Chúa Thánh Thần: Thần Linh sáng tạo
Thần Linh sáng tạo
“Xin ngự đến, lạy Thần Linh sáng tạo– Veni Creator Spiritus” là bài thánh ca được soạn thảo từ thế kỷ thứ 9, do Đức Tổng Giám mục Rabanus Maurus Magnentius soạn thảo phần lời và nhạc sĩ Hector Berlioz phổ nhạc. Bài thánh ca này đã trở thành quen thuộc và thường được hát để khởi đầu những nghi lễ hoặc những cuộc hội họp ở nhiều tầm mức khác nhau trong Giáo Hội. Cùng với lời tuyên xưng những phẩm tính và chức năng đa dạng của Chúa Thánh Thần, bài thánh ca mở đầu bằng việc tuyên xưng: Ngài là Đấng Sáng tạo.
Ngay từ thuở ban sơ, trước lúc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, vũ trụ chỉ là một mớ hỗn mang và Thần Khí của Chúa bay lượn trên mặt nước (x. St 1,2). Lối văn chương gợi hình này làm chúng ta liên tưởng tới hình ảnh gà mẹ ấp trứng, lấy thân nhiệt của mình làm cho chú gà con dần dần thành hình và lớn lên. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thần Linh sáng tạo, chúng ta tôn nhận Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên vũ trụ và con người. Thần học Kitô giáo thường phân biệt: Chúa Cha là Đấng Sáng tạo; Chúa Con là Đấng Cứu độ; Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa. Tuy vậy, đó chỉ là sự phân biệt về những hoạt động đặc thù, như vai trò cốt yếu của mỗi ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực ra, khi Chúa Cha sáng tạo, thì cũng là Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tác giả Phúc Âm thứ bốn đã mở đầu tác phẩm của mình như sau: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Thế giới hiện hữu là công trình sáng tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày hôm nay, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục cộng tác vào công cuộc sáng tạo ấy, đồng thời hướng dẫn và điều khiển để công trình ấy tiến tới bước hoàn thiện.
Thần Linh sáng tạo đang hoạt động trong vũ trụ và trong thế giới. Tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gửi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29). Chúa Thánh Thần là hơi thở và là hồn sống của vũ trụ. Nếu so sánh vũ trụ xoay vần như một cỗ máy khổng lồ, thì Chúa Thánh Thần chính là năng lượng cho cỗ máy ấy được hoạt động. Vì vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, trái đất sẽ ngừng quay, vũ trụ vạn vật sẽ trở nên bất động, thiên nhiên sẽ héo tàn. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính. Nhờ Chúa Thánh Thần mà con người hoạt động, cỏ cây tươi xanh và muông thú tồn tại. Không chỉ ban sức sống cho vũ trụ và con người, Chúa Thánh Thần còn dẫn đưa con người đến hoàn thiện. Ngày hôm nay, Ngài vẫn đang ấp ủ vũ trụ như gà mẹ ấp ủ đàn con. Ngài vẫn soi sáng cho con người trong cách đối nhân xử thế. Ngài vẫn cảnh báo con người hãy sống với nhau có tình nghĩa và trọn vẹn tấm lòng. Trong bài “Ca tiếp liên” của lễ Hiện Xuống, phụng vụ ca tụng những hoạt động của Ngôi Ba Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống con người, mục đích giúp cho con người đạt tới sự thánh thiện: “Nếu không có Chúa hộ phù, trong con người còn chi thanh khiết? không còn chi vô tội…“.
Thần Linh sáng tạo đang tiếp tục hoạt động trong Giáo hội. Công đồng Vatican II khẳng định: Giáo hội là Dân Chúa, là Thân Thể Đức Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium 4). Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo hội. Kể từ ngày đó, Ngài vẫn hiện diện trong Giáo hội để hướng dẫn, bảo vệ và soi sáng cho Giáo hội. Chính nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội mang chiều kích truyền giáo, bởi vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần (Ad Gentes 2). Giáo hội được giới thiệu vào ngày lễ Ngũ Tuần mang tầm mức hoàn vũ, bởi Giáo hội nói nhiều ngôn ngữ trên thế giới và là điểm quy tụ muôn người. Chúa Thánh Thần đồng hành với Giáo hội trên con đường dẫn đến gặp gỡ Chúa Cha.
Thần Linh sáng tạo là Đấng canh tân đổi mới. Giáo hội luôn kêu xin: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt trái đất“. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt lành, như chính Ngài đã nhận định. Tuy vậy, tạo vật đã bị lây nhiễm và nhuốm màu tội lỗi do con người gây ra. Trái đất trở nên khô cằn, thiên nhiên vũ trụ bị tàn phá. Mối tương quan giữa người với người bị tổn thương, bạo lực cướp bóc tràn lan, sự sống con người bị đe dọa do tệ nạn phá thai, khủng bố và xung đột khắp nơi. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, nhân loại cần đến Chúa Thánh Thần là Đấng Canh tân đổi mới. Do tác động của Ngài, những vết thương do tội lỗi gây ra sẽ được chữa lành. Ngài cũng quy hướng con người về những điều thiện hảo, nối kết các dân tộc, hòa giải các gia đình, xây đắp tình liên đới. Chúa Thánh Thần chính là sự bình an mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh. Ngài có sứ mạng đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho con người, mọi nền văn hóa và mọi thời đại. Công đồng Vatican II khẳng định: “Chúa Kitô hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, không những bằng cách khơi dậy những khát vọng hướng đến đời sau, nhưng còn dùng những khát vọng đó để cổ vũ, thanh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại, thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân bản hơn, và quy phục trái đất về cùng đích ấy” (Gaudium et Spes 38).
Thần linh sáng tạo là Đấng thánh hóa. Chúa Thánh Thần tác động một cách đặc biệt qua các Bí tích do Giáo hội cử hành: Ngài thanh tẩy con người qua dòng nước Rửa tội; Ngài ngự đến để ban sức mạnh trong Bí tích Thêm sức; Ngài tác động làm cho bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu Chúa Kitô; Ngài ban cho con người được ơn tha thứ qua Bí tích Hòa giải; Ngài chữa lành và đem lại bình an trong Bí tích Xức dầu bệnh nhân; Ngài ban ơn và ghi ấn tín đặc biệt nơi các tiến chức trong Bí tích Truyền chức thánh; và sau cùng, Ngài nối kết mối duyên vợ chồng của đôi bạn nam nữ, khi họ cùng tiến lên bàn thờ để tuyên hứa đời sống trăm năm. Thánh Irênê, vị Giáo phụ Hy lạp, đã viết: “Như Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào lỗ mũi vào con người mà Ngài vừa nắn từ bùn đất, để nhờ đó mọi chi thể của con người được đón nhận sự sống thế nào, thì Ngài cũng trao ban Thần Khí cho Giáo hội như vậy. Thần Khí này, được trao ban và lan tỏa trong Giáo hội, là nguyên lý sống động và là là sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, là sự củng cố chúng ta trong đức tin, là bậc thang dẫn chúng ta về với Chúa Cha, và hơn hết, là bảo chứng chắc chắn rằng chúng ta sẽ được cứu cả xác hồn khỏi sự chết. Vì thế, ở đâu có Giáo hội, ở đó có Chúa Thánh Thần và ở đâu có Chúa Thánh Thần thì ở đó có Giáo hội” (Thánh Irênê, trong sách “Chống bội giáo”, cuốn III, chương 24).
Nếu Ngôi Ba Thiên Chúa là Thần Linh sáng tạo, thì Ngài cũng đang mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài trong sứ mạng cao cả ấy. Thực vậy, khi sống đúng căn tính của mình, người tín hữu góp phần mình để xây dựng một thế giới tốt đẹp, trở thành phác thảo đời sau. Lời mời gọi “Hãy sống theo Thần Khí”, “Hãy bước theo Thần Khí” (x. Gal 5,16-18) được lặp đi lặp lại nhiều lần trong giáo huấn của Thánh Phaolô. Thánh nhân viết: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an (Rm 8,5-7).Vâng, Sống theo Thần Khí là sống sứ điệp Tin Mừng, là loan báo niềm vui và ân sủng mà Đức Giêsu Kitô đem đến cho trần gian. Nhờ việc lắng nghe và bước theo Thần Khí, chúng ta cộng tác với Ngài canh tân thế giới, làm cho Vương quốc Tình yêu sớm hiện diện trên thế gian này.
Lạy Thần Linh sáng tạo, xin ngự đến để canh tân cuộc đời và củng cố đức tin của chúng con! Amen
Lễ Hiện Xuống 2018
+ Gm Giuse Vũ Văn Thiên