LÀM CHỨNG GIAN: VẠCH TRẦN LỊCH SỬ CHỐNG CÔNG GIÁO TRONG NHIỀU THẾ KỶ
WHĐ (20.8.2020) – Rodney Stark là tác giả của Rise of Christianity, quyển sách thuộc loại best-selling (Harper, San Francisco, 1977). Hiện nay, ông là giáo sư Khoa học xã hội và đồng giám đốc Viện nghiên cứu tôn giáo tại đại học Baylor, đại học lớn nhất của Tin Lành Baptist tại Hoa Kỳ. Ông cũng là giáo sư danh dự của đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Năm 2016, ông cho ra mắt quyển Bearing False Witness: Debunking Centuries of Anti-Catholic History, Templeton Press – (Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ). Trong quyển sách này, tác giả xem xét và đánh giá lại những tội ác được gán cho Giáo Hội Công giáo liên quan đến các sự kiện lớn trong lịch sử, từ các cuộc thánh chiến, rồi sự đàn áp các nhà khoa học, đến Giáo Hội và chủ trương bài Do Thái. Dựa trên các tài liệu lịch sử tận nguồn cũng như khả năng phân tích và đối chiếu của một sử gia, ông cho thấy rất nhiều thành kiến về Công giáo thực ra chỉ là “huyền thoại” được thêu dệt theo thời gian và trở thành cái gọi là “sự thật lịch sử”.
Điều cần ghi nhận là Rodney Stark không phải là người Công giáo. Nếu ông là Công giáo, chắc chắn quyển sách này sẽ được coi như lời biện hộ muộn màng. Tuy nhiên vì ông không phải là Công giáo nên quyển sách này là một đóng góp khách quan và cần thiết cho việc nghiên cứu lịch sử như ông khẳng định: “Tôi không viết quyển sách này để bênh vực Giáo Hội Công giáo. Tôi viết để bảo vệ lịch sử”.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả về vai trò của Giáo Hội trong sự phát triển khoa học. Giới thiệu chương sách này trong Năm Mục vụ Giới Trẻ, chúng tôi nghĩ đến nhiều bạn trẻ Công giáo, nhất là những người trẻ có học, cảm thấy hoang mang trước những lời kết án được nghe trong nhà trường cũng như trong sách vở: tôn giáo là phản khoa học. Hi vọng bài này sẽ giúp các bạn thấy được sự thật lịch sử, hiểu được rằng không những Giáo Hội không phải là kẻ thù của khoa học, trái lại chính đức tin Kitô giáo đã là bệ phóng cho sự phát triển khoa học, nhờ đó người trẻ vững vàng trong đức tin và sống đức tin mạnh mẽ hơn trong thời đại ngày nay.
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC
Năm 1829, Đức Giáo hoàng Lêô XII cấm việc chích ngừa bệnh đậu mùa vì cho rằng “bệnh đậu mùa là án phạt của Chúa”[1]. Ông làm như thế vì “ông là kẻ cuồng tín hung dữ, nhắm mục tiêu là tiêu diệt mọi phát triển của thời hiện đại, và thúc đẩy xã hội trở về với sự cai quản, những tập quán và ý tưởng thời trung cổ. Trong cơn giận dữ chống lại sự tiến bộ, ông ra lệnh cấm việc chích ngừa bệnh đậu mùa”[2]. Dĩ nhiên cuộc tấn công Giáo hoàng Lêô nói trên hoàn toàn nhất quán với chủ trương cho rằng Giáo Hội trong nhiều thế kỷ đã chống đối khoa học và bách hại các nhà khoa học – phi bác khám phá của Copernicus về trái đất quay quanh mặt trời, và kết án Galilêô khiến ông phải “gặm nhấm tháng ngày trong những nhà tù của Tòa dị giáo”, như Voltaire diễn tả[3]. Thật vậy, người ta vẫn cho rằng những người đã tạo nên “cuộc cách mạng khoa học” vĩ đại là những người của thời Khai sáng, những người tự giải thoát mình khỏi sự mù lòa của Công giáo. Cũng thế, người ta chủ yếu cho rằng vì Cuộc Cải cách của Thệ phản đã giải thoát nước Anh và nhiều phần khác của châu Âu khỏi “bàn tay tử thần của Giáo hội Công giáo”[4], nên suy tư khoa học mới có thể phát triển.
Thế nhưng Giáo hoàng Lêô có phát biểu như vậy bao giờ đâu! Ngài không chống đối việc chích ngừa, và thật ra Giáo Hội đã thúc đẩy việc chích ngừa ngay từ đầu. Câu chuyện về sự chống đối của Giáo hoàng Lêô là câu chuyện gian dối và nhiều cuộc tấn công khác đối với Giáo Hội xem ra cũng thế. Hơn thế nữa, những thành tựu vĩ đại của khoa học trong thế kỷ 17 và 18 đã không thể có nếu không có Giáo Hội; những thành tựu đó là đỉnh cao của sự phát triển khoa học bình thường trong các thế kỷ, diễn ra trong những đại học do chính Giáo Hội thiết lập, kiểm soát và cung cấp nhân sự. Quả thật, những khuôn mặt dẫn đường trong cuộc “cách mạng khoa học” là những người sùng đạo và một nửa trong số họ là Công giáo, nhiều người còn là giáo sĩ. Về trường hợp Galilêô, ông chẳng phải ở ngày nào trong tù cả, và nếu ông gặp rắc rối thì không phải là về chuyện khoa học (Tòa dị giáo Tây Ban Nha đâu có hủy sách của ông) nhưng là vì tính hai mặt ngạo mạn của ông.
Tìm kiếm tri thức
Chìa khóa nền tảng trong sự trỗi dậy của văn minh Tây phương là sự dấn thân của những nhà thông thái trong việc tìm kiếm tri thức. Không phải khai sáng hay minh triết nhưng là tri thức. Và cơ sở của sự tìm tòi tri thức này lại là sự tận tụy với thần học.
Từ lâu, hầu hết các trí thức Tây phương đã coi rẻ thần học. Với họ, thần học là một hình thức suy tư tôn giáo trong quá khứ gắn liền với sự phi lý và tính giáo điều. Vì thế như Ludwig Feuerbach (1804- 74) đã nói, “Nhiệm vụ của thời hiện đại là biến đổi thần học thành nhân học”[5]. Trường phái Kinh viện cũng thế. Trong hầu hết các từ điển, Kinh viện được cho là “thông thái rởm và giáo điều”, cho thấy sự khô cằn trong hiểu biết của Giáo Hội thời trung cổ. John Locke, triết gia người Anh ở thế kỷ 18, cho rằng các nhà kinh viện là những bậc thầy trong việc sử dụng những từ ngữ vô dụng để “che giấu sự ngu dốt của mình”[6]. Gần đây hơn, Sir William Dampier (1867- 1952) nói thay cho các nhà hàn lâm khi ông than phiền là tư tưởng khoa học là “hoàn toàn xa lạ với tầm nhìn” của các nhà kinh viện, là những người giam mình trong “mớ hổ lốn của chiêm tinh, thuật giả kim, ma thuật và thuyết thần tri”[7] và dứt khoát là thù nghịch với chủ trương thực nghiệm.
Không phải thế đâu! Các nhà kinh viện là những học giả đúng nghĩa đã thành lập các đại học lớn của châu Âu, là những người đầu tiên hình thành và giảng dạy phương pháp thực nghiệm; chính họ là những người khai mở sự trỗi dậy của khoa học phương Tây.
Thần học là một ngành học đòi hỏi lý tính cao, bắt nguồn từ Do Thái giáo và triết học Hi Lạp, và được phát triển mạnh mẽ trong Kitô giáo. Sự tìm kiếm tri thức gắn liền với thần học hiểu như là những nỗ lực để hiểu biết Thiên Chúa nhiều hơn, từ đó cũng tìm hiểu công trình tạo dựng của Chúa – được thể hiện trong ngành học gọi là triết học tự nhiên, là việc nghiên cứu thiên nhiên và những hiện tượng tự nhiên. Trong thời trung cổ, rất nhiều triết gia kinh viện sáng giá đã làm gia tăng kiến thức ở phương Tây, trực tiếp dẫn đến cuộc cách mạng của Copernicus và những thành tựu khoa học nổi bật khác.
Thần học và triết học tự nhiên
Thần học là suy tư lý luận về Thiên Chúa. Thần học nhấn mạnh đến việc tìm tòi, khám phá bản tính Thiên Chúa, những ý định và đòi hỏi của Ngài, và tìm hiểu xem những điều đó xác định ra sao mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Các nhà thần học Kitô giáo qua nhiều thế kỷ đã tận tụy với việc tìm hiểu và lý luận không những về bản tính của Thiên Chúa, mà còn về những điều Ngài muốn nói qua các trang Kinh Thánh. Việc giải thích đó theo thời gian đã “tiến triển” rất nhiều. Chẳng hạn, không những Kinh Thánh không lên án khoa chiêm tinh nhưng xem ra câu chuyện Ba Đạo sĩ đi theo ánh sao để tìm Hài nhi Giêsu còn nhìn nhận khoa chiêm tinh nữa. Thế nhưng vào thế kỷ V, thánh Augustinô lý luận rằng chiêm tinh là tội lỗi vì việc tin rằng vận mệnh con người đã được định trước do các ngôi sao, điều đó đi ngược lại với niềm tin rằng ý chí tự do là quà tặng của Thiên Chúa cho con người[8]. Đây không phải là sự phóng đại Kinh Thánh nhưng là ví dụ cho thấy lý luận diễn dịch đã tác động thế nào trong việc hình thành giáo thuyết mới: Giáo hội đã cấm thực hành khoa chiêm tinh. Tương tự như thế, các nhà thần học thời Trung Cổ diễn dịch rằng các giáo thuyết trước đây ủng hộ chế độ nô lệ là sai lầm – chế độ nô lệ thực sự là đi ngược lại lề luật của Chúa. Những ví dụ trên cho thấy các bộ óc vĩ đại đã có thể thay đổi, kể cả đảo ngược giáo lý của Giáo Hội, không phải vì họ dựa trên những mặc khải mới nhưng chỉ vì họ vận dụng lý trí để suy tư.
Những nhà thần học hàng đầu như thánh Augustinô hay thánh Tôma Aquinô là những người tôn vinh lý trí như phương thế giúp hiểu biết hơn về Thiên Chúa. Bởi lẽ như Tertulianô ở thế kỷ II nói: “Lý tính là điều thuộc về Thiên Chúa. Không có gì mà Thiên Chúa Tạo hóa lại không dự liệu, an bài, sắp xếp bằng lý trí; cũng thế, không có gì mà Thiên Chúa lại không muốn lý trí có thể hiểu biết và điều hành”[9]. Nhưng có lẽ khẳng định mạnh mẽ nhất về mối liên kết giữa đức tin và lý trí là của Clementê ở thế kỷ III:
“Chúng tôi không nói rằng giáo lý Kitô chỉ được đón nhận bằng đức tin, nhưng chúng tôi nói rằng những giáo lý đó còn được khẳng định bằng lý trí. Vì quả thật, sẽ không an toàn nếu chỉ đón nhận bằng đức tin mà không có lý trí, bởi lẽ không thể đón nhận chân lý cách chắc chắn mà không có sự tham dự của lý trí. Do đó người nào đón nhận giáo lý cùng với lý trí sẽ không bị mất đi; đang khi đó người đón nhận giáo lý mà không có chứng minh, sẽ không chắc chắn điều đó có đúng không, cũng không giữ được cách vững chắc. Ai dễ dàng tin tưởng cũng dễ dàng thoái thác. Còn những ai tìm kiếm lý lẽ cho những điều họ tin và đón nhận, sẽ không bao giờ tách ra khỏi những điều họ tin tưởng. Do đó khi một người quan tâm đến việc tìm kiếm lý lẽ thì người đó cũng vững vàng hơn trong việc duy trì đức tin”[10].
Những tầm nhìn trên khiến cho R.W. Southern (1912-2001) cho rằng các nhà thần học kinh viện đã “làm cho con người nặng lý tính hơn, bản tính con người cao quý hơn, trật tự của Thiên Chúa trong vũ trụ mở ra cho sự tìm hiểu của con người, và toàn bộ phức hợp con người, thiên nhiên và Thiên Chúa trở nên dễ hiểu hơn… Nhưng – nhìn đơn giản như một nỗ lực thấu hiểu cấu trúc vũ trụ và… minh chứng phẩm giá của lý trí con người bằng cách chỉ cho thấy lý trí có thể biết mọi sự – tư tưởng đó là một trong những thể hiện mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa nhân bản khoa học”[11].
Sự dấn thân trong việc theo đuổi tri thức cho thấy trong thời trung cổ đã có sự liên kết hết sức chặt chẽ giữa thần học và triết học tự nhiên. Như Edward Grant ghi nhận, “Trong Kitô giáo phương Tây vào cuối thời Trung cổ… hầu như mọi nhà thần học chuyên nghiệp đều là những triết gia theo trường phái Triết học tự nhiên. Cấu trúc trong giáo dục đại học thời Trung cổ cũng cho thấy là hầu hết các nhà thần học trước đó đã từng dạy về triết học tự nhiên”[12]. Ngược lại, triết học tự nhiên là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong Hồi Giáo, “phải dạy riêng và thầm kín” vì có thể gặp nguy hiểm, và không bao giờ được các nhà tư tưởng nổi tiếng của Hồi Giáo giảng dạy. Đang khi đó, ở phương Tây, “triết học tự nhiên đã lôi cuốn những cá nhân tài năng, những người tin rằng họ được tự do trình bày ý kiến cách công khai về những vấn đề đặt nền móng cho ngành học”[13]. Không hề là phóng đại khi nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt tri thức trong mối liên hệ giữa thần học và triết học tự nhiên, vì chính mối liên hệ đó đã thúc đẩy sự tìm hiểu về thế giới tự nhiên vốn là “nội dung học thuật trong các đại học thời trung cổ”[14], và dẫn đến sự trỗi dậy của khoa học phương Tây.
Lập các trường đại học
Có lẽ vì chiều theo xu hướng chính trị trong thời đại chúng ta, hoặc đơn giản là vì hoàn toàn thiếu hiểu biết, gần đây đã có những nỗ lực cho rằng các đại học đầu tiên đã xuất hiện là ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Ba Tư. Dĩ nhiên thời xưa trong những đế quốc cổ xưa đã có các trường học chuyên giảng dạy kiến thức tôn giáo, cũng như những cơ sở dành cho những người chuyên tâm vào việc chiêm niệm và suy gẫm, và ở phương Tây cũng có như thế. Tuy nhiên, cũng như không có nhà thần học nào ở phương Đông, thì cũng không có cơ sở nào cổ xưa nào dành cho việc theo đuổi tri thức. Đúng hơn, như học giả Charles Homer Haskins (1870-1937) của đại học Harvard nhận xét: “Các đại học, cũng như các nhà thờ chính tòa và quốc hội, là sản phẩm của thời Trung cổ”[15]. Cụ thể hơn nữa, đó là sản phẩm của Giáo Hội thời trung cổ. Universitas mà chúng ta dịch là đại học là rút ngắn cụm từ universitas magistrorum et scholarium, nghĩa là cộng đồng của thầy và trò. Hầu hết những nơi trở thành đại học thời trung cổ là những nơi trước đó đã là trường dạy văn hóa tôn giáo, do các nhà thờ chính tòa và các tu viện đảm nhận, nhiều trường đã có từ thế kỷ VI. Các đại học đầu tiên được thiết lập chủ yếu là để vượt lên trên việc giáo huấn quen thuộc đó. Nhiệm vụ của đại học là hướng tới việc “học cao hơn”, nghĩa là tìm kiếm, theo đuổi tri thức. Dĩ nhiên để làm được điều đó, các giáo sư không chỉ đơn thuần là tụng lại sự khôn ngoan đã lãnh nhận, nhưng họ đề cao sự canh tân đổi mới. Marcia L. Colish mô tả rất rõ như sau:
“Các nhà kinh viện xem xét lại những tác giả trong quá khứ và những ý kiến hiện nay, để phân tích và trình bày những lý lẽ phi bác hoặc chấp nhận. Nói chung, phương pháp làm việc trong đầu thế kỷ 12 cho thấy các nhà kinh viện mong muốn và sẵn sàng phê phán các tài liệu nền tảng trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Thay vì chỉ đơn giản là đón nhận và khai triển những truyền thống Kitô và kinh điển, họ đặt sang một bên những ý tưởng nào trong truyền thống đó mà không còn hữu dụng nữa…”[16]
Điều rất quan trọng là ngay từ đầu, các đại học lớn thời Trung cổ đã theo trường phái chủ trương thường nghiệm (empiricism). Nếu có thể đem một kết luận trí thức nào đó ra xét nghiệm thì nên tiến hành. Rõ nét nhất là trong việc nghiên cứu sinh lý học con người[17]. Chính các nhà kinh viện – chứ không phải người Hi Lạp, Rôma, Hồi giáo, hay Trung hoa, là những người đặt nền móng cho việc mổ xẻ thân xác. Thật vậy, vào thời xưa, “phẩm giá thân xác con người không cho phép việc mổ xẻ”[18], đó là lý do ngành giải phẫu của Hi Lạp và Rôma chậm tiến. Các nghiên cứu của Aristotle chỉ giới hạn trong việc mổ xẻ xác loài vật, Celsius và Galen cũng thế. Hồi giáo cũng cấm việc mổ xẻ tử thi. Thế nhưng với sự thành lập các đại học Kitô giáo, một cái nhìn mới về mổ xẻ xuất hiện. Khởi điểm là giả thiết rằng cái làm nên tính độc đáo nơi con người là linh hồn chứ không phải thân xác. Do đó việc mổ xẻ thân xác con người không có hệ lụy nào về thần học. Từ đó, hai hệ luận được thêm vào. Thứ nhất là xét nghiệm pháp y. Rất nhiều kẻ sát nhân đã thoát tội vì thân xác nạn nhân không được xem xét kỹ sau khi chết. Thứ hai là để có được sự hiểu biết y khoa đầy đủ thì cần phải có khoa giải phẫu.
Do đó trong thế kỷ 13, chính quyền (nhất là ở những thành phố đại học) cho phép mổ tử thi nếu có nghi ngờ về nguyên nhân cái chết. Rồi đến cuối thế kỷ, Mondino de Luzzi (1270-1326) viết sách giảng dạy về mổ xẻ, dựa trên nghiên cứu của ông về hai xác phụ nữ[19]. Tiếp theo đó, năm 1315, ông tiến hành một cuộc mổ xẻ trước mặt cử tọa là các sinh viên và giáo sư đại học Bologna. Từ đó, việc mổ tử thi lan rộng khắp các đại học ở Italia, lại càng được thúc đẩy do nạn dịch tàn phá thế giới vào giữa thế kỷ 13, được gọi là Cái Chết Đen. Việc mổ tử thi bắt đầu ở Tây Ban Nha năm 1391, rồi ở Vienna năm 1404[20]. Việc mổ tử thi không còn là chuyện họa hiếm nhưng đã thành quen thuộc trong các lớp về giải phẫu. Cần ghi nhận rằng việc mổ tử thi này không gặp sự chống đối nghiêm trọng nào từ phía Giáo Hội[21].
Hơn nữa, sự phổ biến của việc mổ xẻ còn cho thấy tính tự trị của các đại học thời Trung cổ. Nathan Schachner (1895-1955) giải thích: “Đại học là đứa con được nuông chiều quá đáng của Giáo hoàng và Hoàng đế. Đại học được trao cho những đặc quyền mà trước đây và cả sau này cũng không có được. Ngay cả hàng giáo phẩm trong Giáo Hội cũng phải kiêng nể một học giả nghèo vì ông ta có sự bảo trợ của đại học. Các thành phố thi nhau để có đại học trong thành phố của mình; các Giáo hoàng can thiệp để hàng vua chúa tôn trọng sự bất khả xâm phạm của đại học”[22].
Không những các đại học được tự trị mà ở mức độ nào đó, các giáo sư cũng thế. Thật thú vị khi thấy các học giả chuyển từ đại học này đến đại học khác, không gặp khó khăn vì khắp nơi việc giảng dạy đều dùng tiếng La tinh, nên không có rào cản về ngôn ngữ. Thật vậy, dù thời đó còn ít phương tiện di chuyển nhanh nhưng các học giả hàng đầu đều biết nhau, từ Ba Lan đến Anh Quốc. Và cũng như ngày nay, họ nổi tiếng và được mời đến một đại học khác là vì sự canh tân, đổi mới. Không phải vì họ biết từng chữ trong tác phẩm của Aristotle nhưng vì họ phát hiện những sai lầm của Aristotle. Như William of Auvergne (118-1249), một giáo sư đại học Paris, viết: “Đừng nghĩ rằng tôi muốn dùng chữ nghĩa của Aristotle như thẩm quyền minh chứng cho những gì tôi sắp nói đây, vì tôi biết rằng bằng chứng dựa vào thẩm quyền của người khác chỉ có thể sinh ra niềm tin, đang khi trong giảng khóa này và bất cứ khi nào có thể, mục đích của tôi là cung cấp sự xác thực có thể chứng minh được”[23]. Sẽ được coi là tốt hơn nếu khám phá ra điều gì mà các tác giả kinh điển chưa biết tới. Thế nên thật là ngu xuẩn nếu cho rằng các nhà kinh viện chỉ biết nhai đi nhai lại các tín điều và các công thức thần học cũ kỹ.
Đại học đầu tiên được thành lập ở Bologna, miền bắc Italia, khoảng năm 1088. Kế đó là đại học Paris khoảng năm 1150, Oxford năm 1167, Palencia năm 1208, Cambridge năm 1209, tiếp theo đó là 24 đại học khác cho đến cuối thế kỷ 14: Montpellier, Siena, Toulouse, Orleans, Naples, Salamanca, Seville, Lisbon, Grenoble, Padua, Rome, Perugia, Pisa, Moderna, Florence, Prague, Cracow, Vienna, Heidelberg, Cologne, Ofen, Erfrurt, Leipzig, và Rostok. Trong thế kỷ tiếp theo, ít nhất là có thêm 28 đại học nữa, trong đó có một đại học ở Thụy Điển (1477).
Đường dẫn đến cuộc “cách mạng khoa học”
Cũng như không có cái gọi là “Thời đại tăm tối” (Dark ages) thì cũng không có cái gọi là “Cách mạng khoa học”. Đúng hơn, “cách mạng khoa học” là một khái niệm được sáng chế ra để tấn công Giáo Hội thời trung cổ, cho rằng khoa học chỉ bùng nổ khi Kitô giáo suy yếu và không còn có thể đàn áp nữa. Thế nhưng, như chúng ta sẽ thấy, các thành tựu khoa học lớn của thế kỷ 16 và 17 là sản phẩm của một nhóm các học giả nổi tiếng về lòng đạo, làm việc trong các đại học Kitô, và những thành tựu của họ được xây nền trên di sản hằng thế kỷ của các nhà kinh viện sáng giá[24].
Vì khởi đầu của cái gọi là cách mạng khoa học thường được gán cho Nicolaus Copernicus (1473-1543), nên cần phải biết về ông và những nhà trí thức trước ông để chứng minh rằng công trình của ông là công trình khoa học “bình thường”.
Theo những gì người ta thường nói thì Copernicus là một linh mục Công giáo vô danh ở Ba Lan, một thiên tài bị cô lập vì đã khám phá ra rằng trái đất quay chung quanh mặt trời, ngược lại những gì mọi người vẫn tin tưởng. Hơn thế nữa, người ta cho rằng Giáo Hội đã tìm mọi cách để dập tắt khám phá này.
Câu chuyện trên đúng là tiểu thuyết hơn là sự kiện lịch sử. Thay vì là một linh mục Ba Lan vô danh, Copernicus đã được lãnh nhận nền giáo dục tuyệt hảo trong những đại học tốt nhất vào thời đó ở Italia: Bologna, Padua, va Ferrara. Ý tưởng trái đất quay quanh mặt trời không đến với Copernicus như từ trời rơi xuống; ông đã được các giáo sư kinh viện dạy những nền tảng thiết yếu dẫn đến mô hình nhật tâm (mặt trời trung tâm, heliocentric) của hệ mặt trời. Điều mà Copernicus thêm vào không phải là một bước nhảy nhưng chỉ là bước tiếp theo trong dây chuyền dài của những khám phá và phát minh tính từ những thế kỷ trước. Tôi đã trình bày chi tiết dây chuyền các học giả kinh viện nổi bật này trong quyển How the West Won (2014): Robert Grosseteste (1168-1253), Albertô Cả (1200-1280), Roger Bacon (1214-1294), William of Ockham (1295-1349), Nicole d’Oresme (1325-1382), Nicolas of Cusa (1401-1464), Nicolaus Copernicus (1473-1543).
Khoa học đến tuổi trưởng thành
Isaac Newton có nhận xét nổi tiếng: “Nếu tôi nhìn thấy xa hơn, đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Tiếc thay ít người trích dẫn câu này hiểu được rằng Newton không chỉ nói cách nghiêm túc mà ông còn trình bày một sự thật. Khoa học không bất ngờ vọt lên thành cuộc cách mạng khoa học vĩ đại trong thời của Newton; thời kỳ của những thành tựu tuyệt vời này là đỉnh cao của tiến trình phát triển thông thường của khoa học qua nhiều thế kỷ. Thế nhưng ý niệm cho rằng cách mạng khoa học vọt lên trong thế kỷ 16 đã ăn sâu vào văn hóa của chúng ta đến nỗi Steven Shapin đã trình bày nghiên cứu mới đây của mình bằng một lời hóm hỉnh: “Không có những chuyện gọi là cách mạng khoa học đâu, và quyển sách này nói về điều đó”[25]. Tuy nhiên cần phải xác định xem điều gì đã xảy ra trong thời được gọi là “tuổi trưởng thành” của khoa học phương Tây. Vấn đề cần được quan tâm là: Phải chăng các nhà khoa học lớn trong thời Khai Sáng đều chống lại Giáo Hội?
Các sử gia thường sai lầm khi chỉ dựa vào một ví dụ không mang tính điển hình. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng những phương pháp tính toán cho đúng đắn. Thay vì chỉ kê khai những nhà khoa học nổi tiếng là Thệ Phản, hoặc là không tôn giáo, hoặc là giáo sĩ, chúng ta sẽ có những kết quả đáng tin hơn nếu phân tích tất cả các nhà khoa học nổi tiếng trong thời kỳ này. Do đó trong phân tích của tôi, tôi xác định tất cả các ngôi sao trong khoa học ở thời kỳ này, tính từ khi xuất hiện tác phẩm De revolutionibus của Copernicus năm 1543 đến năm 1680. Tôi chọn các nhà khoa học này dựa vào một số bộ Bách khoa toàn thư chuyên ngành, và các từ điển về tiểu sử, trong đó có Encyclopedia of Science and Technology của Isaac Asimov (1982) là tác phẩm đáng tin cậy. Khi chọn lựa các nhà khoa học, tôi không quan tâm đến tôn giáo của họ, dù là Thệ Phản, Công giáo, hay không tôn giáo. Rồi sau khi tập họp được danh sách, tôi tìm hiểu thêm những nguồn khác, kể cả tiểu sử cá nhân, để xác định các sự kiện mà tôi muốn biết và so sánh. Cuối cùng tôi có được danh sách và những dữ kiện về 52 nhà khoa học[26].
Các nhà khoa học “khai sáng”
Cũng như một nhóm các triết gia thế kỷ 18 đã sáng chế ra khái niệm “Thời tăm tối” để phi bác Kitô giáo, thì họ cũng gán cho thời đại của họ là “Khai sáng” với lý luận rằng thời tăm tối của tôn giáo đã bị chủ nghĩa nhân bản thế tục đẩy lui. Như Bertrand Russell (1872-1970) giải thích: “Khai sáng chủ yếu là đánh giá lại hoạt động trí thức độc lập, nhằm soi sáng những nơi trước đây bị tăm tối che phủ”[27]. Voltaire, Rousseau, Locke và những tác giả khác cũng say sưa với những thành tựu của “Cách mạng khoa học” khi họ ca tụng chiến thắng của chủ nghĩa thế tục, cuối cùng Marquis Laplace cho rằng Thiên Chúa là một giả thuyết không còn cần thiết nữa. Dĩ nhiên chẳng có ai trong những nhân vật được gọi là “khai sáng” kể trên đóng góp được gì cho khoa học. Thế còn những người họ nói tới thì sao? Phải chăng đó là những người hoài nghi như họ? Không phải thế.
Trước hết, trong số 52 nhà khoa học thuộc hàng ngôi sao, có 13 người (tức là 25%) thuộc thành phần giáo sĩ, 9 người trong số họ là Công giáo Rôma. Thêm vào đó, tôi có ghi chú về lòng đạo của từng vị. Để ghi chú là sùng đạo, tôi đòi hỏi bằng chứng hiển nhiên đặc biệt về đời sống tôn giáo. Ví dụ, Robert Boyle đã tiêu một khoản tiền lớn cho việc dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ ngoài phương Tây. Isaac Newton viết về thần học nhiều hơn là viết về vật lý, ông còn tính toán ngày Tái Lâm của Chúa sẽ diễn ra vào năm 1948. Tương tự như thế, Johannes Kepler quan tâm nhiều đến khoa thần bí và những vấn đề về Kinh Thánh, ông dành nhiều nỗ lực cho việc tìm ra ngày Thiên Chúa dựng nên trái đất, được ông cho là năm 3992 trước Công nguyên.
Tôi ghi chú là đạo đức để dành cho các vị mà tiểu sử của họ không cho thấy họ là người hoài nghi, nhưng đồng thời cũng không nổi bật về lòng đạo. Một ví dụ là Marcello Malpighi, nghiên cứu của ông về quả tim con gà được coi là một trong những thành tựu nổi bật của khoa sinh học thế kỷ 17. Nhưng tiểu sử của ông không cho thấy bằng chứng về mối quan tâm đến Thiên Chúa như trong trường hợp của Boyle và Newton. Đàng khác, ông đã về Rôma và thành bác sĩ riêng của Giáo hoàng Innocentê XII, vị giáo hoàng rất đạo đức của thời chống Cải cách, chắc chắn ngài cũng mong muốn những người gần gũi ngài là người đạo đức. Có thể tôi đã đánh giá hơi thấp về lòng đạo của Malpighi và những vị khác, nhưng chắc chắn là không đề cao quá đáng lòng đạo của họ.
Cuối cùng, tôi ghi chú là hoài nghi cho vị nào mà tôi có thể suy luận là không tin hoặc ít ra là hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong số 52 ngôi sao khoa học, chỉ có 1 vị là Edmund Halley, ông đã bị từ chối, không được nhận chức giáo sư ở Oxford với cáo buộc là “vô thần”.
Sau đây là bảng trình bày về 52 ngôi sao khoa học:
Lòng đạo | Số người | Phần trăm |
Sùng đạo | 31 | 60% |
Đạo đức | 20 | 38% |
Hoài nghi | 1 | 2% |
Tổng cộng | 52 | 100% |
Rõ ràng những thành tựu khoa học nổi bật trong thế kỷ 16 và 17 không phải là công trình của những kẻ hoài nghi nhưng là của các Kitô hữu, 60% trong số họ là những người sùng đạo. Thời Khai sáng chỉ là khái niệm tưởng tượng cũng như Thời tăm tối, cả hai khái niệm đó đều phát xuất từ cùng những con người với cùng những lý do.
Nguồn gốc tôn giáo của khoa học
Khoa học chỉ nổi lên ở châu Âu theo Kitô giáo vì chỉ những người Âu châu thời Trung cổ mới tin rằng khoa học là có thể và đáng mong ước. Và nền tảng của niềm tin này là quan niệm, hình ảnh (của Kitô giáo) về Thiên Chúa và công trình tạo dựng của Ngài. Đây là khẳng định mạnh mẽ của Alfred North Whitehead (1861- 1947), triết gia và nhà toán học vĩ đại người Anh, trước cử tọa là các học giả nổi tiếng, trong bài thuyết trình 1925 Lowell Lectures tại đại học Harvard. Ông giải thích rằng khoa học phát triển ở châu Âu nhờ “niềm tin vào khả năng của khoa học… niềm tin đó phát xuất từ thần học trung cổ”[28]. Tuyên bố này đã làm cho không những cử tọa hôm đó phải ngạc nhiên mà hơn nữa mọi trí thức Tây phương đều ngạc nhiên khi bài thuyết trình này được xuất bản. Tại sao một nhà tư tưởng tầm cỡ thế giới, đồng tác giả với Bertrand Russell qua tác phẩm Principia Mathematica (1910-1913) lại không biết rằng tôn giáo là kẻ thù dai dẳng của khoa học? Thực ra, Whitehead hiểu biết hơn chúng ta!
Whitehead nhìn nhận rằng thần học Kitô giáo đã đóng vai trò thiết yếu trong sự trỗi dậy của khoa học, trong khi những nền thần học ngoài Kitô giáo đã làm cho khoa học khô cứng ở những nơi khác. Ông giải thích:
“Đóng góp lớn nhất của thời Trung cổ cho việc hình thành phong trào khoa học là niềm tin sâu xa rằng… có một bí mật, và bí mật đó có thể được vén màn. Xác tín đó đã được ghi sâu vào tâm trí người phương Tây như thế nào?… Xác tín đó phát xuất từ chỗ thời Trung cổ nhấn mạnh đến lý tính của Thiên Chúa, được quan niệm như năng lực ngã vị thể hiện qua Yahweh, và với lý tính thể hiện qua triết học Hi Lạp. Tất cả mọi chi tiết đều đã được sắp xếp và giám sát: việc tìm hiểu nghiên cứu thiên nhiên chỉ có thể phát xuất từ niềm tin vào lý tính”[29].
Dĩ nhiên Whitehead chỉ tóm tắt điều mà rất nhiều nhà khoa học vĩ đại trước đó đã nói. René Descartes biện minh cho việc tìm hiểu “các luật” trong tự nhiên bằng lý luận rằng những luật đó phải hiện hữu vì Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo, do đó “Ngài hành động theo cách bền vững và bất di bất dịch”[30]. Nghĩa là vũ trụ hoạt động theo các quy luật của lý trí. Cũng thế, nhà kinh viện Nicole d”Oresme cho rằng “công trình tạo dựng của Chúa cũng giống như việc con người làm ra đồng hồ, rồi để đồng hồ đó tự nó chuyển động”[31]. Hơn thế nữa, vì Thiên Chúa đã ban cho con người năng lực lý trí nên con người chúng ta phải khám phá những luật Thiên Chúa đã thiết lập.
Quả thật, như Whitehead nhận xét, nhiều nhà khoa học thời xưa cảm nhận sự thúc bách phải tìm hiểu các bí mật trong tự nhiên. Cũng nên ghi nhận thêm là do cùng một cội nguồn, quan niệm trong Do Thái giáo về Thiên Chúa cũng thích hợp cho khoa học phát triển như trong Kitô giáo[32]. Tuy nhiên người Do Thái trước đây là một cộng đoàn nhỏ, sống rải rác khắp nơi, thường xuyên bị đàn áp, do đó không đóng góp nhiều trong sự trỗi dậy của khoa học, nhưng sau này có nhiều nhà khoa học xuất sắc là người Do Thái.
Ngược lại, hầu hết các tôn giáo ngoài truyền thống Do Thái – Kitô giáo đều không mặn mà với công trình tạo dựng. Người ta cho rằng vũ trụ là vĩnh cửu, vô thủy vô chung, không phải đã được tạo thành, cho nên không có Đấng Tạo hóa. Từ quan điểm này, vũ trụ là một huyền nhiệm, bất định, không thể định đoán, và có lẽ độc đoán nữa. Với những người theo quan điểm này, nẻo đường duy nhất để đạt tới minh triết là chiêm niệm và linh hứng – không có chuyện lý luận ở đây. Thế nhưng nếu vũ trụ đã được tạo dựng phù hợp với các quy luật của lý trí, do Đấng Tạo hóa hoàn hảo và có lý tính, thì cần lấy lý trí và sự quan sát để tìm hiểu. Do đó, thiên nhiên là một quyển sách cần phải đọc.
Dĩ nhiên người Trung Quốc “coi tư tưởng đó là quá ngây thơ trước sự tinh tế và phức tạp của vũ trụ như họ trực giác thấy”[33], đó là lời giải thích của Joseph Needam (1900-1995), sử gia Oxford về khoa công nghệ Trung Quốc. Đối với người Hi Lạp, nhiều người cũng coi vũ trụ là vĩnh cửu và không được tạo dựng. Aristotle lên án ý tưởng cho rằng “vũ trụ đã hiện hữu lúc nào đó trong thời gian”[34], coi đó là chuyện không thể tưởng tượng được. Thật vậy, không có vị thần Hi Lạp nào có thể thực hiện một công trình tạo dựng như thế. Nhưng điều tệ hại nhất là người Hi Lạp đã biến vũ trụ và những vật vô tri vô giác trong vũ trụ thành những hữu thể sống động. Vì thế họ gán nhiều hiện tượng tự nhiên cho những hữu thể này. Theo Aristotle, các thiên thể chuyển động là vì chúng thích làm như thế và các vật thể rơi xuống đất vì “tình yêu bên trong của chúng với trái đất”[35]. Với Hồi giáo, quan niệm của họ về Allah đối nghịch với sự tìm kiếm khoa học. Trong Kinh Coran, không có chỗ nào gợi ý rằng Allah đã làm nên vũ trụ và để cho nó vận hành. Đúng hơn, họ cho rằng Allah thường xuyên đi vào thế giới và thay đổi mọi sự như Ngài muốn. Do đó, trong nhiều thế kỷ, nhiều học giả uy tín của Hồi Giáo cho rằng mọi nỗ lực tìm kiếm các luật tự nhiên là phạm thượng, vì như thế là từ chối hành động tự do của Allah. Chính vì thế, hình ảnh của họ về Thiên Chúa đã làm suy yếu nỗ lực khoa học ở Trung Quốc, Hi Lạp cổ, và Hồi Giáo[36].
Chỉ vì người Âu châu tin vào Thiên Chúa như Nhà thiết kế thông minh của vũ trụ này nên họ mới theo đuổi việc tìm hiểu công trình tạo dựng. Nói như Johannes Kepler, “Mục đích chính của mọi nghiên cứu thế giới bên ngoài là để khám phá trật tự và sự hài hòa mà Thiên Chúa đã định đặt, và Thiên Chúa bày tỏ điều đó cho chúng ta qua ngôn ngữ toán học”[37]. Tương tự như thế, trong di chúc cuối cùng của mình, Robert Boyle (1627-1691) viết cho các thành viên Hội hoàng gia Luân Đôn rằng ông mong muốn họ tiếp tục những thành công “trong nỗ lực đáng khen ngợi là khám phá bản tính đích thực trong những công trình của Chúa”[38].
Có lẽ khía cạnh đáng lưu tâm nhất trong sự trỗi dậy của khoa học là không những các nhà khoa học thuở đầu tìm kiếm các luật tự nhiên vì tin rằng chúng có thật, nhưng còn vì họ đã tìm ra được! Vì thế có thể nói quan niệm cho rằng vũ trụ này có một Nhà thiết kế thông minh, (quan niệm đó) là ý tưởng nền tảng nhất trong mọi lý thuyết khoa học, và quan niệm đó đến nay vẫn được xác định là đúng. Albert Einstein (1879-1955) từng ghi nhận rằng điều khó hiểu nhất về vũ trụ là vũ trụ này có thể hiểu được: “Cách tiên thiên, chúng ta đợi chờ một thế giới hỗn mang mà tâm trí con người không thể nào nắm bắt được… Quả là “phép lạ” và phép lạ đó càng được củng cố khi tri thức của chúng ta mở rộng ra”[39]. Phép lạ đó làm chứng về vũ trụ và thế giới này được hướng dẫn bởi lý tính và ý định (của Nhà thiết kế thông minh).
Dĩ nhiên sự trỗi dậy của khoa học đã làm phát sinh một vài xung đột với Giáo Hội Công giáo cũng như với Thệ Phản lúc đầu. Nhưng điều đó không hề làm suy giảm vai trò thiết yếu của quan niệm Kitô giáo về Thiên Chúa trong việc biện minh và thúc đẩy khoa học; nó chỉ cho thấy là nhiều nhà lãnh đạo Kitô giáo đã không hiểu rõ sự khác biệt giữa khoa học và thần học, về lãnh vực và về phương pháp. Các nhà thần học Kitô giáo suy luận về bản tính và ý định của Thiên Chúa khởi đi từ Kinh Thánh, còn các nhà khoa học cố gắng khám phá công trình tạo dựng của Thiên Chúa bằng những phương thế thường nghiệm. Về nguyên tắc, hai nỗ lực trên không chồng chéo nhau, nhưng trong thực hành đôi khi các nhà thần học cảm thấy một lập trường khoa học tấn công đức tin tôn giáo (quả thật một vài nhà khoa học đã tấn công tôn giáo vì họ lẫn lộn hai lãnh vực).Trước đây, một cuộc tranh cãi lớn đã diễn ra vì các nhà thần học Công giáo cũng như Thệ phản đều không muốn chấp nhận rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, kể cả không phải là trung tâm của hệ mặt trời. Cả Luther và Giáo hoàng đều chống lại quan điểm của Copernicus và cố gắng phủ nhận, nhưng nỗ lực của họ ít có tác động và không hề là quá đáng. Không may, cuộc xung đột nhỏ này lại bị thổi bùng lên thành chuyện lớn, do những người muốn vận dụng sự kiện đó để chứng minh rằng tôn giáo là kẻ thù cay đắng của khoa học, và họ biến Galilêô thành vị anh hùng bị niềm tin mù quáng giết chết. Như Voltaire kể : “Galileo vĩ đại gặm nhấm tháng ngày trong những nhà tù của Tòa dị giáo, vì ông đã chứng minh sự chuyển động của trái đất bằng những chứng cứ không thể chối cãi”[40]. Giuseppe Baretti thêm thắt vào, “Galileo bị tra tấn vì nói rằng trái đất quay”[41].
