HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ THAM DỰ VÀO CÔNG VIỆC CANH TÂN GIÁO XỨ ĐỂ NIỀM HY VỌNG CỦA TIN MỪNG ĐƯỢC THẮP SÁNG
WHĐ (12.10.2020) – Tình hình sau đại dịch Covid-19 số người đến nhà thờ giảm: Cụ thể là sau những tuần lễ tham dự thánh lễ trực tuyến, khi được mở lại, số tín hữu tham dự thánh lễ giảm sút hẳn. Không có con số chính thức về mức suy giảm này, nhưng nhiều báo chí cho biết có sự suy giảm số người dự lễ từ 30 đến 50% sau khi các thánh lễ được mở lại.
Hôm 28-8-2020, Đức Cha Corrado Sanguineti, Giám mục giáo phận Pavia, ở miền bắc Italia nhận định: “Số tín hữu xa lìa thánh lễ gia tăng, sau khi tình trạng giới nghiêm chấm dứt … thời kỳ dài, có lẽ quá dài, các thánh lễ được cử hành mà không có sự hiện diện trực diện của giáo dân, nay chúng ta phải nhìn nhận rằng sự xa lìa thánh lễ gia tăng, xa lìa cử chỉ căn bản của đức tin, và chúng ta có nguy cơ trở thành một dân tộc ngày càng bị phân tán… Chúng ta khiêm tốn nhận thực rằng các quảng trường với những sinh hoạt ăn chơi ban tối đầy người, những nơi nghỉ hè và giải trí cũng vậy, và chúng ta cảm thông một ước muốn tiêu khiển, những thời kỳ thanh thản hơn, chung với gia đình và bạn hữu. Nhưng không có nhiều người cảm thấy cần đến với Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa nơi bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống, và tất cả những điều đó đặt câu hỏi cho chúng ta như những mục tử, như Giáo Hội: những hoàn cảnh của thời nay bày ra ánh sáng một sự nghèo nàn về đức tin trong cuộc sống của bao nhiêu người và những hoàn cảnh ấy yêu cầu chúng ta, trong tư cách là cộng đoàn Kitô hãy để cho mình bị khiêu khích, và thanh tẩy lối sống và việc làm chứng bằng cuộc sống theo Tin Mừng”[1].
Đức Hồng y Antonio Marto, Giám mục giáo phận Leiria-Fátima, Bồ đào nha, qua lá thư mục vụ công bố ngày 7-9-2020, trong đó ngài khẳng định rằng đại dịch Covid-19 đã trở thành một tiếng báo động về sự bỏ lễ chúa nhật nơi nhiều tín hữu. Đức Hồng y viết: “Nhiều người còn do dự không tham dự thánh lễ Chúa Nhật, vì sợ hãi hoặc vì tìm sự thoải mái khác. Chúng ta cảm thấy buồn và lo, đặc biệt vì sự vắng bóng của các cha mẹ, trẻ em và người trẻ. Phải chăng đó là dấu hiệu báo động và cảnh giác mà đại dịch đã tỏ lộ và gia tăng điều đã xảy ra trước đó, nghĩa là các thế hệ trẻ bỏ lễ Chúa Nhật?”[2]
Hơn bao giờ hết, để Giáo Hội tìm lại được vẻ đẹp rạng ngời của mình, người giáo dân được mời gọi cộng tác thực hiện một cuộc canh tân toàn diện đời sống Giáo xứ.
Sự canh tân khởi đầu bằng việc củng cố cộng đoàn giáo xứ kiên vững trong đức tin
Sắc lệnh Tông đồ Giáo Dân minh định: “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi quy tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo Hội nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình trong các hoạt động của giáo xứ. Họ cũng nên tập quen trình bày với cộng đoàn giáo hội về những vấn đề riêng của cộng đoàn mình hay của cả thế giới, hoặc những vấn đề liên quan đến ơn cứu độ con người, để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy khả năng mà trợ giúp những công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.”[3]
Vì vậy đứng trước khủng hoảng về đời sống đức tin sau đại dịch Covid 19, hơn lúc nào hết, Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ được mời gọi cùng cộng tác với cha xứ trong việc củng cố đời sống đức tin của người tín hữu trong giáo xứ, đặc biệt đời sống cầu nguyện qua việc kết hợp mật thiết với Thánh Thể trong các thánh lễ.
