SỐNG ĐẠO: “CÂU CHUYỆN DÀI MUÔN THUỞ”
(Một chút suy tư và cảm nghiệm về việc chăm sóc mục vụ giáo dân và giới trẻ hôm nay)
Dẫn nhập:
Hiện tình “sống đạo” của người giáo dân là điều mà giáo hội toàn cầu cũng như giáo hội địa phương luôn đặt sự ưu tư và mối bận tâm cách đặc biệt. Bởi người giáo dân có vai trò và sứ mạng quan trọng trong Hội Thánh. Công đồng Vatican II đã đề cao vai trò, sứ mạng, ơn gọi của giáo dân và đưa ra một chỉ dẫn cũng như một định mức mà Giáo hội cần đạt tới. Đó là: “Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng ngũ giáo dân Kitô giáo trưởng thành”[1].
Như vậy, hàng giáo dân đích thực góp phần quan trọng để thiết lập nên Giáo hội, và giúp làm cho Phúc âm đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của con người. Thế nhưng khi nhìn lại hiện tình “sống đạo” của người giáo dân hôm nay, phải chăng tất cả đều là những giáo dân đích thực theo nghĩa mà Giáo Hội đã nói hay chỉ là một con số ít ỏi nào đó. Việc lượng giá về hiện tình “sống đạo” của người giáo dân là điều cần thiết; vì qua đó chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu cần thăng tiến đời “sống đạo” một cách thực tế của người giáo dân. Để việc “sống đạo” mang lại một lợi ích nhất định chúng ta cần phải sống đúng cũng như giúp cho người anh chị em giáo dân hiểu và sống chức Tư Tế Cộng Đồng do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức mang lại.
Trong giới hạn về sự hiểu biết, về tầm nhìn cũng như về đức tin người viết xin đưa ra vài điểm lượng giá về hiện tình “sống đạo” của người giáo dân Việt Nam nói chung và tại giáo phận Qui Nhơn nói riêng. Từ đó cũng xin mạo muội đưa ra những phương thế để thăng tiến chính mình cũng như giúp cho người giáo dân, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu và sống chức Tư Tế Cộng Đồng cách thiết thực hơn.
- Hiện tình “sống đạo” của giáo dân hiện nay (Giáo Hội Việt Nam nói chung và giáo phận Qui Nhơn nói riêng)
Đức tin Kitô giáo luôn đặt con người đứng trước ngưỡng cửa của sự chọn lựa; không phải chọn giữa cái mới hay cái cũ nhưng là chọn thái độ tin hay không tin. Điều này cũng có thể được hiểu là “sống đạo” hay là “chối đạo”. Trong ngôn ngữ đời thường, người tín hữu hay đồng hóa việc “sống đạo” với “có đạo”, “theo đạo” hay “giữ đạo”. Tuy nhiên, các hạn từ trên diễn tả các thái độ tin khác nhau. Có thể dựa trên các yếu tố này để lượng giá về hiện tình “sống đạo” của giáo dân.
“Có đạo”
Đây là một cách diễn tả sự thụ động trong đời sống đức tin. Trở nên người có đạo là nhờ bởi người đi trước để lại: sinh ra trong gia đình có đạo, được đem đi rửa tội, được ghi tên vào sổ rửa tội của giáo xứ bởi một thừa tác viên nào đó… Mỗi ngày họ lớn lên, “có đạo” trở thành điều gì đó đương nhiên và không ai bàn cải được. Nhưng đời sống đức tin của họ chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Họ không ý thức mình cần phải có trách nhiệm trong đời sống đức tin, trách nhiệm làm triển nở ơn gọi làm con Thiên Chúa…; ngoài “cái nhãn hiệu” được người khác gắn cho, họ không có gì hơn những người chưa có đức tin. Họ không sống đúng với cái “có” đích thực mà Thiên Chúa ban cho. Thành phần này trong Giáo hội hiện nay không phải là ít ! Vì thế, không lạ lẫm gì, khi chúng ta thấy nơi một số giáo xứ: con số giáo dân trên sổ sách thì nhiều mà con số giáo dân tham gia cử hành phụng vụ và sinh hoạt chung của giáo xứ thì chẳng bao nhiêu. Tại giáo phận Qui Nhơn: số bạn trẻ đi lễ đang giảm dần, nhiều bạn trẻ coi việc đi lễ là một bổn phận nặng nề. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi thì không được thôi thì đi cho yên chuyện. Họ mang danh nghĩa là có đạo nhưng dường như họ không ý thức mình là người Kitô hữu đích thực.
