HY VỌNG LÚC THUẬN LỢI CŨNG NHƯ KHI BẤT LỢI
taize.fr/vi (29.12.2020) – Trong Cuộc Gặp Mặt Châu Âu cuối năm 2020, Thầy Alois – Bề trên Cộng đoàn Taizé đã gửi đến những người trẻ tham dự và các bạn trẻ trên toàn thế giới thông điệp cho năm 2021: “Hy vọng lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi”
Nhân loại có thể tiến về phía trước là nhờ có rất nhiều người nam và nữ đã cống hiến bản thân mình mà không cần đáp đền, ngay cả trong những lúc biến động và bất ổn.
Trong vài tháng qua, nhiều người trẻ đã chia sẻ với chúng tôi những lo lắng của họ về tương lai: hy vọng nào có thể chỉ cho chúng ta hướng đi; chúng ta có thể tin tưởng và dựa vào những thứ gì khi mọi thứ quá bất ổn? Và sâu xa hơn nữa là: mục tiêu để ta sống tiếp là gì? Những tiếng nói khác cất lên và nói: chúng ta phải chống lại việc trở nên thất vọng và lưu tâm đến những dấu hiệu của hy vọng.[1]
Lưu tâm đến những dấu hiệu của hy vọng
Trong tình hình hiện tại được đánh dấu bởi đại dịch, chúng ta đang chứng kiến sự bấp bênh ngày càng tăng ở các khu vực rộng lớn trên thế giới. Những quyết định chính trị táo bạo là cần thiết, nhưng cũng không thể thiếu đi tình đoàn kết và tình thân hữu xã hội mà tất cả chúng ta có thể gửi gắm. Nhiều người sẵn sàng và sẵn lòng phục vụ người khác. Sự rộng lượng của họ nhắc nhở chúng ta rằng sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ mở ra một con đường cho tương lai.
Và còn rất nhiều người trẻ đang cống hiến sức mình để cứu lấy ngôi nhà chung của chúng ta, chính hành tinh này! Các sáng kiến đang mọc lên khắp nơi: dù không cần phải có câu trả lời cho tất cả những tình trạng khẩn cấp về khí hậu, nhưng chúng cho phép chúng ta ngay giờ đây đã hướng tới những cách sống tôn trọng môi trường hơn.[2] Đối với những ai có đức tin, thì trái đất là một món quà mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm sóc.
Con người đã nhận thức rõ hơn về những hình thái của sự bất công, đôi khi chúng có nguồn gốc từ xa xưa. Và không may là, quyền lực không phải lúc nào cũng dùng để phục vụ lợi ích của mọi người. Đối mặt với sự lạm dụng như vậy, thất vọng và tức giận là điều dễ hiểu. Ai sẽ đủ can đảm để trở thành người tạo ra công lý và hòa bình vượt qua những chia rẽ đang chia cắt xã hội của chúng ta?
Sống như là anh chị em
Đúng vậy, giữa những thực tế khó khăn của hiện tại, chúng ta có thể nhìn ra lý do để hy vọng, và thậm chí cả những lúc không còn gì để hy vọng. Để làm được điều này, chúng ta cần đến với nhau, là những người đã có những lựa chọn khác nhau — với những Kitô hữu từ các hệ phái khác nhau, với những tín đồ của các tôn giáo khác và với những người theo thuyết bất khả tri hoặc vô thần và những ai cũng cam kết đoàn kết và sẻ chia.
Niềm vui được đổi mới khi chúng ta sống như là anh chị em, khi chúng ta ở bên cạnh những người thiếu thốn nhất: người vô gia cư, ông bà cụ già cả, đau yếu, neo đơn, trẻ em khó khăn, người khuyết tật, người di cư… Hoàn cảnh cuộc sống có thể khiến tất cả chúng ta dễ bị tổn thương. Và đại dịch đang phơi bày những điểm yếu của nhân loại chúng ta.
