NGUỒN MẠCH LỜI TÂM SỰ CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê
WHĐ (18.11.2020) – Lời tâm sự: “Lạy Thiên Chúa” của Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê:
Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Chúa!
Con yêu mến Chúa không phải vì trông Chúa cứu con;
cũng không phải vì sợ không yêu thì Chúa phạt trong lửa đời đời.
Lạy Chúa Giê-su của con, Chúa đã ôm trọn lấy con trên thập giá;
Chúa chịu đinh sắt, lưỡi đòng và bao nhiêu sỉ nhục; vô vàn đau khổ, mồ hôi và lo buồn, cả cái chết nữa:
Chúa chịu tất cả vì con, thay cho con là kẻ có tội.
Ôi lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu mến hết tình, sao con lại không yêu Chúa?
Con yêu Chúa không phải để Chúa cứu và đưa con về trời
hay vì sợ Chúa luận phạt con đời đời.
Nhưng con yêu Chúa và con sẽ yêu Chúa như Chúa đã yêu con
chỉ vì Chúa là Vua của con và chỉ vì Chúa là Thiên Chúa của con. AMEN
Thánh Phao-lô đã gợi cho chúng ta hướng chiêm niệm này khi tâm sự với dân Ga-lát: “Người đã yêu thương tôi và đã thí mạng vì tôi” (Gl 2,20). Sách Tin Mừng thứ tư bao quát toàn thể mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô dưới một chủ đề: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống“ (3,16). Động lực khiến Thiên Chúa ban Con Một là TÌNH YÊU. Cái án chết Thiên Chúa đã tuyên trong vườn Địa Đàng bao trùm A-đam và E-và cùng toàn thể dòng dõi (St 3,17-20). Cả thế giới thọ tạo cũng bị vạ lây. Lời ban Sự Sống được ban trong Chúa Giê-su, để ai tin vào Người thì được sống. Chúa Giê-su “là Sự Sống Lại và là Sự Sống” (Ga 11,25). Thánh Phao-lô mở rộng vinh quang phục sinh tới toàn thể thụ tạo:
Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. (Rm 8,19-23)
Kinh Tin Kính đã gom toàn thể lời tuyên xưng về Chúa Giê-su Ki-tô trong hành trình từ lòng Cha về lại trong lòng Cha: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Con Một Yêu Dấu từ trong lòng Cha hằng hữu đến với chúng ta qua lòng Đức Trinh Nữ Maria, chung thân phận làm người, dãi dầu thử thách mọi bề giống như chúng ta, rồi qua thánh giá và phục sinh mà đem theo chúng ta về trong lòng Cha Hằng Sống, để chúng ta được sống mãi với Ngài.
Thánh I-nha-xi-ô đúc kết hành trình thiêng liêng của bản thân để chia sẻ cho mọi người trong tiến trình gọi là Linh Thao (thao luyện thiêng liêng). Ngài giải nghĩa ở ngay đầu cuốn sách gọi là LINH THAO ngài đã soạn để dùng cho người giúp người khác làm linh thao (chứ không phải cho người làm linh thao): Hai tiếng “Linh Thao” ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí, và các việc thiêng liêng khác như sẽ nói sau. Vì như đi dạo, đi bộ, chạy, là những việc thể thao thì cũng thế, gọi là “Linh Thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống để mưu ích cho linh hồn mình”. (Lt s.1)
Tất cả là nhờ ơn Chúa chứ không phải do ta “hạ quyết tâm”. Ai đã làm linh thao một lần thì biết, thánh I-nha-xi-ô luôn dạy phải xin ơn của Thiên Chúa, bài suy niệm ở tuần thứ nhất, hay bài chiêm niệm ở các tuần sau đều có chỉ dẫn xin ơn gì, và bao giờ cũng kết thúc bằng lời tâm sự với Đức Mẹ, với Chúa Giê-su, với Chúa Cha… để bày tỏ tâm tình và xin ơn: “Tâm sự chính là như một người bạn nói với bạn mình hay như một người đầy tớ nói với chủ mình, khi xin một ơn, khi thú một lỗi đã phạm, khi tỏ bày việc mình và xin chỉ bảo” (Lt s.54).
Linh thao chia làm 4 tuần (nhưng không phải tuần 7 ngày, là bốn giai đọan, dài ngắn tùy theo người hướng dẫn thấy người làm linh thao đã sẵn sàng qua giai đoạn tiếp theo hay chưa.
Tuần thứ nhất suy gẫm về tội để xin ơn hoán cải. Ngay bài đầu tiên thánh I-nha-xi-ô đã mời người làm linh thao “tưởng tượng mình đang ở trước mặt Đức Ki-tô Chúa chúng ta nằm trên Thánh Giá, tâm sự cùng Ngài… Vì đâu Chúa là Đấng hằng sống mà đã chịu chết và chết như thế này…Tôi đã làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi đang làm gì cho Đức Ki-tô? Tôi phải làm gì cho Đức Ki-tô?” Kết quả của tuần thứ nhất là cảm nghiệm tình yêu cứu độ và khao khát đáp đền bằng cách đi theo Chúa như Chúa muốn.
Tuần thứ hai, khởi từ lòng khao khát đáp đền kia, chiêm ngắm Chúa Giê-su từ khi “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và đã làm người…”, để xin ơn “biết Chúa hơn, yêu Chúa hơn và theo Chúa sát hơn”. Đã biết rõ mình là ai, mắc nợ tình yêu Chúa thế nào, thì với ơn của tuần thứ hai, chọn lựa cuộc sống để đáp đền tình yêu, hoặc canh tân cuộc sống đã chọn để ”theo Chúa sát hơn”. Ngay khi chiêm ngắm mầu nhiệm truyền tin, thánh I-nha-xi-ô đã dạy: “Xin điều tôi muốn. Ở đây là xin được sự hiểu biết bên trong về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để yêu mến và theo Ngài hơn.” (Lt 104)
Tuần thứ ba, chiêm ngắm Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn để được tình yêu chinh phục hoàn toàn. Mọi sự Chúa chịu trong cuộc Thương Khó là vì tôi. Mở đầu, nối lại với bài linh thao đầu tiên: “Xin ơn biết đau đớn, hối hận và hổ thẹn, vì chính bởi tội tôi mà Chúa đi chịu nạn” (Lt 193). Từ bài thứ hai trở đi: “Xin được thống khổ với Đức Ki-tô thống khổ, tan nát tâm hồn với Đức Ki-tô tan nát tâm hồn, được khóc lóc và đau đớn trong lòng về sự đau đớn dường ấy mà Đức Ki-tô đã chịu vì tôi.”(204) Ơn xin ở tuần thứ hai là “biết, yêu và theo”. Ơn xin ở tuần thứ ba là chung cảm nghiệm và theo, vì đau khổ vượt khỏi “biết”, chỉ có thể đi vào bằng sự chung cảm nghiệm với Chúa, như bà De Sévigné (trong văn chương cổ điển Pháp) viết cho con gái bị đau: “Mẹ đau trong lồng ngực của con”. Ta chỉ có thể làm như em bé thấy mẹ khóc, nó chẳng hiểu gì, chỉ biết ôm chặt lấy mẹ nó, vuốt mặt mẹ nó…
Chính trong nguồn mạch linh thao này mà chúng ta cảm nếm, chung chia được lời tâm sự mà thánh Phan-xi-cô đã để lại cho chúng ta. Đọc lại cuộc sống của ngài, lần đầu tiên làm linh thao dưới sự hướng dẫn của I-nha-xi-ô, bạn sinh viên chung phòng trọ (sau hai năm kháng cự!) sẽ hiểu[1] .
Tuần thứ tư của linh thao là chiêm ngắm Chúa Giê-su trong vinh quang phục sinh để xin ơn “được vui mừng mãnh liệt vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Đức Ki-tô Chúa chúng ta” (Lt 221). Như vậy là đến đây thì chúng ta chỉ còn hướng về Chúa Giê-su mà thôi.
