Một cách nhìn về Tông huấn “Gaudete et Exsultate”
Đức Hồng Daniel DiNardo, Giám mục Giáo phận Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và Đức Hồng Y Gerhard Müller, Nguyên Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, khen ngợi Tông huấn về sự thánh thiện, nhưng nó cũng gợi lên những ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung về tính thánh thiêng của sự sống và những lạc thuyết.
VATICAN CITY – Tông huấn “Gaudete et Exultate” (Vui mừng và Hân hoan), văn kiện mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô, được ca ngợi nhiều bởi Tông huấn chỉ dẫn những nẻo đường tiến tới sự thánh thiện, nhưng cũng bị phê bình là kết hợp nhầm lẫn tính luân lý nghiêm trọng của việc bảo vệ sự sống thai nhi với những vấn đề khác, và tạo ra những tấn công vô lý đối với những người phê bình Đức Giáo Hoàng.
Được công bố ngày 09 tháng 4 vừa qua, Văn kiện của Đức Thánh Cha (ĐTC) nhấn mạnh đến lời kêu gọi toàn thế giới hướng về sự thánh thiện bằng cách rút tỉa những giá trị quan trọng nơi các mối phúc, cảnh báo về những nguy hiểm của sự xao lãng, chủ nghĩa khoái lạc và hưởng thụ, và chỉ ra hai lạc thuyết cụ thể – ĐTC Phanxicô gọi là Tân Ngộ đạo thuyết hiện đại và thuyết Tân Pelagio – như là “những kẻ thù tiềm ẩn” của việc nên thánh.
Đức Giáo Hoàng nói rằng “mục tiêu khiêm tốn” của ngài đối với văn kiện này là “một lần nữa đề xuất lời mời gọi vươn tới sự thánh thiện một cách thiết thực cho thời đại của chúng ta, nơi đầy dẫy những nguy cơ, thách thức và cả những cơ hội. Chúa đã chọn mỗi người chúng ta “để nên thánh và không có gì đáng trách trước mặt Ngài trong tình yêu””.
Ngày 11 tháng 4 vừa qua, Đức Hồng y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã trao đổi với trang Register: “Tông huấn này mời gọi chúng ta dấn bước vào hành trình hướng tới sự biến đổi trọn vẹn nơi bản thể của chúng ta: đó là nên thánh”. “Nếu chúng ta dành thời gian cầu nguyện với những suy tư thật đẹp của Tông huấn dựa trên Tin Mừng và những lời khuyên mang tính thực tiễn của nó trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nó sẽ sinh hoa trái dồi dào nuôi dưỡng chúng ta trên tiến trình hướng tới sự thánh thiện”.
Giáo sư Joseph Seifert, Chủ tịch Học viện Gioan Phaolo II về Sự sống Con Người và Gia đình (học viện mới được thành lập), nói về Tông huấn “Gaudete et Exsultate”: “Cho đến nay, đây là văn kiện tuyệt hảo nhất của triều giáo hoàng đương nhiệm”, văn kiện mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô “nhấn mạnh tuyệt đối vào yếu tố trọng tâm của chân lý mạc khải: lời kêu gọi nên thánh”.
Vị giáo sư này cũng tin rằng Tông huấn “hoàn toàn không tương thích” với những phát biểu gần đây của một số học giả Công giáo, bài xích những yếu tố trong thông điệp Humanae Vitae vàVeritatis Splendor.
Có hai khía cạnh trong văn kiện đã gây tranh cãi và được dư luận quan tâm: 1) một đoạn văn được vài người diễn giải như “cào bằng” lập trường luân lý về việc bảo vệ sự sống của các thai nhi với những biện pháp bảo vệ người nghèo, người nhập cư, và những người bị gạt ra bên lề xã hội; 2)một đoạn mà trong đó dường như Đức Thánh Cha trách phạt những người đang cố gắng gìn giữ giáo lý và kỷ cương Hội Thánh mà không quan tâm đến điều ngài nói là loan truyền “nét đẹp và niềm vui của Tin Mừng, và tìm kiếm những kẻ lạc lối”.
Tính Thánh Thiêng của Sự Sống
Liên quan đến khía cạnh thứ nhất, ĐTC nói rằng việc bảo vệ “thai nhi vô tội cần thực hiện rõ ràng, kiên định và nhiệt thành”, nhưng ngài cũng nói thêm rằng “sự sống của những người khốn khổ (đã chào đời), những người túng quẫn, người bị bỏ rơi, người thấp cổ bé miệng, người cô thân cô thế, và người già nua bệnh tật đối diện phương thức trợ tử áp đặt, nạn nhân của bọn buôn người, những hình thức nô lệ mới, và hết mọi hình thức bị chối bỏ” cũng thánh thiêng ngang nhau.
Tiếp đến, ĐTC phê phán một số người Công giáo thường coi tình trạng người di cư là “vấn đề thứ yếu” so với tầm quan trọng của “những vấn đề đạo đức sinh học”, và ngài trích dẫn Thánh Kinh để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành vi tiếp đón khách ngoại kiều.
Đức Hồng Y DiNardo, Tổng giám mục Galveston-Houston, nói rằng sự sống “không bao giờ dễ bị tổn thương hơn là lúc còn trong dạ mẹ”, nhưng cũng có nghĩa là “trong suốt cuộc đời, chúng ta vẫn cần đến sự trợ giúp của anh chị em mình”. Ngài thêm rằng ĐTC Phanxicô “tha thiết nhắc nhở chúng ta về chân lý này” và rằng “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta can đảm phục vụ sự sống trong từng giai đoạn”.
Nhưng một số nhóm phò sinh đã chỉ trích những phát ngôn của ĐTC. Chẳng hạn, Susan B. Anthony List cho rằng: Mặc dù Đức Giáo Hoàng có vẻ khẳng định tội ác tự thân của việc phá thai, nhưng vẫn “không thể nào” cào bằng phá thai với bất kỳ vấn đề công bằng xã hội khác, và vì thế đoạn này của Tông huấn “xoá mờ ranh giới và gây nhầm lẫn”.
Trao đổi với trang Register, Đức Hồng y Gerhard Müller nói Đức Giáo Hoàng “nhấn mạnh rõ ràng” trong văn kiện quyền được sống, vô điều kiện, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, vì vậy đương nhiên là không đúng khi xếp Đức Phanxicô vào loại “tư tưởng gia chống văn hoá sự sống” và coi ngài như vị giáo hoàng phóng khoáng.
Nhưng khi trích dẫn sắc lệnh về đại kết, Unitatis Redintegratio, của Công đồng Vatican II, vị Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin cũng nhấn mạnh rằng “chúng ta không được quên yếu tố phẩm trật của chân lý đức tin và luân lý”. Ngài nói rằng quyền sống là quyền cơ bản; các quyền khác của con người phục vụ cho quyền sống này, và chúng (quyền sống và các quyền khác) không loại trừ lẫn nhau.
Giáo sư Claudio Pierantoni, một học giả về Giáo phụ và Triết học trung cổ thuộc Học viện Universidad tại Chile nói mặc dù dường như “không có lỗi về mặt suy tư thần học” trong ngôn từ của Đức Giáo Hoàng, nhưng phá thai là một “hành động gian ác tự thân, bị kết án nặng nề” theo luật, trong khi đó những vấn nạn như tình trạng nhập cư chỉ là những vấn đề cần “suy xét thận trọng”.
Quan điểm của ông được chia sẻ bởi giáo sư Roberto De Mattei, một chuyên viên giáo sử và là chủ tịch của Tổ chức Lepanto có trụ sở tại Rome. Giáo sư Roberto De Mattei nói rằng Giới răn thứ năm cấm việc giết hại người vô tội, nhưng chưa thấy khoản thiên luật nào yêu cầu đón tiếp người nhập cư, đặc biệt là khi những người này có cách nhìn đối lập với Kitô giáo.
Ngược lại, Seifert tin rằng những lời của Đức Giáo Hoàng là một lời nhắc nhở về nghĩa vụ của chúng ta phải san sẻ “cùng một tình yêu và lòng thương xót” cho các thai nhi cũng như cho tất cả mọi người, và vì vậy văn kiện không “tương đối hoá việc dấn thân cho các thai nhi”.
Seifert cho biết thêm: Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng sứ điệp trọng tâm của Tin Mừng – “Những gì anh em đã làm cho những anh em bé mọn nhất của Ta, thì cũng như đã làm cho Ta” – “không chỉ áp dụng cho các thai nhi”.
Ngộ Đạo thuyết và Thuyết Pelagio
Khía cạnh thứ hai trong văn kiện gây ra cuộc tranh luận mạnh mẽ liên quan đến những gì Đức Giáo hoàng mô tả như là hai “kẻ thù tinh vi” ngăn cản hành trình nên thánh là hai lạc thuyết: thuyết Ngộ Đạo và thuyết Pelagio.
Theo Đức Giáo Hoàng, ngày nay những người theo Ngộ Đạo thuyết “xét đoán người khác dựa trên khả năng hiểu biết của họ về sự phức tạp của một vài giáo thuyết”. Họ cũng giản lược giáo huấn của Chúa Giêsu thành một lập luận lạnh lùng và khắc nghiệt để tìm cách thống trị mọi thứ.
Về lạc thuyết Pelagio đương đại, Đức Giáo Hoàng nói chủ thuyết này nói với người yếu đuối rằng “mọi sự có thể được thành tựu với ân sủng Thiên Chúa”, nhưng lại cung cấp ý tưởng rằng “mọi thứ đều có thể do bởi ý chí con người”, và không nhận ra rằng “không phải ai cũng có thể làm được mọi sự”.
