Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 3)
Ủy Ban Giáo Dân
Hội đồng Giám Mục Việt Nam
PHẦN TU ĐỨC
GẶP CHÚA, ĐỔI ĐỜI (Lc 19,1-10)
Được Đức Giêsu thu phục, hẳn là ông Da-kêu đã trở nên “người thu phục người ta” (Lc 5, 10), qua đời sống bác ái hơn và công bằng hơn: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đó là một đời sống tuôn chảy sức năng động của niềm vui Tin mừng: “Niềm vui Tin mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống những ai gặp gỡ Đức Giêsu.” (EG, 1). Hành trình đổi đời này khởi đi từ khao khát biết Đức Giêsu, một niềm khao khát có sức khơi lên sáng kiến và nỗ lực thực hiện hành trình tìm gặp Người.
Khi vào thành Giê-ri-khô, Đức Giêsu đã chữa lành cho một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường (Lc 18,35-43). Có lẽ tiếng vang của việc chữa lành này đã chạm đến ông Da-kêu và khơi lên một ước muốn nho nhỏ: “tìm cách xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Một ước muốn nhỏ nhoi, nhưng để khoả lấp, ông Da-kêu lại gặp không ít khó khăn từ nhiều phía: vì ông thấp bé so với đám đông vây quanh Đức Giêsu, vì ông là người đứng đầu những người thu thuế… Tuy nhiên, ông không thấy khó khăn là cản trở, nhưng là một thách đố, một lời mời gọi vượt qua. Ông nảy ra sáng kiến và nỗ lực thực hiện sáng kiến này: ông chạy lên phía trước, leo lên một cây sung. Đặt mình vào địa vị xã hội như ông Da-kêu, có lẽ nhiều người không dám làm như ông, leo lên cây như một trẻ nít. Đây là cử chỉ cho thấy lòng khao khát nơi ông chân thật, năng động và tích cực thế nào. Để gặp Chúa, cần có lòng khao khát chân thật, đó là lòng khao khát có sức năng động và tích cực, giúp vượt qua khó khăn thách đố trên đường.
Từ trên cây sung, có lẽ ông Da-kêu đã dõi mắt theo Đức Giêsu đang bước đi trên đường của Người. Đức Giêsu nhận ra ông và ngỏ lời với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông!”. Có thể nói, Đức Giêsu tìm ông hơn là ông tìm Người; Người biết ông hơn là ông biết Người. Điều gì có thể níu chân Đức Giêsu, khiến Người “phải ở lại” nhà ông Da-kêu, nếu không phải là lòng khao khát chân thật của ông. Đức Giêsu làm cho ông điều vượt quá mong đợi. Người không chỉ khoả lấp khát vọng của ông là xem cho biết Đức Giêsu là ai, mà còn cho ông điều ông không dám mơ, đó là được tiếp đón Người vào nhà mình. Cuộc gặp gỡ được cử hành trong niềm vui và niềm vui ấy tiếp tục tuôn chảy qua đời sống ông Da-kêu. Chân thành gặp gỡ Đức Giêsu, ông Da-kêu đã được Người thu phục. Ông đổi đời, sống công bình hơn và bác ái hơn, để tiếp tục thu phục và biến đổi những cuộc đời quanh ông.
Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, danh tính của chúng ta không chỉ được xác định bởi chức vụ, nhưng căn bản được xác định dựa trên mối liên hệ thiết thân với Đức Giêsu, đấng đã “thu phục” chúng ta và mời gọi chúng ta đón nhận sứ mạng “thu phục người ta” (Lc 5,10). Có đôi lúc nặng nhọc trong trách vụ, chúng ta như thể quên Chúa, nhưng Người không quên chúng ta. Có đôi lúc căng thẳng trong hoạt động mục vụ, chúng ta có thể lạc lối sai đường, Chúa đã đi bước trước tìm chúng ta, thu phục chúng ta bước đi trên đường của Người.
Hồi tâm.
Khi tham gia Hội đồng mục vụ, tôi có cảm thấy sự thách đố của Tin mừng không? Vào những dịp nào? Tôi có cảm thấy xung đột giữa đời sống của tôi và những đòi hỏi của Chúa Giêsu không?
Tôi có thực sự gặp Chúa chưa? Chúa có mời gọi tôi biến đổi điều gì chăng? Tôi có đang làm theo điều Chúa muốn? Chúa đã đi bước trước tìm tôi thế nào? Có những biến cố nào tôi nhận ra Chúa đã đi bước trước tìm gặp tôi?
Linh mục Toma Vũ Ngọc Tín SJ.
PHẦN HUẤN GIÁO
Phần I: KHÁI NIỆM VỀ HỘI THÁNH THEO VA-TI-CAN II
TRONG HỘI THÁNH TÁC VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG
“Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24:45-48)
1/ Hội Thánh là Đoàn Dân Chúa được cứu độ và có sứ mạng rao giảng Tin Mừng
Trong cộng đoàn Dân Thánh có nhiệm vụ chính là tiếp nhận cứu độ cho mình, rồi mang ơn cứu độ đó cho trần gian qua việc rao giảng Tin Mừng khắp tứ phương thiên hạ, chắc chắn phải có nhiều tác vụ khác nhau và bổ sung cho nhau. Các tác vụ nói chung hướng về cả hai mục đích ‘thánh hóa’ và ‘rao giảng’, nhưng có những nét chuyên biệt riêng biệt của mỗi thứ.
Tông Huấn Christi Fideles Laici (Ki-tô hữu Giáo Dân) xác định hai loại thừa tác viên thực hành các tác vụ này như sau:
a/ Tác vụ quen được gọi là ‘tác vụ Linh Mục’ “Các tác viên có chức thánh là một hồng ân cho toàn Hội Thánh. Các tác vụ này diễn tả và thực hiện việc tham gia vào linh mục tính của Đức Ki-tô Giê-su, không chỉ theo đẳng cấp mà còn trong cả nội dung, khác biệt với sự tham gia dành cho tín hữu giáo dân nhờ Phép Rửa và Thêm Sức” (CFL 22);
b/ Và ‘Tác Vụ Giáo Dân’ là các tác viên “Tín hữu giáo dân, trong tư cách là phần tử của Hội Thánh, có ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng: họ được chuẩn bị cho việc này thông qua các bí tích gia nhập Ki-tô giáo, và nhờ các ẩn điển của Chúa Thánh Thần” (CFL 33).
Như vậy chúng ta có thể nói rằng các tín hữu giáo dân trong Hội Thánh có tác vụ riêng được ban cho họ nhờ Phép Rửa ban Thánh Thần; điều này luôn được khẳng định vào thời Hội Thánh sơ khai. Và tác vụ này song hành với tác vụ giáo sĩ dành cho một số người.
2/ Tác Vụ Giáo Sĩ
Tông Huấn Christi Fideles Laici số 22 khẳng định: “Vị trí trước hết trong Hội Thánh là các thừa tác viên có chức thánh, nghĩa là các tác viên đã lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh”.” Theo suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, tác vụ này được gồm ba chức năng hay cấp bậc là Phó Tế, Linh Mục và Giám Mục. Chúng ta gọi chung là ‘tác vụ giáo sĩ’
Giáo sĩ là những người:
- Được tham gia trực tiếp vào tác vụ thánh hóa của Đức Giê-su Ki-tô, nhất là trong vai trò làm đầu của Người đối với Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ.
- Nhiệm vụ hàng đầu của họ là thánh hóa toàn Nhiệm Thể nhân danh Đức Ki-tô ngôn sứ, tư tế và linh mục
- Đồng thời, trong vai trò Đức Ki-tô là đầu, họ đóng vai trò qui tụ Hội Thánh trong tác động hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông với giáo sĩ là điều kiện để toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Hội Thánh được hiệp nhất và bền chặt.
- Có thể nói vai trò chuyên của tác vụ này mang tính đối nội trong Hội Thánh nhiều hơn. Giáo sĩ được ban cho tác vụ này là để trước tiên phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, và vì thế nhiệm vụ chính yếu của các ngài là cổ súy sự nối kết cành với thân nho là Đức Ki-tô và vun đắp sức sống bên trong Nhiệm Thể Đức Ki-tô; như Tông Huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân số 22 khẳng định:
“Do đó để bảo đảm và gia tăng hiệp thông trong Hội Thánh, đặc biệt tại những nơi các tác vụ khác biệt bổ sung cho nhau, các mục tử phải luôn nhìn nhận rằng tác vụ của họ về cơ bản là hướng tới phục vụ toàn thể Dân Chúa (xem Dt 5:1). Về phần các tín hữu giáo dân, họ phải nhìn nhận tác vụ linh mục là hoàn toàn cần thiết để họ tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh.”
3/ Tác vụ Giáo Dân
Vì Ki-tô hữu Giáo Dân cũng tham gia vào chức vụ ngôn sứ, tư tế, và vương đế của Đức Ki-tô, đựa trên những gì Tông Huấn Christi Fideles Laici viết ở số 23, ta có thể minh xác là họ đã nhận được một tác vụ trong ngày lãnh nhận Phép Rửa lãnh Thánh Thần:
“Do đó các chủ chăn phải nhìn nhận và kiện cường tác vụ, chức vụ và vai trò của tín hữu giáo dân đặt nền tảng trên Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, và đối với một số lớn trong họ, còn trên Bí Tích Hôn Phối nữa.”
Cách riêng, trong một Hội Thánh có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho trần gian, Ki-tô hữu Giáo Dân phải là những người:
- Có nhiệm vụ hàng đầu là đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ (tức thánh hóa bản thân) trong sự liên kết với toàn Nhiệm Thể là Đức Ki-tô như cành liên kết với thân cây nho (xem Ga 15:1-6). Nói cách khác, nếu ngày nay ta gọi điều này là ‘sống thánh giữa đời’ thì đó là nói lên một tổng hợp giữa hai điều, một là đón nhận ơn cứu độ, hai là mang sự cứu độ này cho trần gian (xem Ga 15:5).
- Tuy nhiên trong một Hội Thánh có nhiệm vụ chủ chốt là loan báo Tin Mừng khắp thế gian, thì như Tông Huấn Christi Fideles Laici số 33 ở trên đã trích dẫn khẳng định rõ: tác vụ của Ki-tô hữu Giáo Dân có sắc thái đối ngoại rõ rệt, tức là họ có sứ mạng chuyên môn là mang Tin Mừng của Đức Ki-tô tới khắp hang cùng ngõ hẻm và tới mọi lãnh vực bất cứ của đời sống trần thế, nhờ khả năng thâm nhập vào các môi trường đa diện của nhân loại với sức mạnh làm biến đổi của Tin Mừng
Tác vụ này cần được các giáo sĩ tôn trọng, khích lệ và nâng đỡ; về phần mình trong tác động của Chúa Thánh Thần, luôn tìm mọi cách làm cho nó ngày càng trở nên phong phú, nhất là dưới các hình thức liên kết tồng đồ và hiệp hội.
Câu hỏi gợi ý:
- Bạn có nhận ra vai trò của giáo sĩ trong việc thánh hóa toàn nhiệm thể là quan trọng thế nào không? Nêu một vài điển hình trong sinh hoạt Giáo Hội
- Và bạn có đánh giá cao vai trò chuyên của tín hữu giáo dân là làm cho Tin Mừng thâm nhập vào thế giới? Bạn có nghĩ việc đánh giá này hiện nay còn khá non nớt trong Giáo Hội không?
Linh mục Gioan Nguyễn Văn Ty
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ VỚI TINH THẦN CỘNG ĐỒNG KI-TÔ NHỎ (SCC)
“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. (Mt20,4)
Cả các anh nữa…
Khi nói đến hội đồng mục vụ giáo xứ, người ta hay nghĩ đến các thành viên ban thường vụ, thông thường chỉ là năm vị:[1] “(1) chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ (chánh trương); (2) phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách nội vụ (phó trương nội vụ); (3) phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách ngoại vụ (phó trương ngoại vụ); (4) thư ký hội đồng mục vụ giáo xứ; và (5) thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ”.[2] Tuy nhiên trong thực tế, tùy theo ý nghĩa là “rộng”, hay “mở rộng” các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ còn bao gồm nhiều người khác nữa.[3] Cùng với những vị theo ý nghĩa “rộng” hay “mở rộng” này, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ có thể sử dụng Phương pháp Tiếp Cận Mục Vụ Toàn Diện tại Á Châu (Asian Integral Pastoral Approach) (AsIPA) để thi hành sứ vụ tại vườn nho giáo xứ của mình.[4]
Theo đó, “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho…” chính là lời mời gọi không chỉ dành riêng cho các thành viên ban thường vụ, mà còn đặc biệt dành cho các thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ nữa. Tất cả hãy cùng nhau, ước được như thế, hãy tham gia vào Chương trình Huấn Luyện Tác Viên Tin Mừng của AsIPA, để trong các cộng đồng Ki-tô Nhỏ (CĐKN) (Small Christian Communities, SCC) mà ta sống Lời Chúa cách tích cực hơn, và vì thế, có thể chu toàn bổn phận cách dễ dàng hơn, hân hoan đi vào vườn nho, làm việc tại vườn nho giáo xứ.
Hãy đi vào vườn nho…
Thật vậy, các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ là những chức vụ của các thành viên trực thuộc ban thường vụ, có nhiệm vụ phụ trách các lãnh vực chuyên môn. Nghĩa là, cả các vị này cũng có bổn phận “đi vào vườn nho…”. Chẳng hạn như: “(1) uỷ viên mục vụ phụng tự, (2) uỷ viên mục vụ giáo lý, (3) uỷ viên mục vụ thánh nhạc, (4) uỷ viên mục vụ giới trẻ, (5) uỷ viên mục vụ thiếu nhi, (6) uỷ viên mục vụ truyền giáo, (7) uỷ viên mục vụ bác ái xã hội-Caritas Việt Nam, (8) uỷ viên mục vụ hôn nhân và gia đình, (9) uỷ viên mục vụ di dân, (10) uỷ viên âm thanh, ánh sáng, (11) uỷ viên lễ tân, khánh tiết, (12) uỷ viên quản trị tài sản giáo xứ…”.[5]
Trong sự dấn thân “đi vào vườn nho…” này, ưu thế cốt lõi để liên kết sức mạnh nhóm, để cùng nhau làm việc tại vườn nho giáo xứ cách hiệu quả chính là Phương pháp Chia Sẻ Lời Chúa Bảy Bước (7 Step Gospel Sharing Method) theo tinh thần của CĐKN. Thật vậy, phương thế ưu việt – trong tinh thần CĐKN, rất phù hợp với thời đại này – xuất phát từ chính lời của Chúa: (1) Mc 3,13-19 (Chúa Giê-su lập Nhóm Mười Hai); (2) Ga 17,18-23 (Cộng đồng phải phản chiếu nơi cuộc sống là các môn đệ của Chúa Giê-su); (3) Lc 8,1-3 và Ga 12,6 (Các thành viên cộng đồng nhỏ vây quanh Chúa Giê-su, chia sẻ của cải vật chất của họ cho nhau); (4) Cr 16,19-20, Cl 4,15-18, Plm 1-3, Cv 2,43-47, Cv 11,19-26 (Các mối quan hệ nồng ấm trong các giáo hội tại gia thời Giáo hội sơ khai). Đó chính là cách thức phục vụ mẫu mực. Đó chính là dịp để sống đạo và được “trả… hợp lẽ công bằng…”.
Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng
Phương pháp “Chia Sẻ Lời Chúa Bảy Bước” trong AsIPA nảy sinh từ tâm tình yêu mến Lời Chúa và những giáo huấn của Giáo hội, cách riêng những hướng dẫn từ các văn kiện: (1) Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Evangelii Nuntiandi; (2) Thông điệp Redemptoris Missio, (3) Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Asia; (4) Thông điệp Deus Caritas Est, (5) Tông huấn Gaudium Evagelii…. Theo định hướng mục vụ như thế, Giáo hội Chúa tại Á châu sẽ hiện diện một cách mới mẻ (a new way of being Church) và là sự hiệp thông của những cộng đồng. Việc tổ chức các CĐKN trong các giáo xứ, giáo phận theo AsIPA là điều cần thiết và hết sức hữu ích. Trong các CĐKN, được Phương pháp “Chia Sẻ Lời Chúa Bảy Bước” nâng đỡ, quý chức sẽ dễ dàng chu toàn bổn phận là đại diện dân xứ; mọi người sẽ dễ dàng cảm nhận được thế nào là “hợp lẽ công bằng” khi vào làm vườn nho của Chúa: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20,4).
Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng
PHẦN MỤC VỤ
THỞ ĐƯỢC LINH KHÍ CỦA TRỜI
Lời mở
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Nếu hiểu được tầm quan trọng của khí trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên, ta mới sống khoẻ mạnh, tài giỏi, xinh đẹp vì thở dồi dào được khí sạch của đất và trở thành kỳ diệu, phi thường, thần linh vì thở được khí thiêng của Trời.
Cuộc đời hào hùng của Nguyễn Công Trứ[6] như mời gọi ta thở được linh khí của trời đất qua bài thơ Kẻ Sĩ của ông:
“Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất”.
1. Tầm quan trọng của khí thở tự nhiên
Nhiều người chưa hiểu khí cần thiết và quan trọng như thế nào cho sự sống, nên chỉ quan tâm đến việc ăn uống và bỏ qua việc thở. Một ngày không ăn là họ cảm thấy đói cồn cào, tay chân rã rời, như mất hết sức sống. Nhưng thật ra, chúng ta biết rằng lương thực là loại nhu cầu thấp nhất so với nước uống và khí thở. Người ta có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3-4 ngày và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút nhờ 1 lít không khí luôn được dự trữ trong buồng phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10.000 lít không khí.
Để có thể sống được, 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể con người cần được liên tục cung cấp oxy từ khí quyển bên ngoài vào trong cơ thể và thải trừ khí carbonic. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất dinh dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài[7]. Dòng máu đen đầy khí carbonic không còn ích lợi cho sự sống đó phải được quả tim chuyển sang buồng phổi để đỏ trở lại nhờ nhận được oxy.
Như thế, nếu con người tăng cường hệ hô hấp để có nhiều oxy trong máu, người ta sẽ tăng cường được các chức năng của hệ thần kinh: ý thức dồi dào hơn, cảm xúc mãnh liệt hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, học hành làm việc hiệu quả hơn. Đây là lý do chúng ta cần tập thở cho đúng, cho tốt để tăng cường chất lượng sống tự nhiên.
2. Tầm quan trọng của khí thở siêu nhiên
Khi hiểu được tầm quan trọng của khí thở đối với sự sống tự nhiên, ta có thể suy diễn và hiểu được phần nào tầm quan trọng của khí siêu nhiên đối với đời sống tinh thần của từng người, cũng như của Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô. Nhất là chúng ta nhận ra và cảm nghiệm được vai trò thần hoá của Chúa Thánh Thần vì Ngài chính là Thần Khí, là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu.
Người Việt chúng ta đã từng biết đến “linh khí” là khí thiêng của trời đất, núi sông, biết đến “dũng khí”, “hào khí”, “chính khí” của những con người có chí khí mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm. “Khí hạo nhiên” được Nguyễn Công Trứ nhắc đến là thứ khí phách, năng lực tinh thần, phẩm cách cao quý nhất, không gì so sánh được của con người. Những hiểu biết này giúp ta dễ hiểu hơn về Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Khí của Kitô giáo.
Từ “Thần Khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do Thái, và có nghĩa đầu tiên là hơi thở, không khí, gió[8]. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ và con người (x. St 1,2; 2,7; Tv 33,6; 104,30; Gv 3,20-21; Xh 37,10). Ngài là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo[9]. Ngài là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các môn đệ khi thổi hơi trên họ để họ có quyền tha tội như Thiên Chúa: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa Thánh Thần chính là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp” (x. Cv 2,1-11) để biến đổi họ thành con người mới đầy ân sủng và quyền năng. Cuối cùng, Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.
Khi thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 2Cr 12,37.12.13)[10]. Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Đó là “sứ vụ phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần”[11], đồng thời cũng là sứ vụ của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”[12].
Chúng ta phải thú nhận rằng: người tín hữu Công giáo chưa ý thức tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí. Trong một vài thế kỷ đầu, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và môn đệ khiến họ hăng say rao giảng Tin Mừng và phát huy các ân sủng kỳ diệu của Ngài. Nhưng sau đó, Giáo hội Công giáo rơi vào tình trạng quên lãng sự hiện diện sống động của Ngài và đánh mất bí quyết thở Thần Khí do các tông đồ truyền lại. Họ rất thụ động trong việc thở khí thiêng. Thần Khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít giúp họ sống yếu ớt, thoi thóp chứ không phải dồi dào sung mãn với đủ loại ơn đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học… Chúng ta cần phải tập thở Thần Khí và làm sống lại sự hiện diện lạ lùng của Chúa Thánh Thần, thì mới giúp cho con người thời nay cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu và mới tin theo Người.
3. Bài học thở từ thực tế đời sống
Để phát triển con người toàn diện, chúng ta phải tập thở cả khí tự nhiên lẫn siêu nhiên cách dài, nhẹ, êm, sâu và tạo dựng một bầu khí trong sạch cho mọi người, mọi vật quanh ta.
3.1. Bầu khí trong lành
Bầu khí quyển hiện nay đang bị ô nhiễm và tàn phá nặng nề bởi sự vô tâm và lòng tham của con người. Bầu khí quyển tinh thần còn bị ô nhiễm trầm trọng hơn vì các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, internet và các mạng xã hội đang tự do phổ biến đủ loại quan điểm sai lạc, hình ảnh đồi truỵ, ý thức hệ vô thần, bạo lực, gây chia rẽ, thù hận, nhân danh tự do tuyệt đối của con người. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ bộ thần kinh trung ương không bị nhiễm độc vì những bản nhạc, tập truyện, cuốn phim, bài viết cổ vũ cho những điều sai lạc, ác đức, đồi truỵ để dành thời giờ cho những hành động tích cực, cổ vũ tình yêu thương liên đới, hiệp thông với người khác.
3.2. Tập thở tự nhiên
Với một hơi thở, không khí được kéo vào trong các phế nang của phổi qua đường hô hấp. Nó di chuyển từ mũi hoặc miệng, qua yết hầu, qua thanh quản và vào khí quản. Trong suốt hành trình dài này, không khí được làm ấm lên bằng thân nhiệt và lọc bỏ các vật thể nếu có. Chúng ta nên hít khí bằng mũi và thở ra bằng miệng. Nhiều người tập Yoga được yêu cầu tập thở ra bằng mũi. Khi thở ra, khí carbonic đang ở nhiệt độ cơ thể, cũng không có hạt bụi, nên không cần qua khoang mũi. Thở ra bằng miệng sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Nhiều người tập khí công được yêu cầu thở theo 4 thì: nạp khí (hít khí vào), vận khí (nín thở dẫn hơi vào đan điền), xả khí (thở ra hết và thót bụng lại), bế khí (ngưng thở khi bụng trống rỗng). Nhiều cách thở của các môn phái như Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, thở theo phương pháp Dưỡng sinh, hoặc các phái võ thuật như Aikido, Vovinam, Thiếu Lâm… cũng được tập luyện theo 3 thì hay 4 thì trên đây, kèm thêm cách ngồi, cách đứng khác nhau[13].
Thật ra, người tín hữu Kitô giáo có thể tự do tập luyện theo các phương pháp ấy, miễn là không bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết sai lạc của tôn giáo đi kèm theo cách thở. Chúng tôi cổ vũ một phương pháp thở 2 thì theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, vì nghĩ rằng càng tôn trọng cấu trúc tự nhiên, ta càng có sức khoẻ ổn định và an lành.
Một điểm cần lưu ý, là khi ngủ đêm chúng ta cần thở nhiều vì số lần thở ban đêm khi ngủ thường thấp hơn ban ngày khoảng ¼, nghĩa là thở khoảng 12 lần/ phút. Ta nên nằm thẳng, đừng ôm gối, hai tay xuôi theo thân người để thở khí dễ dàng, giấc ngủ sẽ sâu hơn và thần kinh thư giãn tốt hơn.
Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng khối lượng khí trong phổi bằng những bài tập thể dục vẫn thường tập trong các trường học trước đây.
