KHỦNG HOẢNG MỞ RA NHỮNG CON ĐƯỜNG
WGPQN (11.8.2021) – Các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên đã gặp phải nhiều cơn khủng hoảng. Có khủng hoảng gắn liền với tình trạng nội bộ. Có khủng hoảng do các yếu tố ngoại tại, chẳng hạn như mối liên hệ với Do Thái giáo – đưa đến sự tách rời – và những xung đột với quyền lực chính trị. Trong bài này, cha Daniel Cadrin, O.P., tập trung vào những khủng hoảng nội bộ để thấy được điều gì đã giúp tháo gỡ được những nút thắt – hay ít ra cho phép hạ nhiệt vấn đề trong một thời gian – để soi sáng cho chúng ta về lối đi ra của cơn khủng hoảng đại dịch. (Người dịch)
***
Chia sẻ
Khủng hoảng đầu tiên (Cv 6, 1-6) gắn liền với cơ cấu cộng đoàn Giêrusalem, tập hợp những người Do Thái ở Giuđê, miền Galilê và những người khác của cộng đoàn tha hương (diaspora). Khi phân chia lợi ích, các bà góa đến từ thế giới Hy Lạp đã bị bỏ rơi, nghĩa là có sự phân biệt về văn hóa. Phải làm gì đây? Trước hết phải triệu tập hội đồng để thảo luận vấn đề. Rồi người ta tìm thấy một giải pháp thực tiễn: việc chăm sóc các bà góa được giao cho các môn đệ có cùng nguồn gốc văn hóa. Trước một nhu cầu mới, người ta sáng tạo ra một cơ cấu sứ vụ mới: nhóm Bảy người.
Nhóm này, cũng như nhóm Mười Hai, không tồn tại lâu dài. Những hình thức thừa tác vụ khác xuất hiện, biến đổi tùy theo các cộng đoàn và môi trường: các trưởng lão, tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, chủ chăn, phó tế, giám quản, (Rm 12, 6-8; 1 Cr 12, 28-30; Ep 4, 11-12; Phl 1, 1). Sự đa dạng này dần hợp nhất lại quanh ba thừa tác vụ, nhưng trước hết phải trải nghiệm qua nhiều hình thức. Trở về với nhóm Bảy người, vài người trong số họ sau đó đã là những nhà truyền giáo đầu tiên trong thế giới ngoại giáo, một điều không hề được lường trước! Khi ta xoay trở cách sáng tạo trước sự khó khăn thì Chúa Thánh Thần sẽ mở ra những con đường.
Tiếp nhận dân ngoại giáo
Khủng hoảng lớn vào thời Giáo Hội sơ khai là tiếp nhận những Kitô hữu mới đến từ thế giới ngoại giáo, nghĩa là những người không phải là Do Thái. Ở đây cũng vậy, một tiến trình đã được sắp xếp để đối phó với vấn đề (Cv 15, 1-35): công nghị, với những người giữ những vị trí khác nhau, những cuộc tranh luận, những lựa chọn đã được chọn lựa, và rồi thông báo vấn đề. Cách xử lý này như là cách tiếp cận đầy cảm hứng và đã cho phép một bước ngoặt trọng đại: mở rộng đức tin Kitô giáo cho tất cả mọi nền văn hóa. Nhưng trong thực tế thì có vài yếu tố đã làm cho việc hòa nhập của dân ngoại được trở nên dễ dàng.
Sự chuyển giao Tin Mừng không được thực hiện trực tiếp từ thế giới Do Thái sang thế giới dân ngoại. Để việc chuyển giao này được thực hiện, phải có những tiếp nối, những trung gian đặt bước chân vào trong hơn một nền văn hóa. Một vai trò quan trọng như thế được những người kính sợ Chúa hay các tân tòng nắm giữ, họ là những người ngoại giáo đã cải đạo sang Do Thái giáo hay những người thân cận với họ (Cv 10, 1-2). Họ biết Sách Thánh, Thiên Chúa độc nhất, luật luân lý, cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, etc. Họ có khả năng đón nhận Tin Mừng và rồi đến lượt mình họ có thể loan truyền cho những người hoàn toàn ngoại giáo.