Còn Galileo thì sao?
Đúng là Galileo đã bị gọi ra trước Tòa dị giáo ở Rôma và bị cáo buộc đã giảng dạy lạc giáo cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời chứ không phải ngược lại. Và ông bị bó buộc phải rút lại. Nhưng ông không bị nhốt trong tù cũng không bị tra tấn; ông bị quản thúc trong một ngôi nhà tiện nghi, nơi ông sống tới khi chết năm 78 tuổi. Điều quan trọng hơn, cái làm cho Galileo gặp trục trặc với Giáo Hội không phải là những xác tín khoa học của ông, cho bằng tính kiêu căng và hai mặt của ông. Câu chuyện xảy ra như sau.
Từ lâu trước khi trở thành Giáo hoàng Urbanô VIII (phục vụ từ 1623-1644), khi còn là hồng y, Maffeo Barberini đã biết và quý mến Galilêô. Năm 1623, khi xuất bản tác phẩm Assayer, Galilêô đã đề tặng quyển sách cho Barberini, và người ta nói rằng vị Giáo hoàng hài lòng vì trong đó có nhiều phê phán chống lại một số học giả dòng Tên. Assayer chủ yếu tấn công Orazio Grassi, nhà toán học dòng Tên đã xuất bản một nghiên cứu đúng đắn về sao chổi như những thiên thể nhỏ. Galilêô chế nhạo lập trường này, lập luận cách sai lầm rằng sao chổi chỉ là những phản chiếu trên hơi nước bốc lên từ trái đất[42]. Dù thế nào chăng nữa, Assayer đã khiến Giáo hoàng Urbanô VIII viết một bài thơ ca tụng vinh quang của khoa thiên văn. Vậy đã có chuyện gì không ổn?
Điều quan trọng là phải đặt câu chuyện Galilêô vào bối cảnh lịch sử của nó. Vào thời đó, cuộc Cải cách (Thệ phản) đang thách thức miền bắc châu Âu, và cuộc chống Cải cách của Công giáo đang nở rộ. Một phần là để chống lại những cáo buộc của Thệ phản cho rằng Giáo Hội Công giáo không trung thành với Kinh Thánh, nên Giáo Hội đưa ra những hạn chế trong nghiên cứu thần học, từ đó dẫn đến sự can thiệp của Giáo Hội vào những tranh luận hàn lâm và khoa học. Tuy nhiên, Đức Urbanô VIII và những quan chức cao cấp khác không có ý trù dập các nhà khoa học, thay vào đó là đề nghị những phương thế để tránh bất cứ xung đột nào giữa khoa học và thần học, bằng cách tách biệt hai lãnh vực. Vì thế Marin Mersenne khuyên các nhà khoa học bảo vệ nghiên cứu của họ bằng lý luận rằng Thiên Chúa hoàn toàn tự do đặt trái đất ở nơi nào Ngài muốn, và bổn phận của khoa học là tìm ra nơi Chúa đã đặt[43]. Các nhà khoa học thận trọng hơn thì chọn chiến thuật là coi các kết luận khoa học chỉ là giả thuyết hoặc tính toán, do đó không mang nội hàm thần học trực tiếp nào cả. Và đó cũng là điều Giáo hoàng mong Galilêô làm, nghĩa là nhìn nhận rằng “không thể đạt đến những kết luận tối hậu trong khoa học tự nhiên. Thiên Chúa theo sự toàn năng của Ngài có thể làm ra một hiện tượng tự nhiên bằng nhiều cách, do đó thật là ngạo mạn nếu bất cứ triết gia nào cho rằng lập trường của mình là giải pháp duy nhất”[44].
Xem ra đó là một lối thoát nhẹ nhàng. Galilêô lại có khuynh hướng gán cho mình những phát minh của người khác, chẳng hạn kính viễn vọng, hoặc là những nghiên cứu thực nghiệm mà ông không làm, ví dụ thả các vật nặng rơi xuống từ tháp nghiêng Pisa. Điều đó có nghĩa là về chuẩn mực đạo đức, Galilêô khó lòng hợp với Giáo hoàng. Ông còn thách thức Giáo hoàng một cách xúc phạm.
Năm 1632, Galilêô xuất bản quyển Cuộc đối thoại giữa hai hệ thống về thế giới. Mục đích của quyển sách là trình bày giải thích về hiện tượng thủy triều, hai thế giới quan ở đây là của Ptolemy theo đó mặt trời quay quanh trái đất, và của Copernicus theo đó trái đất quay quanh mặt trời. Cuộc đối thoại gồm có 3 nhân vật, hai triết gia và một dân thường. Chính người dân thường, tên là Simplicio, là người trình bày quan điểm truyền thống theo Ptolemy (đang khi tên gọi Simplicio rất gần với một từ trong tiếng Ý có nghĩa là ngu ngốc, khờ khạo, simpleton). Rồi ông đưa ra những lập luận chế nhạo đối thủ.
Quyển sách đã gây phẫn nộ và dễ hiểu là Giáo hoàng thấy mình bị phản bội. Về phần Galilêô, ông vẫn cho rằng Dòng Tên và các giáo sư đại học là những người đã gây khó khăn cho ông. Dù vậy, Giáo hoàng vẫn dùng quyền của mình để bảo vệ Galilêô khỏi phải chịu những hình phạt nặng. Không may là hành động thách thức của Galilêô đã làm dấy lên phản ứng của phong trào chống Cải cách trong Giáo Hội, khiến cho tự do trí thức bị giới hạn lại. Điều khôi hài là những gì Galilêô trình bày trong quyển sách như là khoa học đúng đắn thì thực ra không phải thế; chẳng hạn lý thuyết của ông về thủy triều bị cho là vô nghĩa như Albert Einstein đã chỉ cho thấy trong Lời tựa bản dịch quyển sách này năm 1953[45]. Cũng oái ăm nữa là phán quyết chống lại Galilêô một phần bị tác động bởi nỗ lực của các nhà lãnh đạo Giáo Hội nhằm đàn áp các nhà chiêm tinh – một vài nhà thần học đã nhầm lẫn khi đánh đồng lập trường trái đất quay quanh mặt trời với những lý thuyết cho rằng vận mệnh con người được điều hành bởi chuyển động của các thiên thể.
