UBGD-HĐGM. VN
Ban Nghiên Huấn
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 8)
PHẦN TU ĐỨC
CẢN TRỞ DẤN THÂN Mt 25,14-30
Hăng hái dấn thân phục vụ cộng đoàn, nhưng hầu chắc chúng ta đều kinh nghiệm được những cản trở trên bước đường phục vụ. Cản trở dấn thân có khi đến từ môi trường phục vụ, nơi luôn diễn ra cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối; có khi ở nơi chính mình, nơi luôn diễn ra cuộc chiến giữa vị tha và ích kỷ; có khi ở nơi hàng ngũ chúng ta, nơi luôn diễn ra cuộc chiến giữa hiệp thông và chia rẽ, giữa đồng nhất và dị biệt… Dụ ngôn về những nén bạc (Mt 25,14-30), mở ra con đường vượt qua một trong những cản trở thường gặp, để mỗi thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta tiếp tục con đường dấn thân phục vụ cộng đoàn.
Sau khi nhận được nén bạc chủ trao, hai người đầy tớ đã dùng số vốn đó làm ăn sinh lợi; còn người chỉ nhận được một nén thì đào lỗ chôn giấu nén bạc ấy. Vì sao ông chủ không “công bằng” với các đầy tớ, kẻ nhiều người ít? Vì sao các đầy tớ phản ứng khác nhau, kẻ hăng hái làm bạc sinh lợi, người buồn chán đem bạc chôn giấu?
Thật ra, ông chủ công bằng với các đầy tớ, vì ông tín nhiệm mỗi người. Trong tin yêu và hy vọng, ông trao gửi tài sản mình cho họ. Nhưng ông chủ không chia đều của cải cho mỗi người, bởi mỗi đầy tớ của ông có khả năng khác nhau. Ông trao bạc cho mỗi người tuỳ theo khả năng riêng của họ, để tuỳ khả năng riêng, họ có thể đảm nhận trách nhiệm ông trao. Điều quan trọng là, ông tin yêu mỗi người và tôn trọng tự do của họ. Ông không áp đặt cách các đầy tớ phải theo để làm cho bạc sinh lợi. Ông để mỗi người tự do phát huy sáng kiến cá nhân. Thế nên, sự chênh lệch về những nén bạc hay khả năng không phải là duyên cớ để được khen thưởng hay luận phạt, cũng không phải là duyên cớ để so bì hay loại trừ nhau, vì cả hai người làm cho số bạc đã nhận được sinh lợi thì nhận cùng một lời khen của ông chủ: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25, 21.23). Cũng vậy, Thiên Chúa không định đoạt tất cả mọi sự trong cuộc sống mỗi người; Ngài để cho mỗi người tự do nhận lãnh trách nhiệm và phát huy sáng kiến. Sự chênh lệch hay khác biệt giữa mỗi người giúp cho đời sống thêm phong phú, để mỗi người có thể bổ túc cho nhau. Thiên Chúa đón nhận khả năng của mỗi người; Ngài không đòi hỏi con người làm quá sức của mình.
Đâu là nguyên do khiến người nhận năm nén hoặc hai nén bạc dám làm ăn sinh lợi, còn người nhận một nén thì đem bạc đi chôn? Người nhận năm nén hoặc hai nén bạc nhận biết mình được ông chủ yêu thương tín nhiệm, bởi ông đã trao số bạc lớn cho mình, để mình làm ăn sinh lợi. Ngược lại, người nhận một nén thấy ông chủ là người hà khắc, keo kiệt, “gặt nơi không gieo, thu nơi không vãi”, nên anh ta sợ sệt, không dám có sáng kiến làm ăn sinh lợi; anh ta thu mình lại cho an toàn, yên ổn. Như thế, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cách phản ứng khác nhau nơi người đầy tớ đã nhận một nén và những đầy tớ khác, chính là cái nhìn của các đầy tớ về ông chủ hay chân dung ông chủ nơi lòng trí họ. Cái nhìn đúng đắn về ông chủ không chỉ giúp các đầy tớ có chân dung đúng đắn về ông chủ mà còn có chân dung đúng đắn về bản thân, đó là nhận biết mình là ai trong cái nhìn của ông chủ. Cũng vậy, cách tôi nhìn ngắm Thiên Chúa hay chân dung Thiên Chúa nơi tôi, giúp tôi nhận biết mình là ai: tôi được Thiên Chúa nhìn ngắm như thế nào, được Ngài tín nhiệm yêu thương, hay khắt khe dò xét… Ý thức mình là ai trong cái nhìn của Thiên Chúa, giúp tôi định hình lối sống bản thân và cung cách ứng xử, giúp tôi định hướng việc phục vụ và sử dụng những gì Chúa ban cho tôi.
Là người phục vụ cộng đoàn trong hàng ngũ Hội đồng mục vụ giáo xứ, cho đến lúc này, tôi nhìn Thiên Chúa của tôi như thế nào?
Tôi thấy Ngài nhìn tôi ra sao? Có cái gì cản trở khiến tôi không dám hoặc khó dấn thân cho Ngài?
Tôi ở gần Chúa như người con trong nhà hay như người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, ở trong nhà cha như một người làm thuê, ở gần cha mà chẳng hiểu cha (Lc 15, 11-32)?
Lm. Toma Vũ Ngọc Tín, S.J
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
ĐÃ THOẢ THUẬN… ĐÂU CÓ BẤT CÔNG…
“Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’” (Mt 20,13-15)
Dẫn vào
Trong buổi tĩnh tâm cho Giới Doanh Nhân Công Giáo TGP. Sài Gòn (DNCG) (CBSA)[i] ngày 16-12-2018 vừa qua tại Nhà Truyền Thống TGP. Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh, Đức TGM. Marek Zalewski[ii] đã dành cho hai bài chia sẻ: (1) Bài Tĩnh Tâm Mùa Vọng (Spiritual Talk on Advent); và (2) Tĩnh Tâm: Bài giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng (Spiritual Retreat, Homily III Sunday of Advent).[iii]
Theo những nội dung của hai bài chia sẻ đó, các thành viên DNCG, với những ngành nghề chuyên môn và kinh doanh rất đa dạng, đã vinh dự được đón nhận những giáo huấn của vị mục tử hiện đang là Đại diện Không Thường Trú của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô tại Việt Nam (Non-residential Pontifical Representative to Vietnam). Vâng, bầu khí thật trang trọng, nội dung các bài chia sẻ hết sức cô đọng, tập trung: tất cả đều rất tích cực.
Thật vậy, khi tiếp tục suy gẫm, tôi còn mạo muội ghi nhận thêm nơi đây, những chiều kích rất phong phú khác dành cho quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ, dành cho môn thần học mục vụ, môn quản trị mục vụ với những “nguyên tắc vàng” trong Giáo hội: (1) Người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn…; (2) Đừng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức.
Người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn…
Khi khẳng định chỉ có một món quà quan trọng nhất trong Mùa Giáng Sinh mà thôi, và món quà đó chính là Chúa Giê-su, Đức TGM. Marek Zalewski nhắc chúng ta về giá trị cốt lõi của Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Theo đó, phần thưởng cao nhất cho từng người (và cho mọi người) – “… bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” – chính là ơn cứu độ, là “Một Quan Tiền”.[iv] Nghĩa là, trong một góc nhìn khác từ một bối cảnh khác, thì “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?”[v] Phải, Chúa Giê-su chính là hồng ân…
… Chúa Cha muốn ban tặng cho anh chị em Mùa Vọng này. Chúa Cha luôn muốn ban tặng, nhưng tùy anh chị em có muốn mở món quà Giê-su mà Chúa Cha ban tặng cho anh chị em hay không.[vi]
Với cái nhìn đức tin, sự thật nói trên có thể được cảm nhận, theo Đức TGM. Marek Zalewski, bằng ba cách khác nhau: (1) cuộc tưởng niệm việc Chúa nhập thể là Hài Nhi Giê-su sinh ra vào Ngày Giáng Sinh;[vii] (2) cuộc trình diện của chúng ta trước nhan Chúa vào ngày sau hết của đời mình;[viii] (3) cuộc trở lại lần cuối của Chúa Giê-su trong vinh quang cùng các thánh vào ngày cánh chung (hẳn là có thể sẽ xảy đến trước trong đời ta).[ix]
Hóa ra, là người Công giáo thì ai trong chúng ta, kẻ trước người sau, đều cần được ơn của Đấng “từ trời xuống thế”: (1) đức tin: “Tôi tin kính… một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa… Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế… Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội…”; (2) đức cậy: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau; và (3) đức mến, mà một trong những biểu hiện khả tín, trong trường hợp này có thể được hiểu là không ganh tị, không tham lam: “Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao?”.[x] Thật vậy, đừng “… thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”.
Đừng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức
Tại một triều đình nọ có hai vị quan nổi tiếng với những đam mê thái quá đến “kỳ cùng cực độ” của mình: người này ghen tỵ vô lối, người kia tham lam vô hạn. Thế rồi đã có lần, vì muốn sửa đổi những tính xấu ấy cho hai vị quan của mình, nhà vua bèn cho triệu tập hai vị và thông báo sẽ trọng thưởng cho họ vì tinh thần và công việc phục vụ lâu nay của hai vị. Theo đó, hai vị quan có thể xin vua bất cứ điều gì với hệ quả đặc biệt như sau: xin gì thì được nấy, nhưng nếu vị này xin được một thì người kia tự động sẽ được gấp đôi (mà không cần phải nói gì!).
Hai vị quan suy nghĩ một hồi lâu, rồi chẳng dám nói gì. Im bặt. Kẻ ghen tỵ, người tham lam đều không muốn nói trước, sợ người còn lại sẽ được gấp đôi. Sau cùng vua phải ra lệnh cho cả hai phải lên tiếng; họ bèn xin được viết ra giấy. Nhà vua đồng ý. Nhưng thật quá bất ngờ khi mở giấy ra, theo lệnh nhà vua, viên thái giám đã đọc thật to: (1) “… tôi xin chặt đứt một tay…”, vị quan ghen tỵ đã viết như thế: (2) còn vị quan tham lam thì viết: “tôi xin chặt một chân…”. Cả hai đều biết rằng, nếu mình bị chặt một tay thì người kia sẽ bị chặt hai tay; nếu người này bị chặt một chân thì người kia sẽ bị chặt hai chân. Quan tham lam và quan ghen tỵ thà chịu mất một tay, một chân… còn hơn nhìn thấy người kia được của cải gấp đôi mình!
Để kết
Vâng, ghen tức và tham lam không phải là khôn. Ghen tức và tham lam không phải là phẩm chất của người Ki-tô hữu, càng không thể là tố chất đẹp cho công việc mục vụ của quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ. Đừng thấy ai được may mắn mà ta đâm ra ghen tức; cũng đừng thấy ai được may mắn mà ta lại cầu cho họ sẽ sớm gặp phải vận rủi. Nghĩa là, ông chủ “không bất công” đâu, vì đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày “Một Quan Tiền”.[xi]Vì Chúa là Tất Cả. Có Chúa là có tất cả. Công bằng là thế. “Một Quan Tiền” là thế. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa công bình, mà còn là Người Cha đầy tình yêu thương, là Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Câu hỏi giúp thảo luận
- Bạn nghĩ sao về nguyên tắc vàng “vui với người vui, khóc với ai đang khổ sầu”[xii]?
- Nếu muốn có một tâm hồn quảng đại, không hẹp hòi ghen tỵ, không tham lam đòi hỏi… chúng ta cần suy gẫm điều gì? Noi gương ai? Làm thế nào?
28-12-2018, GTHH
PHẦN HUẤN GIÁO
Phần III: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH THÁNH HÓA CỦA HỘI THÁNH
GIÁO DÂN TRONG HỘI THÁNH THÁNH THIỆN
Thánh thiện trong Hội Thánh là gì?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong số 823 có viết: “Chúng tôi tin Hội Thánh … mãi mãi thánh thiện. Thật vậy, Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Ðấng Thánh duy nhất,’ đã yêu dấu Hội thánh như Hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội thánh. Ngài kết hiệp với Hội thánh như Thân thể mình, và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa’ (x. LG 39). Vì thế Hội thánh là ‘Dân thánh của Thiên Chúa’ (x. LG 12) và các thành viên của Hội thánh được gọi là ‘thánh’. Thực vậy, Thánh Phao-lô trong các thư gửi các giáo đoàn, điển hình là 1 Cr 1,1-9 và Ep 1:1, đã không ngừng gọi các tín hữu là ‘Hội Thánh’, tức ‘những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh… được trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người…’
Thánh thiện của Tân Ước mang một ý nghĩa thần học đặc biệt (xem Thils, G. , Existence et sainteté in Jésus-Christ, Paris, 1982). “Thánh” là biệt hiệu đặc trưng của Thần Khí : “Thánh Thần.” Nếu không được Thần Khí thánh hóa, thì chẳng có gì và không một ai là “thánh” cả. Như ở tại sông Gio-đan, Ngài xuống trên Ðức Giê-su để khai mở sứ mạng, thì ngày Lễ Ngũ tuần, Thần Khí cũng đã xuống trên Hội Thánh sơ khai (x. Cv 2: 3-4). Mục đích của sứ mạng của Thánh Thần là thông truyền cho loài người sự sống thánh thiện của Ngôi Cha và Ngôi Con. Bởi Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4: 8), nên Thần Khí đổ tình yêu của Thiên Chúa vào lòng các tín hữu (x. Rm 5: 5), làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa (x. Rm 8: 14). Vì Thiên Chúa là chân lý (x. 3 Ga 12; Ga 14: 16), và Thánh Thần là “Thần Khí của chân lý” (Ga 14: 17; 15: 26 v.v.), nên Người thánh hóa các môn đồ trong chân lý (x. Ga 17: 17.19). Vì Thiên Chúa là ánh sáng (x. 1 Ga 1: 5), nên Thần Khí soi lòng mở trí các tín hữu cho họ hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Ep 1: 17-18). Thế thì nhận biết Cha và Con chính là sự sống đời đời, tức là sự sống thánh của Thiên Chúa (x. Ga 17: 3).
Ngày nay người ta thích sử dụng công thức sau đây: Hội Thánh bao gồm tất cả những ai tham dự vào ba chức vụ cơ bản của Chúa Giê-su Nhập thể là vương đế, tiên tri và ngôn sứ. Nếu giáo sĩ là những người tham gia vào ba chức năng này của Đức Ki-tô nhờ một bí tích đặc biệt là Truyền Chức Thánh, thì Ki-tô hữu Giáo dân cũng tham gia vào ba yếu tính tư tế, ngôn sứ và vương đế qua Phép Rửa ban Thánh Thần, Bí tích Thêm Sức.. và bí tích hôn phối.
Như vậy sự thánh thiện của Hội Thánh có nguồn gốc từ Thiên Chúa chứ không do sự thánh thiện của các phần tử tạo thành. Ngay cả khi một số phần tử của Hội Thánh xa ngã hay phạm tội, Hội Thánh cũng không vì thế mà mất đi sự thánh thiện đã được chính Chúa bảo đảm.
Sống thánh trong một Hội Thánh thông công
Ðã được tuyên xưng qua kinh tin kính ít nhất từ thế kỷ thứ năm, tín điều ‘Hội Thánh thông công’ là dấu chứng cho sự thánh thiện của Giáo hội. Trong công thức này, từ các thánh có nghĩa chỉ về vừa những điều thánh, vừa những người thánh. Còn ý nghĩa đầu tiên mà từ thông công muốn chỉ về, không phải là chia sẻ, song là hiệp thông nhờ một nguyên tắc thánh, nói cách khác là nhờ sợi dây liên đới siêu việt nối kết các chi thể sống động của Hội Thánh trong Thánh Thần. Nhưng thực trạng thông phần vào của cải siêu việt của nhau, đòi hỏi phải có việc chia sẻ của cải hiện sinh cho nhau. Cuối cùng thì chia xẻ của cải thiêng liêng, phải đưa đến chia xẻ của cải vật chất, như Vaticanô II đã lưu ý: “Các thành phần khác nhau của Giáo hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về nhân sự tông đồ và về sự trợ giúp vật chất”. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia xẻ của cải mình có, và lời nói sau đây của vị tông đồ cũng ứng nghiệm đối với mỗi Giáo dân: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (LG 13c; x. GS 69). Điều này đã được Tông Huấn “Người Ki-tô hữu Giáo Dân” số 28 dùng lời nói của thánh Grê-gô-ri-ô Cả mà mô tả như sau: “Trong Hội Thánh mỗi người nâng đỡ các người khác, và các người khác nâng đỡ lại họ”.
Thông công có thể làm cách cá thể hay tập thể.
Cá thể:
Nếu Tông Huấn về Người Ki-tô hữu Giáo Dân dùng lời Công Đồng Va-ti-can II mà khẳng định rằng: “Mỗi người Ki-tô hữu là một chi thể của Hội Thánh, được trao phó một nhiệm vụ độc đáo, không thể thay thế được” (x. CFL số 28), thì mỗi người Giáo dân luôn có bổn phận thánh hóa bản thân và tham gia vào việc thánh hóa Hội Thánh cách cá thể, đặc biệt trong các hoàn cảnh mà chỉ có chỉ có cách sống này mới thích hợp và mới thể hiện được. Nhờ đó Tin Mừng mới có thể chiếu giãi cách rộng rãi, đến tận các môi trường đang diễn ra cuộc sống thường nhật cụ thể của người giáo dân giữa lòng nhân loại. Đó là một đời sống theo sát với Tin Mừng, tức gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Đức Phao-lô VI khẳng định: “Vốn người hôm nay sẵn sàng lắng nghe các nhân chứng hơn là lắng nghe các thầy dạy. Nếu họ có nghe thầy dạy, thì chỉ vì các thầy dạy cũng là các chứng nhân”. Thánh Phê-rô cũng diễn tả rõ ràng điều này khi ngài đề cao một nếp sống trong sạch và đáng kính. Chính nếp sống này, chứ không phải lời nói, đã chinh phục được cả những người từ chối tin vào Tin Mừng”.
Tập thể:
Trong lịch sử Giáo Hội, các hiệp hội giáo dân như các hội đoàn, hội dòng và các hiệp hội khác nhau đã tạo nên những đường lối sống Tin Mừng vững chắc kéo dài cho tới ngày nay, và mang lại nhiều kết quả đáng kể. Ở thời đại chúng ta, các hiệp hội, các nhóm, các cộng đoàn, các phong trào cũng đang vươn lên mạnh mẽ. Có người cho rằng chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới trong lịch sử Giáo Hội, giai đoạn của các hiệp hội giáo dân.
Những hiệp hội này rất đa dạng, và có những đường lối huấn luyện, những phạm vi hoạt động rất khác nhau,; tuy thế tất cả chúng đều theo đuổi một mục đích chung là tham gia cách có trách nhiệm vào sứ mạng thánh hóa của Hội Thánh, là sống và loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người cả trong và ngoài Giáo Hội. Và vì con người là một tạo vật mang tính xã hội cao, nên việc kết hiệp với nhau để cùng thánh hóa, để sống và làm chứng cho Tin Mừng là một việc dễ hiểu và nên làm. Ngoài ra, việc làm tông đồ tập thể cũng dễ thành công hơn vì dựa trên sức mạnh của tập thể, đồng thời dễ dàng trở thành dấu chỉ hữu hình của sự thông công trong Hội Thánh nhất.
Giáo dân có nên thành lập hiệp hội không?
Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân (AA) số 19 của Công Đồng Va-ti-can II đã dành cho giáo dân quyền quyết định thành lập các hội đoàn Công Giáo, điều khiển hội đoàn, và tham gia hội đoàn, miễn là các hội đoàn đó giữ được mối hiệp thông với Hội Thánh. Ta phải hiểu: quyền tự do lập hội đoàn phát xuất từ Bí Tích Thánh Tẩy ban Thánh Thần, chứ không phải do sự nhân nhượng hay cho phép nào của giáo quyền. Bộ Giáo luật 1983, ở điều 215 còn nói rõ hơn rằng: các tín hữu có quyền thành lập và điều khiển các hiệp hội từ thiện, các hội đạo đức và tông đồ, nói chung tất cả các tổ chức nhằm cổ vũ ơn gọi của người Ki-tô hữu sống Tin Mừng trong thế giới. Họ có quyền hội họp lại với nhau mà không bị ai ngăn cản hay chống đối.
Riêng việc tham gia các hội đoàn Công Giáo, Giáo hội khuyến khích các giáo dân nên ghi tên vào các hội đoàn hay đoàn thể đã được Giáo hội (cấp toàn cầu hay địa phương) phê duyệt, đánh giáo cao và tích cực giới thiệu, vì chúng đáp ứng được các nhu cầu cấp thời của các địa phương đó. (xem GL 298/2)
Tóm lại, người giáo dân có quyền và có bổn phận tham gia vào các hoạt động thánh hóa của Hội Thánh. Bình thường việc tham gia cá nhân là cần thiết và hữu ích, nhưng nhiều khi việc tham gia cách tập thể lại mang về những kết quả to lớn và bền vững hơn. Điều quan trọng là, tuy giáo dân có toàn quyền tham gia vào các hội đoàn, nhưng quyền này “phải luôn luôn và chỉ được thực thi trong sự thông hiệp trọn vẹn với Hội Thánh” (CFL số 29)
Câu hỏi gợi ý:
- Hãy liệt kê một vài việc Giáo dân, trong tư cách cá thể, có thể làm sao cho Hội Thánh được trở nên thánh thiện hơn.
- Theo bạn, vào chính lúc này, lãnh vực hay công việc nào bạn cho là cấp thiết nhất để vun đắp sự thánh thiện của Hội Thánh địa phương của bạn?
- Bạn có biết về các hội đoàn hiện có trong giáo xứ của bạn không? Bạn có biết mục đích của chúng là gì không? và khả năng bạn tham gia vào một trong số đó?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
PHẦN MỤC VỤ
Bài 8: NÓI LỜI SỰ SỐNG
Lời mở
Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhiều nơi trên khắp thế giới người ta tổ chức Lễ hội Giáng Sinh, trưng bày những cây thông Noel với đèn sao rực rỡ, trao gửi thiệp mừng và quà tặng cho nhau để biểu lộ niềm vui. Nhiều tín hữu Công giáo cũng hoà theo niềm vui đó. Nhưng ít người hiểu biết và cảm nhận được “niềm vui trọn vẹn” (x. 1Ga 1,4) của người tín hữu vì “Ngôi Lời sự sống” (x. 1 Ga 1,1) mặc lấy thân xác con người, hoà nhập vào vũ trụ để biến đổi tất cả và cho tất cả được tham dự vào sự sống Thiên Chúa của Người. Kể từ đó lời nói của Kitô hữu không chỉ là những âm thanh, tiếng nói của con người mà có thể biến thành lời sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa.
1. Tiếng nói trong lịch sử con người
Xét theo lĩnh vực thông tin, người ta chia lịch sử văn minh của loài người thành 4 thời kỳ: tiếng nói (40.000 TCN – 4.000 TCN), chữ viết (4.000 TCN– 1000), ấn loát (1000-1900), tin học (thế kỷ XX – nay). Thời kỳ sau bổ túc cho thời kỳ trước và mỗi thời kỳ tiếp tục tồn tại và phát triển, như chúng ta đang ở trong thời kỳ tin học nhưng vẫn dùng tiếng nói, chữ viết, sách báo in để truyền thông tin cho nhau[xii].
Con người, ngay từ khi xuất hiện trên mặt đất, đã biết kêu hú, la hét như nhiều sinh vật khác. Tiếng kêu chỉ trở thành lời nói nhờ những con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện cách đây khoảng 40.000 năm trước Công nguyên. Ngày nay nhiều sắc dân trong các vùng rừng rậm ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Úc vẫn còn sống trong giai đoạn tiếng nói sơ khai như đồng bào Rục ở Việt Nam. Ngôn ngữ của họ, với khoảng 500 – 1000 từ, chỉ đủ diễn tả những sinh hoạt bình thường chứ không thể bày tỏ những cảm tình sâu xa và tư tưởng cao đẹp như tiếng nói của một số dân tộc văn minh khác[xii].
2. Tiếng Việt trong lịch sử dân tộc
Dân tộc Việt gồm các bộ tộc sống trong những hang động ở miền núi phía Bắc cách đây hơn 4000 năm, từ thời Hồng Bàng cho đến 18 đời Vua Hùng, đã có tiếng nói và chữ viết riêng[xii]. Trước bạo lực và thủ đoạn đồng hoá của người Trung Quốc, dân tộc Việt vẫn giữ nguyên được tiếng nói của mình trong suốt hơn 1000 năm bị đô hộ và đã phát triển thành một ngôn ngữ phong phú với trên 41.000 từ như hiện nay[xii].
Người Việt luôn nhắc nhở nhau bảo tồn quốc ngữ vì “tiếng Việt còn là nước ta còn”, dạy bảo con cháu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, cần phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”…[xii].
Nhiều người Việt chưa ý thức tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc gìn giữ và bảo vệ đất nước, trong việc hun đúc tinh thần dân tộc, trong việc phát triển tiếng Việt và chữ Việt giữa cộng đồng nhân loại. Có những đứa trẻ Việt sống trên đất nước mà phải dùng tiếng Anh, tiếng Pháp để nói với cha mẹ. Có những người Việt ở nước ngoài không nói được tiếng Việt vì cha mẹ chúng không còn biết đến quê hương. Rất nhiều người trẻ Việt Nam đang dùng những kiểu nói lai căng, lố lăng, sống sượng để thông tin cho nhau qua những dòng tin nhắn, mà không ngờ đang phá huỷ, hạ thấp tiếng nước mình.
3. Để nói nên lời
Có lẽ ta nên tìm hiểu sơ qua con người làm gì để nói nên lời. Từ nhiều thế kỷ qua, khoa học đã tìm hiểu tại sao con người biết nói và có ngôn ngữ riêng. Nhiều lý thuyết đã được nêu ra nhưng chưa làm sáng tỏ vấn đề. Năm 2009, một số nhà khoa học Hoa Kỳ đã nói đến sự đột biến gen FOXP2 khiến con người có thể nói chuyện, tạo ra ngôn ngữ, trong khi loài khỉ, chỉ biết kêu la[xii].
Ngày nay, số trẻ tự kỷ không biết nói hoặc nói những từ vô nghĩa ngày càng tăng. Nhiều phụ huynh không dành thời giờ nói chuyện với trẻ. Nhiều người muốn tránh cho chúng phá phách, quấy khóc nên bật máy Ipad hay điện thoại cho chúng xem hình, trò chơi. Vì thế, nhiều trẻ không biết nói, nghe và hiểu được như các trẻ bình thường.
Để nói nên lời, trước hết con người thu nhận tất cả những âm thanh và lưu trữ chúng ở vùng vỏ não thính giác. Để phân biệt được tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu khác với từ “chó”, “mèo”, cần có sự trợ giúp của vùng vỏ não ngôn ngữ Broca. Vùng ngôn ngữ Wernicke giúp hiểu ý nghĩa của từ “chó”, “mèo” là các con vật. Vùng ngôn ngữ Geschwind nối kết 2 vùng Broca và Wernicke để từ “chó” được phát âm gắn liền với nghĩa “một sinh vật” chứ không phải là khẩu súng (chó lửa). Vùng vỏ não thị giác ở phía gáy lưu trữ tất cả các hình ảnh về chó, về mèo. Thể Tam giác ở phần não trắng lưu giữ các hoàn cảnh và từ ngữ “chó” dùng như thế nào. Vùng vỏ não vận động trên đỉnh đầu khởi động quá trình nhận thức hoặc cử động tay, chân, môi, lưỡi, răng để nói được từ muốn nói. Vùng điều hành trung tâm ở trán sẽ tổng hợp tất cả hoạt động của các vùng, kể cả cảm xúc về con chó, con mèo. Rồi lệnh từ trung tâm điều khiển đến thanh quản, khiến con người nói lên câu: “Con chó của tôi”[xii].
Như thế, lời nói là một sản phẩm trí tuệ kỳ diệu, chỉ con người mới có thể thực hiện được trong muôn loài đang sống trên mặt đất này.
4. Lời của Thiên Chúa
Trong lịch sử các tôn giáo, người ta kể nhiều chuyện về việc thần linh giao tiếp với con người, soi sáng và dạy dỗ họ nhiều điều. Những lời dạy của thần linh, của Thiên Chúa có một giá trị siêu việt, cao cả mà con người phải tuyệt đối vâng theo. Thiên Chúa còn chọn ra một số người xứng đáng, soi sáng cho họ biết những ý định của mình và nhờ họ chuyển lời của mình đến cho dân tộc hay cho những con người khác. Vào thời điểm cuối cùng, Thiên Chúa sai Con Một của mình đến nói trực tiếp với con người để ai tin vào Người Con đó sẽ được cứu độ, được trở thành con cái Thiên Chúa và được sống mãi mãi như Thiên Chúa (x. Dt 1,1-2).
Người Con Một đó là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện trở thành người, mặc lấy thân xác người phàm để đưa bản tính Thiên Chúa vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, quyền năng vô biên, sự sống phi thường vào trong con người hữu hạn, vô thường, đau khổ và chết chóc này. Đó là lý do tại sao người Kitô hữu mừng lễ Chúa Giáng Sinh: vì lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth và ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Sự kiện này đã xảy ra cách đây 2018 năm và người Kitô hữu vẫn cử hành kỷ niệm này.
Tuy nhiên, theo dòng lịch sử 2000 năm, người Kitô hữu quá tập trung vào ý nghĩa của Lời Chúa, như những tiếng nói, được ghi lại trong các cuốn Thánh Kinh Cựu-Tân Ước, quá tập trung vào các nghi lễ, bí tích, rồi trong những năm gần đây họ cũng hăng hái học hỏi, suy niệm để “Sống Lời Chúa”. Đường hướng sống này càng làm họ xa rời Đức Giêsu vì không gặp được Người như một Thiên Chúa sống động cụ thể đang hiện diện giữa con người và vạn vật, mà chỉ tìm thấy những ý nghĩa trừu tượng của chữ viết trong cuốn Thánh Kinh, được giải thích qua một con người hay một thánh nhân.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc đến lầm lẫn này khi trưng dẫn câu nói của Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp những lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa, nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức… mà là một con người. Đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người…”[xii].
Khi người tín hữu tin vào Đức Giêsu và kết hợp mật thiết với Người, họ được trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm, trở thành chính Lời Thiên Chúa cho mọi người. Họ nhận được sức mạnh, quyền năng, tình yêu, ân sủng vô tận của Chúa Giêsu chuyển thông cho họ, để từng lời nói của họ có sức sáng tạo của Chúa Cha, sức cứu độ của Chúa Con và sức thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Giống như Chúa Giêsu, lời của họ không còn là lời tự nhiên của con người, nhưng trở thành Lời sự sống, Lời chân lý, Lời Tin Mừng như Chúa Giêsu. Lời đó phán ra có thể làm cho bánh cá hoá nhiều, gió yên biển lặng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho cả kẻ chết sống lại như đã chứng minh trong đời sống của các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu.
5. Nói lời sự sống
Muốn nói được những lời như thế, người tín hữu phải chuẩn bị những gì? Mẹ Maria dạy cho chúng ta biết phải làm gì.
Trước hết, ta phải mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, phải thở hít được Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh đã thổi trên các môn đệ. Khi đón nhận được Thần Khí là Chúa Thánh Thần, ta biến đổi mình từ con người tầm thường, tội lỗi, ngu dốt trở thành người phi thường, thánh thiện như các môn đệ thời xưa để đi đến đâu, các ngài làm phép lạ đến đó.
Trong cuộc sống thường ngày, ta thở khí tự nhiên. Từng giây phút ta cần oxy để biến dòng máu đen thành dòng máu đỏ nuôi sống từng tế bào. Khí tự nhiên rất cần trong đời sống, nhưng khí siêu nhiên là Chúa Thánh Thần còn cần hơn nữa vì biến đổi dòng máu đen tội lỗi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Muốn nói lời nào đó, ta phải hít khí vào trong buồng phổi, khi thở ra khí sẽ qua thanh quản để phát ra lời. Lời Chúa cũng vậy, ta phải hít linh khí vào trong người thì mới có thể phát ra lời sự sống như Chúa Giêsu. Vậy ta đã thở được Thần Khí đó chưa?
Như Mẹ Maria đã mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để Ngôi Lời hình thành trong lòng Mẹ, từ đó Mẹ sinh Chúa Giêsu cho thế giới. Ta cũng mở lòng ra như Mẹ: dâng hồn xác, mọi phương tiện vật chất cũng như tinh thần để hình thành nên Chúa Giêsu trong lòng ta. Khi nói Lời Chúa là ta sinh Chúa Giêsu cho người khác và thế giới. Vì thế ta phải tránh lời nói tục, nói dối, nói xấu, lời bất hoà, gây chia rẽ, làm thương tổn con người. Trong cơn nóng giận, ta đừng vội nói ngay. Hãy bình tâm vài giây để hít thở dài hơi và nói thầm: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”. Nhờ thở như thế, nhiều khí oxy trong máu đưa lên não làm cho ta bình tĩnh lại, ta sẽ không nói theo cơn giận và làm chủ được lời nói của mình.
Đi xa hơn nữa, khi bắt đầu thở được Thần Khí của Chúa, lời của ta có thể làm cho người khác được chữa lành, được giải thoát khỏi ma quỷ. Đó là ơn mà Chúa Giêsu ban cho khi Người sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ” (x. Mc, 16,15-18), bởi vì ta là hiện thân của Ngôi Lời Sự sống cho thế giới này.
Lời kết
Vì thế, gắn bó với Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu, chúng ta cố gắng chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng.
Câu hỏi gợi ý
- Khi xưng thú tội lỗi, bạn đang nói lời gì: nói dối, nói điêu, nói khoác, nói kháy, nói láo, nói ngang, nói quanh, nói suông, nói thách, nói tục, nói xấu, chửi thề…?
- Bạn làm gì để sửa đổi lời nói của mình thành lời sự thật và sự sống, lời tạo nên niềm vui, hy vọng và cứu độ cho người khác?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
[1] CBSA: The Catholic Businesspeople of Saigon-HCMC Archdiocese (Giới Doanh Nhân Công Giáo TGP. Sài Gòn).
[1] “Quê hương Ba Lan có vị tổng giám mục / Dung mạo hạnh phúc Marek Zalewski / Cao dáng bước đi làm Sứ thần Tòa Thánh / Trọng trách ngài gánh: Đảo Quốc Xing-ga-po / Nhiệm vụ phải lo Đại diện Không Thường Trú… / Những mong đầy đủ… hiện hành tại Việt Nam / Miệng nói tay làm chân đi bậc sứ giả / Thánh tòa cao cả mục vụ đời tông đồ…” (Archbishop Marek Zalewski, the Holy See’s Apostolic Nuncio to Singapore cum Non-residential Pontifical Representative to Vietnam).
[1] Đức TGM. Marek Zalewski đã sử dụng các bản văn Thánh kinh theo ngày để chia sẻ (Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lk 3,10-18).
[1] X. Mt 20,14-15.
[1] Mt 20,14.
[1] “There is only one gift at Christmas, that gift is Jesus. Jesus is the grace that the Father wants to give to you this Advent. The Father is always willing to give, but it is up to you to unwrap the Father’s gift of Jesus to you.” (Zalewski, Spiritual Retreat…, 16-12-2018).
[1] “It can represent our commemoration of the incarnation of God on Christmas Day through the birth of Baby Jesus.” (Zalewski, Spiritual Talk…, 16-12-2018).
[1] “It can represent our appearing before the Lord at the end of this life.” (Zalewski, Spiritual Talk…, 16-12-2018).
[1] “Or it can represent the final coming of the Lord Jesus in full glory with the saints at the end of the world, which ever may come first in our lives.” (Zalewski, Spiritual Talk…, 16-12-2018).
[1] Mt 20,14.
[1] X. Mt 20,9-10.
[1] Rm 12,15.