NỖI ĐAU TRONG THỜI COVID-19
WGPMT (24.7.2021) – “Khi chồng của tôi mất, lí do duy nhất tôi có thể ở cạnh anh ấy đó là anh ấy mong muốn mất tại nhà. Viện chăm sóc đặc biệt không phải nơi dã ngoại, đó là tôi nói. Nhưng, ở bệnh viện, COVID có nghĩa là tôi không thể đến thăm anh ấy. Chúng tôi không thể chịu được điều đó. Nhưng khi nào tôi sẽ có được một tang lễ? Tro cốt của anh ấy ở trong một cái bình trên lò sưởi của tôi, và không có cách nào để đưa gia đình tôi đến đây.”
“Cô ấy mất không có tôi bên cạnh. Chúng tôi là bạn đời của nhau và, dù cô ấy không phải là một người dễ tính, chứng mất trí đã làm cô ấy khác biệt, cách nào đó dịu dàng hơn mặc dù cũng hay sợ hơn. Tại nhà chăm sóc dài hạn, nhân viên nói với tôi rằng việc tôi đến thăm có ảnh hưởng tốt biết bao bởi vì cô ấy ăn ngon hơn ngày hôm đó và đêm đó ngủ ngon hơn. Nhưng tôi không thể thăm cô ấy với COVID, và những video họ gửi cho thấy cô ấy suy sụp nhanh chóng. Điều đó làm tan nát trái tim tôi. Việc cách li do COVID đã giết chết cô ấy cũng chắc chắn như chứng mất trí mà tôi đã không ở đó để nắm tay cô ấy.”
“Tôi làm việc tại một viện dưỡng lão, và tôi khẳng định rằng những người trong đơn vị của tôi đang chết nhanh hơn bao giờ hết. Chắc chắn một số do COVID, nhưng những người khác do hoàn toàn thiếu sự tác động. Gia đình của họ không thể đến thăm, và họ không thể có thời gian để sinh hoạt chung bởi vì chúng tôi cần giữ họ tách biệt. Ôi, cái chết của họ ám ảnh tôi. Và tôi phải nói rằng rất nhiều đồng nghiệp của tôi và gia đình của họ dường như cũng đang hấp hối. Có phải đã luôn có nhiều người chết như thế trong một năm hay bây giờ tôi mới để ý tới?
Trong cộng đồng mới dành cho người cao niên của chúng tôi, có một nhóm thương khóc được tổ chức trong nhà nguyện bởi vì rất nhiều người đang khóc thương – phần đông những mất mát cũ chứ không phải do COVID nhưng một số do COVID. Trong nhà nguyện, tất cả chúng tôi cách nhau sáu feet [1,8m], và dù sao có rất nhiều người nặng tai. Người ta đang trở nên bực bội và cứ thế đi ra ngoài. Nó không giúp gì được cho vợ tôi và tôi. Chúng tôi nhớ con trai chúng tôi nhiều lắm.”
Tôi làm việc như một chuyên gia mai táng, và những người trong các câu chuyện tôi vừa chia sẻ là người công giáo. Họ choáng váng bởi sự mất mát và đôi khi bối rối trong nỗi buồn. Ở đây, tôi chia sẻ làm thế nào và tại sao COVID-19 đã thay đổi kinh nghiệm của người ta về nỗi buồn và những việc người Công giáo chúng ta có thể làm để nâng đỡ nhau.
Để đưa ra một điểm tốt về kinh nghiệm virus COVID-19 của đất nước này, tôi hỏi: Ai không nhận thấy rằng cuộc sống và cái chết đã thay đổi trong thời COVID này? Một lượng người chưa từng thấy trong thế hệ Hoa Kỳ hiện đại đã có nhận thức sâu sắc về đau khổ do sự chết và mất mát trong năm vừa qua. Cái chết và sự mất mát dường như ở mọi nơi. Ví dụ, có khoảng chừng 2.854.838 ca tử vong ở Hoa Kì hàng năm theo biểu đồ năm 2019 của CDC[3]. Theo dịch bệnh năm 2020-2021, có khả năng có nhiều ca tử vong hơn bình thường; vào ngày 7 tháng 3 năm 2021, CDC đã thống kê hơn nửa triệu (522,973) ca tử vong do virus[4].
Gần như mọi người đều biết một ai đó người bị nhiễm COVID, và nhiều người biết những người đã chết trong năm vừa rồi (vì COVID và những nguyên nhân khác). Hơn nữa, nhiều người mất việc làm, việc kinh doanh, và an toàn kinh tế trong khi nhiều người khác chỉ đang ì ạch cho qua cuộc sống và làm việc tại nhà với bọn trẻ học từ xa. Ít ra, nhận thức của mọi người về cái chết và mất mát đã được nâng cao.
Từ cái nhìn của người mất thân nhân, tôi nghe nhiều về thử thách cam go do nỗi đau gây ra. Đau buồn luôn luôn thử thách, nhưng phản ứng chung ở Bắc Mỹ là phủ nhận tác động của sự mất mát và động viên chính mình và người khác “tiến lên”. Sau ba ngày tiễn biệt người mất, hầu hết mọi người phải đi làm trở lại. Sau một hoặc hai tháng, những tấm thiệp và lá thư [chia buồn] không đến nữa và các cuộc gọi ít thường xuyên hơn. Sau sáu tháng, gia đình và bạn bè tất cả đã nghe về sự mất mát và cũng không biết phải nói gì. Nước Mỹ là một xã hội phủ nhận cái chết, nó khuyến khích bạo lực trong những bộ phim, chương trình truyền hình, âm nhạc, và trò chơi nhưng không thể chịu đựng để nhận biết nỗi đau do sự mất mát thật sự. Thật vậy, nhiều người không biết phải than khóc thế nào. Vì thế, như một thế giới thu nhỏ của nước Mỹ – khoảng 51 triệu, khoảng một phần năm tổng dân số[5] – người Công Giáo thấy quá ít sự hỗ trợ khi họ gặp đau buồn.
- Một sự kiện nổi bật về phương diện văn hóa
Tuy nhiên, ngay bây giờ sự đau buồn đang cùng lúc chạm đến nhiều người và với cường độ cao hơn mức nhiều người đã từng kinh nghiệm. Với sự ra đi của những người thuộc thế hệ thời Thế chiến thứ hai và với các cuộc chiến gần đây cũng ít tác động đến toàn xã hội, các thế hệ hiện nay đã không trải qua một sự kiện nào nổi bật về phương diện văn hóa có ảnh hưởng gần như đến mọi người. Chúng tôi không chắc chắn làm thế nào để xử lí đại dịch này. Một cách nào đó, vấn đề không phải là bao nhiêu người đã chết bởi vì virus này, mà là bao nhiêu người ý thức về cái chết, sự mất mát, và nỗi đau vì nó.
Mọi người khắp nơi ý thức nhiều hơn về sự mất mát và đau buồn nói chung. Trớ trêu thay, việc cách li cần thiết để bảo vệ chúng ta đã làm cho chúng ta quen hơn với bất hạnh của người khác. Mọi người đã phải từ bỏ một cái gì đó – mặc dù khác nhau về mức độ – từ giấy vệ sinh đến an toàn thực phẩm. Đối với lợi ích chung của chúng ta, nhiều người đã hiểu biết hơn về nỗi đau có tính xã hội vượt trên cái chết, như một ý thức mới hình thành về những tác động đến cả thế hệ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự bất bình đẳng về kinh tế.
Một trong những vấn đề chúng ta đối mặt là vẫn khó xác định khi nào dịch bệnh chấm dứt. Không thấy có dấu hiệu kết thúc, chúng ta chưa thể gạt bỏ nỗi đau tang thương này – như chúng ta có lẽ thường làm – vì vậy chúng ta phải lẩn quẩn trong sự cách li thể chất và không có cách nào chắc chắn để nói về nỗi đau riêng và chung của chúng ta. Do đó, chúng ta cần nâng đỡ.
- Sự nâng đỡ từ Hội Thánh Công Giáo
Hội Thánh nên cung cấp một số sự hỗ trợ, nhưng Hội Thánh có thể làm như thế không?