“Theo đạo”
Xét trên hạn từ thì đây là một trạng thái chủ động trong đức tin. Tìm hiểu, ý thức và bước theo. Nhưng đức tin của họ chưa bám rễ sâu và rất dễ lung lay. Nói đến từ “theo đạo” thì người ta thường nghĩ ngay đến những người ngoại đạo kết hôn với người Công giáo; hoặc những người mộ mến đạo cách nào đó nên theo. Thành phần này trong Giáo hội cũng khá nhiều. Điều đặc biệt là đời sống đức tin của họ phụ thuộc rất nhiều vào người khác. Chẳng hạn đức tin người chồng được nâng đỡ nhờ người vợ Công giáo; đức tin người tân tòng có thể được triển nở nhờ người đỡ đầu gương mẫu…; và dĩ nhiên, lối sống đức tin “theo đạo” nầy khá bấp bênh; có thể phụ thuộc vào đời sống thuận buồm xuôi gió hay bão táp bấp bênh. Lúc thành công thì sốt sắng lúc thất bại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt đối với đời sống tôn giáo.
“Giữ đạo”
Đây là lối sống đức tin một cách hình thức và gò bó, việc diễn tả đức tin chưa mang tính sống động. Mọi “ứng xứ đức tin” chỉ đơn giản là để giữ cho đúng những gì mà Giáo Hội yêu cầu: đi lễ mỗi ngày Chúa nhật, xưng tội rước lễ một năm ít là một lần…; những gì mang tính cách quy định của giáo xứ thì cố giữ để không bị mang tiếng hay bị dèm pha…, còn những gì mang tính “dấn thân tự nguyện” thì họ không tha thiết. Thành phần này chiếm con số không nhỏ trong Giáo hội. Họ luôn ở trong trạng thái “rán nhịn”, “cố giữ”, đôi khi phải gồng mình. Thế nên, khi xã hội phát triển, con người có những quan điểm mới, cuộc sống có nhiều thứ để quan tâm hơn…, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, họ mang tư tưởng sống thoáng, không quan tâm đến cái nhìn của người khác mà họ đánh đồng là “cổ lỗ xỉ”; chỉ cần giữ đạo trong lòng hoặc cho rằng không cần giữ đạo nữa, chỉ giữ cái gì họ cho là thiết thực hơn. Đã có không ít người, vì tiến thân trong công việc hoặc địa vị xã hội, đã sẵn sàng từ chối việc giữ đạo cách công khai, dù chỉ là một tờ khai sơ yếu lý lịch. Thậm chí, có người không dám trang hoàng bàn thờ trong nhà khi ở trong khu phố có nhiều Đảng viên, khi ăn không dám “làm dấu” sợ người khác biết “mình có đạo”…!
“Sống đạo”
Có lẽ đây là hạn từ biểu lộ rõ nét hơn cả về đời sống của người tín hữu. Họ không loại trừ các yếu tố trên nhưng bao gồm tất cả, có đạo vì đã được rửa tội, theo đạo vì sự mộ mến, giữ đạo vì đó là luật, và hơn cả là “sống đạo” vì ý thức được mình là con cái Thiên Chúa, con cái của Cha trên trời. Họ luôn nghiêm túc trong đời sống đức tin: trung thành đến với Chúa nơi thánh lễ, các bí tích; phấn khởi tham gia hội đoàn… Trong những khoảnh khắc vui buồn hay thăng trầm của cuộc sống, họ tìm đến với Thiên Chúa như chỗ dựa tinh thần, như nguồn sức mạnh đỡ nâng… Đối với họ, “sống đạo” trở thành một hành động hiếu thảo như con cái đối với cha mẹ. Trong giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng tại giáo phận Qui Nhơn, hy vọng thành phần này, nếu chưa chiếm đa số, nhưng không phải là quá ít.
Nhìn chung, hiện tình sống đạo của giáo dân Việt Nam cũng như giáo phận Qui Nhơn, không nhiều thì ít, đang bị tác động bởi những khủng hoảng chung và trào lưu tục hóa của thế giới. Giáo dân “có đạo”, “theo đạo”…, theo con số thống kê, vẫn chiếm đa số so với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, số giáo dân “sống đạo” theo đúng kích thước và đòi hỏi của Tin Mừng, của ba nhân đức Tin, Cậy, Mến… thì vẫn còn hạn chế, nhất là các bạn trẻ.
Nơi nhiều giáo xứ, nhà thờ hôm nay, bóng dáng các bạn trẻ tham dự Thánh Lễ hằng tuần như thưa thớt dần. Một số giáo xứ thì rất ít người trẻ đi học giáo lý; nếu có đi lễ thì cũng cắt xén bớt phần nào: đi trể về sớm hoặc ngồi ngoài xe hút thuốc, bấm điện thoại; và nếu có đi học giáo lý thì cũng “kéo gai qua trổ”, làm bôi bác cho qua chuyện… Phải chăng, chính vì xem nhẹ đời sống Phụng vụ, Giáo lý, nên trong cuộc sống đời thường, người tín hữu mất đi sức sống của người chứng nhân. Dĩ nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như: hệ tư tưởng duy vật, vô thần trong môi trường giáo dục, những thách đố trong cuộc sống mưu sinh, những biểu hiện tiêu cực trong cộng đoàn địa phương, những giới hạn về phía những người có trách nhiệm…; bên cạnh đó, không thể bỏ qua những khủng hoảng và gương mù gương xấu trên Giáo Hội hoàn cầu…
Nhưng “Giáo Hội là như thế” ! Một thửa ruộng không chỉ có những cây lúa tốt và còn đầy dẫy cỏ lùng cỏ dại (Mt 13,24-30) ! Vì thế, chúng ta không nên có thái độ phê bình, lảng tránh nhưng cần phải tích cực xây dựng Giáo Hội trong vị thế của mình. Trước hết là thăng tiến chính mình, tiếp đến là giúp cho người khác.
- Vài giải pháp mục vụ
Thăng tiến chính mình:
“Không ai cho cái mà mình không có”. Cái mà bản thân ta cần có để rồi cho người khác không phải là tiền bạc hay chức quyền… Thăng tiến trong đời sống đức tin là điều cần thiết; học hỏi cho thật thâm sâu cũng rất quý, nhưng liệu rằng không có kinh nghiệm về Chúa ta có thể “sống tốt đạo đẹp đời” và diễn tả cho người khác hay không ? Kinh nghiệm về Chúa ta có thể có được nhờ học hỏi nơi người khác, hoặc từ những cảm nghiệm trong kiếp sống nhân sinh: những vui buồn, đớn đau, thành công hay thất bại… của ta và của anh chị em xung quanh.
Giúp anh chị em giáo dân, nhất là giới trẻ sống chức “Tư Tế Cộng Đồng”:
Danh hiệu Giáo dân có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh hay bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là các Kitô hữu đã được rửa tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ Tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ Vương giả của Chúa Kitô. Họ là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình. Họ cần phải được hiểu, đón nhận và sống kho tàng phong phú bao la và lạ lùng của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Thức mà họ đã lãnh nhận, cũng như những trách nhiệm phát xuất từ các Bí Tích đó. Ơn thiêng không tách họ khỏi thế gian để làm những việc gì cao siêu, nhưng Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức trao phó cho họ một ơn gọi liên quan mật thiết với tình trạng của họ giữa thế giới. Nhờ ơn Chúa soi dẫn, họ hành động như hạt muối, nắm men, để thánh hóa thế giới bằng việc thực thi các nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho người khác bằng chính đời sống chứng tá ‘‘sống đạo’’ của mình. Đức Piô thứ XII đã quả quyết: ‘‘Các tín hữu nói một cách rộng hơn, là các giáo dân là kẻ đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội’’. Để có thể đưa tất cả giáo dân vào tuyến đầu của việc truyền giáo, hẳn nhiên phải cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Giáo dục đức tin:
Trước hết là giúp cho người giáo dân có được một tâm thức sống đạo và khám phá ơn gọi Kitô hữu. Đây không phải như một bổn phận đòi hỏi và không thể lẫn tránh, nhưng như một dấu chỉ tình yêu vô biên của Chúa Cha là Đấng đã tái sinh họ trong đời sống thánh thiện. Cần phải giúp họ khám phá ngày một rõ ràng hơn ơn gọi của cá nhân họ và giúp họ sẵn sàng để sống ơn gọi đó trong việc chu toàn sứ vụ riêng của mình. Ơn gọi đó bắt nguồn từ phép Rửa Tội.