Chúng ta cần nhau hơn bao giờ hết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ về điều này trong thông điệp Fratelli tutti – Tất cả là Anh Chị Em của ngài: “Không ai được cứu một mình.” Và ngài nói thêm rằng chúng ta không tìm thấy căn tính thực sự của mình “nếu không chân thành mở ra với phổ quát, nếu không cảm thấy bị thách đố bởi những gì đang xảy ra ở các nơi khác, nếu không mở ra với sự phong phú nơi các nền văn hóa khác, và nếu không liên đới và quan tâm tới những thảm kịch đang ảnh hưởng đến các dân tộc khác. (§32 và §146).
Trong những mối quan hệ giữa các cá nhân cũng như giữa các dân tộc, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác. Chúng ta hãy hỗ trợ các tổ chức hoặc hiệp hội thúc đẩy hợp tác và đoàn kết, cho dù đó là ở địa phương, ở quốc gia hay quốc tế.
Tin tưởng – tín thác vào sự hiện diện
Tại Taizé, chúng tôi nhận thấy rằng những người trẻ đang phản ánh đức tin vào Thiên Chúa theo một cách mới để họ luôn đi đúng hướng. Đức tin có nghĩa là gì? Và nếu Thiên Chúa tồn tại, thì vị Thiên Chúa này có hoạt động trong lịch sử, trong cuộc sống của chúng ta không?
Khi đối mặt với những câu hỏi này, điều quan trọng là tránh giản lược Thiên Chúa vào trong các khái niệm của chúng ta. Thiên Chúa vĩ đại hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Chúng ta là những kẻ tìm kiếm khao khát có được tình yêu và sự thật. Dù bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể đang bước đi trong cuộc hành hương nội tâm của chính mình, tất cả chúng ta thường chỉ cảm thấy con đường của chúng ta hướng về phía trước. Tuy nhiên, là những người hành hương với niềm tín thác, chúng ta có thể đi cùng nhau, chia sẻ những kiếm tìm của mình—những câu hỏi của chúng ta cũng giống như niềm tin của chúng ta.
Thầy Roger nói: “Đức tin là sự tín thác đơn sơ vào Thiên Chúa, sự tin tưởng dâng trào lặp đi lặp lại hàng nghìn lần trong suốt cuộc đời của chúng ta… ngay cả khi trong mỗi chúng ta đều có thể có những nghi ngờ”.
Chẳng phải niềm tin trước hết là tin vào một sự hiện diện ở trong sâu thẳm con người chúng ta và trong toàn thể vũ trụ, một sự hiện diện khó nắm bắt nhưng lại rất thực sao? Một sự hiện diện không tự áp đặt, mà là sự hiện diện chúng ta có thể đón nhận lại bất cứ lúc nào, trong thinh lặng, như một cách hô hấp vậy. Sự hiện diện quan tâm luôn ở đó, bất kể chúng ta nghi ngờ và ngay cả khi chúng ta có cảm tượng rằng chúng ta hiểu rất ít Thiên Chúa là ai.
Nhận ra một chân trời mới
Một sự hiện diện chăm sóc: Tin Mừng làm sáng tỏ điều gì về mầu nhiệm này?
Chúa Giêsu đã lôi kéo sự sống từ sự hiện diện chăm sóc này cho đến giây phút cuối cùng; Người thường xuyên lưu ý về việc này. Đối với Người, đó là ánh sáng từ bên trong, là hơi thở của Thiên Chúa, là nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần.
Từ đáy sâu của sự đau khổ và cô độc tuyệt đối, khi Người hấp hối trên thập giá, khi mọi thứ dường như vô nghĩa, Người đã để mặc cho cảm giác bị bỏ rơi của mình bùng lên trong một tiếng kêu, nhưng bằng lời vẫn nói với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, lạy Chúa, tại sao Ngài lại bỏ con?” Bị phản bội, bị hành hạ, bị kết án tử hình, Chúa Giêsu đã đưa tình yêu vào bóng tối sâu thẳm nhất. Và tình yêu đó đã được minh chứng là mạnh mẽ hơn cả sự dữ. Bà Maria Mađalêna và sau là các tông đồ đã thông báo tin bất ngờ, khó tin này: Người còn sống. Tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng hận thù và sự chết.
Nắm bắt được điều này, những Kitô hữu đầu tiên đã bị choáng ngợp và họ làm chứng cho điều đó: Đấng Kitô đang ở cùng Thiên Chúa. Chúa Kitô lấp đầy vũ trụ bởi Chúa Thánh Thần và cũng hiện diện trong mỗi con người. Chúa Kitô liên đới với người nghèo và sẽ mang lại công lý cho họ; Người là đấng kiện toàn lịch sử và công trình sáng tạo; Người sẽ chào đón chúng ta sau cái chết trong niềm vui trọn vẹn.
Vượt qua xung đột của con người, vượt qua thảm họa môi trường và bệnh tật, một chân trời mới đang mở ra. Liệu chúng ta sẽ nhận ra điều đó chăng?
Thay đổi cách nhìn của chúng ta
Từ chân trời này được biểu lộ bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, một ánh sáng đi vào cuộc sống của chúng ta. Một lần nữa nó xua tan bóng tối của sự sợ hãi và làm cho suối nguồn sự sống tuôn chảy; bởi vì nó mà niềm vui chúc tụng được vỡ òa.
Kết quả là chúng ta có thể cảm nhận được điều đó một cách bí mật, bởi một sức hút bí ẩn. Cho đến ngày tận cùng, Chúa Kitô vẫn tiếp tục quy tụ nhân loại và toàn thể hoàn vũ trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Và Người khiến chúng ta trở thành đồng sự trong sứ mệnh của Ngài.
Chúa Kitô làm cho chúng ta trở thành đồng sự cùng với nhau, với tư cách là Giáo hội. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng mở rộng tình bạn của mình để bao gồm tất cả mọi người. Chúa Kitô yêu cầu chúng ta yêu ngay cả kẻ thù của chúng ta; hòa bình của Người đã hòa giải ngay cả những quốc gia đối nghịch.[3]
Hãy để Đức Kitô thay đổi cách nhìn của chúng ta: qua Người, chúng ta nhận ra rõ ràng hơn phẩm giá của mỗi con người và vẻ đẹp của tạo vật. Khác xa với sự tin tưởng ngây thơ, niềm hy vọng sẽ nảy sinh nhiều lần, bởi vì nó bắt nguồn từ Chúa Kitô. Một niềm vui thanh thản tràn ngập trong chúng ta và cùng với đó là sự can đảm để đảm nhận những trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta trên trái đất này.
Với mỗi người trong các bạn muốn suy ngẫm về thông điệp này, tôi cùng hiệp thông với bạn qua lời cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con ca ngợi Chúa vì sự nhân lành và đơn sơ của Người. Nhờ sự khiêm nhường của Người, ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu sáng suốt cuộc đời Người. Hôm nay, ánh sáng này tỏa sáng trong tâm hồn chúng con. Nó có thể chữa lành vết thương của chúng con và thậm chí biến những yếu đuối và điều không chắc chắn của chúng con thành nguồn sống, thành năng lượng sáng tạo, thành món quà của sự tín thác. Bằng cách chiếu ánh sáng của Thiên Chúa trên chúng con, Người cho chúng con có thể hy vọng lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi.
Một số trích đoạn Kinh Thánh dùng để suy niệm thêm:
Bà Maria hát những lời này: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. […] người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (Đọc đoạn Lc 1, 46-56)
Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, đã có thể kết hợp tình yêu và sự dịu dàng với hy vọng nồng nhiệt về sự thay đổi triệt để.
Chúa Giêsu đáp: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Đọc đoạn Ga 14, 15-31)
Chúa Giêsu đã không để tất cả chúng ta một mình. Trước khi chết, Người đảm bảo với các môn đệ về sự hiện diện của Ngài mọi lúc, nhờ Chúa Thánh Thần. Thánh Thần sống trong chúng ta, an ủi chúng ta, nâng đỡ chúng ta và thôi thúc chúng ta sống như những người theo Chúa Giêsu Kitô, từ ngày này qua ngày nọ.
