Thần học bối cảnh của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Chung 1980
CG&DT (9.7.2020) – Soren Kierkegaard từng có một nhận định nổi tiếng rằng chúng ta sống cuộc đời mình bằng cách hướng tới phía trước, nhưng hiểu cuộc đời mình bằng cách nhìn lại phía sau. Nhớ lại nhận định nổi tiếng này, chúng ta khó có thể tìm thấy cách nào tốt hơn để đánh giá về thần học của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HÐGMVN) cho bằng đọc lại Thư Chung 1980 của HÐGMVN.
Ngày 24 tháng 4 năm 1980, lần đầu tiên các giám mục của cả miền Bắc và miền Nam đã tổ chức hội nghị toàn thể tại Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Ðối với người Công giáo Việt Nam, ngày này đánh dấu sự kết thúc tình trạng Giáo hội Việt Nam bị chia cắt thành hai cộng đồng Hội Thánh sau khi đất nước bị phân chia thành hai miền. Nó cũng là sự khởi đầu của một thời kỳ suy tư và dấn thân mới, cố gắng cắt nghĩa các dấu chỉ mới của thời đại trong ánh sáng Tin Mừng.
Vào lúc kết thúc hội nghị lịch sử này, ngày 1 tháng 5 năm 1980, các giám mục đã ban hành bản Quy chế của HÐGMVN,[1] và công bố bức Thư Chung (hay Thư Mục Vụ) đầu tiên gởi Dân Chúa trong cả nước.[2] Bức thư diễn tả tinh thần mà Hội Thánh chia sẻ cùng với cả dân tộc. Bức thư kêu gọi những cách thức suy nghĩ và hành động mới, và là một bước ngoặt trong lịch sử của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, ít là về hai phương diện : Thứ nhất, từ 1954 đến 1979, các giám mục Miền Nam Việt Nam chỉ gởi thư mục vụ cho các tín hữu sống ở miền Nam, trong khi các tài liệu Giáo hội thuộc loại này không có cho các đồng đạo của họ ở miền Bắc. Thứ hai, bức thư này đề nghị một tầm nhìn mục vụ của HÐGMVN cho một Hội Thánh thống nhất (từ Bắc chí Nam) đang sống và hoạt động dưới một chế độ mới.[3] Tầm nhìn này đã được HÐGM trình bày một cách cẩn thận, vì ý thức sâu sắc rằng thông điệp của Thư Chung này có những ảnh hưởng to lớn cho Hội Thánh tại Việt Nam.Nét nổi bật của Thư Chung 1980 chính là câu định nghĩa của các giám mục về sứ mạng Phúc Âm hóa của Hội Thánh tại Việt Nam là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”[4] Chúng ta có thể lý luận rằng câu định nghĩa súc tích này, thường được nhắc đi nhắc lại trong các thư tiếp theo, có ý tóm tắt ơn gọi và sứ mạng của toàn thể Hội Thánh, đặc biệt của các tín hữu giáo dân Việt Nam. Do đó, đây là cách diễn tả chủ đạo về thần học bối cảnh của các giám mục Công giáo Việt Nam, đánh dấu một sự thay đổi trong suy tư của họ về vai trò của Hội Thánh, đặc biệt của các giáo dân, trong xã hội mới, và là bằng chứng cho cuộc tìm kiếm một cách diễn tả sứ mạng của Hội Thánh trong bối cảnh mới.
Mặc dù đây là tầm nhìn được chấp nhận tại hội nghị lịch sử năm 1980, nhưng trước đó cũng từng có những công cuộc tìm kiếm tương tự. Trên thực tế, ngay từ năm 1954 đã có những suy tư của các giáo phận miền Bắc để tìm kiếm một modus vivendi, một cách sống thích hợp cho Hội Thánh tại miền Bắc, nơi mà các hoạt động của Hội Thánh ít nhiều có những hạn chế. Nỗ lực tìm kiếm này đã được tăng cường sau tháng 4.1975 cùng với Hội Thánh tại miền Nam.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào thần học bối cảnh của HÐGMVN trong Thư Chung 1980, cơ bản mang nội dung là Kitô học và đối thoại. Thư Chung dựa trên các giáo huấn của Công đồng Vatican II, của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, inter alia (ngoài những điều khác), đã nhấn mạnh địa vị tối thượng của con người; đề cao ý tưởng phục vụ và tình liên đới; sứ mạng kép của Hội Thánh đối với thế giới là rao giảng Tin Mừng và đóng góp cho hạnh phúc của toàn dân; cuối cùng là bổn phận làm chứng và đời sống thánh thiện. Chúng tôi cũng chứng minh rằng Thư Chung 1980 của các giám mục Việt Nam là một phát biểu truyền giáo sâu xa và hết sức can đảm, vì nó đặt trách nhiệm to lớn trên vai của Hội Thánh, đặc biệt là các tín hữu giáo dân. Như đã nói trên kia, ý tưởng thần học chủ đạo của Thư Chung này là “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Nội hàm phong phú của phát biểu này phản ánh một sự ý thức về vai trò của Hội Thánh trong một khúc ngoặt chưa từng có trong lịch sử đất nước. Nó được chắt lọc từ một thời kỳ suy tư thần học lâu dài từ 1975 đến 1980, và dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của cộng đồng Giáo hội tại miền Bắc, làm chúng ta nhận ra mong ước của các giám mục Việt Nam lúc bấy giờ là vừa muốn trung thành với sứ mạng của Hội Thánh, vừa đồng thời cố gắng thích nghi với các mục tiêu của chế độ mới trong việc tái thiết một xã hội mới.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho chủ biên của tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc, cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt cho biết ông hiểu cốt lõi của đường hướng Thư Chung 1980 là tôn giáo phải chăm lo cho đời sống.[5] Theo quan điểm của ông, sống Phúc Âm là phục vụ hạnh phúc của toàn thể đồng bào chứ không chỉ riêng của những người có đạo. Có nghĩa là chấp nhận một cam kết suốt đời, đi theo cùng nhịp bước với người dân, tôn trọng các quyền lợi của mọi người, đề cao sự độc lập dân tộc, tuân giữ luật pháp nhà nước, và quan tâm tới các vấn đề của quốc gia, bao gồm các vấn đề liên quan đến mối quan hệ Nhà nước – Giáo hội. Về phía Ðức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thì, trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 được đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng, đã tuyên bố rằng đường hướng của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam được cô đọng trong lời phát biểu tóm tắt “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” là hướng đi mục vụ đúng đắn, và ngài cầu nguyện để Hội Thánh tranh thủ mọi cơ hội mới để trình bày rõ nét hơn khuôn mặt của một Hội Thánh phục vụ.[6] Theo ngài, một Hội Thánh đắc thắng hay quyền lực chỉ tạo ra ghen ghét và sợ hãi. Trái lại, một Hội Thánh phục vụ sẽ được mọi người đón nhận, đặc biệt trên một đất nước như Việt Nam đang rất cần và rất đề cao sự phục vụ này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh và Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình tại một buổi diễn văn nghệ của giới Công giáo
Khái lược về Nội dung và Cấu trúc của Thư Chung 1980
Về nội dung và cấu trúc, Thư Chung 1980 của HÐGMVN gồm bốn phần và mười lăm đoạn.
