SỨ VỤ ĐẾN VỚI MUÔN DÂN – AD GENTES: MỘT LƯỢNG GIÁ
WHĐ (2.12.2020) – Như chúng ta đã biết là Sứ vụ Hội thánh đã đạt tầm vóc toàn cầu. Tuy nhiên tính Công giáo và tiêu điểm ngôn sứ trong khi công bố Sứ điệp của Thiên Chúa cho các dân tộc đã vấp phải nhiều thách đố. Suy tư Công đồng và hậu Công đồng về Sứ vụ đã đề xướng những quan điểm mới liên quan tới cách thế Hội Thánh thực thi sứ vụ. Hơn thế nữa, điều hiển nhiên là trong buổi mình minh của ngàn năm mới, đang nổi lên những hình ảnh mới về sứ vụ của Hội thánh. Chính đây là lúc đọc lại các dấu chỉ thời cuộc hiện nay vốn dĩ rất khác so với các thế kỷ đầu, đặc biệt là, thế kỷ mười chín và thế kỷ hai mươi. Do bởi chỉ dẫn của Hội thánh liên quan đến sứ vụ lại lệ thuộc vào cách thế Hội thánh đọc và nhìn vào các dấu chỉ này, rồi lường trước các thách đố phát sinh nhằm trình bày Sứ điệp của Thiên Chúa giữa các dân tộc. Chính với tiêu điểm này mà một lượng giá sơ lược về sứ vụ đến với muôn dân của Hội thánh được suy tư cách tuần tự sau đây.
Một vấn nạn đeo đẳng tâm trí con người là lời Công đồng Vatican II kêu gọi toàn thể các thành viên Hội thánh trở nên những nhà truyền giáo, với những quan điểm mới, phải chăng cách nào đó đã làm nhạt nhòa tầm nhìn về sứ vụ đến với muôn dân -ad gentes của Hội thánh[1].
Sứ vụ đến với muôn dân – ad gentes trong Hội thánh làm chúng ta nghĩ ngay đến sự ủy nhiệm của Chúa Giêsu cho các đồ đệ đầu tiên của Người như ta đọc thấy ở cuối Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 28:19-20). Tuy nhiên ngày nay, các nhà truyền giáo học đã chỉ ra rằng về Kinh Thánh, động lực đó đã không cắm rễ trong đoạn Tin mừng Mt 28:19-20 mà là trong Lc 14:23. Đoạn Tin mừng này theo thánh Luca nói về tiệc cưới rình rang, mà chủ ông sai đầy tớ đi thông báo cho khách mời đến dự tiệc. Theo ý nghĩa đó, sứ vụ không phải là việc đi đến với các dân nước xa xôi nhưng là đưa người ta vào trong Hội thánh[2]. Chỉ đến cuối thế kỷ mười sáu thì điểm nhấn mới đặt vào đoạn Tin mừng Mt 28: 19-20.
Đang khi những động cơ Thánh kinh được đặt thành cội rễ sứ vụ đến với muôn dân – ad gentes, thì các sử gia về sứ vụ quan sát thấy rằng chính trong thời hậu cải cách mà Hội thánh Công giáo mới bắt đầu tiến hành những nỗ lực điều hợp và phối kết trong sứ vụ truyền giáo ad gentes, tức là, đi ra để đến với các quốc gia. Trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh, ngay từ khi mới khai mạc, tuy vậy, đã có những cá nhân được ghi nhận về lòng hăng say truyền giáo, trong khi những người khác được ủy thác sứ vụ chuyên biệt do thẩm quyền Hội thánh để đảm nhận các hoạt động truyền giáo[3].
Các nhân tố thúc đẩy Sứ vụ đến với muôn dân Ad Gentes
Sứ vụ đến với muôn dân – ad gentes của Hội thánh Công giáo với động lực từ Thánh kinh đã được thuận tiện hơn nhờ hạ tầng vật chất chắc chắn được dựng xây qua các biến cố lịch sử kinh qua trong từng thời điểm khác nhau, cách đặc biệt là, trong các thế kỷ mười sáu và mười bảy nhờ các quốc gia hàng hải của Âu châu, do ảnh hưởng của thế chiến và cuộc Cách mạng Pháp trong thế kỷ mười chín, sự sụp đổ các đế chế trong thế kỷ hai mươi và ảnh hưởng của các tiến bộ kỹ nghệ,..vv. Những biến cố lịch sử ấy được các sử gia về truyền giáo đọc thấy như làn sóng ‘toàn cầu hóa’ đã khởi động sứ vụ đến với muôn dân – ad gentes.
Sứ vụ Đến với muôn dân – Ad Gentes từ thế kỷ mười sáu
Cuộc phát kiến những vùng đất mới trên thế giới của Bồ đào nha và Tây ban nha đánh dấu làn sóng đầu tiên. Sau đó Anh quốc, Hà lan, Pháp và các nước Châu Âu khác cũng tiếp nối. Kỷ nguyên này lệ thuộc vào tiến bộ kỹ nghệ hàng hải. Cơ sở hạ tầng vật chất rõ rệt như vậy đã trang bị cho sứ vụ ad gentes mở con đường truyền giáo đến các dân tộc xa xôi. Chính trong thời kỳ này mà sứ vụ hùng vĩ đem Tin mừng cho các dân tộc – ad gentes đã diễn ra, cùng với sự tháp tùng của các thương nhân Âu châu. Nói một cách khác, làn sóng toàn cầu hóa này đã tạo nên hải trình thông thương từ Âu châu đến những vùng đất xa xôi và làm cho sứ vụ truyền giáo mang tầm vóc thế giới trở nên khả thi. Nhưng nó cũng đặt ra những hạn chế tiềm tàng trong sứ vụ truyền giáo khi những con đường vận chuyển này trở nên suy yếu. Trong khi đó, các nhà cải cách ở thời kỳ này đặt ra thách thức cho những căn tính giáo đoàn của Hội thánh. Dòng Hành khất và các dòng tu mới như Dòng Tên trở thành tác nhân truyền giáo của Hội thánh Công giáo. Vào năm 1662, Đức giáo hoàng Urbanô VIII đã thành lập Bộ truyền giảng Đức tin tại Rôma để điều phối các hoạt động truyền giáo thế giới của Hội thánh Công giáo. Năm 1663, một nhóm các linh mục giáo phận lấy tên gọi là Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris đã trở thành Hiệp hội truyền giáo đầu tiên tại Pháp tận hiến chuyên nhất cho công việc tông đồ thừa sai hải ngoại.
Sứ vụ đến với muôn dân – Ad Gentes trong thế kỷ mười chín
Trong thế kỷ thứ mười chín, có một vài biến cố ở tầm vóc thời đại, chẳng hạn sự bùng nổ Thế chiến Thứ nhất, Cách mạng Pháp, sự sụp đổ của các quyền lực đế chế hùng mạnh ở Đức, Áo, Nga, đã tạo nên những tác động rất lớn cho xã hội nhân loại. Nhìn chung, đó là một xã hội bị gãy đổ và cần phải hiệp nhất lại. Bên cạnh đó, thế giới cũng trải qua một sự chuyển đổi từ hệ thống phong kiến độc đoán sang một xã hội khoa học kỹ nghệ. Các chính thể dân chủ tự do nổi lên với nhiệt huyết bừng bừng của chủ nghĩa dân tộc, sự xuất hiện của các phong trào dân tộc và việc hình thành các đảng phái chính trị và các nghiệp đoàn thương mại.
Cùng với những biến động chính trị xã hội, những tiến bộ kỹ nghệ giao thương và truyền thông đạt tầm mức quan trọng. Khi đối diện với những thay đổi như thế , trong Hội thánh cũng xuất hiện các dòng tu nam nữ mới để hướng tới các vấn đề xã hội cả ở cấp độ địa phương lẫn quốc tế và phát triển các hiệp hội qui tụ các thành phần lao động. Vì vậy, Hội thánh tự nhận thấy cần phải đáp ứng lại trước những thay đổi chính trị xã hội vốn dĩ đã đặt ra một thách đố cho Hội thánh về lập trường chính trị xã hội của mình. Vào năm 1822, Hội truyền bá Đức tin được thành lập tại Pháp để vận động giáo dân hỗ trợ các công việc truyền giáo của Hội thánh. Vào thời điểm này, ý niệm về ‘sứ vụ’ không chỉ đề cập đến sứ vụ truyền giáo tại hải ngoại, mà còn là công cuộc hồi sinh các Hội thánh địa phương trong các vùng miền riêng biệt[4].
Cần phải lưu ý là các Hiệp hội truyền giáo này, vốn tận hiến hoàn toàn cho sứ vụ truyền giáo hải ngoại, đã tạo điều kiện cho các nhà truyền giáo trẻ xông pha nơi hải ngoại vì mục tiêu mở rộng loan báo Tin mừng. Các Hiệp hội Truyền giáo này khởi phát từ Âu châu Lục địa với những đặc điểm từng vùng đã khởi động sứ vụ ad gentes của Hội Thánh. Sự nhận thức rộng rãi và dấn thân cho sứ vụ truyền giáo của Hội thánh bắt đầu tăng trưởng lên tầm mức lớn mạnh hơn. Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Hội thánh Ad Gentes của Công đồng Vatican II là chứng tá cho những điều này. Bên cạnh đó, suy tư thần học của Công đồng về công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi là đỉnh cao nhận thức về bản chất truyền giáo của toàn thể Hội thánh. Hơn nữa, suy tư của Công đồng về giáo dân như những cộng sự viên và tác nhân của sứ vụ Hội thánh đã thúc đẩy nhận thức này ngày càng lớn mạnh. Do kết quả của đôi nhân tố này: một là sự nhấn mạnh về đặc tính truyền giáo tự bản chất của Hội thánh, xét như là dân Thiên Chúa, hai là việc nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Hội thánh, hai điều đó đã làm cho tính phổ rộng của các phong trào giáo dân Truyền giáo cùng được khả thi hơn.
Do việc nâng cao nhận thức truyền giáo tới một tầm mức như thế, người ta bắt đầu tự hỏi về bản chất Sứ vụ đến với muôn dân trong mối liên đới với các quốc gia được xem là vùng truyền giáo như Á châu và Phi châu. Nhờ sự thành công của hoạt động truyền giáo đến với muôn dân ad gentes mà chính các vùng truyền giáo này lại trở thành những nhà truyền giáo trong thực tế. Họ bắt đầu gửi các nhà thừa sai đi và như vậy, đặc tính ‘đến với muôn dân’ của các thế kỷ mười chín và hai mươi trong các Hiệp hội Truyền giáo đã trở nên không rõ rệt. Hậu duệ của những tín hữu đã gia nhập Đạo nhờ sứ vụ ad gentes trong những vùng đất được gọi là miền đất truyền giáo, nay họ gia nhập các Hiệp hội Truyền giáo và đã trưởng thành dần để đảm trách các Hiệp hội như thế, làm gia tăng nhiệt huyết tươi trẻ bên trong những hiệp hội này. Vậy, ai là ‘muôn dân’ để họ được gửi tới ngay lúc này mới là vấn nạn đang nảy sinh. Các Hiệp hội Truyền giáo, được thành lập cách đặc biệt cho sứ vụ truyền giáo hải ngoại đã hoàn thành mục tiêu và duy trì được tính hữu hiệu của mình, giờ đang phải đối mặt với nhu cầu phân định và lựa chọn những mẫu thức mới cho sứ vụ, bỏ đi ý niệm ban đầu về sứ vụ ad gentes. Điều này cũng làm nảy sinh một cuộc chiến đấu trong lòng các hiệp hội ấy. Những kinh nghiệm hiện sinh này mang lại ánh sáng cho sự lưỡng lự mập mờ đang lớn dần trong vai trò truyền giáo ad gentes, và hướng đến nhu cầu thiết định các thể thức mới cho Sứ vụ Hội thánh[5].
Sứ vụ truyền giáo Ad Gentes từ Thế kỷ thứ hai mươi
Thế kỷ hai mươi được đánh dấu bởi sự dồn nén về không gian và thời gian do những tiến bộ trong thông hành và công nghệ truyền thông. Sự phát triển của giao thương đã khiến đại đa số nhân loại toàn cầu có thể đi lại những vùng xa xôi dễ dàng hơn. Tiến bộ của các nền công nghiệp truyền thông đã làm thay đổi năng lực thông tin liên lạc. Các thay đổi gần đây đã mang lại một số hệ quả trong nhận thức sứ vụ truyền giáo ad gentes. Thứ nhất, áp lực thời gian đặt ra câu hỏi về ngày nay, ‘miền đất xa xôi’ có ý nghĩa gì. Bởi lẽ sự hiểu biết của chúng ta về khoảng cách vật lý và xã hội từ các trung tâm thừa sai đến vùng truyền giáo ngoại biên đã thay đổi. Các lương dân – gentes nơi xa xôi đã thành ra lân cận và theo đó, sẽ xuất hiện sự giải trừ địa lý và sự pha trộn giữa các nền văn hóa. Nói cách khác, nền văn hóa dân tộc và vùng lãnh thổ vì vậy sẽ dần dần xóa mờ biên giới cho sứ vụ Hội thánh. Những căn tính xã hội và tính dân tộc đang ít dần vai trò hơn. Hiện tượng này đã ảnh hưởng và được phản ánh trong đời sống của nhà truyền giáo cách tổng thể[6].
Sự dồn nén về không gian và thời gian cũng đã làm thay đổi cách tiếp cận về mặt thời lượng đối với việc dấn thân sứ vụ là bởi sự dấn thân cho một điều gì đó suốt đời trong sứ vụ truyền giáo ad gentes đã càng lúc càng ngoài sức tưởng tượng. Sự ngần ngại đối với một dấn thân như vậy hay thậm chí không thể nghĩ đến một sự dấn thân như vậy đơn giản chỉ thể hiện một tình huống xã hội mới do hoàn cảnh vật chất tạo nên. Vì thế, cùng với sự dồn nén hoặc co rút của không gian ‘cảnh giới xa>, cũng có sự dồn nén hoặc co rút đối với những cam kết trọn đời. Đâu là tác động của hiện tượng này đối với suy tư sứ vụ truyền giáo ad gentes trước đây trong Hội thánh?
Hệ quả khác của sự dồn nén không gian và thời gian là việc người dân ra khỏi những miền đất quen thuộc, tạo nên những hoàn cảnh mà ở đó họ cảm nghiệm sự pha trộn trong một thực thể đa văn hóa và cảm thức về sự phai nhòa căn tính rõ rệt. Trong những hoàn cảnh đó, về tổng thể, sẽ làm suy yếu và tẩy xóa căn tính nguyên thủy của họ. Mọi người sẽ vay mượn, tiếp nhận, bước qua các ranh giới và cũng sẽ không còn là ‘người khác’ với nhau nữa. Ranh giới biệt tính sẽ phai tàn và xóa mờ. Trong những tình huống như vậy, câu hỏi đặt ra là: ai là ‘tha nhân’, mà nhà truyền giáo được sai đến và người ta phải đi đâu trong sứ vụ truyền giáo ad gentes của Hội thánh.
Đúc kết
Những suy tư vừa rồi về sứ vụ truyền giáo ad gentes của Hội thánh đã cho chúng ta thấy cần phải suy gẫm luận biện về mô thức truyền giáo của Hội thánh, đang dấn thân vào dòng lịch sử hiện tại. Một nhân tố căn cơ của Sứ vụ Truyền giáo ad gentes là sứ vụ ad extra – ra khỏi chính mình. Đây là sứ vụ “đi ra” khỏi những bến bờ thân thương với nền văn hoá quen thuộc để đi tới môi trường mới để mang đến Tin Mừng của Chúa. Việc “đi ra” là điều nền tảng cho kinh nghiệm truyền giáo. Bởi lẽ chính kinh nghiệm đức tin này của nhà truyền giáo sẽ tạo điều kiện cho những người đón nhận Tin Mừng cũng làm cho cảm thức đức tin của mình mang dấu ấn đức tin Công giáo hơn.
Thực vậy, trong lịch sử của các nhà thừa sai, một số đông trong họ đã thuật lại những vất vả để học các ngôn ngữ mới, thích nghi với những nền văn hoá mới và rồi cuối cùng trải nghiệm từng ngày di sản tâm linh của chính mình. Tỷ dụ, các nhà truyền giáo như Matthew Richie tại Trung Hoa, và Beschi tại Ấn Độ, và trong thời đại hôm nay của chúng ta, Bede Griffith, Sara Grant, Mẹ Teresa và những người khác là vài mẫu gương đảm nhận vai trò sứ vụ truyền giáo ad gentes. Các mẫu thức truyền giáo ad gentes như thế là hệ quả của một quá trình vun trồng nhận thức mầu nhiệm tự hủy để ra đi cho sứ vụ hơn là cách nhìn của một kẻ thực dân. Trong một bối cảnh thế giới theo chủ nghĩa đa nguyên tăng cao thì việc “xuất hành hướng tha” để thực thi sứ mệnh truyền giáo của Hội thánh không phải là một việc tùy chọn mà là một mệnh lệnh.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh toàn cầu đương đại của chúng ta, những ai được coi là “tha nhân” là những người được tìm gặp trong sứ vụ truyền giáo ad gentes. Những tha nhân ấy ở giữa chúng ta, cụ thể là, những người nhập cư, kẻ vô gia cư, nạn nhân thiên tai, bạo lực hoặc chiến sự, vì họ là những nhóm tiêu điểm của một công cuộc truyền giáo hướng tha – ad altera trong sứ vụ truyền giáo ad gentes[7]. Với mẫu thức hay dạng thể này của sứ vụ, cách hiểu về truyền giáo nặng tính lãnh thổ, địa lý sẽ biến mất để chỉ còn khái niệm sứ vụ truyền giáo ad gentes. Sứ vụ truyền giáo ad gentes trong dạng thể của sứ vụ hướng tới tha nhân ad altera, “tha nhân” trong những bối cảnh của chúng ta cũng có động cơ Thánh kinh trong trình thuật về ngày chung thẩm trong đoạn Tin Mừng Mt 25: 31-46 và đoạn Lc 16: 19-31[8]. Sứ vụ đến với những người được gọi là “tha nhân” là sứ vụ nguyên thuỷ. Nhiều Hội dòng trong lịch sử Hội thánh đã được lập nên để chăm sóc cho người đau khổ nhất, hay cho những ai chịu sự khước từ triệt để. Chính vì các nhà truyền giáo người đã đến những nơi “xứ truyền giáo” về sau, dù thế nào, sứ vụ như vậy hôm nay giữa bối cảnh thời đại này là một lệnh truyền[9].
Khi kết thúc Năm Thánh 2000, trong Tự sắc Tertio Millennio Adveniente (Ngàn năm thứ ba), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị “ra khơi”. Trong tầm nhìn của ngài, xem ra ngài mong muốn Hội Thánh dấn thân trong cam kết truyền giáo để tìm ra những khả thể mới, nơi sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi đang diễn ra, missio Dei. Sứ vụ đó kêu gọi chúng ta phân định và chọn lựa những nẻo đường nơi đó Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động giữa chúng ta (Dt 1,1).
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều rạn nứt và thương tích. Trong bối cảnh đó, sứ vụ bắc những nhịp cầu vươn cao như một mệnh lệnh. Ai có thể hình dung ra một loại thế giới khác khi Thiên Chúa sẽ giao hòa mọi sự trong Đức Kitô và làm cho mọi sự thuộc về Đức Kitô (2 Co 5,19)? Khi mà những hoàn cảnh mới đang tác động lên “công việc truyền giáo” của chúng ta thì điều cần thiết là sự sẵn sàng rà soát lại cách chân thành và trung thực, xem ta đang ở đâu và Chúa gọi ta ở đâu, cùng với lời đáp trung thành và mang tính tiên tri trước tiếng gọi đang vang lên trong lòng ta. Đó là hành động của đức tin Kitô giáo.
Tác giả: Gerard de Rosario
Dịch giả: Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 103 (Tháng 11 & 12 năm 2017)
[1] Lucian Richard O.M.I “Vatican II and the Mission of the Church: A Contemporary Agenda, “Vatican II, the Unfinished Agenda: A Look to the Future””, 1987, New York/ Mahwah, Paulist Press, pp. 57-70, Aloysius Pieris, S.J., Give Vatican II a Chance, 2010, Sri Lanka, Tulana Research center, pp.69-94
[2] David Bosh, Transforming Mission, 1991, Maryknoll, Orbis Books; Paul Kollman, “At the Origin of Mission and Missiology: A Study of Religious Language,” Journal of the American Academy of Religion, 79 (2011), pp. 425-458
[3] Robert Schreiter C. PP.S., “The Future of Mission ad gentes in a Global Context,“a Paper presented at the Maryknoll Centennial Theological Symposium,Catholic Theological Union, Chicago, (October 6-8, 2011), pp. 1-22
[4] Bishop Teodoro C. Bacani, Jr., Creating a Future Evangelization Towards the Third Millennium, 1993, Manila, Gift of God Publication, pp. 36-53
[5] Anthony Bellagamba Mission &Ministry in the Global Church, 1994, New York, Orbis Books, pp. 17-25
[6] M. Amaladoss, S.J., “Mission in a Post- Modern World,” Vidyajyoti, Journal ofTheological Reflection, Vol. LX, (Sept. 1996), pp. 569-581
[7] Anthony Bellagamba, Mission & Ministry in the Global Church, 1994,Maryknoll, New York, Orbis Books, pp. 1-16.
[8] Josef Neuner, “Mission Animation today,” Ishavani Documentation and Mission Digest, Vol. XIX, No. 2, May- Aug.2001), pp. 260-273.
[9] John Patrick Brennan, Christian Mission in a Pluralistic World, 1990, England.