Tháng 5 – Tháng Hoa kính Mẹ Maria
***
Mỗi năm, Tháng Hoa, tháng Giáo Hội dành để tôn kính Mẹ Maria, lại trở về với chúng ta như một dịp đẹp và thuận tiện nhất để tất cả chúng ta, mọi tầng lớp con cái loài người cùng tỏ lòng kính yêu Mẹ bằng những bó hoa thiêng, bằng những lời kinh nguyện sốt sắng và tâm tình thảo hiếu biết ơn dâng lên Mẹ hiền qua tràng chuỗi Mân Côi và các bài Thánh Ca về Mẹ trong các Giờ Chầu, Giờ Ðền Tạ tại tư gia hay trong các nguyện đường. Dĩ nhiên, lòng tôn sùng kính yêu Mẹ Maria của chúng ta vẫn sốt sắng trải dài từng ngày trong suốt năm. Nhưng tháng 5 lại mang mầu sắc đặc biệt của nó: Với khí trời ấp áp tươi dịu, cảnh vật thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, v.v… sau giấc ngủ dài trong những ngày tháng mùa đông giá lạnh, nay cùng bừng tĩnh dậy, cùng đua nở khoe sắc, tô điểm cả vũ trụ cho thêm phần gấm vóc. Tất cả như cùng lên tiếng mời gọi, thúc đẩy chúng ta hái về dâng Mẹ những bông hoa đầu mùa thanh khiết. Vâng, bàn thờ kính Mẹ trong tháng 5 phải đầy hoa tươi, biểu tượng cho lòng tôn sùng biết ơn của chúng ta dâng về Mẹ, biểu tượng cho sự đổi mới cuộc đời của mỗi người chúng ta sau những tháng ngày chôn vùi trong “mùa đông” của những lỗi lầm sa ngã, của sự xa lìa “mặt trời” ơn thánh Chúa, và bắt đầu cùng chớm nở khoe tươi dưới “nắng ấm” của ân sủng Thánh Linh.
Chính đó là ý nghĩa trọn vẹn của Tháng Hoa: Hoa thiên nhiên đồng nội cuộn lẫn với hoa lòng, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của Ơn Thánh tươi nở trong linh hồn chúng ta. Tất cả cùng bốc hương thơm và khoe sắc trên bàn thờ kính Mẹ.
Ðối với chúng ta, những người Việt Nam, vốn mang nặng dòng máu trọng tình mẫu tử, càng là dịp thôi thúc chúng ta thêm lòng kính yêu Mẹ trên Trời, càng là dịp nhắc nhủ chúng ta gẫm suy tình Mẹ bao la trời biển, đã từng giơ tay cứu vớt, dắt dìu chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vâng, đa số những người Việt Kiều chúng ta quên sao được khi bỏ quê hương đất tổ ra đi tìm kiếm một cuộc sống mới nơi đất lạ, đã phải trải qua những ngày giờ chơi vơi, vật vờ trên biển cả đầy sóng gió gian nguy, “thập tử nhất sinh” – mười phần nắm chắc cái chết chỉ còn một phần còn hy vọng sống, v.v… nên trong suốt cuộc hành trình chúng ta không ai bảo ai đã cùng đồng một lòng tin tưởng không ngừng cất cao lời kinh câu hát cầu cứu Mẹ Maria, mong Mẹ ra tay phù hộ cứu giúp, nào là: ”Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển… “, “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt nam…”, “Lạy Mẹ, xin yên ủi chúng con luôn luôn…”, v.v… đến nỗi khiến cả những bà con bên lương cùng đi chung thuyền đã thuộc nằm lòng các kinh và các bài hát về Ðức Mẹ.
Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra, phải chăng lòng tôn sùng Mẹ Maria của chúng ta chỉ là “mớ tình cảm ướt át” của những tâm hồn nhẹ dạ, ủy mỵ hay chỉ là những tiếng kêu cứu hoảng hốt của bản năng tự nhiên trong cơn nguy tử, chứ không phải phát xuất từ sự thâm tín của những tâm hồn trọn tình con thảo biết ơn đối với Mẹ Thiên Chúa? Nhất là, phải chăng sự tôn sùng Mẹ Maria là một điều nguy hiểm, đưa đẩy chúng ta xa lạc Ðức Tin, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới là trọng tâm và là cùng đích của mọi sự tôn thờ của chúng ta ?
Trước khi đi sâu vào vấn đề, thiết tưởng chúng ta cần tạm mở một dấu ngoặc ở đây để nói qua về việc xử dụng ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ bình dân, người Việt Nam chúng ta thường hay bị lẫn lộn giữa chữ “kính”, “tôn kính”, “sùng kính” với chữ “thờ”, “tôn thờ”, “phụng thờ”. Chẳng hạn chúng ta nói: Thờ cha mẹ, thờ tổ tiên, thờ Phật, thờ đức Khổng, thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ các Thánh, thờ Ðức Mẹ, thờ Thiên Chúa, v.v… Trong vấn đề này có lẽ người Ðức dùng tiếng chỉnh hơn. Họ phân biệt rõ ràng. Khi nói đến tôn kính hay tôn sùng thì họ dùng tiếng Verehrung(ehren,verehren), còn khi nói đến thờ phượng hay tôn thờ thì họ dùng tiếng Anbetung (anbeten). Thí dụ: tôn kính (verehren) cha mẹ, tổ tiên, các vị hiền nhân quân tử như đức Phật, đức Khổng Tử, các vị thánh nhân, Ðức Mẹ, v.v… Vì tuy các ngài là những bậc đã sinh thành ra ta hay là những vị có một cuộc sống thánh đức gương mẫu cho muôn người ngưỡng mộ noi theo, nhưng tất cả các ngài vẫn chỉ là những tạo vật, Chúa Tạo Hóa đã dựng nên. Trong khi đó Thiên Chúa – mà trong dân gian còn gọi là Ông Trời, Tạo Hóa, Ðấng Hóa Công, Thượng Ðế,- là Ðấng Chí Tôn, Ðấng Toàn Năng duy nhất, là cứu cánh và cùng đích của mọi loài thọ tạo, nên muôn loài trên trời dưới đất, hữu hình cũng như vô hình, đều phải quì gối tôn thờ (anbeten). Đúng như lời Chúa đã phán: “Ngươi không được có thần nào đối nghịch với Ta. Ngươi không được phủ phục trước những tượng đá gỗ mà phụng thờ” (Xh 20,3+5), vì: “Ngoài Ta ra không còn thần nào khác nữa; Ngoài Ta ra không còn có thần công minh cứu độ nào khác nữa.” (Is 45,21).