Phần Một (các số 1-4) chủ yếu đề cập đến công việc của Hội Thánh nói chung, các giám mục Việt Nam xin mọi tín hữu cùng với các ngài tạ ơn Thiên Chúa vì Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên này mà các ngài từng mong ước kể từ khi Hàng Giáo phẩm Việt Nam được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập năm 1960,[7] và nhất là từ khi đất nước chính thức được thống nhất năm 1976. Các giám mục cũng tri ân chính quyền đã nâng đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị này. Theo lời các giám mục, mục đích cuộc gặp gỡ trong một tuần này là cầu nguyện và suy tư về sứ mạng của Hội Thánh ở bước ngoặt lịch sử này của đất nước. Sau khi vắn tắt nhắc lại ý nghĩa cuộc viếng thăm ad limina sắp tới tại Rôma và tham dự Hội nghị về Gia đình Kitô hữu của Thượng Hội đồng Giám mục, các giám mục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập HÐGMVN như là một cơ chế Giáo hội để giúp họ chu toàn bổn phận một cách hiệu quả hơn.
Phần Hai gồm bảy đoạn, trình bày đường hướng mục vụ của HÐGMVN dưới hai tiêu đề chính : “Một Hội Thánh vì loài người” (số 5-7), và “Hội Thánh trong lòng dân tộc” (số 8-11). Trong đoạn thứ nhất (số 5), các giám mục thảo luận về hướng đi mục vụ của Hội Thánh tại Việt Nam. Ở đây, các giám mục nhắc lại ba mối quan tâm lớn mà Ðức Phaolô VI đã nêu lên trong Thông Ðiệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam suam, đó là: nhận thức của Hội Thánh về chính mình, sự canh tân của Hội Thánh, và Hội Thánh trong đối thoại với thế giới. Các giám mục xin mọi tín hữu hằng ngày suy ngẫm về các ý tưởng này. Ðoạn kế tiếp (số 6) trình bày vắn tắt định nghĩa của Công đồng Vatican II về Hội Thánh như là Dân Thiên Chúa. Tiếp theo là một cắt nghĩa về sứ mạng của Hội Thánh tại Việt Nam, đó là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (số 7).
Ði theo giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptor Hominis, trong đó Ðức Giáo Hoàng cống hiến một cái nhìn sáng tỏ về một khoa nhân học lấy Ðức Kitô làm trung tâm, các giám mục nhấn mạnh rằng, đối với Hội Thánh, tất cả đều dẫn đến con người. Trong đoạn 8, các giám mục mở đầu suy tư bằng một khẳng định rằng, để chu toàn sứ mạng này, Hội Thánh Việt Nam phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam. Rồi các ngài suy tư về ý nghĩa của đường hướng mục vụ này cho Hội Thánh ad intra và ad extra. Nhận định về tình liên đới của Hội Thánh với dân tộc, các giám mục tuyên bố rằng chính đất nước này là nơi mà mọi tín hữu được kêu gọi sống ơn gọi của mình với tư cách là con cái Thiên Chúa, và phục vụ với tư cách vừa là công dân vừa là thành viên của Hội Thánh (số 9). Tình liên đới này được diễn tả bằng hai nhiệm vụ cụ thể : Thứ nhất, các thành viên Hội Thánh phải tích cực làm việc với mọi người để bảo vệ và phát triển đất nước (số 10). Thứ hai, họ phải tạo dựng trong Hội Thánh một phong cách sống và biểu hiện đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc (số 11).
Trong Phần Ba, các giám mục Việt Nam gởi các sứ điệp riêng cho các thành phần giáo dân (số 12), tu sĩ (số 13), và linh mục (số 14), đồng thời cắt nghĩa các ơn gọi và sứ mạng riêng của mỗi thành phần.
Sau cùng, Thư Chung kết thúc bằng một suy tư vắn về quá khứ, hiện tại và tương lai, và khích lệ các thành viên của Hội Thánh cậy dựa vào tình yêu của Thiên Chúa, Lời ban sự sống của Chúa Giêsu, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, từ đó họ có can đảm đối diện với thực tại và tin tưởng vào tương lai (Phần Bốn, số 15).
Văn kiện này chất chứa rất nhiều nhận thức thần học sâu sắc, sẽ được phân tích chi tiết trong đoạn sau đây.
Phân tích phê bình về thần học của Thư Chung 1980
Giống như tất cả các văn kiện mục vụ khác đã được HÐGMVN ban hành cho tới nay, Thư Chung 1980 mang những dấu ấn của thời kỳ được viết ra. Do đó, phải được đánh giá trong bối cảnh được biên soạn và các vấn đề cụ thể nhắm giải quyết, cùng với các văn kiện của Công Ðồng và của các giáo hoàng mà thư lấy làm cơ sở, đặc biệt văn kiện Gaudium et Spes và Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II. Mọi cố gắng phân tích về thần học của HÐGMVN trong Thư Chung này trước hết phải lưu ý tới sự kiện là không có mục đích cung cấp một trình bày hệ thống, nhưng chỉ khai triển một số đề tài nhất định có liên quan vào lúc ấy. Thư nhắm mục đích hợp nhất Hội Thánh, làm sáng tỏ sứ mạng Phúc Âm hóa của Hội Thánh, và khích lệ mọi thành viên của Hội Thánh, đặc biệt các giáo dân, hăng say thực hành đời sống Kitô hữu trong thể chế mới. Thứ hai, với những mối quan tâm mục vụ và thực tiễn này, một phân tích cẩn thận về thần học được đề nghị bởi Thư Chung này phải chú ý tới những giả định, những chủ đề và những điểm nhấn. Thứ ba, hướng đi này gợi ý đến nhu cầu chấp nhận một phương pháp diễn giải biết lưu ý tới thành phần độc giả đa dạng mà lá thư nhắm tới.
Thực ra, bên cạnh thành phần độc giả chính là mọi tín hữu Công giáo Việt Nam, lá thư lịch sử này cũng có ý chuyển đạt tới chính quyền một thông điệp tích cực về đối thoại và hợp tác. Tính chất hỗn hợp của thành phần độc giả này giải thích nét đặc thù của một số phát biểu của lá thư : pha trộn các yếu tố thần học truyền giáo và Giáo Hội học của các giám mục với các vấn đề liên quan đến các chính sách và đường hướng của chính quyền. Vì vậy, để khám phá ra ý nghĩa vừa minh nhiên vừa hàm ngụ của các giám mục, chúng ta sẽ phải để ý đến các cách diễn tả tinh tế và ý tứ của các giám mục dựa vào các truyền thống lịch sử và ngôn ngữ của Việt Nam, trong những thuật ngữ chính yếu.
Ngỏ lời với toàn thể dân Thiên Chúa, các giám mục Việt Nam tóm tắt Thư Chung đầu tiên của HÐGMVN và sứ mạng của Hội Thánh bằng một phát biểu duy nhất : “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Ý tưởng chủ đạo này bao gồm ba khái niệm “phục vụ”, “liên đới”, và “chứng tá đời sống”, một chủ đề ba điểm diễn tả việc dấn thân và đối thoại với xã hội. Vai trò của người tín hữu giáo dân, sống tốt đạo đẹp đời, cũng còn được nổi bật nhờ ơn gọi của họ tới đời sống thánh thiện qua việc chu toàn các bổn phận trần thế. Các yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh xuất phát từ tư tưởng chủ đạo này, với “chứng tá đời sống” tương ứng với “sống Phúc Âm”, “tình liên đới” đi đôi với “trong lòng dân tộc”, và “phục vụ” là cách nói tắt của câu “để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Mặc dù đây không phải là những khái niệm mới, thực ra tất cả đều được rút ra từ các văn kiện của Công Ðồng và của các giáo hoàng, nhưng các giám mục Việt Nam đã kết hợp chúng lại để tạo ra một cách diễn tả thuyết phục cho sứ mạng của Hội Thánh ở bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của đất nước mình.
Một buổi hội thảo tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn với chủ đề “Người Công giáo trước vận hội mới của dân tộc”, tháng 5-1975
Sứ mạng là phục vụ
Ðối với HÐGMVN, nhiệm vụ của Hội Thánh là tiếp nối sứ mạng của Ðức Kitô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người.[8] Ði theo lời tuyên bố của Ðức Gioan Phaolô II trong Thông Ðiệp đầu tiên của ngài – con người là đường đi cho Hội Thánh[9] – các giám mục Việt Nam nhấn mạnh địa vị trung tâm của con người như là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và thế giới. Nhắc lại đoạn 21 của Gaudium et Spes, các giám mục nhấn mạnh rằng mọi người, “những người tin cũng như những người không tin, tất cả đều phải giúp thiết lập trật tự đúng trong thế giới nơi mọi người chung sống với nhau”.[10] Theo họ, dân tộc Việt Nam là cộng đồng đã được Thiên Chúa ủy thác cho tín hữu Kitô giáo phục vụ với tư cách vừa là công dân vừa là thành viên của Hội Thánh. Do đó, đối tượng việc phục vụ của Hội Thánh không chỉ là Thiên Chúa và Hội Thánh, mà cũng là những đồng bào và đất nước. Việc phục vụ này được soi dẫn bởi đức tin và sinh động nhờ đức ái, nó nhắm mục tiêu là hạnh phúc của con người. Nhưng bên cạnh cách hiểu chung về hạnh phúc theo nghĩa vật chất, HÐGMVN còn mở rộng khái niệm này bao gồm một nghĩa tôn giáo, và đặt nó vào bối cảnh cánh chung của trời mới và đất mới (Kh 21:1), qua đó mặc nhiên chỉ về các Mối Phúc Thật.
