BẢY GIAI ĐOẠN CỦA LÂU ĐÀI NỘI TÂM CỦA THÁNH TÊRÊXA AVILA QUA HÌNH ẢNH
Thánh Têrêxa Avila, một nhà thần bí, nổi tiếng với tác phẩm “Lâu đài nội tâm”, bằng những hình ảnh và trí tưởng tượng khéo léo, đã diễn tả đời sống siêu nhiên kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa của mình.
Ở trung tâm của lâu đài này là nơi cư ngụ của Đức Vua, của Thiên Chúa, và để đến đó linh hồn con người phải đi qua một hành trình gian khó gồm nhiều căn phòng hay cư sở khác nhau, vốn diễn tả sự tiến tới trên đường trọn lành. Trên con đường đó, sự xóa mình đi để cho Chúa Giêsu hướng dẫn là điều quan trọng.
Dưới đây, Eric Puybaret minh họa lại cách vắn gọn, bằng hình ảnh, hành trình đi vào “Lâu đài nội tâm”, qua việc Juan để cho thánh Têrêxa Avila hướng dẫn.
Cư sở đầu tiên: đi vào cầu nguyện
Cánh cổng của lâu đài, đó là cầu nguyện. Làm thế nào đi vào ? Hãy bắt chước chàng trai Juan là đủ: “Anh ấy ngồi riêng ra, trên bãi cỏ. Với đôi mắt nhắm lại, anh cảm thấy làn gió đang lay động các lá cây. Anh khép kín hoàn toàn trước những tiếng ồn ào bên ngoài để tập trung vào Đấng đang cư ngụ trong tâm hồn mình. Anh nghĩ đến Thiên Chúa, Đấng mà anh biết mình được Ngài yêu thương. Anh nghĩ về điều đó cách mãnh liệt, đồng thời thổ lộ cho Ngài những hy vọng và vấn đề của mình”.
Cư sở thứ hai: hang ổ của con rồng
Tiếp đến là mặc áo giáp để chiến đấu chống lại con rồng, chính con rồng này đang tìm cách đẩy chúng ta ra khỏi lâu đài. Sự buồn chán, sự tức giận hay sự lười biếng. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6, 11). Vì chính một cuộc chiến đang chờ đợi Juan đằng sau cánh cửa thứ hai, vốn đòi hỏi lòng can đảm và sự kiên trì để đi sâu vào lâu đài nội tâm.
Cư sở thứ ba: cái rác và cái xà
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7, 3). Cư sở thứ ba là lời mời gọi đến lòng khiêm tốn, điều kiện cần thiết cho tiến tới trong lâu đài. Cảm thấy mình rất nhỏ bé, cần đến người khác và Thiên Chúa, là một con đường hướng đến Thiên Chúa.
Cư sở thứ tư: tiếng nước róc rách
Trong một khu vườn tuyệt đẹp, trải dài hai lưu vực đầy nước, tượng trưng cho hai cách thức khác nhau nhưng bổ túc cho nhau để đến gần Thiên Chúa hơn: “Đối với lưu vực này, nước đến từ rất xa. Nó được dẫn đến bằng máy móc và hệ thống ống dẫn. Tất cả các máy móc này tượng trưng cho những nỗ lực cá nhân để đạt tới Thiên Chúa, chính tâm trí bạn làm việc và hành động. Đối với lưu vực khác, nước phát sinh từ chính nguồn mạch là Thiên Chúa. Chính Ngài ban nước cho bạn như một ân sủng”.
Cư sở thứ năm: mái vòm bướm
Những con sâu bướm biến thành bướm, điều đó ai cũng biết rõ. Đối với linh hồn cũng thế: nó duyên dáng hơn nhiều khi được biến đổi bởi tình yêu của Thiên Chúa. “Con tằm nhốt kín trong cái kén nhỏ rất chật chội mà nó kéo và chết ở đó. Từ cái kén này thoát ra một con bướm trắng, rất duyên dáng. Cũng thế đối với linh hồn được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi”.
Cư sở thứ sáu: Chúa Giêsu
Thánh Têrêxa xóa mình đi nhường chỗ cho một người hướng dẫn mới là chính Chúa Kitô. “Ngài là chìa khóa và là chiếc thang”, Judith Bouilloc nói Têrêxa nói. “Đừng bao giờ rời xa Ngài. Cũng đừng rời xa Mẹ Ngài là Đức Maria. Đức Trinh Nữ sẽ chỉ cho bạn con đường tốt hơn bất cứ ai”. Như thế, được đồng hành bởi những người cầu thay nguyện giúp đầy quyền năng, Juan đi vào cư sở thứ bảy.
Cư sở thứ bảy: bầu trời của tâm hồn
Trung tâm và đỉnh cao của lâu đài, cư sở cuối cùng nơi cư ngụ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau một hành trình ít nhiều khô cằn, chúng ta được dẫn đến phân biệt cầu thang bí mật leo lên tận Trời và như thế đi vào “trái tim của trái tim Ngài”, trong mối tương quan thân mật với Chúa.
Tác giả: Eric Puybaret
Tý Linh chuyển ngữ từ fr.aleteia.org