm còn con người là sắt. Sắt bị hút về nam châm thế nào thì con người cũng khát khao Thiên Chúa như thế.
b-Vậy tại sao ngày nay chúng ta dường như là khao khát một điều gì khác chứ không phải Thiên Chúa?
Thưa: lý do là vì chúng ta đang sống trong thế gian, trong thân xác, nên có nhiều nhu cầu như ăn uống, y phục, nhà ở, việc làm, tiền bạc, giao tiếp xã hội, giải trí, … và chúng ta đã quá dính bén với các nhu cầu đó, biến nó thành các dục vọng như thánh Gioan nói: “vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2, 16). Chúng ta chạy theo các nhu cầu của thân xác và xã hội nên chúng ta trở thành nô lệ cho các dục vọng của xác thịt và vì thế chúng ta không còn lòng khao khát Thiên Chúa nữa.
c-Chỉ người nào tìm Chúa với tâm hồn trong sạch mới gặp được Chúa.
Trong Cựu ước, chúng ta gặp thấy câu chuyện sau: “Ông Môsê nói với Giavê: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.” Đức Chúa phán: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 18-23). Tôn nhan Chúa ở đây là sự hiện diện đầy uy nghi của Thiên Chúa, trong ánh sáng huy hoàng của chính bản thể Thiên Chúa và Thiên Chúa đã từ chối Môsê. Nếu muốn thấy Thiên Chúa thì phải chết, mà chúng ta lại không muốn chết. Chết ở đây hiểu theo hai nghĩa: chết về thể lý và chết đi cho các dục vọng của xác thịt. Cõi lòng trong sạch và lòng sốt sắng tinh tuyền là những điều kiện để tìm và gặp Chúa, để đi vào giao tiếp với Chúa trong cầu nguyện. Chỉ người nào tìm Chúa với tâm hồn trong sạch mới gặp được Chúa. Còn những ai có tâm hồn không trong sạch thì không thể gặp được Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Như vậy, điều kiện để thấy Chúa là có tâm hồn trong sạch. Nhưng tâm hồn trong sạch là gì?
4-Tâm hồn trong sạch là gì?
Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ: Người có tâm hồn trong sạch luôn qui hướng về Chúa, luôn tìm kiếm Thiên Chúa với trọn vẹn tấm lòng của mình, và tâm hồn của người ấy chỉ có một đối tượng duy nhất là Thiên Chúa, chỉ yêu mến một mình Ngài mà thôi.
a-Người có tâm hồn trong sạch luôn qui hướng về Chúa với trọn vẹn tấm lòng của mình.
Khi Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8), Ngài nhắc lại lời thánh vịnh 23, 3-4:
“Ai được lên Núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người.
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp”.
Người có tâm hồn trong sạch không chỉ tránh các tư tưởng dâm ô, nhưng còn là người có tâm trí hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa, luôn tìm kiếm Thiên Chúa như Tv 86, 11: “Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh”.
Người có tâm hồn trong sạch là người có đôi mắt đẹp. Đôi mắt đẹp ở đây là đôi mắt hướng về Chúa: “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta” (Tv 122, 1-2). Đôi mắt hướng về Chúa là đôi mắt cầu nguyện. Chỉ cầu nguyện liên lỉ, người ta mới có đủ ơn Chúa giúp để giữ lòng trong sạch.
b-Tâm hồn trong sạch có một đối tượng duy nhất là Chúa Giêsu, chỉ yêu mến một mình Ngài mà thôi.
Tâm hồn của người trong sạch chỉ chú tâm đến một điều duy nhất như thánh Phaolô nói trong Pl 3, 12: “Tôi chỉ chú ý đến một điều là mong chiếm đoạt được Đức Giêsu Kitô”. Trong Lc 19, 42 Chúa nói với Mátta: “Chỉ có một điều cần thiết mà thôi”. Bà Maria Bêtania là người có tâm hồn trong sạch vì hoàn toàn bị lời Chúa Giêsu thu hút hết tâm trí của mình. Đức Mẹ cũng thế, vì Luca viết: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Người có tâm hồn trong sạch là người nhận ra Thiên Chúa tốt lành, đáng yêu mến, đáng để mình toàn tâm, toàn ý hướng về Ngài, nên sẽ sống theo lời Thiên Chúa phán trong Đnl 6, 4-5: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết trí khôn” và Mt 22, 37 cũng nhắc lại câu đó.
Người có tâm hồn trong sạch lấy Chúa Giêsu làm nhất, yêu quí Ngài như viên ngọc vô giá, nên sẽ giống như thương gia “bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 46). Đối với người có tâm hồn trong sạch, Chúa Giêsu là kho báu vô giá chôn giấu trong ruộng, vì thế người ấy “vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44).
c-Tâm hồn trong sạch hay cõi lòng tinh tuyền là điều kiện để tìm và gặp được Chúa
Hiến pháp của Dòng Mến Thánh Giá viết rằng: “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, còn tu luật thánh Biển Đức chương 72 viết rằng: “Tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô”. Vì thế người tu sĩ được mời gọi để cho Chúa Kitô chiếm trọn tâm hồn, trí khôn và cả cuộc đời mình. Tuy nhiên, muốn được như thế, người tu sĩ cần phải có tâm hồn trong sạch.
Theo truyền thống đan tu, thánh Biển Đức nhấn mạnh đến “cõi lòng sốt sắng tinh tuyền” như trong tu luật có viết: “Chúng ta phải khẩn cầu rất mực khiêm cung, với lòng sốt sắng tinh tuyền” (Tu Luật Biển Đức chương 20) và “hãy ý thức rằng: chẳng phải do nhiều lời, nhưng chỉ cần một lòng thanh sạch, hoà với dòng lệ thống hối là được Chúa nhận lời” (Tu Luật Biển Đức chương 20). Như vậy, theo thánh Biển Đức: Cõi lòng trong sạch và lòng sốt sắng tinh tuyền là những điều kiện để tìm và gặp Chúa, để đi vào giao tiếp với Chúa trong cầu nguyện. Chỉ người nào tìm Chúa với tâm hồn trong sạch mới gặp được Chúa.