Vào ngày 14-9-2020 Đức Hồng y Sarah gởi cho các Hội Đồng Giám Mục một lá thơ kêu gọi: “các cộng đoàn Công Giáo cần phải trở lại với Thánh Lễ càng sớm càng có thể khi Thánh Lễ được cử hành trong sự an toàn, và rằng đời sống Kitô Giáo không thể được nuôi dưỡng nếu không có Hy Tế Thánh Thể và cộng đồng Kitô Giáo của Giáo Hội”. Bởi “Chúng ta không thể tồn tại mà không có bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc của Chúa mà tất cả chúng ta là con trai, con gái, anh chị em được mời gọi nhận lãnh chính Đức Kitô Phục Sinh, hiện diện nơi mình và máu, linh hồn và thần tính nơi Bánh Thiên Đàng ấy vốn nuôi dưỡng chúng ta trong niềm vui và lao công của cuộc lữ hành trần thế này”. Chúng ta “không thể tồn tại mà không có cộng đoàn Kitô Giáo”, “không thể tồn tại mà không có nhà Thiên Chúa”, “không thể tồn tại mà không có Ngày Của Chúa”. “Chúng ta không thể sống như là các Kitô Hữu mà không dự phần vào Hy Tế Thập Giá mà qua đó Chúa Giêsu đã tự trao ban chính Ngài cách nhưng không để cứu, qua cái chết, nhân tính của Ngài vốn đã chết vì tội lỗi… trong sự đón nhận Đấng Chịu Nạn mà tất cả nhân loại khổ đau tìm kiếm được ánh sáng và sự ủi an”[4].
Canh tân giáo xứ khởi đi từ mục vụ gia đình trong giáo xứ
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris consortio đã nhấn mạnh: “Chính Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình. Vì thế, gia đình Kitô hữu phải hòa nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh đến độ được dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Hội Thánh theo cách riêng của mình. Nhờ ơn Bí tích Hôn Phối trong bậc sống và trong lãnh vực của họ, đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu cũng có được ơn riêng dành cho họ trong lòng dân Thiên Chúa. Do đó, không những họ nhận được tình yêu của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng được cứu rỗi, mà còn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em của họ chính tình yêu của Đức Kitô, để như thế họ trở nên một cộng đồng, cứu rỗi người khác. Đến nỗi, tuy vẫn là hoa quả và dấu chỉ của sự phong nhiêu siêu nhiên của Hội Thánh, gia đình Kitô hữu còn là biểu tượng, chứng tích và san sẻ thiên chức làm mẹ của Hội Thánh.”[5]
Do đó, Hội đồng mục vụ cộng tác với cha xứ giúp cho nhận ra rằng, mỗi người kitô hữu trong trách nhiệm làm cha làm mẹ phải kiến tạo cho gia đình của mình trở thành một Giáo Hội thu nhỏ, một cộng đoàn hiệp thông theo giáo huấn của Giáo hội: “Gia đình hiện diện như một nơi cho sự hiệp thông được khai sinh – sự hiệp thông này rất cần thiết đối với một xã hội ngày càng theo chủ nghĩa cá nhân như xã hội hôm nay. Gia đình là nơi cho cộng đồng các ngôi vị đích thực được phát triển và lớn lên”[6].
Chính cộng đoàn hiệp thông tham dự trọn vẹn sứ vụ của Giáo Hội. Trước hết Gia đình phải là nơi cử hành việc tôn thờ Chúa, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã nói: “Trong Giáo hội chúng ta có một kho báu ẩn kín đó chính là gia đình. Chúa luôn đồng hành với dân Ngài trong mọi khủng hoảng cùng với những sứ điệp ngoại thường; và dường như Ngài cũng đã làm theo cách đó trong đại dịch này: tất cả chúng ta phải rút lui trở về nhà”. Và ngài đưa ra chỉ dẫn cách cụ thể: “chúng ta hãy tập họp, như một gia đình, cử hành một cách trang trọng phụng vụ tại gia. Cách thực hiện rất đơn giản: tất cả quy tụ trong một căn phòng, đọc một bài thánh vịnh ngợi khen, xin lỗi nhau, đọc Tin Mừng Chúa nhật, chia sẻ những gì Lời Chúa đánh động nơi mỗi người. Từ những chia sẻ này tạo nên một lời cầu nguyện chung cho nhu cầu của gia đình, của những người thân, cho Giáo hội và thế giới. Và cuối cùng, phó thác gia đình và các gia đình mà chúng ta biết cho Đức Maria. Tất cả các gia đình đều có thể làm điều đó, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”[7]
Gia đình cộng đoàn loan báo Tin Mừng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nêu lên lý do sâu xa như sau: “Bởi vì gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mạng của Hội Thánh, một Hội Thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình ấy sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa; như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng”[8] . Bởi đó gia đình thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng qua việc củng cố tình yêu vợ chồng, nối chết chặt chẽ mối tương giao giữa các thành viên trong gia đình, “Tinh thần yêu thương ngự trị trong một gia đình hướng dẫn cả mẹ lẫn con trong cuộc đối thoại của họ, ở đó người ta dạy và học, sửa chữa và đề cao những điều tốt”[9], qua đó thăng tiến mối liên kết với người lân cận. Tông huấn niềm vui Tin Mừng đã nhắc nhở: “Giờ đây khi Hội Thánh muốn sống một sự đổi mới sâu xa về truyền giáo, có một hình thức rao giảng thuộc về tất cả chúng ta như một bổn phận hàng ngày. Ðó là mang Tin Mừng đến cho những người mà chúng ta gặp, dù là những người lân cận hoặc những người lạ. Ðó là việc rao giảng không chính thức có thể được thực hiện trong một cuộc trò chuyện và đó cũng là việc mà một nhà truyền giáo làm khi đến thăm một gia đình. Là một môn đệ có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình.”[10]
Thông tấn xã của (Hiệp Hội Báo chí Công Giáo Á Châu) UCA ngày 14 tháng 9 năm 2020 cho hay: theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew thì gần 45% thanh thiếu niên công giáo ở Hoa Kỳ nói rằng họ tin vào Chúa một cách tuyệt đối và tham dự Thánh lễ thường xuyên hàng tuần, và niềm tin này hoàn toàn được nảy sinh từ gia đình[11].
- Truyền giáo là trọng tâm của việc canh tân giáo xứ
Trong Tông huấn niềm vui Tin Mừng Đức Phanxicô đã nói: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Kitô hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành. Qua tất cả các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo. Nó là một cộng đồng của các cộng đồng, là chỗ tạm trú nơi mà những người khát đến uống nước để tiếp tục cuộc hành trình, và một trung tâm nhà truyền giáo liên tục đi ra”[12].