Bởi vậy, mỗi khi người Công Giáo có dịp đi thăm chùa chiên, lăng miếu, v.v… để tham quan ngoạn cảnh là vấn đề “Freizeit”, vấn đề rảnh rỗi cá nhân của đương sự, nhưng nếu để thắp hương niệm phật hay cúng bái các thứ bụt thần như một động tác tôn thờ, một việc tế tự công khai, hoặc đem bày dựng bàn thờ các thần nhân đó trong nhà thờ có Mình Thánh Chúa để thắp hương cúng bái, tôn thờ, v.v… là một xúc phạm nặng nề đến Ðiều Răn Thứ Nhất: “Ngươi hãy thờ phượng một mình Ðức Chúa Trời trên hết mọi sự!” Ở điểm này chúng ta đừng nên lẫn lộn “Tinh thần hòa đồng tôn giáo” và “việc sao nhãng Ðức Tin”. Hòa đồng chứ không đồng nhất. Vâng, Giáo Hội Công Giáo luôn chủ trương và kêu gọi mọi thành phần của Giáo Hội phải thành tâm tôn trọng và cư xử hòa đồng với mọi tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Nhưng Giáo Hội không hề chủ trương đồng nhất (identification) Kitô Giáo với các tôn giáo khác. Tinh thần hòa đồng chân thực không hề đòi buộc chúng ta phải nhượng bộ bằng cách loại bỏ các chân lý cơ bản khách quan của Ðức Tin Kitô Giáo để đạt được một kết quả dung hòa trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Trong điểm này, Ðức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách việc Cổ Võ Tinh Thần Ðại Kết Kitô Giáo đã viết trong phần mở đầu của cuốn sách mới nhất của ngài „I Have Lost No One : Communion, Ecumenical Dialogue, Evangelization“ (Tôi Chẳng Mất Ai Cả : Sự Hiệp Thông, Việc Ðối Thoại Ðại Kết, Công Cuộc Rao Giảng Phúc Âm) như sau: „Sự cám dỗ lớn nhất hiện nay chính là việc theo đuổi công cuộc đối thoại và nền hòa bình bằng việc tương đối hóa (relativisation) những lời tuyên bố được coi là sự thật…của Kitô Giáo“. Tiếp đến, Ðức Hồng Y còn thêm: „Bất kỳ một nổ lực nào mong kiến tạo sự hiệp thông giữa các dân tộc mà chưa hề đạt tới được sự thỏa thuận về những giá trị và sự thật cơ bản, thì chỉ là một sự ảo tưởng thuần tuý mà thôi, bởi vì điều đó không thể kéo dài bền vững được“. Tinh thần hòa đồng tôn giáo chân chính mà Công Ðồng Vaticăng II đã dạy, là: “Nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn luôn là chứng tá của Ðức Tin và đời sống Kitô Giáo…Vì chỉ nơi Ðức Kitô, con người mới tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn, và nhờ Người, Thiên Chúa hòa giải mọi sự với mình” (1). Chứ tinh thần hòa đồng tôn giáo không có nghĩa ba phải, kiểu “cá đối bằng đầu” hay “vàng thau lẫn lộn”, coi mọi tôn giáo đều ngang nhau, vì đạo nào mà chẳng dạy người ta ăn ngay ở lành! Ðó là cả một ngộ nhận, một sai lầm nguy hiểm! Chúng ta không được phép quên nguyên tắc bất di dịch của Tín Lý Công Giáo là “Ngoài Ðức Kitô không có ơn cứu rỗi”, vì Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người! Chính Người đã khẳng định: „không ai đến với Chúa Cha mà lại không qua Thầy“ (Ga 14,6b). Chỉ qua Ðức Kitô con người mới được cứu rỗi (x. Ga 10,9). Vì thế “khi nghe đến Danh Thánh Chúa Giêsu thì mọi loài trên trời dưới đất và trong âm phủ đều phải quì gối tôn thờ” (Phil 2,10).
Vậy chúng ta thấy rằng việc tôn sùng Mẹ Maria không hề làm giảm thiểu hay làm sai lạc Ðức Tin vào Thiên Chúa, vì sự tôn sùng đó không phải là một sự “cạnh tranh” với sự tôn thờ Thiên Chúa như việc hương khói cúng bái các thần nhân khác. Trái lại lòng tôn sùng Mẹ Maria càng giúp chúng ta dễ đến gần và yêu mến Chúa Giêsu hơn, càng là ngọn lửa tinh luyện cuộc đời chúng ta nên của lễ hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. “Per Mariam ad Jesum: qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu” là thế. Bởi vậy, nhà thần học Hans Urs von Balthasar đã có lý khi viết: ”Sự tôn sùng Mẹ Maria là con đường chắc chắn nhất và ngắn nhất dẫn đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu cách cụ thể” (2). Ðúng vậy, chúng ta kính yêu, tôn sùng (verehren) Mẹ Maria, để cùng Mẹ tôn thờ (anbeten) một mình Thiên Chúa. Chính Giáo Hội cũng đã minh định: “Vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không hề làm lu mờ hay làm giảm thiểu vai trò trung gian duy nhất của Ðức Kitô chút nào (x. 1Tm 2,5-6), trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy” (3). Còn Ðức Phaolô VI trong Tông Thư thời danh Marialis cultus về sự tôn sùng Mẹ Maria, được công bố ngày 02.02.1974, đã quả quyết: “Việc tôn sùng Ðức Maria là thành phần cơ bản của Kitô Giáo”. Và để biện minh cho truyền thống trong Giáo Hội vốn coi “Phụng vụ qua các kinh nguyện và việc cử hành các lễ nghi đương nhiên tạo nên qui tắc Ðức Tin”, Ðức Phaolô VI còn viết trong cùng Tông Thư nói trên: “Sự tôn sùng mà Giáo Hội dành cho Mẹ Thiên Chúa qua mọi thời đại và khắp mọi nơi – từ lời chúc tụng của thánh nữ Elisabeth (x.Lc 1,42-45) cho đến các Thánh Ca và các lời khẩn cầu trong thời đại ngày nay – là một chứng tích quá minh nhiên cho nguyên tắc kinh nguyện, và là một lời mời gọi làm sống động và củng cố những qui tắc Ðức Tin trong các tâm hồn. Ngược lại, qui tắc Ðức Tin cần củng cố khắp mọi nơi nguyên tắc kinh nguyện về Mẹ Thiên Chúa”(4).
Các kinh nguyện về Mẹ Maria trong chương trình Phụng Vụ công khai của Giáo Hội cũng như những lời kinh của các tín hữu qua mọi thời đại thì rất phong phú và đa dạng, tất cả đều nói lên lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa đã ăn sâu vào đời sống của Giáo Hội, đến nỗi không thể nói đến Giáo Hội Công Giáo mà lại bỏ qua sự tôn sùng Mẹ Maria. Sự tôn sùng đó đã được khơi nguồn và đã được khai triển từ buổi đầu của Giáo Hội: Ðó là lúc 12 Thánh Tông Ðồ, 12 cột trụ của Giáo Hội, cùng quây quần bên Mẹ Maria để hiệp thông trong kinh nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần trong Ngày Lễ Hiện Xuống đầu tiên (x. Cv 1,12-14). Trong các kinh nguyện đó, trước hết phải kể đến những lời kinh kính Mẹ được trích dẫn trong Phúc Âm và được coi là những lời kinh nền tảng. Ðó là ca vịnh Magnificat và Kinh Kính Mừng. Ca vịnh Magnificat nói chung là một kinh được hầu hết các Kitô hữu đón nhận và sốt sắng đọc hay hát để tung hô Mẹ Maria. Còn Kinh Kính Mừng là một lời chào đẹp nhất, vắn tắt nhất và có một nội dung cũng phong phú đầy đủ nhất về cuộc đời thánh đức tuyệt vời của Ðức Trinh Nữ Maria trong địa vị là Mẹ Chúa Cứu Thế. Bởi vậy, các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo cũng như các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Ðông Phương đọc thuộc lòng Kinh Kính Mừng để có thể hằng ngày và từng giờ cùng Mẹ suy gẫm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu qua Kinh Mân Côi. Vì thế, Kinh Kính Mừng đã gây được nhiều hưởng ứng trong phong trào Ðại Kết. Chính Luther, “cha đẻ” của giáo phái Tin Lành Ðức, tuy phản đối việc chọn Kinh Kính Mừng làm lời kinh khẩn cầu, nhưng ông lại đề cao Kinh Kính Mừng. Vì thế, ngày 01.07.1528 ông đã viết: “Kinh Kính Mừng là một bản kinh cao đẹp, vì người Mẹ là một Ðấng được chúc phúc, và còn cao đẹp hơn nữa, vì Người Con là một Ðấng Toàn Năng Cao cả” (5).Tiếp đến, như vừa nói trên,Kinh Mân Côi là một kinh bắt nguồn trực tiếp từ trong Kinh Thánh (6). Ngoài ra, trong phong trào tôn sùng Mẹ Maria còn có các bài Thánh Thi (Hymnen), Các bài Tiền Ca (Antiphonen), các Kinh Cầu (Litaneien), Kinh Truyền Tin,v.v.. Sau cùng, đặc biệt nhất là các Giờ Kinh, các Lễ Trọng dành kính Mẹ Thiên Chúa trong suốt Năm Phụng Vụ của Giáo Hội.