Đào tạo và đồng hành
Quá tốt khi tiếp nhận những lương dân, song phải bảo đảm sự liên tục để họ ở lại. Một yếu tố khác rất gần với yếu tố trước, đó là chọn lựa các thừa tác viên để đào tạo. Khi một cộng đoàn có nguồn gốc lương dân được thành lập tại Antiokia (Cv 11, 19-26), các môn đệ ở Giêrusalem đã tỏ ra bối rối. Phải làm gì với những người này, những người không như họ nhưng tin vào Đức Kitô? Barnaba được chọn lựa để đồng hành với nhóm này: ông không phải là người Do Thái địa phương nhưng từ đảo Chypre, có nghĩa là ông quen tiếp xúc với các lương dân và biết về thế giới của họ. Nhưng Barnaba cũng đã có một phán đoán tốt: ông đi tìm Phaolô thành Tarsê, một người Do Thái được đào tạo về Sách Thánh, một Kitô hữu đầy thuyết phục, người quen thuộc với văn hóa Hy Lạp và quen sống trong một thành phố lớn. Ông nhờ Phaolô phụ giúp để dạy giáo lý.
Để đào tạo và đồng hành ai đó, phải biết ngôn ngữ, hệ thống giá trị và cách sống của người ấy. Tin Mừng Matthêô cũng vậy, được viết cho các Kitô hữu gốc Do Thái, chứng minh mối liên hệ giữa giao ước thứ nhất và thứ hai, sự hoàn tất Sách Thánh nơi Đức Kitô là Môsê mới. Tin Mừng Luca, được viết cho các Kitô hữu thuộc nền văn hóa Hy Lạp, nhấn mạnh về thanh danh, chú trọng đến những phạm trù về vinh nhục, những điển hình của luân lý đang thịnh hành. Trong các thư của mình, Thánh Phaolô sử dụng ngôn ngữ thể thao (1 Cr 9, 24-27; 2 Tm 4, 7-8): bởi vì người Hy Lạp đã sáng tạo ra thế vận hội và rất say mê thể thao. Ngài cũng sử dụng từ vựng của các trào lưu triết học đương thời, với sự chính xác (Plm 4, 8).
Chia rẽ và xung đột
Sau khi được thành lập, một cộng đoàn gồm các tín hữu xuất thân từ ngoại giáo, đã đón nhận Tin Mừng và tìm cách sống Tin Mừng theo từng ngày, những khủng hoảng khác bắt đầu xuất hiện, gắn liền với cơ cấu của các giáo hội trẻ. Các thành viên nam nữ từ những chân trời khác nhau đã làm việc ở đấy. Cũng như ngày nay vậy, những trung tâm đô thị tụ họp những con người có nguồn gốc văn hóa khác nhau; các cộng đoàn của Thánh Phaolô đã phản ánh điều đó, ngoại trừ cộng đoàn Galát. Họ là những người có địa vị xã hội khác nhau: người tự do, người được giải phóng, người nô lệ. Họ chia sẻ cùng một nền văn hóa đô thị, nhưng vẫn có những xung đột và khoảng cách. Những nhóm nhỏ này rất mong manh. Cơn khủng hoảng ở đây không theo nghĩa một biến cố nhưng là một tình trạng có nguy cơ phá vỡ cộng đoàn, phân rẽ cộng đoàn theo năm tháng.
