THIÊN CHÚA GIÚP BẠN THÀNH CÔNG
“Đừng cố trở thành người thành công,
thay vì thế, hãy cố trở thành người có giá trị.”
Albert Einstein (1879–1955)
****
WHĐ (31.8.2020) – Vậy là một mùa hè đã đi qua. Những cánh hoa phượng thay cho biết bao nhành lá xanh tươi. Biết bao ước mơ, hoài bão được thắp lên ngay từ mái trường thân yêu. Năm học mới bắt đầu. Thầy trò tiếp tục những bài vở nơi sân trường lớp học.
Là học sinh Công Giáo, bạn có bao giờ hỏi: “Làm thế nào để học thành công? Làm thế nào để mai này mình cũng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống?” Thiết tưởng những điều ấy ít nhiều len lỏi trong suy nghĩ của thời học sinh, sinh viên. Mỗi ngày một mãnh liệt hơn. Nhất là khi bước vào trường đời, hai chữ thành công tác động ghê gớm đến mỗi người.
Vài anh bạn trong giới kinh doanh và kỹ sư nhận xét: “Giới trẻ Việt Nam ngày nay thích làm giàu sớm quá!” Điều ấy đáng lẽ chẳng có gì sai. Làm giàu hợp pháp là chính đáng, và nhất là thành công sớm cũng là điều đáng tự hào. Nhưng vấn đề là rất rất nhiều người trẻ chỉ chạy theo thành công mà quên mất cái gốc của nó. Phải chăng các bạn ấy đuổi hình bắt bóng. Như thế thành công mãi xa vời, và giả như có đạt được, điều ấy sẽ không bền.
Nếu các bạn rảo bộ vài tiếng trong nhà sách, thật dễ để nhận ra hàng hà đầu sách chỉ cho người ta thành công[1], làm giàu. Điều ấy quý, nhưng đâu phải cứ ai đọc là biết cách làm giàu! Cái quý là những sách ấy cho các bạn chút khái niệm, ý tưởng và hứng khởi. Nhưng thành công luôn đòi bạn phải trải nghiệm, phải học tập và rèn luyện mỗi ngày. Bước “luyện công” bao giờ cũng quan trọng và cần thiết. Bởi đó, từ ghế nhà trường, nơi giảng đường đại học[2], quả là thời gian thích hợp để chúng ta tích lũy vốn liếng cho mình để đi đến thành công. Các tác giả thường chỉ ra rằng: thành công không đến khi bạn chạy theo thành công, nhưng đuổi theo những giá trị của nó!
Nếu tinh ý một chút, chúng ta dễ dàng nhận ra những giá trị của thành công đã bắt nguồn từ Kinh Thánh. Chẳng hạn, thành công đòi người ta chăm chỉ lao động. Đó là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thành công bắt người ta phải nhiệt huyết đam mê. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban cả Con Một để cứu độ nhân loại. Thành công cần đột phá và can đảm bước vào lối nẻo mới. Đức Giêsu đã mở ra một con đường lạ lùng khiến người đương thời trầm trồ thắc mắc: “Điều ấy có nghĩa là gì?” Thành công đòi người ta phải thành nhân trước. Đó là căn cốt của con người. Kinh tế là kinh bang tế thế, là “dựng nước giúp đời”, là phục vụ chứ không để được người ta phục vụ.
Danh sách ví dụ trên còn dài mà chúng ta sẽ có dịp đi sâu hơn vào dịp khác. Ở đây, cụ thể Chúa Giêsu giúp bạn trẻ thành công như thế nào?
Là học sinh, sinh viên Công Giáo, các bạn có bao giờ cầu nguyện với Thiên Chúa không? Trước giờ học, sau giờ học và những lúc khó khăn, lời cầu nguyện sẽ cho bạn sức mạnh để vượt qua. Sức mạnh ấy luôn đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng Khôn Ngoan sẽ âm thầm rọi vào tâm trí các bạn những bài học, lời giải tuyệt vời.
Có lần học sinh nọ cầu xin Chúa cho mình được đạt điểm tốt trong kỳ thi.
Chúa hỏi lại: “Con học bài kỹ chưa?
– “Dạ chưa!”– bạn ấy lúng túng trả lời.
“Vậy còn vài ngày nữa, con phải dùi mài kinh sách nha, nhớ học cho kỹ. Lúc đó ta sẽ cho con đạt điểm cao!” – Chúa ân cần trả lời.
Hóa ra, cầu nguyện mà không chịu học, điểm cao là điều không tưởng, học giỏi là điều xa vời. Thay vào đó, hãy học hết sức Chúa cho, học trong bình an hạnh phúc, khi ấy thành công sẽ không xa vời. Các nhà giáo dục (Thiên Chúa cũng thế), đều chú trọng đến động lực, thái độ và tâm hồn của người học. Họ nhấn mạnh là: “Nếu lòng không trong sáng, mắt không tinh anh và hồn không an lành thì làm sao phân biệt được điều tốt, điều xấu, cái lợi, cái hại và như thế, dẫu cho có ý tốt là phục vụ và thương yêu, thì kết quả cũng là làm hại người mà thôi.”[3]
Các bạn học sinh, sinh viên Công Giáo thân mến,
Thiên Chúa thực sự có những lối nẻo để đi với các bạn trong con đường học vấn, sự nghiệp. Thiên Chúa muốn ta cố gắng. Mọi nỗ lực của ta, cách nào đó hoàn thành, là món quà Chúa sẽ ban. Ngài đẩy chúng ta ra chiến trận học hành, và ở cùng ta. Thật hạnh phúc khi ta biết Thiên Chúa luôn đồng hành với mỗi người. Để từ đó, chúng ta có nguồn hỗ trợ lớn lao trong mọi khía cạnh của cuộc đời.
Nếu hỏi học sinh, sinh viên Công Giáo khác với những bạn đồng trang lứa ở điểm nào? Đây là điểm khác biệt: chúng ta học với Thiên Chúa. Nghe xa vời quá (có bạn nghĩ thế)! Tuy nhiên, đây là điều then chốt để bạn không chỉ thành công mà còn hạnh phúc. Đừng để hào quang thành công thu hút bạn đến nỗi quên mất hạnh phúc. Hãy tập rút vào thanh vắng để hỏi Chúa: thành công là gì? Hạnh phúc là chi? Khi đó, hy vọng mỗi người có đủ bình tĩnh để thấy điều cần nhất trong thuở cắp sách đến trường. Càng suy nghĩ luyện rèn, càng trăn trở dấn thân, càng miệt mài học tập, càng cầu nguyện với Chúa, chắc chắn thành công sẽ càng mỉm cười với ta.
Ở trường có thầy cô, trong tim bạn cũng có người thầy tuyệt vời là Đức Giêsu[4]. Ngài mời gọi người trẻ: “Hãy học với ta, vì ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (x. Mt 11,28–30). Đó là động lực để các bạn học hành. Hầu hết thầy cô ở trường cho các bạn kiến thức, nhưng người thầy Giêsu cho các bạn sức mạnh, tình yêu và con đường. Bạn thử học với cả thầy Giêsu, với các thầy cô trong năm mới này! Kết quả sẽ khác, khác vô cùng!
Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ khác. Tại sao nhiều người trẻ lại thất bại, kể cả những bạn Công Giáo, nghèo vẫn hoàn nghèo? Phải chăng chúng ta đang đi sai đường? Thật tốt để các bạn dành chút thời gian để nhìn đến chặng đường phía trước[5]. Đừng nhìn quá xa! Nhìn đến tận đỉnh cao của thành công sau này, bạn sẽ bị choáng. Tuy nhiên, từng chặng đường có những nét đẹp và sự cần thiết để chuẩn bị bản thân. Đừng nóng lòng đốt giai đoạn, kẻo đốt cả tương lai.