Cõi lòng tinh tuyền được liên kết với cách sống. Thánh Biển Đức khuyên đan sĩ cố công nắm giữ sự tinh tuyền của cuộc sống: “Trong Mùa Chay, cha khuyên ai nấy giữ đời sống mình thật tinh tuyền” (Tu Luật Biển Đức chương 49). Người ta chỉ có thể có được “tâm hồn trong sạch” nếu trong nội tâm được Chúa thanh tẩy “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần” (Ed 36, 25). Nếu người ta cố gắng giữ mình tránh tất cả các tội, ngay cả không chần chừ bỏ trốn các dịp tội, noi gương tổ phụ Giuse con ông Giacóp (St 39, 7-12).
Bởi vì cõi lòng tinh tuyền liên kết với “những giọt nước mắt thống hối” (Tu Luật Biển Đức chương 20) nên chúng ta cần phải liên tục sống trong một tinh thần thống hối, hoán cải để giữ được cõi lòng tinh tuyền. Người ta phải tránh xa tất cả những gì làm ô uế cho tâm hồn, tránh xa ngẫu tượng như lời Chúa phán: “Các ngươi không được dựng các ngẫu tượng trong tâm hồn và đặt chướng ngại trước mặt khiến mình phạm tội” (Ed 14, 4).
Sự tinh tuyền của con tim liên hệ với sự đơn sơ của tâm hồn, và sự đơn sơ của tâm hồn có liên hệ với nếp sống đơn giản của con người. Chính vì thế thánh Biển Đức đề nghị với các đan sĩ nên có một nếp sống đơn sơ. “Đan sĩ phải bằng lòng với tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất” (Tu Luật Biển Đức chương 7). Đan sĩ không được phàn nàn về “mầu sắc hay vẻ thô sơ của quần áo, nhưng phải hài lòng về tất cả những vật dụng rẻ tiền tại nơi mình sống” (Tu Luật Biển Đức chương 55). Theo thánh Biển Đức, đời sống đan tu là con đường đơn sơ dẫn con người đến với Thiên Chúa, nhưng nếu đan sĩ đánh mất đi sự đơn sơ nghèo khó thì đời sống đan tu không còn là con đường dẫn đến Thiên Chúa nữa.
Kết
Sự hiến dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa bao hàm cả việc dành trọn vẹn tâm hồn cho Ngài. Đây là ý nghĩa của chân phúc của kẻ có tâm hồn trong sạch. Trong Bài Giảng Trên Núi, “tâm hồn trong sạch” đối nghịch với sự giả hình, kẻ làm việc thiện cốt cho thiên hạ hoan hô tán thưởng. Người có tâm hồn trong sạch là người sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa từ trong thâm cung của cõi lòng, chỉ cốt tìm vinh quang Chúa và biểu lộ lòng thương xót của Ngài. Con người có tâm hồn trong sạch là kẻ đã dâng trót con tim cho Chúa, không để cho tí chút tư lợi nào len lỏi. Nhiều người nghĩ sai lầm rằng: nếu họ không có sự hoàn hảo, một trái tim vô tội thì họ không thể cảm nghiệm được phúc lành này của Chúa. Thực ra trái tim trong sạch ở đây là trái tim chỉ nhắm đến một điều cần thiết duy nhất, một mục đích duy nhất thôi đó là tập trung vào Chúa Kitô như Maria đã làm, chứ không lo lắng nhiều chuyện như Mácta (x. Lc 10, 39-42). Nếu chúng ta tập trung vào Chúa, thì dù chúng ta làm nhiều việc trong ngày, từ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, học hành, nói năng, đi lại thì mọi việc đều trở thành việc thờ phượng vì trái tim của chúng ta luôn hướng về Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô nói: « Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi » (1Cr 7, 28-40). Lời này của thánh Phaolô làm nổi bật tính cách thuộc trọn về Chúa của những người được thánh hiến. Một sự lựa chọn như thế khiến tâm hồn của người môn đệ chỉ bận tâm lo đến việc Chúa mà thôi. Chúa muốn người thánh hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Người với một trái tim không chia sẻ. Thánh Phaolô cũng khuyến cáo chúng ta: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại vì khi đêm đến, không ai có thể làm việc được” (Ep 5, 15-16).
Chúng ta có thể tự vấn xem: Trái tim chúng ta đang ở đâu suốt ngày hôm nay? Chúng ta đã nghĩ ngợi những gì? Ai đã chiếm chỗ nhất trong tâm trí chúng ta? Sở dĩ chúng ta chia trí trong các giờ kinh, giờ lễ, giờ chầu, giờ suy niệm là vì chúng ta là những kẻ có tâm hồn không trong sạch, những kẻ hai lòng. Chúng ta vừa muốn phụng thờ Thiên Chúa, vừa muốn chiều theo những sở thích của mình, còn dính bén đến những gì không phải là Thiên Chúa. Cho nên chia trí là tội không yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn.
Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria đem Chúa Giêsu đến làm trung tâm điểm của cuộc sống chúng ta; cầu xin Mẹ giúp chúng ta sống phù hợp với ơn gọi của mình, kết hiệp với Chúa Giêsu bằng một tình yêu trong sạch và cao cả, sẵn sàng đón nhận hy sinh, như Thánh ý Chúa muốn nơi mỗi người và mọi người chúng ta, nam cũng như nữ.
Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist.