NGAY CẢ KHI BẠN KHÔNG THÍCH CÔNG VIỆC CỦA MÌNH NHƯNG NÓ
CÓ THỂ PHỤC VỤ CHO CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
WGPQN (28.8.2021) – Nếu bạn đang làm một công việc mình không yêu thích, câu chuyện Kinh thánh về Môsê có thể khiến bạn vui hơn.
Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về ba người thợ đục đá. Có một vị khách đi ngang qua hỏi ba người thợ rằng: – Các anh đang làm gì vậy? Người đầu tiên, với vẻ mặt cộc cằn và mệt mỏi trả lời: – Tôi đang khai thác và cắt đá. Người thứ hai cũng làm công việc tương tự như người trước, nhưng có tinh thần hơn một chút, anh giải thích: – Tôi đang làm việc để kiếm sống. Người thứ ba đang cắt đá bằng những công cụ và kỹ thuật như hai đồng nghiệp của mình, nhưng anh trả lời với một nụ cười rạng rỡ: – “Tôi đang xây dựng nhà thờ”.
Nếu bạn có một công việc mà bạn không thích lắm, bạn có thể nhận ra mình ở một trong hai người thợ đá đầu tiên. Trong trường hợp đó, một nhân vật trong Kinh thánh có thể sẽ làm bạn vui hơn.
Từ cung điện của Pharaô đến sa mạc
Chúng ta đều biết câu chuyện của Môsê, một ngôn sứ vĩ đại trong Cựu ước. Tuy nhiên, có lẽ đối với chúng ta – có gì đó sai sai – kinh nghiệm của Môsê khác xa với chúng ta đến nỗi chúng ta không thể rút ra từ đó bài học nào cho cuộc sống của mình cả. Bây giờ chúng ta hãy quay lại với các giai đoạn của cuộc đời Môsê.
Được nữ tử của Pharaô nhận nuôi sau khi mẹ của Môsê phải che giấu ông để ông được sống (Xh 1.2), Môsê đã trải qua thời thơ ấu của mình trong cung điện của Pharaô. Ông nhận được một nền giáo dục xuất sắc. Ông được học toán, thiên văn, hóa học và viết chữ. Ở hoàng cung, ông là một “nhân vật” thuộc tầng lớp cai trị của Ai Cập mà định mệnh dường như đã được hoàn toàn vạch sẵn.
Tuy nhiên, ông không quên nguồn cội của mình, cũng như hoàn cảnh khốn khổ của dân tộc mình, vốn đang bị những người Ai Cập bắt làm nô lệ. Một ngày nọ, ông bắt gặp viên đội trưởng người Ai Cập đánh một người nô lệ Do Thái, Môsê đã giết hắn ta rồi vùi dưới cát (Xh 2, 11-12).
Khi biết được hành vi giết người của mình đã bị phát giác, ông bỏ trốn vào sa mạc. Suốt 40 năm ông làm người chăn gia súc. Cuộc hôn nhân của ông với Zippora con gái tư tế Madian đã định đoạt số phận của ông như một người chăn cừu.
Môsê đi từ sự xa hoa và nổi tiếng đến nghèo đói và tủi nhục. Vào thời điểm đó, những người chăn cừu bị xem là ghê tởm trong con mắt của người Ai Cập, thuộc nền văn hóa mà Môsê được thừa hưởng. Những gì ông đã học được thuở nhỏ để ghét và khinh thường thì giờ đây lại là công việc hằng ngày của ông, không có triển vọng nào cho việc “chuyển đổi nghề nghiệp”.
Cám dỗ
Hãy nghĩ về người thợ đá thứ hai, người làm việc để kiếm sống. Đáng tiếc, chỉ riêng động lực này không đủ để đáp ứng hết những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn chúng ta.
Nếu ở trong hoàn cảnh như vậy, con tim của chúng ta có xu hướng đóng lại, cứng cỏi và trải qua đủ loại cảm giác khiến chúng ta rời xa Chúa và mất bình an nội tâm: cay đắng, căm hận, thậm chí giận dữ chống lại Thiên Chúa.
Hãy mở rộng trái tim của chúng ta
Nếu chúng ta tin tưởng mở lòng cho Chúa, bằng cách chấp nhận rằng mọi kinh nghiệm đều có thể là cơ hội để thăng tiến trên con đường nên thánh của mình, thì Thiên Chúa có thể dùng một công việc mộc mạc để tiếp tục giáo dục và uốn nắn chúng ta.
Đây là những gì Thiên Chúa đã làm với Môsê, bằng cách sử dụng sự suy tàn của xã hội để biến đổi con tim ông, chuẩn bị cho ông nhận biết Chúa bằng một cách thức rất đặc biệt. Chúa sai Môsê vào sa mạc để dạy cho ông những gì mà cung điện Pharaô không thể nào dạy được cho ông.
Hơn nữa, sự rèn luyện của ông trong hoàng cung có thể sẽ giúp cho ông trong nhiều năm sau đó. Ở tuổi bát tuần, Môsê được Chúa sai đến gặp Pharaô để tìm cách giải thoát cho dân Do Thái và đưa họ ra khỏi Ai Cập.
Do đó, ông đã hoàn thành ơn kêu gọi của mình với tư cách là “mục tử của Israel”. Mọi kinh nghiệm của ông ở hoàng cung và với tư cách là mục tử đã thực sự góp phần cho kết quả ơn gọi của ông.
Điều gì thực sự quan trọng đối với Chúa
Là những người Kitô hữu, chúng ta được biến đổi cho tình yêu của Chúa Kitô, nhưng chúng ta thường hay phán xét theo lớp vỏ lừa dối của thế gian này. Giả như chúng ta nghe thiên hạ chê bai những người làm trong lĩnh vực phục vụ hay “ôsin”, chúng ta cũng coi thường họ vậy.
Tuy nhiên, điều khiến Thiên Chúa chú ý đó là một thế giới cách xa sự phát xét nhân loại của chúng ta. Chính những động lực của chúng ta và cách chúng ta yêu thương trong cuộc sống hằng ngày mới là điều quan trọng đối với Chúa, còn hơn cả danh thế của con người.
Trong bữa Tiệc ly, Chúa Kitô đã tỏ ra cho chúng ta thứ tình yêu mà chúng ta cần phải dành cho nhau. Bằng cách rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ được thực hiện bởi các đầy tớ và nô lệ, Chúa đã để lại cho chúng ta một mẫu gương yêu thương khiêm nhường, đồng thời là hình ảnh tiên báo cái chết của Ngài trên thập giá (Ga 13,12-15).
Trong thư gửi tín hữu Philipphê (2,5-11), thánh Phaolô cung cấp cho chúng ta một bài thần học cô đọng hầu mời gọi chúng ta bắt chước Chúa Kitô:
Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.
Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giêsu Kitô là Chúa”.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa soi sáng cho đôi mắt tâm hồn chúng ta để chúng ta có thể nhìn thấy như Chúa đã thấy. Xin cho mỗi người chúng ta xem công việc của mình, dù không thích hợp, như là cơ hội để phục vụ và yêu mến Chúa nơi tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta biết tỏa hương, không phải mùi vị cay đắng và tuyệt vọng, nhưng là hương vị của sự thánh thiện và hy vọng. Đây là cách chúng ta thực sự được nhìn nhận như là Kitô hữu.
Tác giả: Eleanor Strentz
Chuyển ngữ: Giuse Võ Tá Hoàng
Nguồn tin: https://www.aleteia.org