Nhưng sự tôn sùng Mẹ Maria không chỉ phong phú về hình thức như vậy, mà còn phong phú cả về nội dung nữa. Ðúng vậy, người ta có thể nói được rằng việc ca tụng Mẹ Maria là chính sự tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vì các kinh nguyện, các bài thánh ca, v.v… về Ðức Mẹ đều giúp ta thêm lòng ca ngợi, tôn thờ Chúa Cha, Ðấng đã kén chọn Mẹ trong muôn ngàn người nữ để thực hiện nơi Mẹ bao điều trọng đại (Lc 1,49). Những kinh nguyện và những bài thánh ca đó cũng là một sự ca tụng và tôn thờ Chúa Con, Ðấng Mẹ đã cưu mang trong cung lòng trinh khiết của Mẹ và nhờ Mẹ đã trở nên Ðấng Cứu Chuộc muôn dân. Sau cùng, các kinh nguyện đó cũng làm vinh danh Chúa Thánh Thần, Ðấng đã yêu thương che chở Mẹ và đã tô điểm cung lòng Mẹ bằng các ơn thánh, nên ngai toà cho Ngôi Hai ngự trị. Nói cách khác, Mẹ Maria là một tạo vật như bao người khác, đã được Thiên Chúa dựng nên, nhưng nhờ tình thương vô biên của Chúa Cha dành cho Mẹ từ muôn thủa, nhờ vào công trình cứu chuộc của Ngôi Hai mà Mẹ đã được ưu tiên lãnh nhận từ trước khi Mẹ được sinh ra, và sau cùng là nhờ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria đã trở thành Ðấng Trung Gian, bầu cử đắc lực cho chúng ta trước toà Chúa Giêsu, Con Mẹ.
Vậy, là những người con từng được Mẹ yêu thương phù trì, chở che, chúng ta đừng bao giờ dám quên ơn Mẹ. Hãy cùng nhau sốt sắng dâng lên Mẹ trong Tháng Hoa này, những đóa “hoa lòng” thánh thiện: Những việc lành, những nghĩa cử bác ái đối với đồng loại, những kinh nguyện chung riêng. Như thế, Mẹ Maria không chỉ là “nhịp cầu” dẫn đưa chúng ta trở về với Cha Trên Trời mà còn nối kết chúng ta lại với nhau bằng tình yêu đích thực, bằng sự liên đới huynh đệ.
Lm Nguyễn Hữu Thy
—————————————————————————————-
- Công Ðồng Vatican II, Tuyên Ngôn Nostra Aestate, số 2.
- Marienlob in Gebet und Gesang, Marianisches Jahr 1987-88, GP. Rottenburg.
- Ðức Phaolô VI, tông thư Marialis Cultus về sự tôn sùng Mẹ Maria, (Nachkonziliare Dokumentation, Band 45) Trier.1978, Art. 56
- Das Marienlob der Reformatoren, Hersg. von Walter Tappolet. Tübingen 1962, 124-126.
- Xem Franz Courth, Marianische Gebetsreformen, trong cuốn: Handbuch der Marienkunde, Hrsg. von Wolfgang Beinert und Heinrich Petri. Regensburg 1984, 379.