Đó là năng động của tình yêu : hoàn toàn hướng về người yêu. Ba tuần linh thao trước tôi đã nhận ra Chúa yêu tôi và hoàn toàn hướng về tôi. Với tuần thứ ba thì tình yêu của Chúa đã chinh phục tôi hoàn toàn, nên tôi không còn nghĩ đến mình nữa mà chỉ nghĩ đến Đấng đã yêu tôi và lòng tôi yêu mến, như người yêu trong sách Diễm Ca đi tìm chàng, gặp ai cũng chỉ có một câu hỏi: “Có thấy người yêu của tôi ở đâu không?” Gặp đám con gái bên đường cũng nhắn: “Nếu các em gặp thấy người tôi yêu dấu, các em sẽ nhắn tin gì? Xin nhắn giúp chị rằng chị đang ốm tương tư”. Bọn con gái ngơ ngác, vì có biết người yêu của cô mặt mũi ra sao… Cô bèn tả hình dáng của chàng. Chẳng biết chúng có hiểu gì không, nhưng lửa yêu trong lòng cô tỏa ra đã cuốn hút chúng đến nỗi chúng đồng loạt xin cùng theo cô đi tìm chàng.
Tin Mừng Thứ Tư đã cho Maria Bê-ta-ni-a đóng vai người yêu mở đầu sách Diễm Ca với bình dầu thơm cam tùng nguyên chất, làm cho cả nhà nức mùi thơm (Ga 12,3// Dc 1, 12), cho Maria Ma-đa-le-na đóng vai người yêu này khi đi tìm Chúa phục sinh (Ga 20,1-18) // Dc 5,6-3). Ông Ni-cô-đê-mô cung cấp 100 cân mộc dược cho trọn hình ảnh người yêu: “Người tôi yêu là chum mộc dược nằm gọn trên ngực tôi” (Dc 1,13)
Tột đỉnh mà năng động tình yêu này đưa tới là “en todo amar y servir”, yêu mến và phụng sự trong mọi sự, để làm vinh danh Thiên Chúa Tình Yêu hơn mãi. Đó là ơn xin trong bài chiêm để đạt tới tình yệu, chuyển từ linh thao sang đời sống hàng ngày (Lt 233): “Xin được sự hiểu biết bên trong về bấy nhiêu ơn lành đã lãnh nhận; để với lòng biết ơn sâu xa, tôi có thể yêu mến và phụng sự Chúa chí tôn trong mọi sự”. “Bấy nhiêu ơn lành” gồm tất cả những gì Đấng yêu tôi đã ban cho tôi: ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc và các ơn riêng.
Đó cũng là bí quyết của người đi loan báo Tin Mừng. Nữ tu Mến Thánh Giá Matta Lành, người con gái miền quê Lục Tỉnh, thế mà quan đốc phủ họ Trần Tử đến xin học giáo lý với bà. Bà chỉ biết nhận và sống với Chúa Giê-su Chịu Đóng đinh như đối tương duy nhất của lòng bà, và đã mang dấu tích của Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thân xác bà, qua những trận đòn “thừa sống thiếu chết”, tan nát thịt da, máu tuôn lai láng, trong cuộc bắt đạo ở Vĩnh Long tháng 12 năm 1858.
*****
Lời tâm sự của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê với Chúa Giê-su trên Thánh Giá, cũng có thể gợi ra một cách chiêm niệm rất đơn sơ theo kinh mân côi để cảm nghiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.
Truyền thống dạy chúng ta xin một ơn phù hợp với mầu nhiệm được xướng lên cho mỗi chục kinh. Nhưng khi đã thấm lời tâm sự này thì chúng ta có thể chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa trong từng chi tiết của màu nhiệm ơn cứu độ nơi Chúa Giê-su. Hai mươi mầu nhiệm trong kinh Mân Côi đưa ta vào một sự chiêm ngắm nhẹ nhàng, mỗi mầu nhiệm Chúa đều nói với ta: chỉ vì yêu con đấy…
Giê-ru-sa-lem ngày 14 tháng 11 năm 2020
Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.
[1] Ba chàng sinh viên chung phòng trọ ở đại học Paris này, rốt cuộc là ba vị thánh trong nhóm lập Dòng Tên: I-nha-xi-ô, Phê-rô Favre, Phan-xi-cô Xa-vi-ê