Bằng việc chọn khái niệm phục vụ làm ý tưởng chủ đạo của Thư Chung, thần học mà HÐGMVN đề nghị trong Thư này cho thấy sự nhất quán với giáo huấn của Công đồng Vatican II và khoa nhân học lấy Ðức Kitô làm trung tâm của Gaudium et Spes. Trên thực tế, trong bài diễn văn bế mạc khóa họp 4 của Vatican II, Ðức Phaolô VI đã tuyên bố rằng tất cả nguồn học thuyết phong phú của Công Ðồng đều chỉ nhắm vào một điều duy nhất : phục vụ con người, nghĩa là mọi người, bất kể họ túng thiếu khốn cùng đến đâu.[11] Ðức Giáo Hoàng còn tiếp tục khẳng định rằng ý tưởng phục vụ đã chiếm một vị trí trung tâm trong Công Ðồng, và đạo Công giáo là cho loài người và theo một nghĩa nào đó, là sự sống của loài người. Bằng việc nhấn mạnh rằng những người thừa hưởng cơ bản việc phục vụ của Hội Thánh là toàn thể dân tộc Việt Nam, nghĩa là cộng đồng con người trong các hoàn cảnh cụ thể, hiện sinh và lịch sử, HÐGMVN đã thực sự áp dụng các học thuyết xã hội của văn kiện Gaudium et Spes, và đi theo phương thức đối thoại và tham gia của văn kiện này. Hiến chế mục vụ này khẳng định tính duy nhất của các trật tự tạo dựng và cứu chuộc trong lịch sử cứu độ. Hiến chế này lấy khởi điểm là một khoa nhân học đặt nền trên cơ sở chính yếu là Kitô học, được tóm tắt một cách súc tích bằng những lời của đoạn 22 : “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”.[12] Khoa nhân học lấy Ðức Kitô làm trung tâm này đã trở thành cơ sở để các giám mục Việt Nam tham gia hợp tác và đối thoại với xã hội.
Sử dụng khái niệm phục vụ dân chúng như là cách diễn tả cụ thể sự tham gia của mình với xã hội Việt Nam, Hội Thánh Công giáo đã thành công trong việc đề nghị cho Hội Thánh tại Việt Nam một hình thái mới cho đời sống Giáo hội và cộng đồng, diễn tả một cơ cấu đối thoại chính thức. Sự cởi mở đối thoại với chính quyền được gợi hứng từ tầm nhìn của Vatican II và bắt nguồn từ các nhận thức sâu sắc của Ðức Phaolô VI trong Thông điệp Ecclesiam Suam, và của Ðức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptor Hominis.[13] Bước ngoặt ấn tượng của Hội Thánh tại Việt Nam với quá khứ cũng dựa vào giáo huấn của Ðức Phaolô VI trong Thông điệp Ecclesiam Suam, được trích dẫn một cách nổi bật ở đầu bản văn của Thư Chung 1980, và vì thế thực sự thiết lập ngôn ngữ cho toàn bản văn. Trong Thông Ðiệp đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài, Ðức Phaolô VI suy tư về sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới, ngài nhấn mạnh rằng các đại diện của cả hai phía “phải gặp gỡ nhau, hiểu biết và yêu mến nhau”.[14] Thư Chung 1980 nắm bắt được ba ý tưởng cơ bản của Thông Ðiệp, đó là, nhận thức của Hội Thánh về chính mình, canh tân và đối thoại. Ðối với Ðức Phaolô, Hội Thánh trước hết phải “nhìn sâu vào chính mình, suy ngẫm mầu nhiệm về sự hiện hữu của mình, và đón nhận ánh sáng và cảm hứng từ việc tra xét sâu xa hơn giáo lý về nguồn gốc của mình, bản chất, sứ mạng và định mệnh của mình”.[15] Tiếp đến, Hội Thánh phải “đem bộ mặt thực của Giáo hội ngày nay đối chiếu với hình ảnh lý tưởng của Giáo hội như Ðức Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu như hiền thê thánh thiện và tinh tuyền của Người”, để sự nhận thức ấy tất yếu dẫn đến “nỗ lực canh tân anh hùng và không thể chần chừ.”[16] Hai thái độ này làm phát sinh thái độ thứ ba, các mối quan hệ giữa Hội Thánh và “thế giới xung quanh mà Hội Thánh đang sống và hoạt động”.[17] Ði theo Ðức Phaolô VI về phương diện này, các giám mục Việt Nam đề nghị mọi tín hữu hằng ngày suy ngẫm về những thái độ ấy. Giống như Ðức Thánh Cha Phaolô VI từng khẳng định nhiệm vụ của Hội Thánh là phục vụ xã hội, các giám mục cũng nhấn mạnh khái niệm phục vụ như là cách thức tham gia vào xã hội. Hòa hợp với Gaudium et Spes, các giám mục liên kết bổn phận phục vụ với khái niệm về tình liên đới của Hội Thánh với toàn thể loài người, là chủ đề lớn thứ hai của Thư Chung 1980 mà chúng ta sẽ xem xét ở đoạn tiếp theo.
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc khởi công xây dựng trường khuyết tật Nhân Ái
Sứ mạng là sống liên đới
Theo lời Gaudium et Spes dạy rằng Hội Thánh “đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới”,[18] các giám mục Việt Nam tuyên bố rằng, sống giữa dân chúng và dựa vào truyền thống của dân tộc, Hội Thánh tại Việt Nam quyết tâm ôm ấp số phận của đất nước và hòa mình vào đời sống của quê hương. Vì vậy, mọi tín hữu phải đồng hành với dân tộc bởi vì đất nước này là nơi ở và là lòng mẹ đã cưu mang họ, ở đó họ được kêu gọi sống và hành động với tư cách là những con cái của Thiên Chúa. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam là cộng đồng những con người mà Chúa đã giao phó cho các tín hữu phục vụ trong tư cách vừa là công dân của đất nước vừa là thành viên của Dân Thiên Chúa. Việc đồng hành với dân tộc và hòa mình vào đời sống hằng ngày của họ được diễn tả bởi hai sứ mạng cụ thể. Sứ mạng thứ nhất là sự tham gia tích cực của Hội Thánh cùng với toàn dân của đất nước, để bảo vệ và phát triển đất nước. Sứ mạng thứ hai là tạo lập trong Hội Thánh một phong cách sống và một cách biểu lộ đức tin phù hợp với các truyền thống của mọi dân tộc trong cả nước. Cả hai sứ mạng này đều liên quan đến chủ đề “giữa lòng dân tộc”, sứ mạng thứ nhất liên quan đến khía cạnh đối ngoại [ad extra], và sứ mạng thứ hai liên quan đến yếu tố đối nội [ad intra]. Một cách có ý nghĩa, chúng làm sáng tỏ sứ mạng của Hội Thánh Việt Nam trong các hoàn cảnh cụ thể, hiện sinh và lịch sử của đất nước Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý là khi cung cấp một cơ sở thần học cho việc đồng hành và tham gia của Hội Thánh với dân tộc, HÐGMVN đã đi sâu vào các truyền thống văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc để rút ra được bốn thuật ngữ khác nhau. Mỗi thuật ngữ nêu bật một khía cạnh này hay khía cạnh khác của đời sống Việt Nam, đó là dân tộc, quê hương, đất nước, và tổ quốc. Trong trường hợp đầu tiên, sự liên đới này “trong lòng dân tộc” được diễn tả bởi lòng yêu nước của mọi tín hữu Việt Nam. Ði theo Sắc lệnh Ad Gentes của Vatican II về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, các giám mục Việt Nam nhấn mạnh rằng, đối với Hội Thánh, yêu nước và yêu người khác không chỉ là một tình cảm tự nhiên cần thiết mà cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng. Theo quan điểm của các ngài, yêu nước phải là yêu thực sự, bao hàm sự ý thức về các vấn đề hiện hành của đất nước, biết các mục tiêu, các chính sách, luật pháp của nhà nước, và sẵn lòng hợp tác với mọi người để bảo vệ và biến Việt Nam thành một đất nước giàu mạnh và hạnh phúc. Về phần mình, Phúc Âm sẽ cung cấp nguồn cảm hứng và sức mạnh cần thiết để khắc phục những khó khăn và những khuynh hướng ích kỷ, cổ vũ một tinh thần phục vụ và tình bác ái phổ quát, trong khi trông đợi trời mới đất mới, mục tiêu cuối cùng của đức cậy Kitô giáo.
Nữ tu đồng hành cùng người nghèo
Sứ mạng hội nhập văn hóa
Vấn đề này đã từng làm bận tâm các giám mục từ ngày 20 tháng 10, 1964 khi Tòa Thánh chính thức cho phép hàng giáo phẩm Việt Nam áp dụng Huấn thị Plane compertum est (8-12-1939),[19] cho phép giữ lại việc tôn kính Khổng Tử và tổ tiên cũng như các anh hùng. Vì Hội Thánh tại Việt Nam đang từ từ rời bỏ các hình ảnh, kiến trúc và thực hành của phương Tây để chọn những gì phù hợp hơn với văn hóa và phong tục Việt Nam, các giám mục đứng trước thách thức phải cổ vũ một cách diễn tả chung về đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc, một nhiệm vụ đã từng là mối quan tâm sống còn đối với các nhà truyền giáo từ những năm Hội Thánh bắt đầu có mặt ở Việt Nam.
Dù từ thời các thừa sai cho đến mãi sau này, đã có nhiều thành quả trong việc hội nhập văn hóa của đức tin Công giáo vào văn hóa Việt Nam, thực sự trở thành một yếu tố thần học mới và một thông điệp nòng cốt mà các nhà truyền giáo để lại. Tuy nhiên, vì vẫn còn không ít người Việt Nam nhận thức rằng đạo Công giáo là một sản phẩm của văn hóa ngoại lai, nên các giám mục Việt Nam vào năm 1980 cho rằng việc hội nhập đức tin vào văn hóa Việt Nam vẫn còn là một thách thức lớn đối với Hội Thánh, chỉ sau thách thức của sứ mạng đối ngoại đòi hỏi người Công giáo tham gia vào cuộc đấu tranh của toàn dân Việt nhằm bảo vệ và phát triển đất nước.
Nói đến sứ mạng đối ngoại [đi ra thế giới] của Hội Thánh, cũng là một điểm nhấn của Thư Chung 1980, là chủ đề thần học gắn liền với các chủ đề phục vụ và liên đới đã nói ở trên. Ðây là một ý tưởng nền tảng mà các giám mục Việt Nam rút ra từ các văn kiện của Công đồng Vatican II, ở đó Công Ðồng dạy rằng Hội Thánh thi hành một sứ mạng kép cho thế giới, ngôn sứ và mục vụ. Bằng việc áp dụng ý tưởng về sứ mạng đối với thế giới trong bối cảnh Việt Nam năm 1980, HÐGMVN khẳng định rằng sứ mạng của các tín hữu Việt Nam là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào : phải được thực thi một cách cụ thể trước tiên trong việc bảo vệ và phát triển đất nước. Như thế, các giám mục Việt Nam đã nối kết hai chiều kích của sứ mạng ad extra mà Vatican II đã cắt nghĩa. Thứ nhất, các giám mục giữ lại địa vị hàng đầu của việc Phúc Âm hóa nhưng các ngài hiểu nó không phải như là việc rao giảng bằng lời, nhưng là rao giảng bằng đời sống, “sống Phúc Âm” hay “làm chứng cho Phúc Âm” bằng đời sống. Thứ hai, các ngài làm nổi bật khía cạnh thứ hai của sứ mạng Hội Thánh đối với thế giới, đó là tìm kiếm hạnh phúc của con người và giúp thế giới thành công trong các hoạt động của nó. Bằng cách này, các ngài mặc nhiên kết nối hai chiều kích ngôn sứ và mục vụ của sứ mạng đối ngoại của Hội Thánh cho thế giới với khái niệm làm chứng bằng đời sống, chủ đề thứ bốn của Thư Chung 1980.
