TRONG GIÁO HỘI HIỆP THÔNG VÀ SỨ VỤ:
VAI TRÒ THIẾT YẾU CỦA GIÁO DÂN TRONG CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG NGÀY CÀNG SÁNG RÕ
WHĐ (26.10.2021) – Giáo dân hiện diện cùng với Giáo hội trong ngày khai sinh trước thế giới và luôn là thành phần đông đảo. Thánh sử Luca cho biết, ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên Giáo hội sơ khai, ngoài Nhóm Mười Hai, còn có Mẹ Maria, mấy phụ nữ, anh em bà con với Chúa Giêsu hiện diện…. khoảng 120 người (x. Cv 1, 12- 2,12).
Có thể nói, trong dòng lịch sử thăng trầm của Giáo hội, Giáo dân luôn đồng hành với Giáo hội trong sứ vụ Loan báo Tin mừng (Truyền giáo); nhất là Giáo hội thời Tử đạo, Giáo dân chở che bao bọc Giáo sĩ, chung phận cùng các Kitô hữu, kể cả việc Tử đạo để bảo vệ Đức tin… Tuy nhiên, đã có lúc – cả giai đoạn thời Trung cổ thành phần Giáo dân chưa được trân trọng đúng mức, hầu như không có vai trò tích cực nào trong Giáo hội, có chăng chỉ đơn giản là ‘Giáo hội thụ huấn’ trước uy quyền (cả Thần quyền lẫn Thế quyền) của một Giáo hội ‘Giáo sĩ trị’ (!)
Nói thế thì cũng chưa hẳn thế! Giáo sử cho thấy, trong thành phần Giáo dân, một thiểu số ‘đặc loại’ nào đó (như Vua chúa – thế quyền) vẫn tích cực cộng tác với hàng Giáo sĩ để củng cố Giáo hội, bành trướng Nước Chúa. Các hoàng đế La Mã đã có sáng kiến và triệu tập những Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội (Công đồng Nicea (năm 325); Constantinopoli (381); Epheso (431).). Trong công cuộc mở mang Nước Chúa (Truyền giáo) Giáo hội luôn thường được ủy thác cho Vua chúa hay đặt dưới ‘chế độ bảo hộ’ của họ[1]…. Sự ‘hợp tác’ có lẽ chỉ chấm dứt khi Bộ Truyền giáo của Giáo hội được thành lập (1622). Lúc này, Đức Thánh Cha qua Bộ Truyền giáo trực tiếp chỉ đạo và tổ chức công cuộc Truyền giáo[2].
Trong quá trình ‘hợp tác’ giữa Giáo sĩ – Giáo dân nói trên không phải lúc nào cũng êm buồm xuôi gió, đã có lúc vì thiếu tôn trọng nhau nên gây ra những căng thẳng, sóng gió. Thế quyền- Thần quyền đã không ít lần ‘đạp’ chân nhau đến nhói đau (!). Vua chúa, lúc đầu còn ‘dễ thương’ nghe Giáo hội, còn tôn trọng nhau thì sự hợp tác này phát huy tích cực, nhưng càng ngày Thế quyền càng lấn át, chính trị hóa hoạt động Giáo hội, xâm hại quyền lợi Giáo hội, chèn ép Đức Giáo hoàng… khiến Giáo sĩ và Giáo dân càng xa nhau, biệt lập, thậm chí đối đầu nhau. Phải chăng trong Trọng sắc “Clericis laicos” (1296) Đức Boniface VIII (1294- 1303) nói quá: ‘Giáo dân và Giáo sĩ xưa nay vẫn chống đối nhau‘ cũng phần nào phản ánh bức bối Giáo hội trước sự quá đáng của Vua chúa trần gian[3]?.
Từ cuối thế kỷ 19 cho đến trước Công đồng Vaticanô II, Giáo hội ít nhiều có chú ý vai trò Giáo dân trong Giáo hội. Giáo dân càng ngày càng nhận thức trách nhiệm mình trong Giáo hội. Đã có các phong trào trong Giáo dân ở đây đó (như Phong trào Công giáo Tiến hành, phong trào Focolare – Tổ Ấm của chị Chiara Lubich; Legio Mariae…’) như những cổ võ một tinh thần Tông đồ mới, đồng thời làm cho Giáo dân ‘tin tưởng cách chính đáng họ thuộc về Giáo hội nhiều hơn’[4].
Dưới góc độ Truyền giáo, việc Đức Thánh cha trao quyền Truyền giáo cho vua chúa (rõ nhất thời ‘chế độ bảo hộ’ (ở thế kỷ 15-16) dẫu còn nhiều hạn chế song cũng cho thấy Đấng kế vị thánh Phêrô đã trao sứ vụ Truyền giáo của Giáo hội cho người Giáo dân trực tiếp đảm trách. Quả thế, hầu hết trong các văn kiện lớn của Giáo hội về Truyền giáo từ đầu thế kỷ 20 đến Công đồng Vaticanô II người Giáo dân được nhắc đến vai trò ngày càng sáng rõ hơn, chẳng hạn:
+ Đức Benedict XV trong Tông thư Maximum Illud (ban hành 30.11.1919) nói Công việc truyền giáo là của toàn Giáo hội. Vì thế, các Kitô hữu phải có trách nhiệm cộng tác bằng cách: Cầu nguyện, cổ võ ơn gọi truyền giáo, giúp đỡ vật chất cho việc truyền giáo (x s.20-21).
+ Thông Điệp Rerum Ecclesiae của Đức Pio XI (28.2.1926) nhấn mạnh địa vị rất quan trọng của Giáo lý viên trong công tác truyền bá Tin Mừng, bởi thế không chỉ cổ võ, khuyến khích họ mà còn cần phải huấn luyện họ cẩn thận.
+ Thông điệp Evangelii Precones (Đức Pio XII, 02.6.1951) Nhấn mạnh vị thế truyền giáo của giáo dân. Nhìn qua lịch sử Truyền giáo, Thông điệp nhận thấy thời kỳ Giáo hội bành trướng luôn là thời kỳ có sự cộng tác tích cực của hàng Giáo dân với hàng Giáo phẩm trong công tác Tông đồ. Thông điệp kêu mời Giáo dân tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, nhất là những Giáo dân đang hoạt động trong phong trào Công giáo Tiến Hành (x.số 13).
+ Thông Điệp Fidei Donum (Đức Piô XII, 21.4.1957) mời gọi mọi thành phần trong Giáo hội cộng tác- giúp đỡ vào công việc truyền giáo ở Châu Phi với Tinh thần Hiệp thông trong một Nhiệm Thể của Đức Kitô, giúp đỡ anh em Phi Châu là giúp chính mình. Đến đây, xuất hiện Hình thức ơn gọi Truyền giáo mới: Với các Linh mục, sang truyền giáo một thời gian theo hạn định sau đó có thể quay trở về giáo phận của mình. Với Giáo dân, Đức Thánh cha mời gọi họ sang Châu Phi tham gia truyền giáo qua phục vụ trong ngành chuyên môn của mình với chứng tá bằng đời sống Kitô đích thực (x.s.29).
+ Thông điệp Princeps Pastorum (Đức Gioan XXIII, 28.11.1959) chú ý đến tầm quan trọng của người Giáo dân sống đạo trưởng thành và dấn thân trong hoạt động Tông đồ Truyền giáo trong các xứ Truyền giáo. Thông điệp lưu ý, công tác Truyền giáo không được giới hạn trong việc kêu gọi trở lại đạo và chịu Rửa tội mà còn lo đào tạo Giáo dân sao cho họ trưởng thành trong Đức tin, có khả năng làm chứng đời sống Kitô hữu trong mọi hình thức cuộc sống, tích cực hoạt động trong công tác Tông đồ (x.s. 25. 30-35.41.45)[5].
