NIỀM VUI TRONG BÍ TÍCH HÒA GIẢI[1]
WGPQN (01.03.2021) – Ngay từ thứ Tư Lễ Tro bắt đầu Mùa Chay thánh, thánh Phaolô đã khẩn thiết xin chúng ta hướng đến trọng tâm của chay tịnh, đích nhắm của hoán cải, mục tiêu của hành trình thiêng liêng mùa Chay: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa” (2 Cr 5, 20). Trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, hay Người Cha Nhân Hậu (Lc 15, 11-32) (Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay: Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay (C); Chúa Nhật 24 mùa Thường Niên (C)), là dụ ngôn tiêu biểu của Mùa Chay, của hoán cải và trở về, những ý nghĩa quan trọng của dụ ngôn đều được diễn tả qua các nhân vật. Vấn đề không phải là những gì người con hoang đàng đã làm, đã phung phí của cải, hay sống thế nào trên miền đất xa lạ. Không phải là bảng liệt kê những tội của anh. Điểm nhấn quan trọng là người con thứ đã xử tệ với cha mình, mối tương quan cha con xấu dần đi vì anh không còn tin tưởng vào Cha mình nữa, vì anh ta nghĩ rằng ngoài kia sẽ tốt đẹp hơn. Mối tương quan chỉ được nối lại khi tái tạo được sự tín nhiệm, tin tưởng nhau. Ở đây tội lỗi được diễn tả trong một khoảnh khắc riêng tư, cá nhân hơn: Con người được kêu gọi tín thác vào Chúa, vào Chúa Cha. Nếu không còn tín thác, con người phá vỡ mối tương quan.
Trình thuật của dụ ngôn đưa về cái kết tưng bừng lễ hội và niềm vui. Đó là tìm lại được sự kết nối, tái tạo tình thân hữu và tái lập niềm hy vọng. Đây chính là đặc điểm của bí tích hoà giải: đưa chúng ta bước vào mối tương quan cá nhân với Chúa Cha, là Đấng ân ban cho chúng ta tràn ngập niềm vui và sức mạnh của sự tha thứ.
Nếu chúng ta không sống như thế, bí tích hoà giải trở nên là một gánh nặng, một việc làm hình thức mà chúng ta phải làm để xoá đi những vết nhơ làm chúng ta lo lắng bực dọc, ghê tởm, xấu hổ: nói một cách đơn giản là tìm cách cho lương tâm yên ổn hơn. Như thế bí tích cũng mang lại điều tốt nhưng không bền lâu vì mang tính cách buồn thảm, mỏi mệt và nặng nề.
Trái lại, bí tích này là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa, là việc khám phá ra và lập lại lời của thánh Gioan trên thuyền, tại biển Hồ, sau khi Chúa sống lại: “Chúa đó” (Ga 21,7). “Chúa đó”, và tất cả thay đổi. “Chúa đó”, và tất cả lại sáng tỏ. “Chúa đó”, và tất cả lại có ý nghĩa trong cuộc sống: là một sự tái tạo ý nghĩa mọi khía cạnh cuộc sống của tôi.
Vì vậy hãy sống trong niềm vui này. Cả đến việc sám hối, thanh luyện, hay chuộc lại lỗi lầm cũng trở nên lối mở cho một mối tương quan. Sống bí tích này như thế cho phép chúng ta cuối cùng sống sự hoà giải không vội vàng, nhưng sống như là khoảnh khắc của cuộc hành trình đi tìm biết chúng ta là ai, chúng ta được gọi để làm gì, chúng ta lầm lỗi ở đâu, điều gì chúng ta không muốn sống, chúng ta xin Chúa điều gì?
Đây là khoảnh khắc quý giá vô cùng, vì trong bí tích hoà giải rất nhiều điều được quy tóm nơi Thánh Tâm Chúa Kitô trong Hội Thánh.
Vậy làm sao sống bí tích này cách cụ thể? Hãy sống bí tích này như là cuộc đối thoại thống hối. Đối thoại thống hối là việc xưng tội như chúng ta vẫn thường làm, tuy nhiên với sự khác biệt là chúng ta nhân rộng ra hơn một chút. Cuộc đối thoại này được diễn tả trong ba bước căn bản. Xưng thú, trong tiếng Latinh là confessio, không chỉ có nghĩa là xưng thú mà thôi, nhưng còn có nghĩa ca ngợi, thú nhận, tuyên xưng.
Xưng thú ca ngợi
Bước đầu tiên chúng ta gọi là xưng thú ca ngợi (confessio laudis). Thay vì bắt đầu việc xưng thú bằng cách nói: “Tôi đã phạm tội này, tội kia”, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa con tạ ơn Chúa”, và bày tỏ trước mặt Chúa những gì khiến chúng ta cảm tạ.
Chúng ta thường ít tôn trọng chính mình. Thường nghĩ và dừng lại ở những gì tiêu cực về mình. Hãy thử để một bên những gì làm cho tâm hồn chúng ta nặng nề, vì cuộc sống chúng ta tràn đầy ân huệ. Điều này mở rộng tâm hồn chúng ta đến một mối tương quan thực sự. Không còn phải là tôi đến để xưng thú một vài tội lỗi, nhưng là tôi đứng trước mặt Chúa, Cha của cuộc sống tôi, và thưa: “Con tạ ơn Cha vì, ví dụ như, tháng này con đã làm hoà với người bất bình với con. Con tạ ơn Cha vì cho con nhận biết con phải làm gì, tạ ơn Cha vì cho con sức khoẻ, tạ ơn Cha vì những ngày qua Cha cho con hiểu hơn việc cầu nguyện là rất quan trọng cho con, vv…”
Chúng ta phải bày tỏ một vài điều khiến chúng ta thực lòng cảm tạ Chúa. Vì thế, bước đầu tiên là xưng thú ca ngợi.
Xưng thú cuộc sống
Bước thứ hai được gọi là xưng thú cuộc sống (confessio vitae). Trong bước này, xưng thú không có nghĩa đơn thuần là liệt kê những tội đã phạm (dù có thể như thế), nhưng vấn nạn nền tảng phải là: “Từ lần xưng tội lần trước, điều gì xảy ra trong cuộc sống mà cách chung chúng ta không muốn nó xảy ra, chúng ta đã làm những gì chúng ta không muốn, điều gì làm chúng ta bực dọc, nặng nề?”
Hãy xem những gì thực sự ở trong chính chúng ta cách sâu xa, vì cuộc sống không chỉ toàn những tội lỗi hình thức (“Tôi đã làm điều này, tôi đã hành động xấu xa…”), nhưng còn cần đi vào tận gốc rễ của những gì chúng ta không muốn nó xảy ra. “Lạy Chúa, con cảm thấy trong con tính ghen ghét không sao thắng được… do đó con luôn nói hành, nói xấu, đồn đại ác ý và cứ thế gây ra biết bao điều…Con muốn được chữa lành tật xấu này. Lạy Chúa, con cảm thấy bị nhiều cơn cám dỗ lôi kéo, xin chữa con cho khỏi chước cám dỗ này. Lạy Chúa, con cảm thấy chán ghét những gì con đã làm, cảm thấy lười biếng, tâm trạng không tốt, không thích cầu nguyện, luôn cảm thấy nghi ngờ…”
Nếu chúng ta có thể xưng thú cuộc sống như thế và nói lên những cảm nghĩ hay cảm xúc sâu xa nặng nề, mà chúng ta không muốn, chúng ta có thể tìm thấy gốc rễ của những tội chúng ta phạm, chúng ta có thể nhận ra thực vì sao như thế: một cái xà của những ước muốn, một hoả diệm sơn của những cảm nghĩ hay cảm xúc, một ít là tốt, vô cùng tốt… những cái khác thì xấu xa, mà không thể nào không nghĩ tiêu cực về nó được. Những oán giận, cay đắng, căng thẳng, những nếm trải bệnh hoạn mà chúng ta không thích, chúng ta đặt trước mặt Chúa và thưa: “Xin chữa lành con, con là người tội lỗi, chỉ mình Chúa mới chữa được con. Chỉ mình Chúa mới xoá được tội con”.
Xưng thú đức tin
Khoảnh khắc thứ ba là xưng thú đức tin (confessio fidei).
Bước này không dựa nhiều vào chính sức mạnh của mình, nhưng cần kết hiệp với hành vi đức tin sâu xa vào sức mạnh chữa lành và thanh luyện của Chúa Thánh Thần. Vì thế, “xưng thú đức tin” là thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con mỏng giòn, con yếu đuối, con biết rằng con không thể tiếp tục sa ngã, nhưng Chúa, nhờ lòng thương xót của Chúa, chữa lành tính mỏng giòn, chăm sóc sự yếu đuối của con, xin cho con thấy con phải làm gì để những ước muốn tốt lành của con làm vui lòng Chúa”.
Từ việc xưng thú này phát sinh lời nguyện cầu ăn năn: “Lạy Chúa, con biết những gì con làm chẳng những làm hại con, làm hại anh em con, những người bị ghét bỏ, bị lợi dụng, nhưng còn là chống lại chính Chúa là Cha, Đấng thương yêu và kêu gọi con”. Là một hành vi cá nhân: “Lạy Cha, con nhận lỗi và không bao giờ muốn làm như vậy… Lạy Cha, con biết rằng…”
Việc xưng tội như thế không bao giờ làm chúng ta chán ngán, vì luôn khác biệt nhau; mỗi lần chúng ta để ý đều thấy phát khởi từ những gốc rễ tiêu cực khác nhau của cuộc sống chúng ta: những ước muốn mơ hồ, những ý hướng sai lầm, những cảm xúc giả hiệu.
Dưới ánh sáng của sức mạnh phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta nghe thấy: “Ta tha tội cho con… bình an ở cùng con… bình an cho nhà này… bình an cho thần trí con…”
Một cảm nghiệm phục sinh thực sự và đặc biệt xảy ra nơi bí tích hoà giải: khả năng mở mắt ra và nói: “Chúa đó”.
Sám hối
Bí tích hoà giải còn quy định việc “hối lỗi” hay “làm việc đền tội”, là những cử chỉ, kinh nguyện hay hành động linh mục yêu cầu hối nhân làm để nói lên dấu hiệu, kết quả, hay diễn tả lòng ăn năn hối cải.
Phải thừa nhận thực là khó cho linh mục khi phải chỉ việc đền tội, vì ngài luôn tự hỏi: việc đền tội nào mới thực sự tương xứng với hành trình hoán cải của hối nhân trước mặt mình? Làm thế nào, trong khoảnh khắc quá ngắn ngủi, có thể tìm ra việc sám hối cho hối nhân này là hoa trái của việc hoán cải cá biệt, là khoảnh khắc ân sủng của họ? Điều gì thực sự ích lợi cho họ để biểu lộ cách đặc trưng hành trình lịch sử của mình.
Bình thường cha giải tội tránh khó khăn này bằng việc đưa ra cách chung chung một kinh nguyện hay một hành vi thờ phượng nào đó: những việc làm rất tốt, quan trọng, nhưng dường như không phải lúc nào cũng đáp ứng tương xứng với hành trình mà hối nhân đang thành toàn.
Đây đúng là điều bất ổn cụ thể của khoảnh khắc sám hối đặc biệt trong bí tích hoà giải, khi muốn vượt ra khỏi lệ thường, khỏi thói quen, khỏi tính hình thức để thích ứng với cá nhân. Hơn nữa, đây là thời điểm mà Hội Thánh gần gũi nhất, cách cụ thể, với hối nhân trên hành trình sám hối. Đúng là hối nhân được gần gũi trong mọi bước của bí tích: trong khi xét mình được trợ giúp bằng những câu hỏi gợi ý; trong khi ăn năn thống hối được gợi ý bằng lời; mời gọi bằng những lời khuyên hay gương lành các thánh; nhưng trên hết tỏ cho thấy rõ ràng sự hiện diện của Chúa Kitô đầy lòng thương xót khi đón nhận và tha thứ nhân danh Chúa.
Trong khi đề nghị “việc đền tội” Hội thánh muốn thích ứng một cách đặc biệt, gần gũi với hành trình của mỗi hối nhân hoàn toàn cá nhân, riêng tư. Vì thế, phải làm chủ hành trình sám hối, bởi vì hối nhân biểu lộ, nói như thánh Gioan Tẩy Giả: “Hoa trái xứng đáng của lòng sám hối”, dấu chứng của một tâm hồn muốn đổi mới.
Với khó khăn về “việc đền tội” cho linh mục khi ban bí tích hoà giải, xin cùng nhau suy niệm đoạn Tin Mừng thuật lại chuyện ông Dakêu (Luca 19, 1-10).
Chúng ta có thể định nghĩa đây là trình thuật cuộc gặp gỡ sám hối giữa con người và Chúa Giêsu: trình thuật lịch sử làm nổi bật thực tại muôn thuở. Trong cuộc gặp gỡ này, ông Dakêu đã thực hiện những hành vi liên tiếp nhau, bên trong cũng như bên ngoài, một số là tiền đề một số khác là hệ quả của lời tha thứ của Chúa Giêsu.
– Hành vi bên trong của Dakêu là ước muốn được nhìn thấy Chúa Giêsu. Một ước muốn mạnh mẽ, mãnh liệt, đến độ chúng ta có thể gọi là “xuất thần”, làm cho Dakêu ra khỏi chính mình. Nếu vì tò mò thôi thì không đủ để giải thích việc Dakêu chạy đi nhìn Chúa, và khiến cho ông làm những gì ông đang làm! Một ước muốn sâu xa tác động từ bên trong và đã là tình yêu, một tình yêu khởi đầu, chớm nở cho Chúa Giêsu, đã thúc bách ông hành động ra bên ngoài
– Hành vi bên ngoài là chạy đi và trèo lên cây. Điều đáng ngạc nhiên là một con người như ông, “thủ lãnh những người thu thuế”, lại chạy ngoài đường và trèo lên cây, là một hành vi khác thường. Một con người đang sống trong giây phút nồng nhiệt của tình yêu đã quên đi lề thói, tính đứng đắn, tên tuổi, uy tín, cũng như sự cao ngạo của mình.
Trong tình yêu mãnh liệt đó của Dakêu, Chúa lại nói lên những lời đầy tình thân: “Hôm nay tôi ở lại nhà ông”. Một lời nói quá thân thương làm Dakêu ngạc nhiên và làm phát khởi trong ông những hành vi mới không còn là tiền đề nữa mà là hoán cải.
– Hành vi bên ngoài là Dakêu đón tiếp Chúa, tràn ngập niềm vui.
– Hành vi bên trong là Dakêu quyết định thông báo rằng ông muốn cho người nghèo một nửa những gì ông có và đền bù những gì ông đã làm sai trái theo một mức độ ngoại thường. “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” là thành quả hối cải, xã hội, dân sự, cộng đồng trong hành trình của Dakêu. Là hoa trái của “việc đền tội” do việc giao hoà của ông.
Nhưng điều đánh động mạnh nhất là niềm vui khi Dakêu hành động, niềm vui làm cho ông quảng đại ngoại thường, hầu như không quan tâm, vượt quá mọi tính toán. Chúng ta có thể thấy nếu đã cho đi một nửa gia sản cho người nghèo, nửa kia làm sao đủ để đền gấp bốn! Thực sự có thể nói Dakêu đã mất đi cảm xúc về tính toán, ông đã được biến đổi do tình thân hữu và sự giao hoà với Chúa Giêsu, vì thế điều quan trọng với ông là để vang dội quanh ông niềm vui tràn trề, dấu chứng của sự hoán cải của ông.
Hoa trái đầu tiên của cuộc hội ngộ sám hối là chính niềm vui, niềm vui tràn trề, vượt mọi giới hạn chung quanh ta và làm cho chúng ta có thể thực hiện dễ dàng cả những hành vi khó khăn mà chúng ta sẽ không bao giờ quyết định làm, trước khi nghe lời Chúa Giêsu.
Điều nhấn mạnh thứ hai trên hành trình của Dakêu là chính ông đưa ra những hành vi sám hối, “việc đền tội” mình muốn làm và Chúa Giêsu chấp thuận. Dakêu đưa ra điều tương xứng nhất cho một người tham lam, lừa dối, muốn chiếm đoạt như ông.
Ông đã biết chấp nhận điểm yếu của mình và dựa vào đó ông đổi mới. Đối với ông hoa trái của sám hối là sự quảng đại đối với người nghèo, là sẵn lòng đền bù những thiệt hại gây ra cho người khác (không phải những công thức dài dòng của kinh nguyện, không phải những cuộc hành hương, không phải những hành vi bên ngoài không gây hiệu quả). Chính việc sám hối, “việc đền tội” cá nhân, có liên quan đến quá khứ, và chính xác, được Chúa Giêsu chấp thuận và nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Trở lại với vấn nạn “việc đền tội’ mà các cha giải tội phải ra cho hối nhân, xem ra câu trả lời được đoạn Tin Mừng trên đưa ra rất đơn giản: các hối nhân có thể giúp cha giải tội chuyển đổi vị trí. Thay vì hỏi việc đền tội con phải làm gì, thì hỏi là việc thực thi công bằng và lòng thương xót nào tương xứng cho hành trình sám hối của mình. Thay vì tiếp tục than phiền là “việc đền tội” không tương xứng, hình thức bên ngoài, và lập đi lập lại mãi, chúng ta có thể đề nghị, qua đối thoại thẳng thắn và cởi mở, điều gì chúng ta cho là quan trọng như là dấu chứng của việc hoán cải mà chúng ta cầu xin Chúa, như là hoa trái thanh luyện của Chúa Thánh Thần, trong khi cầu khấn với lời Thánh Vịnh “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ… đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (Tv 51, 12.13.14).
Lm. Antôn Bùi Kim Phong
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Viết phỏng theo Carlo Maria Martini, Incontro al Signore risorto, Torino: San Paolo, 2009, tr. 115-119; Ibid., Ritrova se stessi, Alessandria: Piemme, 2005, tr. 116-124