Sứ mạng làm chứng bằng đời sống
Trong văn kiện lịch sử này, các giám mục Việt Nam cắt nghĩa về chủ đề chứng tá đời sống khi ngỏ lời với các giáo dân, tu sĩ và linh mục Việt Nam. Dựa vào Lumen Gentium số 31 và Gaudium et Spes số 43, các giám mục khuyến khích các tín hữu giáo dân sống Tin Mừng của Chúa Kitô bằng cách tham gia các công việc trần thế. Các ngài cũng trích dẫn trực tiếp từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Ðức Phaolô VI để nhấn mạnh rằng ơn gọi đặc biệt của đời tu trì là “biểu hiện sống động của một Hội Thánh muốn hiến mình cho đường lối triệt để của các Mối Phúc Thật”, và các tu sĩ là những người “dùng chính cuộc sống của mình làm dấu chỉ cho tinh thần sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và anh em đồng loại”.[20] Sau cùng, ngỏ lời với các linh mục triều và dòng, được coi là những cộng sự viên gần gũi nhất của hàng giám mục, các ngài khuyến khích họ dùng chính đời sống mình để làm cho mọi tín hữu biết sống Phúc Âm trong tinh thần yêu mến và trung thành với Hội Thánh. Theo HÐGMVN, mọi thành viên của Hội Thánh sẽ được Chúa Kitô phục sinh ban những ơn cần thiết để trở nên những con người mới biết hành động theo sự công chính và sự thánh thiện.
Ơn gọi nên thánh
HÐGMVN dựa vào Công đồng Vatican II để khẳng định rằng, ơn gọi của người giáo dân là thánh hóa bản thân trong thế giới bằng cách sống Phúc Âm giữa những trách nhiệm trần thế của mình. Nhờ đời sống và hoạt động của các giáo dân, Hội Thánh hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Sứ mạng cao cả của giáo dân là sống trung thành với Hội Thánh Chúa Kitô và hành động như là những công dân tốt của đất nước. Vì vậy, họ phải phát triển ý thức về sự thật và công bằng, và sẵn sàng phục vụ lợi ích của dân tộc. Ơn Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ trong đời sống cầu nguyện, cả cầu nguyện riêng và chung trong gia đình hay giáo xứ, và bằng việc học và dạy giáo lý trong gia đình. Theo HÐGMVN, gia đình phải trở thành một trường học đức tin, một nơi cầu nguyện, một môi trường nuôi dưỡng đời sống bác ái, và nơi đào tạo tinh thần tông đồ mà những người làm chứng cho Thiên Chúa cần phải có.
Linh mục Nguyễn Văn Thiện khám bệnh cho người đau yếu khó khăn
Cơ sở Giáo hội học
Năm chủ đề chính của Thư Chung 1980 được trình bày trên đây đã làm sáng tỏ và đào sâu sứ mạng bao quát của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam. Các giám mục Việt Nam qua 5 chủ đề này đã hướng tới hai vấn đề mục vụ quan trọng nhất trong bối cảnh của Việt Nam lúc bấy giờ : Thứ nhất, Hội Thánh tại Việt Nam có thể Phúc Âm hóa thế nào ? Thứ hai, Hội Thánh có thể đối thoại thế nào với xã hội và chính quyền mới ? Các câu trả lời cho các câu hỏi này phát sinh từ việc nắm bắt ba câu hỏi nền tảng : Hội Thánh là gì ? Hội Thánh để làm gì ? Hội Thánh ở đâu ?
Theo HÐGMVN, Hội Thánh là Dân Thiên Chúa (số 6), một cộng đoàn Kitô hữu hiện hữu vì loài người (số 7), nhưng sống giữa lòng dân tộc (số 8). Do đó, Hội Thánh trước hết là dân của Giao Ước mới, Hội Thánh Chúa Kitô gồm các dân tộc từ mọi quốc gia, được hợp nhất nhờ Chúa Thánh Thần và có một giới luật mới là bác ái yêu thương. Hội Thánh có một cơ cấu ngay từ đầu với các chức năng khác nhau được Chúa Kitô thiết lập vì lợi ích của Thân Thể Mầu Nhiệm. Mục đích của Hội Thánh là xây dựng Nước Chúa cho tới ngày tận thế. Thứ hai, sứ mạng của Hội Thánh là làm cho thế giới thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và đưa các thực tại trần thế tới chỗ thành toàn. Vì thế, không có hoạt động nào của con người là xa lạ với sứ mạng của Hội Thánh và mọi hoạt động của Hội Thánh đều có liên quan đến đời sống con người. Mục đích tối hậu của mọi hoạt động của Hội Thánh là làm cho toàn thể nhân loại và mọi thực tại của thế giới loài người được tham dự vào sự sống, tình thương và sự thật của Thiên Chúa. Nhắc lại Gaudium et Spes (số 43), HÐGMVN tuyên bố rằng những Kitô hữu nào tìm cách trốn tránh các trách nhiệm trần thế là né tránh bổn phận đối với tha nhân, không nghĩ đến Thiên Chúa, và vì thế có nguy cơ mất sự sống đời đời. Sứ mạng Hội Thánh được tóm gọn trong việc tiếp nối sứ mạng của Ðức Kitô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ loài người. Sau cùng, Hội Thánh này phải là Hội Thánh thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô, một Hội Thánh sống giữa lòng dân tộc.[21] Theo các giám mục Việt Nam, là Hội Thánh của Chúa có nghĩa là sống hiệp thông với Chúa Kitô và hiệp nhất với Hội Thánh hoàn vũ, giữ mối hiệp thông với Ðức Thánh Cha và với người khác, cũng như trung thành với tinh thần Công đồng Vatican II, với một thái độ cởi mở, đối thoại, và liên đới với xã hội mình đang sống.
