CHỐN BÌNH YÊN
Khi nói đến chốn bình yên,
Nhiều người nghĩ ngay đến nghĩa trang.
Nơi chỉ nghe được những âm thanh rì rào,
Của cành cây, ngọn cỏ và tiếng chim hót.
Nơi chỉ thấy những cánh hoa,
Đong đưa trong gió và cánh bướm nhẹ bay.
Nơi yên nghỉ của những phận người,
Sau khi hoàn tất hành trình nơi dương thế.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến một nơi khác nhỉ?
Nơi đó thật gần,
Ngay trong anh, trong tôi và trong tâm hồn mỗi người.
Chuyện kể rằng,
Một ông vua ra đề thi cho các họa sĩ trong vương quốc của ông:
Hãy vẽ bức tranh diễn tả sự bình yên.
Có rất nhiều họa sĩ đua tài.
Hai bức tranh được bình chọn.
Bức tranh thứ nhất mô tả cảnh hoàng hôn bên bờ biển.
Sóng nhẹ, khẽ vỗ vào bờ đá,
Những chú chim nhịp nhàng, vỗ cánh bay về tổ ấm.
Vài người đang bách bộ, trên bãi biển,
Với dáng vẻ an nhàn thư thái.
Bức tranh diễn đạt cảnh yên bình thật khéo.
Bức họa còn lại,
Diễn tả cảnh bầu trời mây đen giăng kín.
Chớp giật liên hồi,
Báo hiệu một cơn giông lớn.
Trên sông, sóng thi nhau rượt đuổi, đập vào bờ,
Tạo nên những âm thanh nghe đến phát sợ.
Cạnh bờ sông, trên một nhánh cây nhỏ, có một tổ chim.
Chim mẹ đang ấp ủ bầy con dưới cánh,
Mắt lim dim,
Như đang tận hưởng hạnh phúc bên đàn con nhỏ,
Mà chẳng hề quan tâm đến giông tố cận kề.
Bức tranh này đã đoạt giải nhất.
Vì diễn đạt rất sâu, điều cần có trong cuộc sống.
Đó là sự bình yên, giữa muôn ngàn giông tố.
Đó là chuyện kể, nhưng trong đời thường,
Cũng có lắm trường hợp giông giống như thế.
Rất nhiều người đã tìm gặp những giây phút an lành,
Giữa cuộc đời đầy sóng gió và thử thách.
Nhiều người đã có một cuộc sống an nhiên,
Giữa đất trời luôn biến động vần xoay.
Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết:
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào,
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…”
Nữ tu Trần Thị Giồng đã viết cuốn sách với tựa đề:
“Tâm bất biến, giữa dòng đời vạn biến.”
Phương pháp thiền, những cách tịnh tâm,
Và biết bao đề nghị khác, là những gợi ý,
Giúp chúng ta xua đuổi những muộn phiền.
Để tìm được niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống,
Vốn đầy dẫy những bất trắc và biến động.
Đặc biệt, trong những ngày này,
Tình hình dịch bệnh, ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách.
Người lớn phải nghỉ việc, trẻ em thì thôi học…
Các cơ hội gặp gỡ bị giới hạn.
Những nơi thường ồn ào náo động,
Giờ đây vắng tiếng cười, cũng chẳng mấy khi nghe được giọng nói,
Tiếng xe, tiếng còi, tiếng ầm ầm của nhà máy, xưởng thợ… cũng nhẹ vơi.
Khung cảnh xã hội là như thế, nhưng tự hỏi,
Lòng mỗi người có thực sự được yên?
Ngoại cảnh có vẻ vắng,
Nhưng rất có thể lòng người vẫn đang dậy sóng.
Cuộc đời vốn nhiều gian nan thử thách,
Nạn dịch, càng khiến cuộc sống khó khăn hơn.
Lo chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày đã quá hao tâm, tổn trí.
Giãn cách, nên bí bách, dễ thêm bực bội cáu gắt.
Vì dịch bệnh, bao chương trình phải bỏ dở.
Đấy là chưa kể đến những nỗi sợ:
Sợ lây bệnh, bị cách ly, chết không người thân bên cạnh…
Hơn bao giờ hết,
Để không bị những khó khăn và thử thách đè bẹp.
Để có cuộc sống vui hơn và hạnh phúc hơn,
Chúng ta phải cố kiến tạo sự bình yên trong tâm hồn.
Cần tập buông bỏ,
Và tìm về với chốn bình an của nội tâm.
Là người Công Giáo,
Chúng ta còn có sự trợ giúp từ Trời Cao.
Các Thánh luôn chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa,
Có Đức Maria, Mẹ chúng ta là Nữ Vương ban sự bằng an.
Và nhất là Chúa Giêsu, Đấng là Hoàng Tử Bình An,
Đấng đã từng nói với các Tông Đồ,
Và vẫn đang nói với chúng ta hôm nay:
“Thầy ban bình an của Thầy cho anh em.”
Lm. Mt.