Hãy học với Chúa để tâm hồn thanh thản bình an. Ngài cho chúng ta con đường, sự thật và sự sống. Hãy học với thầy cô để truy tìm tri thức. Đừng ngủ say trong mớ kiến thức thô cứng ấy, nhưng rút ra từ đó những điều thú vị. Hãy học từ bản thân, lắng nghe tâm trí. Đó là bộ phát wifi, bộ vi xử lý để cuộc đời của bạn chạy nhanh chóng và vững bền. Hãy học ở nhiều nguồn khác: tha nhân[6], sách vở, Internet, bạn bè, và cả trong những nghịch cảnh.
Nguyện xin Thiên Chúa và Đức Mẹ che chở, gìn giữ và nâng đỡ các bạn trong con đường học vấn. Học làm người, học để thành công và học để hạnh phúc.
Lời Nguyện Học tập:[7]
Lạy Cha là nguồn mạch Ánh sáng,
là Nguyên lý tối cao phát sinh muôn vật,
xin Cha tuôn đổ ánh sáng thần linh
xuống tâm trí u tối của con.
Xin xua đuổi khỏi con
bóng tối của tội lỗi và mê muội.
Xin cho con óc minh mẫn để hiểu sâu,
trí nhớ tốt để ghi khắc lâu bền,
phương pháp tốt để thu được kết quả.
Xin cho con có khả năng
giải thích cách sáng sủa điều mình đã học,
trình bày cách mạch lạc điều mình đã tiếp thu.
Lạy Cha,
việc học đòi con phải hy sinh,
cố gắng nghiêm túc và kiên trì.
Ước gì con biến bàn học thành nơi thờ phượng Cha,
khi con học tập hết mình.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Ví dụ: Điều Khiển Trí Tuệ Để Thành Công, Kẻ Thành Công Phải Biết Lắng Nghe, Bản Đồ Thành Công, Những Bậc Thầy Thành Công, 101 Bí Quyết Đàm Phán Thành Công, Bí quyết thành công của các triệu phú trẻ Hàn Quốc, Tư duy tích cực tạo thành công, Dạy con làm giàu (nhiều tập), 288 Cơ Hội Và Kế Sách Làm Giàu, v.v.
[2] Mỗi năm trên thế giới (Việt Nam cũng thế, có không biết bao nhiêu triệu sinh viên bỏ học, mà số lượng làm nên sự nghiệp lẫy lừng như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett, Mark Zuckerberg… thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. (Đọc thêm: Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? phần: học hay là không học.)
[3] x. Kim Định, Tâm Tư, Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 103–112.
[4] Ngoài ra, bạn cũng đừng quên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Bởi, nơi Ngài có những ơn cần thiết cho việc học của bạn: 1 ơn khôn ngoan. 2 ơn thông minh. 3 ơn lo liệu. 4 ơn sức mạnh. 5 ơn hiểu biết. 6 ơn đạo đức. 7 ơn kính sợ Chúa.
[5] Đồng thời, cũng cần nhìn lại những bước đường đã qua. “Thiên Chúa không muốn theo dõi những sai lầm của các con và, trong mọi trường hợp, Chúa sẽ giúp các con học được một điều gì đó, thậm chí từ cả những vấp ngã của các con. Vì Chúa yêu các con. Hãy cố gắng ngừng lại trong giây lát và để mình được Chúa yêu thương. Hãy cố gắng ngưng mọi tiếng nói và tiếng khóc bên trong và nghỉ ngơi một vài giây phút trong vòng tay yêu thương của Ngài.” (Tông Huấn Đức Kitô Sống, số 115).
[6] “Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ.” (Hc 6,34 và 36).
[7] Lời nguyện của Nguyễn Cao Siêu, SJ