Quan hệ giữa Hội Thánh và Nhà Nước
Không còn nghi ngờ gì nữa, thái độ mới này của Vatican II đối với thế giới đã đến với Hội Thánh tại Việt Nam vào một thời điểm rất thích hợp, và Hội Thánh Việt Nam đã chọn một novus habitus mentis [nếp suy nghĩ] tương tự. Thái độ mới này đã cống hiến cho Hội Thánh Việt Nam một sự thôi thúc mục vụ để tham gia đối thoại với chính quyền mới, thay vì đối đầu và lên án.[22] Phân tích kỹ Thư Chung 1980 cho thấy, về cơ bản, mối quan hệ của Hội Thánh Việt Nam với chính quyền có tính biện chứng. Một mặt, Hội Thánh Việt Nam muốn dấn mình vào một cuộc đối thoại chân thành và hợp tác đầy đủ với chính quyền để đạt được những mục tiêu chung của cả hai bên. Mặt khác, Hội Thánh vẫn giữ một lập trường ngôn sứ về vị trí trung tâm của con người làm cơ sở vững chắc nhất cho việc tham gia đối thoại với chính quyền.
Bằng việc đặt con người vào vị trí trung tâm của thần học bối cảnh, HÐGMVN đã theo sát giáo huấn của Gaudium et Spes và đã làm rõ mối quan hệ tích cực của Hội Thánh với xã hội dựa trên cơ sở của ba thực tại căn bản của đời sống con người, đó là hoạt động của con người, cộng đồng nhân loại, và vị trí trung tâm của con người.[23] Nhận xét này gợi ý rằng Thư Chung 1980 phần lớn là một sự cắt nghĩa theo bối cảnh về giáo huấn của Hiến chế Mục Vụ trong Sitz-im-Leben [bối cảnh sống] của Việt Nam.
Thần học nhập thể và lấy con người làm trung tâm này cố gắng đưa Hội Thánh Việt Nam vào giữa lòng xã hội Việt Nam. Thư Chung đã nói với các tín hữu bằng ngôn ngữ khiêm tốn và cống hiến một bộ khung thần học cho việc giải quyết rất nhiều vấn đề mà đất nước đang gặp phải. Bằng cách quan niệm Hội Thánh để phục vụ con người trong các hoàn cảnh cụ thể, hiện sinh và lịch sử, Thư Chung 1980 đặt ra một hướng đi mới cho sứ mạng Phúc Âm hóa của Hội Thánh tại Việt Nam. Ðồng thời thúc đẩy một cuộc tái sinh căn tính Công giáo của người Việt Nam, và biểu thị một bước chuyển tiếp quyết định từ việc tập trung củng cố Hội Thánh sang việc cổ vũ công cuộc Phúc Âm hóa bằng chứng tá đời sống và tham gia vào xã hội trần thế. Do đó, Thư Chung 1980 cần phải được đánh giá trong cái khung rộng lớn là sự toàn vẹn tôn giáo và trách nhiệm xã hội. Thứ nhất, thần học của Thư Chung này đã cung cấp một bộ khung để hiệp nhất hai cộng đồng giáo hội miền Bắc và miền Nam. Thứ hai, giáo hội học của Thư Chung đã làm sáng tỏ sứ mạng của Hội Thánh và giáo dân trong một xã hội. Thứ ba, thông điệp của Thư Chung rất phù hợp với hiện tình chính trị và xã hội của Hội Thánh và cả của đất nước. Vì vậy, câu phát biểu tóm tắt Thư Chung 1980 “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” phải được coi là một kênh được các giám mục Việt Nam sử dụng để soi sáng người tín hữu hơn là giới hạn phạm vi của sứ mạng Phúc Âm hóa của Hội Thánh tại Việt Nam. Quả thực, văn kiện lịch sử này đã mở ra một chương mới trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam, và đã được khai triển trong các thư mục vụ được ban hành trong những thập niên tiếp theo.
