ĐỔ LỖI
Chú bé đi thi vào cấp hai, về nhà mặt buồn thiu,
Mẹ hỏi: “Làm bài được không con?”
“Dạ, được chút xíu thôi!”
“Sao vậy?”
“Tại bụng đói.”
“Mẹ đã cho con hai chục ngàn để ăn sáng mà!”
“Thấy bố mẹ vất vả, con chỉ ăn có mười ngàn,
Ăn ít, bụng đói, chẳng nhớ được nhiều.”
Nghe vậy mẹ thương, không nỡ trách.
Hôm sau, con lại đi thi, mẹ đưa ba chục ngàn và cẩn thận dặn:
“Nhớ ăn cho no và làm bài thật tốt nha con!”
Đứa bé ngoan ngoãn dạ, vâng.
Nhưng lúc về, vẻ mặt vẫn không vui,
Mẹ hỏi: “Con làm bài được không?”
“Dạ không.”
“Sao vậy?”
“Mẹ bắt con ăn tới ba chục ngàn, no quá!
Chẳng còn nhớ được điều gì, nên con nộp giấy trắng.”
Chú bé không làm được bài,
Chắc chắn không phải vì chuyện đói hay no,
Mà vì trong đầu chẳng có chữ nào,
Nhưng nếu nói như thế, thì có mà no đòn,
Nên phải đổ lỗi cho cái bụng,
Vì cái bụng nó không biết nói.
Đúng là chuyện của trẻ con!
Nhưng có chắc nơi cộng đồng người lớn,
Lại không có chuyện đổ lỗi như vậy?
Xưa kia, Nguyên Tổ loài người,
Vì bất tuân, nên đã liều ăn trái cấm.
Hỡi ôi! Miếng ăn nuốt chưa trôi,
Đã thấy mình trần truồng,
Nên sợ hãi và tìm đường lẩn trốn. (St 3, 6-8)
Chúa đến hỏi Adong: “Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” (St 3, 11)
Ông đổ lỗi: “Người đàn Người cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” (St 3, 12)
Chúa hỏi Evà, bà trả lời: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” (St 3, 13)
Trong vụ xử án Đức Giêsu,
Quan Philatô biết Ngài vô tội,
Nhưng với áp lực của dân chúng.
Quan đã: “Truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27, 26)
Và để lương tâm bớt áy náy,
Ông lấy nước rửa tay và nói với đám đông:
“Ta vô can trong vụ đổ máu người này.” (Mt 27, 24)
Trong xã hội hôm nay,
Tình trạng đổ lỗi nhan nhản khắp nơi, khắp chốn:
Từ nơi công trường đến học đường,
Từ chốn oai nghi đến căn nhà nhỏ.
Thử nhìn những gì xảy ra quanh ta.
Khi vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị,
Ôi thôi! Ti tỉ lý do trách móc:
Tại anh ấy thế này,
Tại cô ta thế kia.
Không để tâm giáo dục con cái, lúc chúng hư hỏng,
Các bậc Cha mẹ thường đổ lỗi:
Tại xã hội hôm nay đầy cái xấu,
Vì cuộc sống lắm cạm bẫy chông gai,
Tại anh không quan tâm,
Vì mẹ mày chẳng lưu ý.
Trong các mối tương quan hằng ngày,
Nếu có xảy ra bất đồng, bất hoà,
Sẽ có hằng vạn lý lẽ để biện minh:
Tại vì anh nóng tính,
Tại nó vô lễ và bướng bỉnh,
Tại hắn không chịu nhường đường.
Đổ lỗi thì dễ,
Nhưng như thế,
Không thể mở ra các tương quan tốt đẹp với tha nhân,
Và chẳng hề xây được những chiếc cầu thân ái.
Nếu không dám nhận trách nhiệm,
Sao biết mà sửa sai,
Và ai dám tin tưởng để trao việc lớn?
Hơn thế nữa,
Vinh, ta hưởng,
Nhục, kẻ khác chịu.
Ta ăn ốc, bắt người khác đổ vỏ.
Ta đắp chăn bông,
Nhẫn tâm để anh em lạnh lùng trong sương gió.
Thì ai dám kết thân và đón nhận,
Một con người ích kỷ, nhỏ nhen,
Chỉ biết nghĩ và tìm lợi ích cho riêng mình?
Can đảm nhận trách nhiệm thật khó,
Nhưng qua đó, sự thật và niềm tin yêu sẽ dần tỏ rạng,
Nơi tâm hồn,
Và trong nhiều góc cạnh của môi trường sống.
Biết lãnh trách nhiệm,
Là trưởng thành về nhân bản và tâm linh,
Là có khả năng mở ra với mọi người,
Để cùng góp phần xây dựng một xã hội,
Đầy ắp lòng nhân và chan chứa tình người.
Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những mê lầm.
Lòng biết ơn, sự chân thành,
Sự dũng cảm và một tinh thần trách nhiệm cao,
Sẽ giúp chúng ta thêm hiểu biết, được tín nhiệm,
Dễ dàng cảm thông và yêu thương nhau nhiều hơn.
Sống được như thế,
Là chúng ta đang thực hiện lời Chúa dạy:
“Chính anh em là muối cho đời.
Chính anh em Là anh sáng cho trần gian.” (Mt 5, 13-14)
Lm. Mt