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người. (đọc Thánh vịnh 96)
Nhiều Thánh vịnh mời gọi chúng ta ngợi khen Thiên Chúa. Con người không phải là những người duy nhất hát ngợi khen Đức Chúa; tất cả các loài thụ tạo đều hát mừng. Chúng ta không chỉ muốn bảo vệ tạo vật vì chúng ta cần nó để chúng ta có thể tồn tại, mà còn vì chúng ta là một phần của nó và bởi vì những tạo tác tuyệt đẹp của Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi sinh vật.
Tác giả: Thầy Alois – Bề trên Cộng đoàn Taizé
Nguồn: taize.fr/vi
[1] Như một cách để hưởng ứng thông điệp cho năm 2021 này, chúng tôi mời những người trẻ từ 15 đến 35 tuổi minh họa điều đó bằng những ví dụ cụ thể. Những sáng kiến nào hoặc những ai là dấu chỉ của hy vọng đối với bạn? Trong vài tháng tới, những phản hồi này sẽ được xuất bản dưới nhiều định dạng: văn bản, video, podcast… Hãy viết thư cho chúng tôi theo địa chỉ solidarity@taize.fr.
[2] Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải carbon, liệu chúng ta có thể đặt vấn đề thực tiễn của mình để thay đổi những gì có thể thay đổi được không? Các cộng đồng Kitô hữu đang tham gia vào nỗ lực này: các sáng kiến đại kết, chẳng hạn như mạng lưới “Nhà thờ xanh” – “Green Churches”, tồn tại ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Ngay từ năm 1989, các Giáo hội Châu Âu nhóm họp tại Basel đã kêu gọi mọi người “áp dụng lối sống thân thiện với môi trường nhất có thể: có nghĩa là giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hạn chế chất thải, cùng với những điều khác nữa.”
Tại Taizé, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực hướng tới quá trình chuyển đổi sinh thái. Để hỗ trợ trong việc này, mọi đề xuất với chúng tôi đều được hoan nghênh. (www.taize.fr/eco).
[3] Trong những thời điểm khó khăn của đại dịch, Giáo hội có thể tiếp tục thúc đẩy tình huynh đệ trong gia đình nhân loại. Dưới đây là ba gợi ý trong số nhiều gợi ý khác:
Để làm cho xã hội của chúng ta trở nên nhân văn hơn, chúng ta cần lắng nghe nhau theo cách làm giảm bớt sự đối kháng và dạy chúng ta cùng bước đi trong sự khác biệt của nhau. Giáo hội được mời gọi để tìm kiếm đối thoại, ra ngoài để gặp gỡ mọi người. Liệu những người sống không thuộc cộng đồng Kitô hữu nào cũng có thể sẵn sàng đối thoại với điều đó?
Đối mặt với sự xuất hiện của rất nhiều người di cư và tị nạn, việc chào đón một người hoặc một gia đình bị lưu đày có thể tạo ra một động lực cho các giáo xứ hoặc cộng đồng của chúng ta. Những người không phải là người hay đi nhà thờ thường sẵn sàng tham gia vào việc chào đón như vậy. Đây là kinh nghiệm mà chúng tôi đã có ở Taizé trong những năm gần đây, vì chúng tôi đã chào đón những người di cư từ một số quốc gia cùng với những người từ khu vực gần chúng tôi.
Trở thành một cộng đồng chào đón có nghĩa là lắng nghe những người dễ bị tổn thương nhất. Ở nhiều nơi, các Giáo hội cần phải tiến bộ để bảo vệ sự toàn vẹn của tất cả mọi người. Đôi khi cấu trúc quyền lực đã phát triển bên trong Giáo hội dẫn đến đau khổ về thể chất, tâm lý và tinh thần. Ở Taizé cũng vậy, chúng tôi đang tiếp tục công việc xác thực về vấn đề này (www.taize.fr/protection).