Những người có trách nhiệm trên cộng đoàn cần lưu tâm đến việc giáo dục đức tin để giúp người giáo dân và đặc biệt là giới trẻ hiểu và sống chức Tư Tế Cộng Đồng một cách hiệu quả. Bởi “vô tri bất mộ”; chưa hiểu thì chưa thể sống được, hoặc hiểu sai sẽ dẫn đến sống sai, thấy cần thì sẽ cố gắng để sống. Đặc biệt nếu thấy đó là một quyền lợi và trách nhiệm thì sẽ sống hết mình… Tuy nhiên, nếu chỉ dạy trên lý thuyết thì liệu rằng có được kết quả như mong muốn ! Ba sứ vụ gắn liền với đời sống Kitô hữu phải được thực hiện ngay trong môi trường gia đình rồi mới có thể biểu hiện ra ngoài xã hội. Môi trường đó phải là môi trường có nhiều chứng nhân. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI xác quyết: “Ngày nay, người ta tin vào những chứng nhân hơn là thầy dạy”. Điều đó có nghĩa là trong lãnh vực sống và truyền bá đức tin, rất cần có các chứng nhân cụ thể, sống động, nhiệt tình. Người giáo dân nhất là bạn trẻ sẽ chịu ảnh hưởng và thu hút bởi các gương sống đạo, từ môi trường gia đình và môi trường cộng đoàn.
Gia đình, môi trường giúp thi hành sứ vụ tư tế và ngôn sứ:
Gia đình Kitô-giáo, như là “Giáo Hội tại gia”; gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các bạn trẻ sống đức tin một cách sung mãn; trong đó, giáo dục đức tin cho các thế hệ trẻ phải khởi sự từ lứa tuổi thiếu nhi. Quả thật trong một gia đình đạo đức, từ những bước chập chững đầu đời, đứa trẻ đã học được cách gần gũi Thiên Chúa như một người Cha. Điều này được thể hiện qua cách chúng được cha mẹ yêu thương, dạy dỗ trong chính gia đình. Học được cách thờ phượng Thiên Chúa qua sự hướng dẫn cùng tham gia phụng vụ với gia đình…
Sách Youcat cho thiếu nhi có viết: “Chúng tôi xác tín rằng nơi trọng yếu để truyền đạt đức tin không phải là nơi lớp học , thậm chí cũng chẳng phải là trong nhà thờ. Nơi ấy có thể là góc phòng của con cái, một cái ghế xếp trên bãi biển, một cái ghế dài trong vườn nhà hay bên cạnh giường ngủ. Không gì có thể thay thế cuộc trò chuyện của những người thương nhau, tin tưởng nhau, chỉ trong không gian gần gũi và yêu thương người ta mới có thể sẻ chia, bày tỏ hay khám phá ra kho tàng đức tin. Chúng ta có thể cởi mở nêu ra những câu hỏi, cùng học với nhau và từ nơi nhau”.[2]
“Anh chị em đừng mệt mỏi với những câu hỏi hay với việc chia sẻ đức tin cho con cái mình. Đừng làm thinh khi con cái mình nêu ra những câu hỏi , nhưng hãy luôn luôn mạnh mẽ để truyền đạt đức tin cho chúng, đức tin mà chính anh chị em cũng đã từng lãnh nhận nơi cha mẹ của mình. Hãy là một chuỗi xích sống động, để từ thế hệ này sang thế hệ khác, Tin Mừng luôn luôn hiện diện trong các gia đình, trong các cộng đoàn và trong Giáo Hội của chúng ta”.[3]
Đây cũng là cách giúp cho con cái có chút kinh nghiệm về Chúa đầu tiên và cũng là nền tảng cho việc sống đạo về sau. Được cha mẹ truyền đạt đức tin, và rồi chúng sẽ nhận ra mình có trách nhiệm truyền đạt cho người khác, đó cũng là một khía cạnh trong vai trò ngôn sứ.