Trong năm 2020, khắp đất nước nỗ lực dập tắt dịch bệnh dẫn đến việc các nhà thờ trước là bị đóng cửa cho giáo dân và sau đó, các nhà thờ được phép mở cửa lại, với yêu cầu cho phép ít người tham dự Thánh lễ, còn những người không có thể ở trong nhà thờ cách thể lí thì tham dự Thánh lễ trực tuyến và video. Đối với những người không có những công nghệ như vậy, không có Thánh lễ. Đối với nhiều giáo xứ, việc mở cửa nhà thờ cách hạn chế có nghĩa là giáo dân đóng góp ít hơn và, hậu quả là cắt giảm nhân viên giáo xứ và giảm giờ làm của các văn phòng giáo xứ. Những sự cắt giảm lại dẫn đến các tác vụ bị hạn chế hoặc đóng cửa. Ngay khi cần đến Hội Thánh nhất, thì khả năng giúp đỡ bất cứ ai lại bị hạn chế nhất. Tuy nhiên các nhu cầu và đòi hỏi cũ vẫn còn đó. Các nhu cầu và đòi hỏi mới cũng phải được giải quyết. Và mọi người sẽ phải làm với nguồn lực hạn chế. Trong suốt thời gian dịch bệnh hay những hoàn cảnh khác do sự giãn cách, các nguồn lực hạn chế hoàn toàn không đủ. Mọi người đang tăng cảm giác trầm cảm, tội lỗi, tức giận, sợ hãi, cô đơn – tất cả các cảm giác đó có xu hướng đi kèm với đau buồn. Các giáo sĩ đang kiệt sức và sợ lây COVID cho giáo dân hoặc bị lây nhiễm.
Hội Thánh cố gắng giúp đỡ chúng ta, nhưng theo nhiều cách, chúng ta phải tự tìm phương thế riêng. Chúng ta có thể làm gì với nỗi đau của mình? Làm sao chúng ta có thể chịu được đau khổ và buồn phiền để giúp nhau và giúp chính mình?
- Đau buồn, than khóc, và Chúa Giêsu
Trước tiên, chúng ta cần biết bản chất của đau buồn. Đau buồn là một kinh nghiệm bên trong về sự mất mát, nó đi vào chúng ta cách tự nhiên, bị động, và thường dữ dội sau cái chết của người thân hoặc một mất mát khác. Nó không phải là thứ gây xúc động hoặc cảm giác tiếc thương cho bản thân; nó hoàn toàn là nhận thức nội giới rằng một người chúng ta thương đã ra đi hoặc một sự chúng ta quan tâm đã đổi thay mãi mãi. Khóc than là biểu lộ bên ngoài của nỗi buồn mà chúng ta thể hiện bằng cách khóc, nói về sự mất mát, tưởng niệm và vinh danh người hoặc sự gì đã mất, và đưa đau buồn vào cuộc sống của mình – cũng thay đổi chúng ta mãi mãi. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho những ai than khóc” (Mt 5,4).
Mặc dù chúng ta có thể không nghĩ như vậy khi chúng ta cảm thấy hết sức tồi tệ, đau buồn cũng có ích của nó. Đau buồn thường không được coi như một ân sủng, nhưng theo nhiều cách, nó đúng là như vậy. Đau buồn luôn đi với tình yêu. Chúng ta không đau buồn vì những điều không quý với chúng ta, dù nó là một người, công việc, sự mong chờ, hay là một điều gì khác. Đau buồn đơn giản là cái giá phải trả vì thương một người hay một vật, và tình thương chúng ta đã trải qua thường xứng với cái giá chúng ta trả.
Cũng quan trọng để biết rằng đau buồn đại diện cho sự bất hạnh, đau đớn, sợ hãi, hối tiếc, tức giận, và những cảm xúc khác mà Thiên Chúa đã ban để giúp chúng ta cảm nhận và hiểu biết sự mất mát. Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta nỗi đau mất mát mà lại không ban cho chúng ta cách đối phó với nó. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Người đã để mình khóc, cảm nhận sự mất mát của Lazarô và niềm đau chung của gia đình Lazarô, ngay cả khi Người biết Người sẽ hồi sinh Lazarô từ cõi chết. Một điều chúng ta học được từ việc Chúa Giêsu khóc là mặc dù chúng ta đảm bảo được phục sinh, chúng ta có thể có và bày tỏ cảm xúc đau xót mà không phải lo rằng chúng ta giữ đạo sai. Nếu Con Thiên Chúa có thể khóc công khai trước cái chết của một người bạn, một người bạn chốc nữa sẽ được sống lại, thì chúng ta cũng có thể.
Chúng ta trở nên người hơn khi chúng ta đối mặt sự mất mát. Chính Chúa Giêsu đã có kinh nghiệm nhiều nỗi buồn trong cuộc sống trần thế ngắn ngủi của Người. Ngoài việc khóc thương Lazarô và những người thân yêu của Người, Chúa Giêsu phải gặp thực tế tồi tệ này là đồng hương Nazareth của Người đã không muốn người thợ mộc trước đây đóng vai trò ngôn sứ và thầy dạy. Chúa Giêsu nhanh chóng nhìn thấy tất cả nỗi đau của thế giới khi Ngài bắt đầu sứ vụ của mình, việc chữa lành và an ủi người đau ốm và bị tổn thương. Người đã tỏ lộ nỗi buồn sâu xa tại Vườn Giêtsêmani và cầu xin Cha Người “cất chén này” khỏi Người (Lc 22,42). Vâng, Chúa Giêsu đã biết đến sầu khổ của con người và cái đau đớn mà nó gây ra, nên chúng ta cũng thế.
Nhưng cái chết của Chúa Giêsu đã không ngăn được những kinh nghiệm của Người về sầu khổ của con người. Trên đường Emmaus, một Chúa Giêsu – đã phục sinh, không được nhận ra – đồng hành với hai môn đệ đau buồn đang hoang mang bởi Khổ hình thập giá và tin báo về ngôi mộ trống. Người đã trở thành bạn đồng hành của họ trong đau buồn, lắng nghe nỗi đau của họ khi họ bước đi và sau đó an ủi họ bằng Kinh Thánh, cho họ hi vọng. Làm bạn đồng hành đúng nghĩa có nghĩa là cùng nhau bẻ bánh, là việc Chúa Giêsu đã làm với những kẻ đang than khóc trước khi Người biến đi trước mắt họ.
- Ở với sự đau buồn
Đau buồn có thể làm tổn thương rất nhiều đến nỗi chúng ta có lẽ muốn thoát ra khỏi nó, và đó là nguyên nhân tạo nên ý tưởng chung là chúng ta không nên đau buồn lâu và chúng ta nên “tiếp tục” với cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta phải ở với đau buồn một thời gian bởi vì nếu nó bị phớt lờ, nó sẽ lưu lại trong thân thể, tâm hồn, và tinh thần của chúng ta. Đau buồn không biến đi chỉ vì chúng ta không muốn cảm nhận nó. Bởi vì nó đến từ bên trong chúng ta, đau buồn của chúng ta biết rõ nơi sẽ đưa dẫn chúng ta về thể lí vào trong thế giới, về tâm hồn vào trong những vùng sâu thẳm của tâm thần, và về tâm linh trên hành trình tìm kiếm chốn cao hơn. Việc lắng nghe điều sự đau buồn nói với chúng ta những gì và than khóc nỗi đau buồn cách chủ ý có tính quyết định đối với con người hiện tại của chúng ta, đối với con người chúng ta sẽ trở thành, và cách chúng ta yêu thương trong tương lai. Nói cách khác, đau buồn và than khóc thay đổi chúng ta, cách chúng ta đối phó với chúng giúp quyết định cách chúng ta sẽ thay đổi.
Trong đau buồn, chúng ta vượt qua ngưỡng cửa từ cuộc sống cũ vào trong cuộc sống mới. Ở lưng chừng cái cũ và cái mới, chúng ta cư trú một lúc trong một khoảng trung gian vô cùng mầu nhiệm, gọi là khoảng không chuyển tiếp (liminal space). Khoảng không này ở giữa cuộc sống cũ mà chúng ta đã biết và cuộc sống mới mà chúng ta đang bước vào. Việc tồn tại trong khoảng trung gian này có thể gây kinh sợ hoặc, ít nhất, gây khó chịu. Thỉnh thoảng người ta bày tỏ rằng họ cảm thấy như thể họ đang “phát điên”, nhưng thật ra họ chỉ đang đau buồn. Thú vị thay, khoảng trung gian này cũng có thể là nơi nghỉ ngơi giữa những sự kiện đã đưa đến niềm đau và việc than khóc đầy khó khăn vẫn chưa đến. Những người mà tôi gần đây có liên hệ với họ đã bày tỏ rằng ngay bây giờ họ đang ở trong khoảng trung gian làm hỏng mọi kế hoạch một cách kì quặc. Ví dụ, vì việc cách li cần thiết để tự bảo vệ khỏi COVID, họ ở khoảng giữa: họ muốn và cần sự nâng đỡ xã hội mà họ không có được đầy đủ khi bị cách li tại nhà, nhưng họ cũng thấy dễ chịu vì họ không cần từ chối những lời mời có tính xã hội mà họ không có khả năng tham gia.
Một khi chúng ta cảm nhận sâu sắc sự mất mát và biết cách than khóc sự mất mát đó, chúng ta bước vào một giai đoạn mới của cuộc sống nhân loại. Bây giờ chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải khoan dung hơn với nỗi đau riêng cũng như chung. Cần chú ý, tốt cho chúng ta khi phải trải qua đau khổ và giúp đỡ nhau trong trải nghiệm đó với tư cách là người và là Kitô hữu. Chúng ta cần học biết những lợi ích của đau buồn trong sự hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng đã hi sinh Con của Ngài, trong sự hiệp thông và thương xót đối với người khác, và trong những bước tiến của nhân loại (có lẽ phải đau đớn mới có được).
- Hành động thiêng liêng của lòng thương xót
Là gia đình Hội Thánh, chúng ta cần những cách thức tốt hơn để nâng đỡ nhau như thế. May mắn thay, Hội Thánh Công giáo đề nghị chúng ta một con đường hướng đến. Nghi thức an táng Kitô giáo phác thảo những nét căn bản cho tác vụ an ủi, phản ánh được một trong các hành động thiêng liêng của lòng thương xót:
Khi một chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô qua đời, các tín hữu được mời gọi thực thi tác vụ an ủi đối với những người chịu sự mất mát người họ thương mến. Sự an ủi Kitô giáo ăn sâu trong niềm hi vọng xuất phát từ niềm tin vào sự chết và phục sinh ban ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.[6]
Đã từng có một Ban nâng đỡ tang quyến ở cấp quốc gia (National Catholic Ministry to the Bereaved) làm theo những quy tắc dành cho Tác vụ an ủi, đã huấn luyện và trao tác vụ cho những người trợ giúp tang quyến. Đại dịch đang dạy chúng ta – giáo sĩ và giáo dân – rằng chúng ta cần tái lập một tác vụ như thế để những người được gọi đồng hành với tang quyến có thể học biết lí do và cách thế tốt nhất làm công việc đó, rồi củng cố những người khác.
Chúng ta có thể làm bạn đồng hành với nhau trong đau buồn. Một khi đã được huấn luyện thích hợp, chúng ta có nhiều phạm vi để giúp đỡ tang quyến theo nhiều cách khác nhau: thông qua một ban mục vụ giáo xứ thiết thực, với sự trợ giúp cá nhân, và trong các nhóm hỗ trợ. Tác vụ an ủi căn bản của chúng ta là yêu thương nhau, và tác vụ mở rộng của chúng ta là sử dụng sự hiểu biết của mình về đau buồn và than khóc để lắng nghe, đồng hành, và giúp đỡ những người mất mát tìm thấy lối đi của họ – thường bằng cách hiện diện lặng lẽ chỉ để làm chứng cho nỗi đau và buồn phiền.
- Sống cuộc đời có phúc
Cuộc đời của chúng ta không dành cho chúng ta. Điều này là một thông thiệp Đức Cha Robert Baron thường giảng dạy. Chúng ta học bài học đó cách tha thiết nhất khi một người chúng ta thương qua đời hoặc khi một điều gì đó quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta thay đổi. Bài học trở nên rõ ràng, bởi vì chúng ta nhận ra ở một mức độ sâu thẳm rằng chúng ta không kiểm soát được hầu hết những mất mát trong cuộc sống.
Những mất mát đáng kể mang lại đau buồn. Nghịch lí là: những lần đau buồn là khi chúng ta cần dành cuộc đời mình cho bản thân nhiều nhất, vì thế chúng ta có thể tập trung làm công việc than khóc đầy khó khăn. Chỉ khi chúng ta bắt đầu hiểu rằng thế giới to lớn hơn chúng ta và những nhu cầu riêng của chúng ta, chúng ta không thể thoát khỏi con đường của mình chỉ vì nỗi đau của chúng ta quá lớn, và chúng ta phải được an ủi. Chúng ta bây giờ thấy rằng những người khác cũng đau khổ, và chúng ta muốn sống cuộc đời có ý nghĩa và có mục đích mặc dù chúng ta bị mất mát thật nhiều để làm điều đó thành hiện thực. Đau buồn tạo cơ hội để khiến cuộc sống của chúng ta hướng về một điều lớn hơn chính chúng ta. Làm sao chúng ta đi từ đây đến đó? Chúng ta cần người khác nâng đỡ, nhưng người ta chỉ có thể giúp chúng ta nếu họ cũng nhận ra rằng cuộc đời của họ không dành cho họ nhưng dành cho những gì họ có thể làm cho người khác.
Cả bây giờ và sau dịch bệnh, hãy suy nghĩ: Thế giới của chúng ta sẽ thay đổi thế nào nếu thậm chí một ít trong số 51 triệu người Công giáo Mỹ được nâng đỡ đầy đủ khi gặp đau buồn? Và nếu một ít trong số họ quay lại để nâng đỡ những người khác, họ sẽ biến đổi thế giới hơn thế nào nữa cho những người đang đau buồn khác?
Thánh Giáo hoàng Lêô Cả dạy rằng “không những đức thương người mà cả ơn bình an cũng đem lại hạnh phúc cho hết thảy những ai lấy lòng bác ái mà cảm thông với mọi kẻ khốn cùng”[7]. Có rất nhiều phúc lành chỉ nhờ vào việc chăm sóc những người đau buồn thông qua Tác vụ an ủi. Một trong những phúc lành đó có thể là chúng ta sẽ có được người đồng hành khi bản thân gặp đau khổ trong tương lai, bất kể là loại đau khổ nào.
Tác giả: Beth L. Hewett[1]
Chuyển ngữ: Nhóm dịch Gioan XXIII
Từ: media.wordonfire.org[2]
Nguồn: giaophanmytho.net
[1] Beth L. Hewett, PhD, CT, CEOLS, là giáo sư về đau buồn giàu kinh nghiệm, là nhà diễn giả và trợ giúp cho các nhóm hỗ trợ đau buồn, các nhóm nghiên cứu về sự mất mát và các kì tĩnh tâm, và các hội thảo bằng văn bản từ năm 2004.
[2] Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 1-16.
[3] “Deaths and Morality,” Centers for Disease Control and Prevention (CDC), https://www.cdc.gov/nchs/fastats/deaths.htm.
[4] “United States COVID-19 Cases, Deaths, and Laboratory Testing (NAATs) by State, Territory, and Jurisdiction,” Centers for Disease Control and Prevention (CDC), March 7,2021, https://covid.cdc.gov/covid-data-tracker/#cases_casesper100klast7days
[5] David Masci and Gregory A. Smith, “7 Facts About American Catholics,” Pew Research Center, October 10, 2018, https://www.pewresearch.org/fact-tank/2018/10/10/7-facts-about-american-catholics/
[6] Nghi thức an táng Kitô giáo, số 8.
[7] Lêô Cả, Bài giảng 6 về Mùa Chay, 1-2, Kinh Sách, Bài đọc 2, thứ Năm sau lễ Tro.