MỘT NHÂN ĐỨC BỊ LÃNG QUÊN: EUTRAPELIA
Tác giả: Linh mục Jean-François Thomas
Chuyển ngữ: Anthony Lai
Từ: aleteia.org
WHĐ (2.12.2020) – Có lẽ bạn chưa bao giờ nghe nói về nó, nhưng nó chuẩn bị trở thành một nhân đức yêu thích mới của bạn đấy !
Eutrapelia không phải là tên một vị tử đạo của Kitô giáo thời sơ khai hay tên một quý tộc La Mã, mặc dù nó nghe có vẻ giống! Nó có lẽ không được chú ý trong danh sách dài và hoành tráng về các nhân đức. Thế nhưng sự cao quý của nhân đức này thì đã có từ lâu đời và rất lẫy lừng.
Eutrapelia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, và Aristotle diễn tả nó như là “sự dí dỏm” hay là “phong cách nói phù hợp” hoặc là “những hành vi nhằm đạt được điều tốt lành.” Nó là một niềm vui giản dị, liên quan đến những trò giải trí và vui đùa lành mạnh, truyền cảm hứng cho đồng đội và sưởi ấm trái tim. Nó cũng đề cập đến sự thư giãn xứng đáng sau những nỗ lực liên lỉ và hoàn thành một trọng trách. Nhân đức cao quý và sáng ngời này sẽ dẫn chúng ta vào vũ điệu của nó.
Niềm vui của sự giải trí
Không một ai có thể buộc tội thánh Tôma Aquinô rằng ngài truyền bá một hình thức giải trí xa lìa Thiên Chúa. Vị thánh tiến sĩ này đã trình bày một cách sâu sắc về Eutrapelia trong Tổng luận Thần học quyển II-phần II, câu hỏi số 168:
Như con người cần đến sự nghỉ ngơi thể lý để bồi dưỡng sức lực trong thân thể mình, vì thân thể không thể làm việc cách liên tục, bởi vì thân thể có sức mạnh giới hạn và tương xứng với lượng công việc làm nhất định, linh hồn cũng vậy, nó cũng có sức mạnh giới hạn và tương xứng với lượng công việc nhất định… Sự nghỉ ngơi của linh hồn, đó là niềm vui, như ta đã thấy ở trước khi thảo luận về các đam mê (I-II, Q.25,a.2;Q.31,a.1,sol.2). Do đó, cần phải cứu vãn sự mệt nhọc của linh hồn bằng cách hòa hợp với sự vui thú nào đó… tinh thần con người hẳn sẽ bị gãy nếu tình trạng căng thẳng của nó không được làm dịu đi. Các lời nói và các hành động mà người ta chỉ tìm kiếm ở đó sự vui thích của linh hồn được gọi là thú giải trí hay trò tiêu khiển. Vậy điều cần thiết là phải sử dụng trò chơi như phương tiện đem lại cho linh hồn sự nghỉ ngơi.
Giống như bất kì nhân đức nào, ngay cả khi không được chú ý nhiều, nhân đức này cũng nên được rèn luyện bằng phương thế thích hợp bởi vì nó giúp ta tránh được những cạm bẫy phổ biến của sự lười biếng hay quá tham việc. Điều đó cũng tương tự đối với tính giản dị, ngạc nhiên, hài hước, đúng giờ, biết ơn: những nhân đức nhỏ hỗ trợ những nhân đức lớn hơn và sinh hoa trái thiêng liêng. Eutrapelia được đặc biệt hoan nghênh và được nuôi dưỡng trong đời sống tu viện, bởi vì nhân đức này phải đóng vai trò hướng dẫn cho việc giải trí của cộng đoàn. Trong đó, luôn phải đặt sự hài hước, những trò đùa hồn nhiên, và những tiếng cười dưới cái nhìn của Thiên Chúa và góp phần làm vinh danh Ngài.
