Lên đường
Trưởng thiền viện, gặp đệ tử xuất sắc nhất và ngỏ ý:
“Thầy muốn con đến miền đất xa xôi kia,
Để lập một thiền viện mới.”
Người học trò vui vẻ nhận lời,
Và sẵn sàng ra đi, thực thi sứ mạng.
Dăm ngày sau, khi vừa kết thúc buổi tọa thiền ban sáng,
Gặp đệ tử, Thầy hỏi:
“Chừng nào con sẽ lên đường?”
“Dạ, khi người ta trao cho con đôi dép mới,
Vì dép con đã bị cũ mòn.”
Thinh lặng một lát, Thầy nói: “Ừ! Để Thầy liệu.”
Không biết Thầy đã liên lạc với ai và với bao nhiêu người.
Chỉ biết, ngay trưa hôm đó,
Người ta chuyển đến thiền viện ba bốn thùng giầy dép,
Đôi nào cũng mới toanh!
Chưa hết, chiều có ai mang đến một chiếc xe hơi.
Gần chập tối, cộng lại tất cả là năm xe,
Mà chiếc nào cũng mới cáo!
Đang khi người đệ tử vô cùng kinh ngạc,
Vị Thiền sư chậm rãi nói:
“Con à! Đường đi thì xa,
Có chỗ là sa mạc, có khi gặp sông suối.
Con phải mang tất cả giày dép này đi.
Hư đôi này, còn đôi khác mà dùng.
Xe hơi cũng vậy, hỏng chiếc này còn chiếc kia,
Nơi hoang vu, đâu dễ tìm được thợ sửa chữa.
Con ráng chờ đến sáng mai,
Sẽ có người đem thêm cho con vài ba chiếc thuyền nữa.”
Người học trò chợt hiểu bài học, vội quỳ lạy:
“Dạ, bẩm Thầy, cho con được ngàn vạn lần tạ lỗi!”
Chưa đầy ba phút sau, người đệ tử lên đường,
Chỉ với chiếc bị trên vai và đôi dép sờn cũ,
Như ngày lúc mới đến tập tu.
Câu chuyện gợi nhắc lại hình ảnh năm xưa:
Chúa Giêsu đứng giữa mười hai tông đồ,
Hay bảy mươi hai môn đệ.
Ngài trao quyền giảng dạy,
Ban ơn chữa lành và thêm sức mạnh để xua trừ thần dữ.
Ngài không trao “bài sai”, nhưng là lời căn dặn:
“Phải đi từng hai người một.”
Ngài còn nhắc: “Không rềnh rang áo quần, tiền bạc,
Nhưng đôi dép và chiếc chiếc gậy thì có thể mang theo.”
Hai ngàn năm qua biết bao nhà truyền giáo,
Đã sẵn sàng rời quê hương, bỏ chốn an toàn,
Để đến miền đất xa xôi,
Đầy hiểm nguy và cơ cực mà loan báo Tin Mừng.
Các ngài đã thành công,
Không chỉ nhờ vào những phương tiện trần gian,
Nhưng bởi tình yêu,
Sự nhiệt tâm tông đồ và nhờ ơn trợ lực của Chúa.
Hơn một năm qua,
Do nạn dịch covid, khiến bao tu sĩ khi tuyên khấn,
Bao Thầy lãnh chức phó tế hoặc linh mục,
Không có người thân hiện diện.
Nỗi buồn hẳn mênh mông, không gì diễn đạt hết.
Cha mẹ, người thân và có khi chính “người trong cuộc”,
Hẳn cũng đã có lúc “nước mắt lưng tròng”.
Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng được như ý!
Biết đâu, nỗi buồn ấy và những giọt lệ tê tái kia,
Lại trở nên của lễ,
Khiến cho sự dâng hiến được thêm toàn hảo hơn.
Giây phút “từ nay thuộc trọn về Chúa và Giáo Hội“,
Sẽ nên như hương trầm trước nhan Đấng Tối Cao,
Và bước chân thi hành sứ vụ mai sau,
Được thênh thang rộng mở.
Trong mùa covid, nhiều Linh Mục đi nhận nhiệm sở mới,
Không cờ quạt, chẳng trống kèn,
Chỉ có những vị hữu trách và dăm ba giáo dân hiện diện.
Quang cảnh ấy, ai thấy, cũng nẫu cả ruột gan.
Cha Thánh Gioan Maria Vienney,
Khi được sai đến Giáo xứ Ars,
Ngài đi một mình, phải tự mày mò, dò đường tìm lối.
Hành lý chỉ một túi nhỏ,
Ít đồ dùng và dăm ba cuốn sách.
Nhưng với ơn Chúa, với trái tim chất chứa tình yêu,
Với sự hy sinh, với lòng quảng đại và hồn tông đồ.
Ngài đã thực hiện được biết bao việc kỳ diệu,
Cho giáo xứ nhỏ thời đó và cho cả thế giới hôm nay.
Cũng trong mùa Cô Vy,
Bao anh chị em chúng ta đã ra đi,
Trong đó có giáo dân, linh mục và tu sĩ.
Vì dịch bệnh, số người dự lễ và đưa tiễn lưa thưa.
Thật là buồn đau, chua xót!
“Đúng là vạn người quen, có mấy người đưa?”
Nhưng biết đâu,
Trong khung cảnh vài người tiễn đưa,
Khi từ giã từ cõi đời,
Lại là của lễ hy sinh dâng lên Thiên bChúa,
Để người ra đi, sớm bước vào Nước Trời,
Nơi suốt một đời đã hằng mong ước.
Đừng sợ! Đừng ngại! Hãy lên đường,
Mang theo hành lý là niềm xác tín sâu xa.
“Như trời cao hơn đất bao nhiêu,
Tư tưởng của Ta cũng vượt trội tư tưởng các ngươi bấy nhiêu.”
“Ơn Ta đủ cho con.”
“Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.”
Lm. Mt