Cuộc đời ngắn ngủi nhưng thánh thiện của Nicola Perin
***
Trong số các người trẻ được kể tên trong danh sách các vị thánh “ở nhà cạnh”, có Nicola Perin, một nhà thể thao, một học sinh xuất sắc và tấm gương sống của cậu là nguồn cảm hứng làm việc thiện cho người dân Ý và họ cũng cầu xin sự khẩn cầu của Nicola trước tòa Chúa.
Khi Nicola bắt đầu vào trung học, một tương lai đang tươi sáng dường như đang chờ đợi cậu bé. Tuy thế, Nicola cho bố mẹ biết là cậu bị mệt và có những triệu chứng khác. Cha mẹ của Nicola đưa cậu bé đến bệnh viện để làm các xét nghiệm. Năm 2013, khi Nicola được 15 tuổi, bác sĩ chẩn đoán cậu bị ung thư máu.
Đức tin và lòng can đảm khi đối diện với đau khổ
Nicola đã đón nhận kết quả với sức mạnh tinh thần kỳ lạ. Không lâu sau, cậu được cha Gianluigi Pasquale hướng dẫn tinh thần; cha là cha giải tội và linh hướng cho Nicola. Nicola có lòng sùng kính đặc biệt với cha Pio và Mẹ Maria. Lời cầu nguyện yêu thích của Nicola là Kinh Lạy Cha.
Nicola kiên nhẫn và khiêm tốn trong tất cả các xét nghiệm. Mẹ của Nicola kể: “Con trai tôi luôn mỉm cười. Cậu bé là người nâng đỡ chúng tôi và các bác sĩ, nó đã chịu đau khổ cách bình tĩnh và an hòa, không bao giờ phàn nàn, và thường khuyến khích và chơi với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn.
Điều này không có nghĩa đau khổ dễ dàng đối với Nicola. Trong một số bút tích để lại, Nicola cầu xin Đức Mẹ và Chúa tha thứ cho cậu vì không cố gắng cầu nguỵên, vì không có sức mạnh để làm điều đó. Nhưng Nicola tỏ ra một đức tin mạnh mẽ và tương quan bền chặt với Chúa.
Trong bệnh tật, vẫn nghĩ đến người khác
Trong nhật ký của mình, Nicola viết rằng bệnh tật đã giúp cậu quý trọng những ngày sống của mình như thế nào. Nicola viết: “Tôi luôn tưởng tượng rằng tôi sẽ già đi, rằng một ngày tôi sẽ có những vết nhăn và tóc tôi sẽ bạc trắng. Tôi đã mơ đến việc xây dựng một gia đình. Đó là cuộc sống. Yếu đuối, quý giá và không thể đoán trước được. Mỗi ngày qua đi không phải là quyền của chúng ta nhưng là quà tặng chúng ta nhận được. Tôi yêu quý cuộc sống của tôi, tôi hạnh phúc và tôi nợ những người thân yêu của tôi. Tôi không biết tôi sẽ sống bao lâu, vì vậy tôi không muốn lãng phí thời gian để buồn sầu.”
Nicola quan tâm đến người khác, cậu xin lỗi cha mẹ của mình vì làm học phải đau khổ vì cậu, và chơi với các trẻ em nhỏ hơn trong khoa ung thư để khích lệ tinh thần các em. Khi Nicola được cho một chiếc máy tính bảng và nhận ra rằng mình không dùng nó, cậu nói rằng chúng ta có thể bán nó và giúp cho các trẻ em và các gia đình khác.”
Mặc dù phải chịu các trị liệu có thể, bao gồm hai cuộc ghép tủy của cha và mẹ, tình trạng sức khỏe của Nicola không khá hơn. Nicola hoàn toàn ý thức về bịnh tình khó chữa trị của mình nhưng cậu không mất hy vọng. Nicola tiếp tục học trung học trong bệnh viện, tham dự các lớp học qua chương trình Skype. Sau cuộc ghép tủy lần đầu, Nicola còn nhận được một học bổng.
Dấu Thánh giá: cử chỉ cuối cùng của Nicola
Cuối cùng, Nicola trở nên quá yếu, không thể thực hiện được hoạt động nào. Hai ngày trước khi qua đời, Nicola xin cha của cậu giúp cậu làm dấu thánh giá: cử chỉ cuối cùng cậu có thể làm được. Nicola qua đời ngày 24 tháng 12 năm 2015, ở tuổi 17. Mẹ của Nicola nói: “Con tôi dâng lên Chúa đau khổ của mình và đón nhận nó cho đến phút cuối”.
Lời cầu nguyện
Cuối cuốn sách về tiểu sử của Nicola, có một lời cầu nguyện được ĐHY Angelo Comastri ký tên. Lời nguyện như sau:
“Nicola yêu quý, cuộc đời của con ngắn ngủi nhưng mãnh liệt. Con đã để lại một con đường tốt đẹp, một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự quảng đại không từ chối một ai, một niềm tin vượt trên đau khổ và luôn mỉm cười với mọi người.
Chúng tôi nhớ đến con như một người chiến thắng! Con đã chơi cách tuyệt vời trò chơi của cuộc sống, và con đã thắng. Từ Thiên đàng, xin cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi không lãng phí cuộc sống của mình, khi đốt cháy nó bằng sự ích kỷ và hay thay đổi, nhưng để chúng tôi có thể dành cả cuộc đời để gieo rắc sự tốt lành.
Chúa Giêsu là ánh sáng của cuộc đời con, là sức mạnh của con trong cuộc chiến, là nguồn an ủi trong đau khổ của con: xin Ngài bây giờ là người Bạn đích thực dạy chúng tôi con đường của hạnh phúc đích thực”.
Hồng Thủy – Vatican