3.3. Tập thở siêu nhiên
Từ nhiều ngàn năm qua, các triết gia Hy Lạp, Latinh đã biết đến khí như một thành phần cơ bản cấu tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của trời đất. Các nhà đạo học Đông Phương cũng mong ước được như vậy. Nhiều đạo sĩ, thiền sư ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ như Đức Phật Thích Ca. Nhiều võ sĩ các môn phái tập khí công để mong đả thông kinh mạch, khai mở được “sinh tử huyền quan” và có sức mạnh vô biên. Tất cả đều là những mơ ước được thần hoá của con người.
Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để biến đổi thành “con người mới” (Ep 2,5) “trong một Thần Khí duy nhất” (Ep 2,18) “với muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần” (Ep 1,3). Khi thở được Thần Khí của Đức Giêsu, dòng máu đen tội lỗi của ta sẽ được biến đổi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Lúc đó là ta được “thần hoá”, trở thành người con thật sự của Chúa Cha và có thể phát huy mọi ân sủng kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để “hoàn thành kế hoạch yêu thương mà Chúa Cha đã định từ trước muôn đời trong Đức Kitô” (x. Ep 1,9).
Lịch sử cứu độ của Giáo hội Công giáo chứng thực giấc mơ thần hoá này đã thể hiện trong đời sống của nhiều thánh nhân và ngay trong đời thường của các tín hữu. Họ không cần phải đi tìm các bí quyết luyện khí của những vị cao tăng trong rặng núi Himalaya được kể trong những câu chuyện phóng tác như Hành trình về Phương Đông, Đường mây qua Xứ tuyết, hay trong tập Bàn tay Ánh sáng của Ts. Barbara Ann Bennan[14] mà những người học nhân điện say mê tập luyện.
Thánh Phaolô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí” (Gl 5,16) “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18), “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25) thì chúng ta sẽ hưởng được “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Nhất là khi hiểu được Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện mọi việc vì tình yêu. Mỗi lần hành động như thế là một lần ta thở được Thần Khí, được linh khí của Trời.
Lời kết
Bài học “Thở được linh khí của Trời” này, đối với chúng ta, có thể là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Xin bạn thử tập và bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần kỳ diệu vô cùng.
Câu hỏi gợi ý:
1. Dung tích thở của bạn đo được bao nhiêu? Bạn tập thở như thế nào để tăng cường khí thở tự nhiên của bạn?
2.Bạn thở Thần Khí theo phương pháp nào? Hiệu quả ra sao?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
[1] Tuỳ nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi giáo xứ: (1) các chức vụ phó có thể được thêm vào; hoặc (2) một thành viên có thể kiêm nhiệm hai chức vụ.
[2] X. Ta, “Điều 5. Các chức vụ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Thần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 754.
[3] X. Ban Nghiên Huấn (UBGD), “Một cái nhìn tổng quát về sứ vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ”, Bài 02, ngày 29-6-2018.
[4] Hai vị thánh giáo hoàng là Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II đã ra công cổ võ và hết sức khuyến khích chương trình mục vụ này. Chính Đức Cố TGM. Phao-lô Bùi Văn Đọc cũng đã cho phép Ban Mục Vụ Gia Đình của TGP. Sài Gòn-TP. HCM được phối hợp với Tiểu Ban AsIPA – thuộc Liên hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) – để tổ chức khóa tập huấn về CĐKN trong năm 2017 vừa qua.
[5] X. Ta, “Điều 6. Các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Thần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 754-5.
[6] (X. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) vừa là nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nổi bật với việc khai hoang lập ấp, quai đê lấn biển, tạo thành một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) làm quan tới chức thượng thư, tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị cách chức làm dân, làm lính.
[7] (X. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, tập I, NXB Y học, 2011, tr.196).
[8] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 691).
[9] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 703)
5. (X. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2013, tr.165).
[11] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 689-690, 727)
[12] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 730).
[13] Xem các mục về Khí công trong các sách hay trên internet.
[14] (X. Blair T. Spalding, Life and Teaching of the masters of the Far East-Hành trình về Phương Đông, Nguyên Phong dịch; SAnagorika Givinda, The way of the White Clouds-Đường Mây qua Xứ Tuyết, Nguyên Phong dịch, Barbara Ann Brennan, Hands of light-Bàn tay Ánh sáng, Lê Trọng Bổng dịch, NXB Văn hoá Thông tin, 1996).