Vậy, trường hợp Galilêô nói lên điều gì? Trường hợp đó cho thấy luôn có những nhóm hoặc tổ chức quyền thế lạm dụng quyền lực của họ để áp đặt niềm tin của họ lên người khác. Dĩ nhiên điều này không chỉ liên quan đến các tổ chức tôn giáo nhưng còn liên quan đến mọi tổ chức xã hội. Câu chuyện này cũng cho thấy Galilêô không phải là một học giả ngây thơ bị trở thành nạn nhân của đám người cố chấp ngu muội. Dù sao chăng nữa, trường hợp nổi tiếng này cũng không làm thay đổi thực tế là sự trỗi dậy của khoa học đã bắt rễ sâu từ thần học Kitô giáo. Galilêô vẫn là người có niềm tin tôn giáo sâu xa. Như William Shea ghi nhận, “Nếu Galilêô ít sùng đạo hơn, có lẽ ông đã từ chối không đi Rôma (khi bị Tòa dị giáo triệu tập); Venice đã đề nghị cung cấp cho ông nơi ẩn náu”[46]. Thế nhưng ông đã không chạy trốn đến Venice và vẫn luôn bày tỏ đức tin của mình cho con gái cũng như bạn bè ông trong suốt cuộc xử án.
Kết luận
Dù Kitô giáo đã đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển khoa học ở phương Tây, thì sự lệ thuộc đó nay không còn nữa. Khoa học đã đứng trên đôi chân của mình và xác tín rằng những bí mật của tự nhiên sẽ nhường bước cho những nghiên cứu, xác tín đó không còn mang tính tôn giáo nhưng là thế tục. Sự trỗi dậy của các cơ sở khoa học độc lập đã làm nảy sinh những căng thẳng mới giữa thần học và khoa học. Ngày nay có những nhóm chiến binh vô thần (chỉ có vài người trong họ là nhà khoa học) đang quyết liệt tấn công tôn giáo, coi tôn giáo là dị đoan và vô nghĩa, nhân danh khoa học để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và khả thể của các phép lạ. Thế nhưng họ không nhận ra rằng khoa học chỉ giới hạn ở cái thường nghiệm, ở thế giới tự nhiên và chẳng có quyền nói gì về thực tại thiêng liêng, vượt trên cái thường nghiệm.
Điều lạ lùng là nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong số những chiến binh vô thần này lại tin rằng có những hữu thể “giống như thần thánh” ở những hành tinh xa xôi. Như Richard Dawkins giải thích trong quyển The God Delusion (2006): “Dù chúng ta có biết về họ hay không, có thể là có các nền văn minh khác cao hơn của loài người, đến độ giống như thần thánh, vượt trên bất cứ điều gì mà một nhà thần học có thể hình dung”[47].
Văn phòng Thư ký HĐGM
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020)
[1] Keefe, Donal J. 1986, “Tracking a Footnote”. Catholic Scholar”s Newsletter 9:4.
[2] Godkin, Georgina Sarah, 1879, Life of Victor Emmanuel II, Volume 1, London: Macmillan and Company, xiv.
[3] Quoted in Finocchiaro, 2009, 68.
[4] Gribbin, John. 2006, The Fellowship: Gilbert, Bacon, Harvey, Wren, Newton, and the Story of a Scientific Revolution. New York: Overlook Press. xiv.
[5] Feuerbach, Ludwig, 1986, Principles of the Philosophy of the Future. Indianapolis: Hackett Publishing Co.
[6] Locke, Essay Concerning Human Understanding 3-9.
[7] Quoted in Dales, Richard C. 1994, The Scientific Achievement of the Middle Ages. Philadelphia : University of Pennsylvania Press. 170.
[8] Augustine, City of God 5:1
[9] On Repentance 1.
[10] Clement, Recognitions of Clement II: LXIX.
[11] Southern, 1970, 49.
[12] Grant, Edward. 1996. The Foundation of Modern Science in the Middle Ages: Their Religious, Institutional, and Intellectual Context. Cambridge University Press. 182.
[13] Ibid., 183.
[14] Ibid., 184.
[15] Haskins, Charles Homer. 2002. The Rise of Universities. New Brunswick, NJ: Transaction. 3.
[16] Colish, Maria L. 1997. Medieval Foundation of the Western Intellectual Tradition, 400-1400. New Haven, CT: Yale University Press. 266.
[17] Grant, 1996; Porter, 1998.
[18] Porter, Roy. 1998. The Greatest Benefit to Mankind: A Medical History of Humanity. New York: W.W.Norton.
[19] Mason, Stephen F. 1962. A History of the Sciences. Rev. ed. New York: Macmillan.
[20] Porter, 1998.
[21] Grant 1996, 205.
[22] Schachner, Nathan. 1938. The Medieval Universities. New York: Frederick A. Stokes. 3.
[23] Quoted in Grant, 2007. A History of Natural Philosophy: From the Ancient World to the Nineteenth Century. Cambridge: Cambridge University Press. 148-49.
[24] Stark, Rodney. For the Glory of God: How Monotheism Leed to Reformation, Science, Witch-Hunts, and the End of Slavery. Princeton, NJ: Princeton University Press. 2003, chapter 2.
[25] Shapin, Steven. 1996. The Scientific Revolution. Chicago: Chicago University Press. 1.
[26] Stark 2014, 307.
[27] Russell, Bertrand. 1959. Wisdom of the West. New York”: Doubleday. 232.
[28] Whitehead, Alfred North. 1967. Science and the Modern World. New York: Free Press. 13.
[29] Ibid., 12.
[30] Descartes, Oeuvres 8:61.
[31] Crosby, Alfred W. 1997. The Measure of Reality. Cambridge: Cambridge University Press. 83.
[32] Whitehead, 1967, 13.
[33] Needham, Joseph. 1954- 84. Science and Civilization in China. 6 vols. Cambridge: Cambridge University Press. 581.
[34] Lindberg, David C. 1992. The Beginning of Western Science. Chicago”: Chicago University Press. 54.
[35] Jaki, Stanley L. 1986. Science and Creation. Edinburgh: Scottish Academic Press. 105.
[36] Stark 2003, chapter 2.
[37] Bradley, Walter I. 2001. Signs of Intelligence: Understanding Intelligent Design. Grand Rapids: Brazos Press. 160.
[38] In Merton, Robert K. 1938. “Science, Technology and Society in Seventeenth Century England. Osiris 4 (part 2). 447.
[39] Einstein, Letters to Solovine, 131.
[40] Finocchiano, Maurice A. 2009. “Myth 8: That Galileo Was Imprisoned and Tortured for Advocating Copernicanism”, Galileo Goes to Jail: And Other Myths about Science and Religion. Harvard University Press. 68.
[41] Ibid.
[42] Drake and O”Malley, 1960. The Controversy of the Comets of 1968. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.
[43] Brooke and Cantor, 1998, Restructuring Nature. Oxford: Oxford University Press. 20.
[44] Ibid.
[45] Published by University of California Press.
[46] Shea, William R. 1986. “Galileo and the Church” in God and Nature: Historical Essays on the Encounter between Christianity and Science. Berkeley: University of California Press. 132.
[47] Dawkins, Richard. 2006. The God Delusion. Boston: Houghton Mifflin. 98.