ĐTC Phanxicô: tính cụ thể là tiêu chuẩn của người Kitô hữu
***
Trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã thực hiện những điều cụ thể, sinh ra bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một đời sống cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Người cũng mời gọi chúng ta yêu thương những con người cụ thể.
Cánh cửa mở rộng
Con đường đến với Thiên Chúa rộng mở, và chìa khoá chính là điều mà thánh Tông đồ Gioan đề nghị: hãy tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau. Và chỉ như thế, chúng ta mới có thể xin điều chúng ta muốn, với sự can đảm và không ngại ngùng.
Hãy tin rằng Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, đã trở thành một người trong chúng ta. Đây là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô: một Thiên Chúa cụ thể, được thụ thai trong cung lòng Đức Maria, được sinh ra tại Bethlehem, lớn lên như là một đứa trẻ, trốn sang Ai Cập, trở về Nazareth, học cách đọc, cách làm việc với cha mình, lớn lên và sau đó là rao giảng … Rất cụ thể: một con người cụ thể, một Thiên Chúa nhưng cũng là con người. Đó không phải là Thiên Chúa cải trang thành một con người. Không, là con người thực, Thiên Chúa đã trở thành con người. Đây là điều cụ thể của điều răn đầu tiên. Giới răn thứ hai cũng rất cụ thể. Hãy yêu thương nhau, yêu thương cách cụ thể chứ không mộng tưởng: “Anh yêu em, anh yêu em nhiều lắm.” Và rồi, bằng cái lưỡi của mình, bằng những lời tán tỉnh ngọt ngào, anh phá hủy đời em… Không, không, không. Tình yêu phải cụ thể. Các điều răn của Thiên Chúa là những điều cụ thể và tiêu chuẩn của Kitô giáo là sự cụ thể, không phải là những ý tưởng hay lời hay ý đẹp … Và điều này là một thách đố.
Tỉnh thức thiêng liêng
Thánh Gioan tông đồ, một “người đam mê công cuộc nhập thể của Thiên Chúa” thúc giục chúng ta hãy biết “cân nhắc xem xét” các thần khí.
Đời sống của người Kitô hữu là những điều cụ thể trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và trong đức ái. Nhưng đời sống ấy cũng là cuộc chiến đấu, bởi những ý tưởng hoặc tiên tri giả sẽ luôn đến với bạn. Tất cả chúng trình bày cho ta một Chúa Kitô “mềm”, không mang nhiều tính xác phàm và cũng chẳng yêu người thân cận họ hàng cho lắm … “À, những điều này đến từ chính tôi nhưng những cái đó thì không …”.
Những tiên tri giả
Hãy tin vào Chúa Kitô đã “trở nên xác phàm”, tin vào tình yêu “cụ thể” và biết phân định, theo chân lý cao cả của Biến Cố Nhập Thể của Ngôi Lời và của tình yêu cụ thể. Từ đó, ta nhận biết các tinh thần, là những khởi hứng, có thực sự đến từ Thiên Chúa không, bởi có rất nhiều tiên tri giả sẽ đến thế giới này. Ma quỷ khẳng định nó sẽ tìm cách làm chúng ta xa cách Chúa Giêsu, không ở lại với Người nữa. Vì thế, ta cần phải có sự tỉnh thức thiêng liêng.
Vượt lên trên những lỗi lầm đã phạm trong ngày, mỗi Kitô hữu dành một, hai, ba, năm phút cuối ngày để tự vấn xem điều gì đã xảy ra nơi con tim mình. Đó có thể là những gợi hứng, hoặc có thể là “sự điên rồ của Thiên Chúa” đến với mình, vì nhiều khi Thần Khí đưa ta tới sự điên rồ của Thiên Chúa. Ví dụ, một người kia dù đã hơn 40 tuổi đã rời Roma để truyền giáo giữa những người phong cùi ở Brazil hay trường hợp của thánh Francesca Cabrini, luôn “trên đường” để chăm sóc những người tị nạn. Vì thế, lời mời gọi dành cho chúng ta là “đừng sợ” và hãy biết phân định.
Ai có thể giúp tôi nhận định? Dân Chúa, Giáo hội, sự đồng thuận trong Giáo hội, hay anh chị em nào đó ơn đặc biệt để giúp chúng ta nhận thấy rõ. Vì thế, cuộc nói chuyện thiêng liêng giữa những người có thẩm quyền trong đời sống thiêng liêng với dân chúng là điều rất quan trọng đối với người Kitô hữu. Không cần phải đến với Giáo hoàng hoặc giám mục để xem xem điều tôi nghĩ có tốt không nhưng có rất nhiều người, các linh mục, tu sĩ, giáo dân có khả năng giúp chúng ta nhận biết những gì diễn ra trong tâm hồn của tôi để tránh sai lầm. Chúa Giêsu đã phải làm điều này ngay từ đầu đời sống công khai khi ma quỷ đến với Người trong sa mạc và đề nghị với Người ba điều không theo Thần Khí của Thiên Chúa. Và bằng Lời của Thiên Chúa, Người đã từ chối nó. Nếu điều ấy đã xảy ra với Chúa Giêsu, thì nó cũng xảy ra với cả chúng ta nữa. Nhưng Đừng sợ.
(Trần Đỉnh, SJ – Vatican)