Ngài nói tiếp: “Những người theo “Tân Pelagio” có một “nỗi ám ảnh với lề luật”, “ưu tư xét nét về phụng vụ, giáo lý và uy thế của Giáo hội” và “đưa ra tầm quan trọng quá mức đối với một vài luật”, hơn là muốn loan báo “vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng, tìm kiếm những kẻ lạc lối”.
ĐTC yêu cầu Giáo Hội “tránh xa” khỏi hai lạc thuyết đang ngăn cản “con đường dẫn đến sự thánh thiện”.
Seifert phê bình Đức Phanxicô trong những đoạn văn này đã đồng hóa cách mơ hồ sự cứng nhắc với tính chính thống. Nhưng Seifert hy vọng “tinh thần luân lý cao cả” của văn kiện xét như một toàn thể biểu thị rằng ĐTC Phanxicô mặc nhiên bác bỏ “mô hình thần học luân lý mới của giáo hoàng” nơi những thần học gia như là Cha Maurizio Chiodi, người gần đây đã dùng Tông huấn của Đức Giáo Hoàng về gia đình, Amoris Laetitia, để biện luận rằng không có gì là “phi luân nội tại” về việc tránh thai.
Những người khác có cái nhìn còn ảm đạm hơn. Pierantoni cho biết văn kiện này có “những trang đẹp và hữu ích về sự thánh thiện”, nhưng ông xem phần nói về Ngộ đạo thuyết và thuyết Pelagio là “trọng tâm” của Tông huấn và là điểm “yếu nhất và nguy hiểm nhất” của Tông huấn.
Pierantoni xem Tông huấn này như trực tiếp nhắm tới những người gắn bó với “giáo lý và các điều răn chính thống” – tức là một cuộc “phản công” chống lại những vị hồng y đã đề ra the dubia (yêu cầu làm rõ vài điểm trong Tông huấn Amoris Laetitia) và chống lại những người đặt vấn đề xin điều chỉnh Tông huấn trong tâm tình con thảo vào năm trước, cáo buộc Đức Giáo Hoàng truyền bá dị giáo, đặc biệt là qua Tông huấn Amoris Laetitia và những giải thích về Tông huấn.
Ông ta nói các cuộc tấn công chống lại những người bảo vệ cho tính chính thống như thế là “trợ giúp cho sự sai lầm về luân lý hoàn cảnh”, nền luân lý vốn phủ nhận sự tồn tại của các hành vi tội ác tự bản chất, điều mà ông tin là “dị giáo chính yếu của thời đại chúng ta”.
Cả Pierantoni và De Mattei đều nói rằng những đặc tính Ngộ Đạo thuyết và thuyết Pelagio mà ĐTC Phanxicô mô tả không liên quan gì tới Ngộ Đạo thuyết và thuyết Pelagio thực sự, nhưng (theo De Mattei) xuyên tạc “những nền tảng của linh đạo Kitô giáo đích thực”.
De Mattei nói người theo thuyết Pelagio là người tin rằng mình có thể được cứu nhờ sức của chính mình, không cần ân sủng của Thiên Chúa. Ngược lại, theo định nghĩa của ĐTC Phanxicô, người theo thuyết Pelagio lại là những người tin tưởng cách sai lầm rằng ân sủng giúp anh ta tuân thủ thiên luật trong mọi hoàn cảnh và không có ngoại lệ – theo Đức Giáo hoàng, đó là một “ảo tưởng”, điều mà De Mattei cho là không khác chi so với những gì Martin Luther đã nghĩ.
Pierantoni, người đã lưu ý là Mười Điều Răn hoàn toàn không được đề cập trong bản văn, đã gọi việc Đức Giáo Hoàng sử dụng nhãn hiệu “người theo thuyết Pelagio” là “phi lý” và “kỳ cục” khi Đức Phanxicô áp dụng nó cho những người “nhiệt liệt nói về ân sủng Thiên Chúa”. Còn về thuật ngữ “ngộ đạo”, Pierantoni nói rằng nó “được gán ghép một cách vô căn cứ” cho những người “phản đối luân lý hoàn cảnh” và nhấn mạnh rằng có những hành vi gian ác tự bản chất và những khoản thiên luật là không thể thay đổi được.
Những Quan điểm khác
Nhưng người viết tiểu sử cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Austen Ivereigh, tin rằng “không ai chính thống về giáo lý đức tin hơn Đức Phanxicô”; và khi ngài nói về sự cứng nhắc, phản ứng mạnh mẽ (chống lại) “có thể là dấu hiệu” của việc biến “lề luật, hoặc một số định thức giáo lý hay phụng vụ nhất định” thành ngẫu tượng.
Ivereigh nói Đức Giáo Hoàng đang mời gọi mọi người đến với sự thánh thiện đích thực, có nghