KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH: LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN TRONG MÙA ĐẠI DỊCH
WHĐ (08.7.2021) – Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, một phương thế được đặt ra: hạn chế tiếp xúc với người khác, có quan chức còn mạnh dạn đề nghị: “hãy coi người đối diện như người đang là F0”. Vâng dịch COVID-19 làm cho người ta sợ hãi và ngại tiếp xúc với nhau, tuy nhiên, người Kitô hữu chúng ta được sinh ra trong lòng Giáo hội, một cộng đoàn được Chúa quy tụ, chúng ta không thể không gặp gỡ Đức Kitô mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta, bởi đức tin của người Kitô hữu hệ tại ở việc gặp gỡ Đức Kitô, vì Người là nguyên lý của sự sống, là cội nguồn của ơn cứu độ và là nền tảng của sự hiệp thông Giáo hội. Vì thế, mỗi gia đình Kitô hữu là môi trường để các thành viên trong gia đình gặp gỡ Đức Kitô qua kinh nguyện gia đình.
Vâng, hơn bao giờ hết, chính lúc này đây, các bậc làm cha mẹ phải làm cho gia đình trở thành cộng đoàn cầu nguyện qua việc cử hành kinh nguyện trong gia đình. “Quả vậy, trong Hội thánh tại gia, mục đích quan trọng của kinh nguyện là bước dẫn nhập tự nhiên cho trẻ em bước vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Hội thánh, vừa chuẩn bị chúng đi vào kinh nguyện phụng vụ vừa mở rộng vòng kinh nguyện này vào trong lĩnh vực đời sống cá nhân, gia đình và xã hội”[1].
Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau qua hai hình thức: kinh nguyện của Giáo hội gọi là Phụng vụ, hay kinh nguyện vay mượn những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay một sắc tộc, nghĩa là thuộc văn hoá của họ được gọi là: lòng đạo đức bình dân.
Mặc dầu Phụng vụ là đỉnh cao trong lĩnh vực phụng tự của đời sống tín hữu và không có một hình thức cầu nguyện nào khác có thể so sánh được, nhưng các hình thức cầu nguyện thuộc hình thức “lòng đạo đức bình dân” cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người tín hữu kết hợp mật thiết với Chúa, qua cuộc gặp gỡ được diễn tả bằng những lời kinh, những tâm tình phù hợp với từng hoàn cảnh, ngôn ngữ và văn hoá của người tín hữu; nó khơi lên lòng đạo đức qua việc thực thi lời dạy dỗ của thánh tông đồ: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17). Và như thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II khẳng định rằng, lòng đạo đức bình dân như là “kho tàng đích thực của dân Thiên Chúa”[2]. Bởi đó, các Giáo hội địa phương phải nỗ lực duy trì, cổ võ lòng đạo đức bình dân nơi hết thảy mọi người Kitô hữu.
Để đối phó với tình trạng giãn cách xã hội, không được tụ tập tại Nhà thờ nhằm tránh lây lan dịch bệnh, các gia đình Kitô hữu chúng ta phải cổ võ không ngừng đời sống cầu nguyện thuộc lĩnh vực lòng đạo đức bình dân như là phương thế hữu hiệu để nuôi dưỡng đức tin tại gia đình. Điều đó không là gì mới lạ, đó chỉ lập lại những kinh nghiệm lịch sử của một Giáo hội luôn đối diện với nhiều bách hại của những thù nghịch. Lịch sử chứng nhận rằng, đức tin của người tín hữu đã được nâng đỡ bởi những hình thức và thực hành đạo đức[3]. Lịch sử chung của Giáo hội toàn cầu cũng như lịch sử riêng của Giáo hội Việt Nam. Một thí dụ: nếu như không có lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Giáo hoàng Piô V đến với mọi Kitô hữu trên thế giới về việc lần chuỗi Môi khôi để cầu xin cho cuộc chiến giữa đạo quân Hồi giáo và đạo quân Thánh giá, thì làm gì có cuộc chiến thắng lịch sử của đạo binh Thánh giá tại vịnh Lepante, vào 07/10/1511; hay là nếu không có những hình thức phụng tự được trình bày đơn sơ thuộc lĩnh vực lòng đạo đức bình dân, thì làm sao Giáo hội Việt Nam có thể đứng vững vượt qua cơn gian lao thử thách trong gần 300 năm? Quả thật “những thách đố nghiêm trọng mà thế giới phải đương đầu khi bước vào ngàn năm thứ mới, khiến chúng ta nghĩ rằng chỉ có sự can thiệp từ trên cao, có khả năng hướng dẫn tâm hồn những người sống trong những hoàn cảnh xung đột và những người nắm giữ vận mệnh các quốc gia, mới có thể cho chúng ta lý do để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn”[4]. Sự can thiệp từ trên cao đến được từ những lời cầu nguyện đơn sơ được thể hiện trong những hình thức cầu nguyện thuộc lòng đạo đức bình dân, như chuỗi Môi khôi.
Mong sao việc đọc kinh tại gia đình được các gia đình Kitô hữu nghiêm túc thi hành, vì “gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng cầu nguyện lên Thiên Chúa”[5]. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đọc kinh chung trong gia đình. Bởi khi các thành viên trong gia đình cùng “đưa mắt hướng về Đức Kitô, cũng sẽ tìm lại được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, tỏ tình liên đới, tha thứ cho nhau, và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thần Khí của Thiên Chúa”[6].
Ngoài ra cần cổ súy giờ kinh nguyện gia đình cũng nên chú tâm vào trong việc cử hành Phụng vụ Các giờ kinh “vì đó là kinh nguyện công khai của Giáo hội, là nguồn mạch lòng đạo đức và là lương thực nuôi dưỡng kinh nguyện riêng”[7]. Trong việc khích lệ và bảo tồn lòng đạo đức bình dân, người tín hữu cần được chỉ dẫn cho biết về sự hiệp nhất trong Giáo hội, mọi hình thức phụng tự nên qui về cái chung hơn cái riêng. Trung tâm điểm của các hình thức phụng tự phải qui về chính là mầu nhiệm Chúa Kitô. Bởi đó việc đọc Các giờ kinh Phụng vụ vừa đáp ứng được tâm tình cầu nguyện riêng tư vừa cùng với Giáo hội cử hành hành vi Phụng vụ, tột đỉnh của mọi hình thức cầu nguyện. Quả thật, “Phụng vụ Các giờ kinh không phải là một hoạt động cá nhân hay riêng tư nhưng ‘thuộc về toàn thể Thân Mình Giáo hội[..]. Vì thế nếu các tín hữu được triệu tập để cử hành Phụng vụ Các giờ kinh và tụ tập cùng nhau hợp lòng hợp tiếng thì họ đang diễn tả Giáo hội đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô’. Sự chú ý đặc biệt đến kinh nguyện phụng vụ này không tạo ra căng thẳng với kinh nguyện bản thân. Trái lại, Phụng vụ Các giờ kinh giả định và đòi phải có kinh nguyện bản thân liên kết tốt đẹp với các hình thức khác của kinh nguyện cộng đồng nhất là nếu các hình thức ấy được Giáo quyền nhìn nhận và khuyến khích”[8].
Khi mà cả xã hội Việt Nam đang căng mình ra chống dịch covid-19, chúng ta, những Kitô không những nỗ lực cộng tác với toàn thể xã hội chống dịch theo khả năng, đóng góp công sức ủng hộ phòng chống dịch, nhưng chúng ta còn phải ý thức về đức tin công giáo của mình. Hãy nhớ lời Chúa phán: “không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15, 5). Vì thế, chúng ta hãy chuyên chăm cầu nguyện trong từng gia đình của chúng ta, thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắc nhở: “phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô hữu, xét như Hội thánh tại gia, chỉ có thể được sống với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”[9].
Linh mục Antôn Hà Văn Minh
(Trích tài liệu thường huấn dành cho giáo dân tháng 7/2021, Ủy ban Giáo Dân / HĐGMVN)
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, ban hành ngày 22/11/1981, số 61.
[2] Gioan-Phaolô II, Bài giảng trong phần cử hành Lời Chúa tại La Serena (Chile), 2 trong: Insegnamentali di Gioavanni Paolo II, X/1 (1987), cit., tr. 1078.
[3] Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 11.
[4] Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, ban hành tại Roma ngày 16/10/2002, số 40.
[5] Công Đồng Vat. II , Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (AA), số 11
[6] Gioan- Phaolô II, Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 41.
[7] Công đồng Vat. II, Hiến chế về Phụng vụ thánh (SC), số 90.
[8] Gioan-Phaolô II, Tông thư kỷ niệm 40 năm ban hành Hiến chế Thánh Công đồng về Phụng vụ thánh, số 14.
[9] Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, ban hành ngày 22/11/1981, số 61.