Kết luận
Bài viết này đã xem xét lại thần học bối cảnh và giáo hội học của HÐGMVN trong Thư Chung 1980, một bước ngoặt trong lịch sử gần đây của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam. Trong Thư Chung này, các giám mục Việt Nam đã làm sáng tỏ sứ mạng Phúc Âm hóa của toàn thể Hội Thánh, nghĩa là của mọi tín hữu, đó là “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Lời phát biểu tóm tắt này nhấn mạnh địa vị trung tâm của con người, mô tả một mối quan hệ biện chứng giữa Hội Thánh Việt Nam với Nhà nước, một mối quan hệ dựa trên việc chia sẻ những mục tiêu chung như bảo vệ và phát triển đất nước, trên cơ sở tham chiếu thường xuyên về Ðức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người, đã nhấn mạnh về chủ đề phục vụ, và vai trò dành cho các tín hữu trong sứ mạng của Hội Thánh đối với thế giới. Các khái niệm như tình liên đới, sứ mạng cho thế giới, làm chứng và đời sống thánh thiện, là những ý tưởng trọng tâm của Công đồng Vatican II, đặc biệt văn kiện Gaudium et Spes, văn kiện dài nhất và cuối cùng của Công Ðồng. Hòa hợp với giáo huấn của Hiến Chế Mục Vụ này, thần học của HÐGMVN đặt nền trên cơ sở của một định hướng nhân học lấy Ðức Kitô làm trung tâm, và dựa trên những nhận thức sâu sắc của Ðức Phaolô VI cũng như Công đồng Vatican II. Do đó, chúng ta kết luận rằng di sản phong phú nhất của Thư Chung 1980 là Ðức Giêsu, Ðấng là nền tảng và mục đích của ơn gọi và sứ mạng mọi tín hữu.
Một khía cạnh mới trong thần học của HÐGMVN được đề nghị trong Thư Chung 1980 là việc khai triển việc đối thoại mục vụ với chính quyền. Mô hình đối thoại này có thể cung cấp cho các giáo hội địa phương khác một số hướng dẫn thần học và mục vụ hữu ích. Dựa trên các nguyên tắc học thuyết của Vatican II và của Ðức Phaolô VI, và lấy các nguyên tắc ấy làm một khởi điểm thần học, các giám mục Việt Nam không những đã làm sáng tỏ một tầm nhìn thần học mà còn vạch ra một tiến trình mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam. Tóm lại, Thư Chung 1980 trình bày một thần học bối cảnh mang tính chất cơ bản là Kitô học và đối thoại. Thần học ấy trước hết muốn là một nguồn cảm hứng cho các tín hữu Công giáo Việt Nam, nhưng cũng có ý gởi một thông điệp rõ ràng cho chính quyền về sự đóng góp độc đáo của Hội Thánh cho xã hội. Thông điệp này được đặt vững vàng trên giáo huấn xã hội học Công giáo về nhân phẩm và giá trị của con người.[24]
Trích từ bản gốc “The Contextual Theology of the Vietnamese Episcopal Conference in the 1980 Pastoral Letter” của Peter Hai
Bản dịch tiếng Việt của Lm Ðaminh Ngô Quang Tuyên – Thư ký Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, Hội đồng Giám mục Việt Nam
Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn
[1] HÐGMVN, “Quy Chế Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 1980”, trong Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam (1960-1995), Chủ biên Trần Anh Dũng (Paris: Ðắc Lộ Tùng Thư, 1996), 266-74.
[2] HÐGMVN, “Thư Chung 1980 của HÐGMVN”, số 7, trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2005, 240-7.
[3] Missi, “Une Église sous haute surveillance: Les difficiles rapports entre l’État communiste et les catholiques,” Missi 2 (février 1991): 16-9.
[4] Thư Chung 1980, số 14.
[5] Église d’Asie, “Entretien de M. Vo Van Kiet, chef du gouvernement, sur un certain nombre de questions touchant le catholicisme.” Église d’Asie 173 (16 mars 1994). http://www.eglasie,mepasie.org (truy cập ngày 15-12-2006).
[6] Église d’Asie, “Après vingt années d’attente: Une interview de Mgr Paul Nguyễn Văn Bình,” Églises d’Asie 199 (16 mai 1995), http://www.eglasie.mepasie.org (truy cập ngày 15-12-2006); nguyên bản được đăng trên tờ nhật báo “Sài Gòn Giải Phóng”.
[7] ÐGH Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam qua Tông hiến Venerabilium Nostrorum, đề ngày 24-11-1960. Xem [Gioan XXIII], “Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam”, trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2005, 235-9.
[8] HÐGMVN, Thư Chung 1980, số 7.
[9] Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis, 14.
[10] Gaudium et Spes, số 21.
[11] Xem Phaolô VI, “Homilia”, Acta Apostolica Sedis 58 (1966): 57.
[12] Gaudium et Spes, số 22.
[13] Peter Hebblethwaite nhận xét rằng đóng góp của Thông Ðiệp Ecclesiam Suam của Ðức Phaolô VI là “một sự chuyển đổi từ một thái độ phủ nhận thế giới sang thái độ khẳng định thế giới” (Pope Paul VI: The First Modern Pope [London: HarperCollins, 1993], 380).
[14] Ecclesiam Suam, 3.
[15] Ecclesiam Suam, 9.
[16] Ecclesiam Suam, 10-11.
[17] Ecclesiam Suam, 12.
[18] Ecclesiam Suam, 40.
[19] Bản văn đầy đủ của Huấn thị Plane compertum est (8-12-1939), xem 100 Roman Documents Relating to the Chinese Rites Controversy (1645-1941), bản dịch [tiếng Anh] của Donald D. St. Sure, biên tập bởi Ray R. Noll (San Francisco: The Ricci Institute for Chinese-Western Cultural History, 1992), 87-8.
[20] HÐGMVN, Thư Chung 1980, số 13; Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 69.
[21] HÐGMVN, Thư Chung 1980, số 8.
[22] Gaudium et Spes, 42.
[23] HÐGMVN, Thư Chung 1980, số 7; Vatican II, Gaudium et Spes, 40.
[24] Ðức Gioan Phaolô II cũng làm sáng tỏ điểm này khi khẳng định rằng “sự cống hiến của Hội Thánh cho trật tự chính trị chính là tầm nhìn của Hội Thánh về phẩm giá con người được mặc khải trọn vẹn trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể”. Xem Thông điệp Centesimus Annus của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về việc Kỷ Niệm Một Trăm Năm Rerum Novarum, 47.