Con đường hoán cải của Salvatore «Sasà» Striano
***
Salvatore «Sasà» Striano sinh năm 1972 và từng là một tội pham. Nhưng chính trong thời gian ở tù, nhờ kịch nghệ, ông đã thay đổi và làm lại cuộc đời. Ngày nay, Striano là một người biên kịch và đồng thời cũng là diễn viên.
Kịch nghệ là bước ngoặt của cuộc đời Striano
Trong thời gian bị giam tại nhà tù Rebbibia ở Roma, Striano tham gia vào một chương trình kịch nghệ và đã khám phá ra văn chương của đại văn hào Shakespeare. Kịch nghệ là bước ngoặt của cuộc đời Striano. Khi được tự do, Striano trở thành một tay buôn ma túy, nhưng đó chỉ là trong phim «Gomorra» của đạo diễn Matteo Garrone; rồi còn trở thành một tên cướp, nhưng chỉ trong phim «Take five» của Guido Lombardi.
Năm 2012, Striano trở lại nhà tù Rebibbia, không phải như một tù nhân, nhưng để quay bộ phim “Hoàng đế Cesar phải chết”, bộ phim được giải Gấu vàng trong Liên hoan phim Berlin. Năm 2016, Striano xuất bản cuốn sách “Sự giận dữ của Sasà”, trong đó ông kể lại việc mình đã khám phá ra kịch nghệ trong thời gian tại nhà tù Rebibbia.
Giúp người trẻ nhận ra giá trị các tài năng
Striano đi khắp nước Ý, dùng chính cuộc đời mình để “giúp cho người trẻ nhận ra giá trị các tài năng của họ và chiến đấu chống lại sự quyến rũ của cái ác”. Ông trao cho các người trẻ những thông điệp về giáo dục, khuyến khích họ tìm điều thiện. Striano đã được Hiệp hội Dự án của Lorenzo mời đến thành phố Carmagnola và họ đã giới thiệu ông với các học sinh trung học và cả người lớn.
Hiệp hội Lorenzo – sức mạnh của tâm hồn và lòng can đảm
Hiệp hội Lorenzo ra đời năm 2012 để tưởng nhớ Lorenzo, một cậu bé qua đời vì bệnh ung thư năm lên 6 tuổi. Dù không còn nhưng tình thần của Lorenzo vẫn tiếp tục thổi đến những niềm vui và sức mạnh cho những người biết cậu bé. Hiệp hội Lorenzo nhắm trợ giúp các gia đình có con bị bệnh và gặp khó khăn về kinh tế. Sau đó Hiệp hội còn quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên. Theo tinh thần của Lorenzo, sống dù cho những khó khăn, Hiệp hội cố gắng trao chuyển niềm vui sống và những từ khóa của Hiệp hội là “sức mạnh của tâm hồn và lòng can đảm.”
Những câu chuyện về sự hoán cải như là tia lửa, đánh động người nghe
Chia sẻ về cuộc đời mình, ông Striano nói: “Tôi đã rơi vào trong một đường hầm tối tăm khủng khiếp và rồi tôi đã tìm được lối ra và tìm được ánh sáng. Tôi gặp rắc rối, cuộc sống trở nên phức tạp.” Nhìn lại những năm tăm tối trong cuộc đời, ông Striano thấy thời gian khó khăn trở nên quý giá vì giờ đây ông dùng nó để chỉ cho những người vẫn đang ở trong đường hầm tăm tối và không có ý tưởng hay sức mạnh hoặc động lực để tìm lối thoát ra. Ông đã tìm được lối ra và mỗi ngày ông dấn thân để với kinh nghiệm của mình ông có thể cứu giúp người khác. Ông tin rằng những ví dụ của những cuộc đời được cứu chuộc thì giống như lương thực nuôi sống, đặc biệt cho những người muốn rời chốn ngục tù. Cần có những câu chuyện về sự hoán cải, như là tia lửa, đánh động người nghe.
Thánh Augustino
Striano cảm thấy mối liên hệ gần gũi với Chúa Giêsu như một người bạn. Ông chia sẻ: “Hình ảnh Chúa Kitô bị đối xử tàn bạo và chịu đóng đinh trên Thánh giá khiến tôi đau khổ rất nhiều, bởi thế tôi thích nghĩ về Người khi Người dừng lại nói chuyện với đám đông, giúp đỡ và nói lời tốt đẹp với bất cứ ai Người gặp gỡ. Và rồi, thánh Augustinô, ngài đã làm cho thánh Monica mẹ ngài phải đau khổ lo lắng, nhưng rồi ngài đã hoán cải và tìm thấy đức tin. Với sự khiêm nhường, tôi nhìn thấy mình trong cuộc đời thánh nhân, bởi vì tôi thường làm mẹ tôi nổi giận. Thật không may là tôi không có thời gian để tỏ cho mẹ tôi ánh sáng mà tôi đã tìm thấy nhưng tôi tin rằng mẹ tôi đang đi theo ánh sáng đó và bà đang chiêm ngưỡng ánh sáng đó trên thiên quốc. Và như thế cuối cùng bà có thể thấy rằng bà đã không sản sinh ra một sự thất bại.
Phụ huynh cần biết thực sự lắng nghe con cái họ
Ông Striano muốn nói với các bậc phụ huynh rằng đừng ngại khi đối đầu với con cái họ, ngay cả khi điều này thường rất khó khăn. Tốt hơn là đối đầu với con cái mình ở nhà, để cuộc đối đầu này có thể đào luyện và củng cố các thiếu niên trước những thách thức đang chờ đợi họ bên ngoài xã hội. Để làm được điều này, trước tiên cha mẹ phải hiện diện về thể lý, và hiện diện bằng cái đầu và trái tim, mà không bị phân tâm bởi hàng ngàn thứ khác. Họ chỉ cần biết thực sự lắng nghe ngay cả khi con của họ đang nói cũng như khi chúng im lặng.
(Hồng Thủy – Vatican)