ĐẠO ÔNG CHA
Có nhiều giáo dân lên fb khẳng định là con được ơn trở về, con sống đạo tốt là nhờ chỗ đó, cha đó.. Được vậy thì quá là tốt. Nhưng chúng ta phải nhận thức: hành trình đức tin của mình không phải là những cảm xúc nhất thời mà là một con đường dài vác thập giá theo Chúa.
Về giúp họ đạo kia, tôi được giáo dân mời đến nhà ăn tiệc. Giao lưu với bàn bên cạnh, ông trùm khu đứng lên méc: “Mấy thằng này có đạo nè cha mà không chịu đi lễ”. Một ông trong nhóm bị méc bào chữa: “Trước con cũng có đi đó cha!”. Tôi hỏi sao giờ không đi? Ông giải thích là tại cha xứ thế này thế kia nên không muốn đi. Ông trùm nói “cha bắt tụi nó đi lễ lại đi cha!”. Tôi trả lời, “Mấy ông thờ Chúa chứ có thờ cha đâu mà phải cha bắt mới chịu đi!”.
Một thực tế ở các xứ truyền giáo và đôi khi cả ở các xứ đạo kỳ cựu: có một số giáo dân làm biếng giữ đạo nên thường lấy lý do tại các cha thế này thế kia rồi bỏ lễ và các Bí tích. Khi các cha các thầy nào về mục vụ tích cực đến thăm viếng, giúp đỡ thì họ đi lại. Nhưng khi cha thầy đó chuyển nơi khác thì họ tiếp tục bỏ đạo. Từ đó phát sinh ra hai hình thức đạo mới là “Đạo Gạo” và “Đạo Ông Cha”. Chúa chẳng có vị trí hay ảnh hưởng gì đến những người theo lối giữ đạo này.
Có những linh mục rất tích cực trong việc truyền giáo, đưa nhiều người vào đạo và giữ đạo. Các ngài làm với lòng yêu mến Chúa và các linh hồn. Các ngài cũng đang thực thi đúng sứ vụ mục tử của mình. Nhưng có một cơn cám dỗ mà đôi khi vì không cảnh giác, hoặc quá tự hào khả năng của mình, một vài đấng xem những thành quả truyền giáo đó là do công lao của tôi, và chỉ có tôi mới có thể làm được như vậy. Suy nghĩ thế sẽ quy mọi sự về cho mình chứ không còn phải cho Chúa nữa. Người giáo dân theo đạo không phải vì Chúa là sai, nhưng một linh mục mà tạo cho giáo dân hiểu lầm “cha là Chúa”, rồi để họ tôn sùng mình như Chúa…thì cái lỗi lớn gấp bội.
Một điều tôi cực kỳ hâm mộ ở thánh Gioan Tẩy Giả là thái độ của ngài trước cơn cám dỗ này. Khi Gioan đã nổi tiếng khắp nước Do-thái thì Đức Giêsu vẫn còn là anh chàng nhà quê vô danh tiểu tốt. Đâu phải dễ dàng để Gioan xác định trăm phần trăm anh chàng Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa! Gioan phải bỏ thời gian dài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện để khám phá chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong một nhận thức đang còn “tranh tối tranh sáng” như vậy mà ông đã dũng cảm giới thiệu với chính các đồ đệ của mình về Đức Giêsu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” đầy xác tín. Các môn đệ lần lượt bỏ ông, dân chúng cũng bỏ ông để theo Chúa Giêsu. Bản thân Gioan âm thầm rút lui, rồi chết tủi nhục trong ngục tối. Gioan thật sự là mẫu gương tuyệt vời của người môn đệ Chúa khi biết để cho Chúa lớn lên, còn mình thì nhỏ bé đi; khi biết quy mọi sự về cho Chúa, còn mình thì tan đi để chỉ còn lại tất cả cho một Vinh Quang Thiên Chúa.
Có nhiều giáo dân lên fb khẳng định là con được ơn trở về, con sống đạo tốt là nhờ chỗ đó, cha đó.. Được vậy thì quá là tốt. Nhưng chúng ta phải nhận thức: hành trình đức tin của mình không phải là những cảm xúc nhất thời mà là một con đường dài vác thập giá theo Chúa. Chỗ đó, cha đó đưa mình trở lại cảm thức đạo, còn việc giữ đạo thờ Chúa hoàn toàn là nơi bản thân mình. Nếu ta cứ tập trung ca tụng thành quả ở nơi đó, cha đó…mang lại mà không lo xây dựng tương quan mình với Chúa thì sớm muộn gì cũng sẽ trở lại con đường khô khan nguội lạnh xưa. Bởi đã từng bỏ Chúa, nguội lạnh với Chúa rồi thì vết chân xưa dễ giẫm lại nên chớ vội tự hào. Bởi mình cũng là tội nhân được Chúa thương tìm về nên đừng vội khẳng định mình sẽ giữ đạo tốt mà tranh luận hay chửi bới những người đụng chạm đến thần tượng của mình.
Riêng các linh mục khi có công hâm nóng lửa đức tin cho giáo dân, dẫn lối giáo dân về với Chúa thì nên học gương khiêm nhường của thánh Gioan Tẩy Giả là âm thầm rút lui để cho danh Chúa được tỏa rạng. Không qui về Chúa mà cứ đứng đó cho người ta ca tụng mình, hoặc gợi ý để họ biết ơn mình thì sớm muộn gì những thành quả mà mình nghĩ là làm cho Chúa sẽ trở nên vô ích hoàn toàn trước mặt Chúa và mọi người.
Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh