LỄ HANUKKAH CỦA NGƯỜI DO THÁI NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA?
WHĐ (2.1.2021) – Năm 1938, trong những ngày đen tối của Holocaust – Nạn Diệt Chủng người Do Thái, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố với những người Công giáo — và tất cả các Kitô hữu rằng “Về mặt tâm linh, chúng ta là người Sêmít – Do Thái”. Kitô hữu và người Do Thái đều là Con cái của Ábraham và phải đoàn kết chống lại sự ác trên thế giới. Cũng đúng khi các nghiên cứu lịch sử và tôn giáo của người Do Thái cho thấy cội nguồn của Kitô giáo, và có thể hướng dẫn chúng ta đối phó với những thách thức mà những người có đức tin phải đối mặt trong thời hiện đại.
Lễ hội Hanukkah bắt đầu vào lúc hoàng hôn ngày thứ Năm, ngày 10 tháng 12. Lễ hội đó kỷ niệm các sự kiện được ghi trong sách Macabêô thứ nhất và thứ hai. Mặc dù Hanukkah là một trong những ngày lễ phổ biến của người Do Thái, nhưng các sách Macabêô không có phiên bản tiếng Do Thái trong Kinh thánh (hoặc trong hầu hết các kinh thánh Tin lành). Tuy nhiên, các sách này lại được tìm thấy trong kinh thánh Công giáo và Chính thống giáo cũng như trong bản Bảy Mươi, một phiên bản tiếng Hy Lạp ban đầu của Kinh thánh tiếng Do Thái. Có những lý do thú vị cho những điều kỳ lạ đó, nhưng đó là một câu chuyện khác.
Những người theo đạo Thiên chúa thường coi Hanukkah là “Lễ Giáng sinh của người Do Thái” – một lễ hội đáng yêu bao gồm thắp nến trên giá đèn “menorah”, hát các bài hát truyền thống và trao đổi quà tặng. Trên thực tế, Hanukkah tưởng nhớ một cuộc đấu tranh bi tráng giữa một bên là cuộc kháng chiến vượt trội của người Do Thái đối với các thế lực bên trong và bên ngoài quyết tâm tiêu diệt Do Thái giáo. Đó là một câu chuyện liên quan đến những người theo đạo Thiên Chúa và người Do Thái ngày nay, đặc biệt trong sự thù địch ngày càng tăng của thế giới đối với những người có đức tin và việc thực hành tôn giáo ngày càng giảm ở khắp nơi.
Vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, Ítraen phải chịu sự thống trị của Hy Lạp khi Alexander Đại đế đánh bại người Ba Tư. Hai thế kỷ sau, những người kế vị của Alexander đã tỏ ra khinh thường Do Thái giáo, và hành động tàn nhẫn để áp đặt nền văn hóa Hy Lạp “ưu việt” của họ lên Ítraen lạc hậu và lên những niềm tin và luật lệ còn giới hạn của Ítraen.
Antiochus IV, người tự gọi mình là “Epiphanes – thần hiển linh“, đã cấm thực hành đạo Do Thái bằng cách áp dụng hình phạt tử hình cho những ai vi phạm. Hắn đã sát hại thầy thượng tế đương nhiệm và 40.000 người Do Thái và bán 40.000 người khác làm nô lệ. Hắn đã triệt hạ Đền thờ bằng cách dâng nó cho thần Dớt, cướp bóc các đố thánh của Đền thờ và hiến tế lợn trên bàn thờ của Đền thờ. Những bà mẹ đã cắt bao quy đầu cho con trai của họ thì bị hạ nhục khi bị dẫn đi diễu hành quanh Giêrusalem cùng với những đứa con của họ và sau đó bị giết chết, cùng với những người còn lại trong gia đình và những người đã thực hiện phép cắt bì.
Do không chịu nổi ép buộc của hoàng đế ngoại giáo, hay cộng tác vì lợi ích cá nhân, hay đơn giản là bị hấp dẫn bởi viễn cảnh tiến bộ xã hội, nhiều người Do Thái đã từ bỏ tôn giáo của tổ tiên họ và đi theo chủ nghĩa Hy Lạp. Họ lấy tên Hy Lạp và một số người thậm chí chấp nhận phẫu thuật để thay đổi vết cắt bì của họ. Phần lớn hệ thống phân cấp tôn giáo cũng đứng về phía người Hy Lạp chống lại những người Do Thái đồng bào của họ. Tuy nhiên, một trưởng lão cao niên tên là Mattathias đã chống lại những điều ghê tởm đó. Ông chạy trốn đến xứ sở đồi núi Giuđa cùng với năm người con trai và những người đồng đạo khác. Từ đó, họ tiến hành một cuộc chiến tranh du kích đầy cảm hứng chống lại quân Hy Lạp. Những người nổi dậy đã phải chịu nhiều khó khăn gian khổ, nhưng họ vẫn kiên trì, và khi càng có nhiều chiến thắng, sức mạnh của họ ngày càng lớn.
Sau khi Mattathias chết, con trai của ông, Giuđa, trở thành thủ lĩnh của quân du kích. Vì có khả năng chỉ huy cuộc kháng chiến, nên ông được gọi là “Maccabee”, có nghĩa là “cái búa”. Tương tự như vậy, các chiến binh của ông được gọi là những người Macabê, những cái búa.
Antiochus quyết tâm loại bỏ những người Macabê một lần và mãi mãi, và gửi một đội quân gồm 65.000 binh sĩ chống lại lực lượng 10.000 người của Giuđa. Trước khi giao chiến, Giuđa và quân đội của ông đã hết lòng cầu nguyện cùng Thiên Chúa giải cứu Ítraen. Lời cầu nguyện của họ đã được đáp lại và những cái búa Macabê đã đánh bại các lực lượng Hy Lạp siêu đẳng. Mặc dù một số cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, nhưng trận chiến đó đã giải phóng Ítraen, quốc gia sẽ vẫn duy trì được nền độc lập của mình cho đến khi bị người La Mã chiếm đóng một thế kỷ sau đó.
Sau khi chiến thắng, những người Macabê chạy đến Giêrusalem để thanh tẩy Đền thờ sa đọa và dâng nó lại cho Thiên Chúa. (“Hanukkah” có nghĩa là “dâng hiến” trong tiếng Do Thái.) Theo truyền tụng, họ tìm thấy nguồn cung cấp dầu thánh hiến nhưng chỉ đủ dùng trong một ngày để thắp sáng cho giá đèn “menorah”, nhưng điều kỳ diệu là nó vẫn cháy trong tám ngày cho đến khi dầu mới được bổ sung. Do đó, lễ kỷ niệm Hanukkah kéo dài tám ngày và giá đèn menorah được sử dụng cho buổi lễ có tám ngọn nến chính, một ngọn cho mỗi ngày.
Những bài học mà những người có đức tin ngày nay có thể học được từ cuộc kháng chiến Macabê là gì? Vào năm 167 TCN, những người Do Thái giáo phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hoàng đế ngoại giáo của họ và từ nhiều đồng bào Ítraen của họ. Các thầy thượng tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự khác, bạn bè và hàng xóm đều liên minh với hoàng đế. Các cơ sở tôn giáo của Ítraen đã sụp đổ và những người Do Thái nào vẫn trung thành thì phải đối mặt với sự bách hại và chết chóc. Nhưng những người Macabê không bao giờ từ bỏ hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và kiên trì bảo vệ đức tin yêu quý của mình. Không sợ hãi và tuyệt vọng, họ đã đánh bại sự ác vốn có ý định phá hủy đức tin và di sản của họ bất kể mọi khó khăn.
Người dân Ba Lan phải đối mặt với một thách thức tương tự trong thế kỷ hai mươi. Giống như những người cai trị Israel ăn theo quyền lực Hy Lạp, những người độc tôn cai trị Ba Lan đã sử dụng khủng bố và sợ hãi để duy trì sự kiểm soát và phá hủy đức tin Công giáo sâu sắc của người dân. Tuy nhiên, vào năm 1979, trong lần đầu tiên trở về quê hương với tư cách là Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã truyền cảm hứng cho người dân Ba Lan khi Ngài nêu đích danh sự ác của chế độ độc tôn toàn trị lúc bấy giờ. Ngài thách thức mọi người bằng những lời sau:
Tôi xin các bạn — đừng bao giờ, đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, đừng bao giờ nghi ngờ, đừng bao giờ mệt mỏi và đừng bao giờ nản chí. Đừng sợ.
Tác giả: Michael Heekin
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: crisismagazine.com