Tuy nhiên nhìn chung các tín giáo dân chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở nơi các sinh hoạt giáo xứ mang tính “phô trương” hơn là biến cộng đoàn giáo xứ thành nơi “tạm trú” cho người khác dừng chân. Chúng ta tổ chức các cử hành phụng vụ thành những lễ hội hoành tráng, đông người tới quan chiêm vì tò mò hơn là khám phá vẻ đẹp của hiền thê Chúa Kitô, để người ta khao khát, ước muốn trở thành một thành phần cộng đoàn Dân Chúa. Các đoàn thể được trang bị những bộ đồng phục đẹp mắt, những cờ xí rợp trời trong các ngày đại lễ, một cuộc trình bày oai hùng với kèn trống chẳng khác một cuộc duyệt binh của chính quyền. Phải chăng đó là sứ vụ của đích thực của giáo xứ? Nhìn vào thực tế, để Giáo xứ được sống động, linh mục chánh xứ buộc phải có sáng kiến mục vụ, nhiều lúc các sinh hoạt đó cũng bị chi phối nhiều bởi hình thức bên ngoài, hầu có thể đáp ứng được đòi hỏi của người giáo dân đang sống trong một môi trường chuộng hình thức hơn là nội dung. Thế nhưng khi thiết lập Giáo hội, Chúa Giêsu không đưa ra bất cứ một hình thức quảng cáo nào để “chiêu dụ” tín hữu, nhưng đơn giản chỉ là một lời mời gọi: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho cho Ta” (Mt 20, 7).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã minh định: “Sứ vụ cứu độ của Giáo Hội trong thế giới được thực hiện không những nhờ các thừa tác viên đã lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng còn nhờ tất cả mọi giáo dân: thực vậy, nhờ đã được chịu phép thánh tẩy và nhờ ơn gọi chuyên biệt của mình, các giáo dân, mỗi người theo mức độ của mình, tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Đức Kitô”[13], những tín hữu được qui tụ vào trong một cộng đoàn để nghe Lời Chúa và cử hành Thánh thể, được gọi là giáo xứ. Cộng đoàn giáo xứ này được coi là tế bào của Giáo phận và làm cho Hội thánh trở thành hiện hữu một cách cụ thể tại một nơi. Tuy nhiên giáo xứ không là một tổ chức cứng ngắc trong một lãnh thổ, theo Giáo luật 1983, khoản 515§1, yếu tố quan trọng làm nên giáo xứ là “cộng đồng”, chứ không phải lãnh thổ. Đã quá lâu, chúng ta thường coi giáo xứ là một vùng lãnh địa bất khả xâm phạm, và các sinh hoạt mục vụ nặng tính bảo tồn, chẳng hạn: duy trì kỷ luật ổn định trật tự, củng cố quyền bính theo não trạng giáo sĩ trị, thiết lập những cơ chế để cai trị hoặc phô trương, đầu tư công sức vào các sinh hoạt như xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức nghi lễ long trọng. Và biến Giáo xứ như một tổ chức theo mô hình của một xã hội trần thế, một công ty đa quốc gia được điều hành bởi các chuyên viên quản trị hành chánh[14].
Vì thế Đức Phanxicô khao khát một cuộc canh tân giáo xứ để chúng ta gần với dân chúng hơn, làm cho giáo xứ thành nơi hiệp thông sống động và tham gia[15]. Việc canh tân đời sống giáo xứ trước tiên yêu cầu mỗi người tín hữu giáo dân chúng ta hãy can đảm dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. “Việc dấn thân của chúng ta không chỉ hệ tại các hoạt động hay các chương trình cổ động và hỗ trợ; điều mà Chúa Thánh Thần động viên không phải là một sự hiếu động thái quá, nhưng trước hết một chú tâm đến những người khác, ‘coi họ như một với mình’. Chú tâm yêu thương này là khởi đầu của một mối quan tâm thực sự đối với con người của họ, và từ đó tôi muốn tìm kiếm sự tốt lành của họ một cách có hiệu quả”[16]. Điều đó cũng có nghĩa, mỗi người chúng ta dấn thân “tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và cử chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Ðức Kitô trong những người khác”[17].
Khi hành động như thế chúng ta đang nỗ lực bắc một nhịp cầu thân ái để đến với mọi lương dân sống trong giáo xứ, một nhịp cầu yêu thương, luôn mở rộng bàn tay để kết nối tình thân, một nhịp cầu thông hiểu để khi chuyển tải đức tin chúng ta không xúc phạm đến niềm tin của lương dân, một nhịp cầu kiên nhẫn để chúng ta không sớm bỏ cuộc trước những tấm lòng cứng cỏi, một nhịp cầu khiêm nhu để chúng ta luôn biết lắng nghe và đối thoại.
Đáp ứng sự yêu cầu canh tân Giáo xứ vào ngày 20/7/2020 Bộ Giáo sĩ đã ban hành Huấn thị về việc “hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội”. Theo Huấn thị cần phải đổi mới mục vụ giáo xứ để có thể làm cho giáo xứ năng động hướng tới việc truyền giáo. Huấn thị mô tả giáo xứ là “một ngôi nhà giữa nhiều ngôi nhà” khi là dấu chỉ trường tồn của Đấng Phục Sinh ở giữa Dân Người và bản chất truyền giáo của nó là nền tảng cho việc truyền giáo. Toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số đã làm thay đổi sự liên kết cụ thể của nó về lãnh thổ mà nó bao trùm. Do đó, giáo xứ không còn là một không gian địa lý, mà là một không gian hiện hữu. Chính trong bối cảnh này, “tính linh hoạt” của giáo xứ xuất hiện, cho phép nó đáp ứng những yêu sách của thời đại và thích nghi việc mục vụ với các tín hữu và với lịch sử. Do đó, Huấn thị nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc canh tân sứ mệnh truyền giáo trong các cấu trúc của giáo xứ: tránh xa sự tự quy chiếu và loại bỏ sự giáo sĩ hóa, phải nhắm đến sự linh động thiêng liêng và cuộc hoán cải mục vụ dựa trên việc loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích và chứng tá bác ái.[18]
Đứng trước những thách đố của thời đại hôm nay, cộng đoàn giáo xứ càng phải ý thức về sứ vụ mà Chúa đã trao phó, phải nỗ lực làm chứng để là dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian. Trong đường hướng canh tân đời sống Giáo xứ, các thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ phải là những nhân tố năng động, giàu sáng kiến, và trần đầy nhiệt huyết. Điều quan trọng, mỗi thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ phải là những yếu tố kiến tạo sự hiệp nhất trong giáo xứ, bởi sự chia rẽ sẽ là nguyên nhân mang lại những hiệu ứng tai hại cho công việc loan báo Tin Mừng, và làm cho cánh cửa truyền giáo bị khép lại.
Sự hiệp nhất yêu thương của cộng đoàn giáo xứ mang lại niềm hy vọng và niềm tin cho một thế giới đang chất đầy sự hỗn loạn, nhiễu nhương. Quả thật thế giới hôm nay thiếu vắng tình yêu và chân lý, sự thù hận và dối trá ngày càng lan tràn. Ở đâu sẽ mang lại cho cuộc sống một niềm hy vọng? Thưa chỉ có Đức Kitô, bởi vậy cộng đoàn giáo xứ phải nỗ lực mang Đức Kitô đến cho nhân loại hôm nay, bằng cách chiếu toả ánh sáng đức tin của mình, và thể hiện tình yêu thương của Đức Kitô ngay chính trong cộng đoàn giáo xứ. Giáo xứ phải được canh tân để trở thành một cộng đoàn kiên vững trong đức tin và sống động trong đức ái.
Để Đức Kitô đến với mọi người, cộng đoàn giáo xứ phải đi ra khỏi sự ươn lười, ích kỷ, sự nghi kỵ lẫn nhau và chỉ chú tâm xây dựng thành lũy riêng tư của mình. “Tin Mừng không ngừng dạy chúng ta mạo hiểm vào những cuộc gặp gỡ trực diện với người khác, với sự hiện diện thể chất của họ vốn thách thức chúng ta, với nỗi đau và các lời kêu xin của họ, với niềm vui của họ lan tỏa sang chúng ta trong mối tương tác gần gũi và liên tục. Lòng tin đích thực vào Con Thiên Chúa nhập thể thì không thể tách rời khỏi sự tự hiến, tư cách thành viên của cộng đoàn, sự phục vụ, sự hoà giải với người khác. Bằng việc nhập thể, Con Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tới cuộc cách mạng của sự dịu dàng”[19], và chỉ có như thế niềm hy vọng của Đức Kitô mới thực sự được lan toả trong thời đại hôm nay.
Lm. Antôn Hà Văn Minh
[1] Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-09/bao-dong-ve-tinh-trang-giao-hoi-thoi-hau-covid-19.html
[2] Nt.
[3] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 10
[4] Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-phung-tu-va-ky-luat-cac-bi-tich-hay-vui-mung-tro-lai-voi-thanh-le-40614
[5] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, số 49.
[6] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2333.
[7] Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-03/dhy-farelle-gia-dinh-giao-hoi-tai-gia.html
[8] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, số 51
[9] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 139
[10] Nt số 127.
[11] Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-03/dhy-farelle-gia-dinh-giao-hoi-tai-gia.html
[12] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 28
[13] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, số 6
[14] X. Đức tổng giám mục Nguyễn Năng, Đến với muôn dân, trích trong Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 89 (tháng 7&8 năm 2015).
[15] X. Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 28
[16] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 199
[17] Nt, số 24
[18] Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-07/bo-giao-si-huan-thi-cai-cach-giao-xu-giao-phan.html.
[19] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 88.