“Ngôi nhà Thiên thần”
***
“Tất cả bắt đầu từ trái tim con người. Khi người ta không nhìn nhận người khác như anh em của mình, với cùng phẩm giá như mình, và họ cũng là con Chúa, chỉ bởi vì họ da đen, họ nghèo khổ, khuyết tật…, thì người ta không thể cứu được ai.”
Cầu nguyện là phương cách đánh bại sự ác
Đây chính là điều hướng dẫn sứ vụ của sơ Angela, ở những nơi chốn thật khác nhau, nhưng luôn tràn đầy sự bất công sâu đậm và bất bình đẳng nặng nề, với những câu chuyện về cuộc đời của những con người thường bị xem như con số không: từ khu gia cư tồi tàn Harlem ở New York đến những khu ổ chuột của thành phố Bangkok; sơ Angela cũng đã sống những năm nội chiến tại Sierra Leone, một trong những cuộc chiến khốc liệt bạo tàn nhất, và trong thời gian đó, sơ cùng với 6 nữ tu cùng dòng đã bị bắt 2 tháng trời. Chính kinh nghiệm này đã giúp sơ Angela cảm nghiệm thế nào là việc chối bỏ tính nhân đạo. Tất cả bị hủy diệt. Hoàn toàn là bạo lực và như ma quỷ đầu thai. Sơ tự hỏi làm sao con người có thể sản sinh ra những điều như thế. Một sự ác quá lớn đến nỗi không thể biết làm sao để đánh bại nó. Chỉ còn cách duy nhất là cầu nguyện.
Tận cùng nơi tâm hồn con người vẫn có sự thiện
Sứ vụ truyền giáo cho những người ở cùng tận biên giới, nơi mà trong những năm nội chiến và trong những ngày đau thương, khi mà sự sống của sơ và các chị em cùng dòng như treo trên một sợi chỉ, đối với sơ Angela, khi nhìn lại, nó không còn chỉ là yếu tố địa lý nhưng là “sứ vụ ở đó là nơi mà trái tim con người thực sự bị tàn phá.” Sơ cũng nhớ lại những việc bác ái mà “ thiếu niên nổi loạn”, nạn nhân và đồng thời cũng là thủ phạm. Sơ Angela nhờ lời xin cầu nguyện, quan tâm đến những người lân cận: “Bạn thấy rằng ở tận cùng vẫn còn một thoáng của sự thiện.”
Ngôi nhà thiên thần
Và rồi các phụ nữ, ở Sierra Leone cũng như ở Thái lan, nơi sơ không bao giờ tưởng tưởng là mình sẽ đi đến đó. Các phụ nữ ở đây như là những khiên thuẫn của sự kiên nhẫn và kháng cự, của dấn thân và can đảm. Chính với các phụ nữ này, sơ Angela đã bắt đầu cuộc đời truyền giáo mới của sơ, tại một châu lục khác, giữa những hình thức suy thoái mới: những khu ổ chuột không biên giới của Bangkok, nơi sơ đã sống 16 năm. Có trên 2000, với một dân số đông đảo sống trong những khu ổ chuột không có các dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Một sự xuống cấp về vật chất, nhưng cả tinh thần, về cả giá trị và nhân bản. Vì thế, sau khi đã đi qua những nơi đau thương và bị bỏ rơi này, sơ Angela đã quyết định bắt đầu lại từ một ngôi nhà và một gia đình.
Sơ Angela kể lại: “Ngay từ đầu, ‘Ngôi nhà thiên thần’ ở Bangkok được nghĩ đến trong tinh thần truyền giáo: nó phải là một nơi mà qua hoạt động bác ái, người ta có thể thấy và làm cho người khác nhìn những cư dân trong ngôi nhà này theo cách khác.”
Chống kỳ thị
Ngôi nhà các thiên thần được mở cửa vào năm 2008, và đón tiếp các bà mẹ và các trẻ em bị khuyết tật nặng. Sơ Angela nhận thấy những người này chịu đau khổ rất nhiều, không chỉ vì bệnh tật mà các bà mẹ này vất vả đối mặt nhưng cả vì sự kỳ thị nặng nề mà những người khác đối với họ. Trong bối cảnh của một xã hội theo Phật giáo, khuyết tật bị xem như một sự nguyền rủa và là hình phạt vì những điều tội lỗi đã phạm trong kiếp trước, do chính người mẹ hoặc đứa con. Sơ Angela chia sẻ rằng chính bởi vì các bà mẹ này, mỗi ngày các sơ đã tìm cách trở lại với điều căn bản chung. Mỗi chiều họ cùng nhau đọc một đoạn Tin mừng, không nhắm cải đạo các bà mẹ này, nhưng để học nhìn chính mình và con cái của mình như là các thụ tạo của Thiên Chúa, được Chúa mong muốn và thương yêu.
Tái dựng phẩm giá
Các sơ tìm cách tái dựng lại phẩm giá trên các nền tảng phổ quát và thay đổi cách cảm nhận sự việc, luôn trở lại với ý muốn của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo. Bởi vì không có lý do nào, không có tôn giáo, không có xã hội học cũng như tiền bạc, có thể biện minh cho sự khác nhau và loại trừ. Việc mỗi người tiếp xúc hàng ngày với Tin mừng, với ý thức tự do, đã trở thành điểm quy chiếu cho Ngôi nhà các Thiên thần. Và điều này đã đưa đến nhiều kết quả.
Đau khổ của người khuyết tật
Đi qua các khu ổ chuột ở Bangkok, sơ Angela không chỉ nhìn thấy sự nghèo khổ về vật chất nhưng cả những đau khổ của con người. Sự chia ly của các gia đình thật sự là một thảm kịch. Sơ Angela đã bắt đầu từ những hoàn cảnh đau khổ nhất, với những bà mẹ hầu như đơn thân và những đứa con tật nguyền. Một số trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phần lớn các em bị cha mẹ, những người nghiện ngập, bạo lực, thiếu trách nhiệm, bỏ rơi.
Ngôi nhà Angela đón tiếp khoảng hơn chục trẻ em mà các sơ tình cờ gặp thấy. Các sơ chăm sóc các em bé này và giúp các bà mẹ, sống những tình cảnh khó khăn do khủng hoảng đời sống gia đình, chăm sóc cho con cái của họ. Nhưng thật không dễ dàng bởi vì nhiều em bị tàn tật nặng. Các sơ dạy các bà mẹ chăm sóc các em và dần dần họ quan tâm và biết chăm lo cho con của mình. Các sơ cũng ủy thác cho các phụ nữ làm những công việc nội trợ và trả cho họ một số lương nho nhỏ. Đó là cách thế nhìn nhận phẩm giá của họ và giúp họ có thể tự lập đôi chút.
Đón tiếp và tương trợ với người nghèo khổ là cách loan báo Tin mừng
Sơ Angela cũng tìm cách giúp cho các Kitô hữu ý thức về việc đón tiếp và tương trợ với những người nghèo, không loại trừ họ. Sơ khẳng định rằng việc loan báo Tin mừng bằng lời nói không được thực hiện ở đây nhưng cần trình bày về Thiên Chúa qua các công việc của con người. những hoạt động bác ái, cụ thể và vô vị lợi có thể dần dần thấm vào tâm hồn con người.
(Hồng Thủy – Vatican)