Thánh Louis Gonzaga, một tập sinh dòng Tên ở Napoli, qua đời đương lúc tuổi xuân xanh khi chăm sóc cho các bệnh nhân dịch hạch, đã tu dưỡng mọi nhân đức ngay từ thời thơ ấu của ngài. Ngài đã không xao nhãng nhân đức Eutrapelia nhỏ bé. Một trong những chuyện kể nổi tiếng nhất về ngài là chuyện xảy ra lúc ngài còn là một nam sinh. Louis đang chơi đá bóng trong sân với các bạn và không ngần ngại vui chơi hết mình. Cha tuyên úy phụ trách đào tạo tu đức cho cậu – một cậu bé người Tây Ban Nha và cũng là Bá tước tương lai của Mantua – đã đột ngột hỏi cậu: “Nghe này Louis! Giả sử ngay chính lúc này, một ai đó đến nói với con rằng ngày tận thế sẽ xảy ra trong chốc lát nữa, con sẽ trình diện trước mặt Chúa, con sẽ bị phán xét bởi vị Thẩm Phán Tối Cao, và sự sống đời đời của con sẽ tùy thuộc vào quyết định của Ngài. Con sẽ làm gì?”
Cậu trả lời rằng: “Con sẽ tiếp tục chơi đá bóng!” Vị thánh trẻ tuổi này đã hiểu được rằng trong giờ sau hết, ngài được Chúa tìm thấy khi đang sống nhân đức Eutrapelia thì đó sẽ là một sự giới thiệu đủ cho ngài được vào thiên đàng, bởi vì trò chơi ngài đang chơi là sự thư giãn chính đáng trong cuộc đời công chính của ngài.
Ngày của Eutrapelia
Thi hào Alphonse Allais, một bộ óc xuất chúng, châm biếm và thuộc thuyết bất khả tri, đã ghi nhận chính xác trong Nhật ký của ông rằng: “Điều kinh khủng thường thấy trong tôn giáo là sự ảm đạm ảnh hưởng trên tất cả những người giảng dạy hay thực hành nó.” Eutrapelia không phải là một tên đầy tớ xấu xa muốn dẫn chúng ta sa vào ăn chơi trác táng hay phóng đãng. Thay vào đó, nhân đức này là một “sự trung dung cao quý” giữa thô lỗ cộc cằn và hài hước xàm xí.
Theo một cách nào đó, nhân đức này là yếu tố cấu thành nên bản tính của chúng ta là được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và noi gương Ngài. Quả thật, Chúa Kitô đã làm gương cho chúng ta, qua Kinh Thánh cho chúng ta biết về cuộc đời trần thế của Ngài, về cách mà Ngài đón nhận Eutrapelia trong công việc rao giảng của Ngài khi Ngài tham dự tiệc cưới và khi Ngài nghỉ ngơi tại nhà Phêrô ở Caphácnaum hay tại nhà Lazarô ở Bêtania. Đó là sự giải trí chính đáng của Chúa, Đấng đã nghỉ ngơi sau công việc Tạo dựng và Người đã lệnh cho con người nghỉ ngơi vào đầu mỗi tuần.
Chúa nhật là ngày của Eutrapelia. Nhân đức này không biến một ngày thành thời gian để chỉ đơn giản “vui chơi” hay “ăn mừng” nhưng hơn thế, nó thổi vào tất cả những khoảnh khắc khác trong một tuần sự bình an để chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đều đến từ Thiên Chúa và trở về cùng Người. Không có gì phóng đãng trong sự nghỉ ngơi này, không có những hoạt động phiền phức hay tốn kém, nhưng đơn giản chỉ là niềm vui của việc thư giãn cơ thể và tâm trí.