Môi trường cộng đoàn và sứ vụ vương đế:
Thánh Phaolô Tông Đồ đã nhấn mạnh: “Hỡi anh chị em, mỗi người hãy ở trước mặt Chúa, trong vị thế mình đang ở khi được kêu gọi” (1 Cr 7, 24). Cần giúp cho anh chị em giáo dân hiểu điều này là họ đang ở vị thế là người Kitô hữu giáo dân, đang sống giữa cộng đoàn, xã hội và mang trong mình sứ mạng vương đế của Chúa Kitô. Thân phận của họ gắn liền và mang đầy đủ ý nghĩa trong Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, Đức Kitô đã đích thân chia xẻ tình liên đới nhân loại. Người thánh hóa những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ gia đình là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Người đã tự nguyện tuân theo luật lệ quốc gia của Người. Người đã muốn sống cuộc sống như những người đương thời trong quê hương mình. Đây cũng là lý do chúng ta hướng dẫn người giáo dân cần hội nhập sâu xa và tham gia toàn diện vào sự sống của thế giới, của cộng đồng nhân loại; nhưng nhất là nói lên nét mới mẻ và độc đáo của một sự hội nhập và tham gia để phổ biến Tin Mừng Cứu Độ. Người giáo dân “sống giữa đời’’ nghĩa là dấn thân trong những điều kiện thường nhật của đời sống gia đình và xã hội. Đó là những con người đang sống một đời sống thông thường giữa thế giới, đang học hành, đang làm việc, đang tạo nên những tình bạn, những tương giao xã hội … vì ngoài cộng đoàn không thể có đời sống Kitô hữu đích thực.
Nơi xã hội người giáo dân sống như bao người nhưng ơn gọi Kitô hữu và những kinh nghiệm về Chúa nơi họ giúp cho người khác cảm được sự hiện diện yêu thương của Chúa như lời mời gọi của thánh Phêrô ‘‘Anh em phải nên thánh trong mọi tác phong của mình” (1Pr 1,15).
Mục đích sau cùng của sứ vụ vương đế là dẫn đến đức ái. Nói cách khác, bác ái chính là hình ảnh diễn nghĩa cho vai trò vương đế. Vì vậy, cộng đoàn là môi trường thích hợp để mọi thành viên làm gương sáng cho nhau về niềm tin và lòng yêu thương bác ái… Cần phải giúp cho người giáo dân nhất là các bạn trẻ có thói quen tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn. Phải làm cho họ cảm nhận và kinh nghiệm về Chúa như vậy họ sẽ sống hết mình với Chúa và hết tình với anh em.
Kết:
Tóm lại, đứng trước hiện tình “sống đạo” của người giáo dân Việt Nam nói chung và giáo phận Qui Nhơn nói riêng, chúng ta không khỏi ưu tư và lo lắng khi nhận ra đó đây những tình trạng mỏi mệt nếu không nói là xuống dốc trong nhịp sống đức tin nhất là trong sứ mệnh làm chứng và loan báo Tin Mừng. Nhưng dù sao, ở giữa các cọng đoàn giáo xứ, giáo họ, vẫn còn có những tâm hồn đạo đức, trung thành với Chúa, như những “hạt cải nhỏ âm thầm”, những “bà góa nghèo” chỉ có những “đồng xu ten nhỏ xíu”… Họ sống với Chúa bằng chính kinh nghiệm được Chúa yêu, và sống với nhau bằng kinh nghiệm yêu Chúa. Gương sống đạo của họ vẫn còn đó bên cạnh chúng ta mỗi ngày và mỗi nơi. Trong niềm hy vọng tốt đẹp đến từ Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hãy thăng tiến chính mình, và giúp đỡ anh chị em giáo dân đặc biệt là các bạn trẻ sống đúng căn tính của mình trong sứ mạng mà Chúa Kitô trao ban qua các Bí Tích mà họ lãnh nhận.
“Sống Đạo”, đúng là một “câu chuyện dài muôn thuở” ! Ước gì, một chút suy tư trên đây (tuy rất khô khan, chưa phong phú và trình bày chưa logic …) có thể diễn tả được phần nào sự khao khát của người viết muốn được góp phần xây dựng Giáo Hội bằng cách “sống đạo” trong xã hội hôm nay.
Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Thư,
Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
(Bài viết được gửi đến Ban biên tập website HĐGMVN tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
[1] Công đồng vatican II (1962-1965), sắc lệnh truyền giáo, số 21.
[2] Youcat cho thiếu nhi, tr.02.
[3] ĐGH Phanxicô, Youcat cho thiếu nhi, lời giới thiệu.