Nhìn chung, các văn kiện Giáo hội trước Vaticanô II ít nhiều cho thấy vai trò tích cực Giáo dân trong hoạt động Truyền giáo song vẫn chỉ là tùy phụ. Có thể nói, trong suốt hàng chục thế kỷ của mình (trước Công đồng Vaticanô II) hầu như Giáo hội đã ‘lãng phí’ rất lớn tiềm lực Truyền giáo nơi thành phần Giáo dân, dẫu họ đã từng bừng sáng trong Giáo hội thời các Tông đồ[6]. Điều đó không có nghĩa chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của Giáo dân trong Giáo hội[7], tuy nhiên xét trên bình diện suy tư thần học Giáo dân một cách chính thức thì quả thật phải đợi đến Công đồng Vaticanô II (1962-1965).
Công đồng Vaticanô II đã tạo ra bước ngoặt cho Giáo hội, cách riêng đối với vai trò – sứ vụ của Giáo dân trong Giáo hội. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Đồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề Tông đồ Giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho việc xác định lại sứ mệnh của Giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới”. Quả thế, Công đồng dành riêng một chương đặc biệt (chương 4) trong Hiến chế được coi là “then chốt” của Công đồng – Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) để bàn về Giáo dân. Giáo dân còn xuất hiện trong nhiều văn kiện khác của Công đồng, có riêng một Sắc lệnh bàn về tư thế và hoạt động của họ trong lòng Giáo hội Hiệp thông: Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem- TĐ).
Sau Vaticanô II, Giáo dân tiếp tục được suy tư, triển khai, đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, hoàn thiện hơn trong các văn kiện bàn về sứ mạng chung của toàn thể Giáo hội. Cách riêng, Giáo dân còn được Giáo hội quan tâm cách đặc biệt, kết quả là Tông huấn Kitô hữu Giáo dân (Christifideles Laici) do Thánh Gioan Phaolô II ban hành. Nơi Tông huấn này, nền thần học Giáo dân có thể nói đã đầy đủ nhất, trong đó nổi bật vai trò Truyền giáo mọi lãnh vực trần thế.
(Đây là phần ‘Dẫn Nhập’ trong Bản thảo Luận Văn ra trường: ‘Người Giáo dân và việc Truyền giáo theo Sắc Lệnh Tông đồ Giáo dân và Sắc Lệnh Truyền giáo‘, 2010-2011).
Lm. Đaminh Hương Quất
Giáo phận Xuân Lộc
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 & 6 năm 2021)
[1] x. Lm. Bùi Đức Sinh, OP, Lịch Sử Giáo hội, quyển 1, tr. 112tt; Lm. Felipe Gómez, Sj, chương II: Quá trình lịch sử công cuộc Truyền giáo trong Truyền giáo học, tr.45tt
[2] x. Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Truyền giáo học, giáo trình, ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc (2010), tr.6.
[3] Trong chiến tranh Anh-Pháp hai bên đều sử dụng cùng một biện pháp là đánh thuế tài sản Giáo hội. Giáo hoàng Boniface bằng trọng sắc «Clericis laicos” tìm cách ngăn ngừa việc đánh thuế hay chuyển giao tài sản Giáo hội cho vua chúa ngoài đời. Giáo hoàng Clément V (1305-1314) đã bãi bỏ lệnh cấm này. Đi xa hơn bối cảnh lịch sử cụ thể, trọng sắc này còn cho thấy có một mối thù nghịch gần như thâm căn cố đế giữa giáo sĩ và giáo dân (x. Peter Neuner, Giáo hội học qua các tác giả, dẫn nhập và tuyển chọn trong bộ Texte Zur Dogmatik, Verlag Styria, Graz, Wien, Koln, 1991, bản dịch Lm. Alberto Nguyễn Văn Hòa, số 78, tr.130).
[4] x. Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lời giới thiệu trong bộ Thánh Công đồng Chung Vaticanô II, bản dịch của GHHV Pio X- Đà Lạt (1972)
[5] x. Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, đtd tr.8-14.
[6] x.Lm. Pio Ngô Phúc Hậu, Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng trong Nhật Ký Truyền Giáo, tr.73-74.
[7] X. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, Lời giới thiệu trong bộ Thánh Công đồng Chung Vaticanô II – đtd.