Nguồn khích lệ hiệu quả nhất
Eutrapelia có thể là một điều giúp vực dậy tâm trạng cách thần kỳ. Mọi người đều đã trải qua những khoảnh khắc quý giá, đó là khi chúng ta chia sẻ với nhau một vài tiếng đồng hồ mà không cần vội vã, để chia sẻ những kỷ niệm của một vài người có mặt, những lời tốt đẹp về những người khác, cũng như chia sẻ sự tuyệt vời của các món ăn. Paul Claudel (một nhà thơ, nhà soạn kịch và nhà ngoại giao người Pháp, và còn là một người Công Giáo đạo đức), là một người sành ăn, đã để lại cho chúng ta một vài công thức hấp dẫn trong Tạp chí của ông: “Với một cây xúc xích tỏi, bạn không cảm thấy cô đơn”, hay, “Bạn yêu nó giống như bạn đã yêu bánh.”
Tất nhiên, Eutrapelia không chỉ chủ trì cho một bữa tối ngon miệng với bạn bè. Nó còn lẻn vào bên chúng ta và nắm lấy tay chúng ta ngay khi chúng ta chao đảo, suy sụp vì mệt mỏi hay lo lắng. Nó mời gọi chúng ta sửa đổi tâm trí của chúng ta về những gì yên bình, đẹp đẽ và trong sáng, rời xa khoảng thời gian kịch tính và ồn ào của thế giới.
Quả thật, trước nguy cơ trở nên đơn giản thái quá, chúng ta có thể liều lĩnh nói rằng Giáo Hội Công Giáo là ngôi nhà được chọn của Eutrapelia. Tất nhiên, Giáo Hội Công Giáo không vui cười cách đơn giản; Giáo hội phục hồi thế giới về lại hình ảnh thật của nó, và thế giới khi khám phá ra chính mình trong gương thì không thể không tự cười chính nó, nếu không nó sẽ đắm chìm trong sự kiêu ngạo.
Có rất nhiều điều nghiêm trọng, nham hiểm và độc ác trong thời Cổ đại: những đám rước và đền thờ của các vị thần cùng tượng thần chỉ hứa hẹn sự tàn phá thông qua sự ghen tị của con người. Chúa Kitô đã thay đổi sứ điệp này, và Giáo hội đã cho thấy rằng những vị thần này trông buồn cười như thế nào khi họ háo hức bắt chước loài người với những thói hư tật xấu, ham muốn và ghen tị của họ. Thiên Chúa chân thực thấy được trong Đức Kitô là Đấng ban sự nghỉ ngơi và mời gọi các tạo vật đón nhận Ngài, mỗi loại tùy theo bản chất của mình.
Mang màu sắc đến cho cuộc sống
Thư giãn, hài hước, và giải trí (những thuộc tính của Eutrapelia) là những món quà đến từ Thiên Chúa, và chúng không nên bị lãng quên và khinh thường, cũng như không nên đặt chúng ở trọng tâm của sự sống. Eutrapelia không thích trở thành trung tâm của sự chú ý. Nó chỉ mong muốn hoàn thành tốt vai trò của mình, dù cho nó là thứ yếu, bởi vì nó mang tất cả màu sắc và gia vị đến cho cuộc sống. Abbot Berto đã viết về chủ đề này trên Itinéraires vào năm 1981 rằng: “Không có thể nào làm việc mà không có Eutrapelia. Không phải Eutrapelia muốn làm công việc quan trọng của nó, nhưng nó buộc phải thi hành vai trò của mình, bởi vì chúng ta không thể thiếu Thiên Chúa lúc nghỉ ngơi hơn thiếu Ngài lúc làm việc.”
Trong thời kỳ mà Thiên Chúa đang bị loại bỏ khỏi cuộc sống hàng ngày, không có gì ngạc nhiên khi sự giải trí đã trở thành một hình thức giải trí trống rỗng, vô ích hay tệ hại ngay từ đầu. Đặt mọi thứ trở lại dưới cái nhìn của Thiên Chúa sẽ làm cho cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn, bởi vì một đời sống đạo đức trong mọi lĩnh vực đều mang lại một sự cảm nếm trước nước thiên đàng.
Nguồn: WHĐ
#Eutrapelia #nhânđứcbịlãngquên