Đối mặt với cơn khủng hoảng này, Thánh Phaolô đã triển khai một cách tiếp cận không theo hướng tìm kiếm sự đồng nhất hay những quy định dành cho mọi người, nhưng là trên điều đã quy tụ họ lại, thuộc trật tự đối thần: đức tin vào Đức Kitô, đức cậy vào Nước Trời của Ngài và đức ái giữa các thành viên. Không có những điều ấy, cộng đoàn sẽ dần tan rã. Do đó mà có tầm quan trọng của rửa tội, bí tích làm sáp nhập vào Đức Kitô (1 Cr 12, 13; Cl 3, 9-11), và sự đa dạng thống nhất (unitédiversité) của thân thể và các chi thể (1 Cr 12, 12-27; Rm 12, 4-5). Đối với Thánh Phaolô, không có thân thể mà không có sự khác biệt của các chi thể. Sự đa dạng này không phải là một thực tại phải chịu đựng mà là cấu thành của một thân thể. Nhưng thân thể này chỉ hoạt động và làm nhiệm vụ nếu có sự hợp nhất, được phép rửa ban cho và được bữa ăn của Chúa nuôi dưỡng (1 Cr 11, 17-34), và có những thực hành huynh đệ như chia sẻ của cải (2 Cr 8-9), cái hôn bình an (1 Cr 6, 20) bẻ gãy mọi rào cản.
Không phải là dễ dàng, những cơn khủng hoảng này dần phát sinh một điều mới mẻ trong Đế quốc Rôma: ý nghĩa của tình huynh đệ đại đồng được sống gần sát nhau, một hình thức xã hội tính mới mẻ của sự hỗ tương. Những mối tương quan tùy thuộc và ưu thế (văn hóa, địa vị xã hội, giới tính: Gl 3, 26-29) đều là thứ cấp so với phẩm giá của mỗi người và những mối tương quan huynh đệ. Tiếp cận của Thánh Phaolô vẫn có tính thời sự rõ ràng. Đức Phanxicô đã nhắc lại điều đó trong Thông điệp FratelliTutti.
Đối với các con, thầy là ai?
Những khủng hoảng khác gắn liền với những vấn đề thần học nền tảng, nhất là vấn đề căn tính của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Hiểu thế nào các tước hiệu này? Mối tương quan giữa Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, và Thiên Chúa, đấng tạo dựng, là như thế nào? Tầm quan trọng nào dành cho nhân tính, sự nhập thể của Ngài? Các bản văn của Thánh Gioan, Tin Mừng và các thư, qua lại giữa nhân tính và thần tính Đức Giêsu. Thánh Marcô đối mặt với mầu nhiệm thập giá, Thánh Phaolô cũng vậy: làm thế nào mà kẻ bị đóng đinh lại có thể là sứ giả của Thiên Chúa, người mặc khải của Ngài?
Những vấn đề này gây căng thẳng trong các cộng đoàn và làm rạn nứt sự hiệp thông, có những nhóm tách ra khỏi Giáo Hội. Có nhiều giải pháp cho các khủng hoảng này. Một trong số những giải pháp đó là đưa ra những bản văn dùng làm cột mốc chung, điều này làm nảy sinh ra Tân Ước. Những bản văn này không phải là cách duy nhất để hiểu Đức Giêsu Kitô là ai nhưng còn nhiều con đường khác. Chúng ta có bốn Tin Mừng, sách Tông đồ công vụ, 21 thư và sách Khải Huyền, mỗi bản văn đưa ra một cái nhìn độc đáo về Đức Kitô, tuy không tương đương với những bản văn khác nhưng đi trong cùng một không gian ý nghĩa và giá trị. Điều này cho phép bảo đảm cả sự thống nhất lẫn đa dạng. Một cách đối mặt khác sẽ xảy ra sau này: các công đồng (Nicê, Constantinople, etc.)
Dù khủng hoảng thế nào đi chăng nữa, vai trò của những cuộc hội họp để nhìn ra vấn đề, tranh luận, biện phân, thật là quan trọng. Có như thế, giải pháp đưa ra không phải chỉ do các người chức trách mà do toàn bộ cộng đồng và nó có tính toán đến những hiện trạng ngay tại chỗ. Nói ngắn gọn, sự hiệp hành (synodalité) là chiếc chìa khóa, đây chính là chủ đề của Thượng hội đồng giám mục sắp tới mà Đức Phanxicô triệu tập.
Tác giả: Daniel Cadrin, O.P.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: Parabole, 6/2021, Vol. XXXVII, No 2, tr. 15-17
Nguồn: gpquinhon.org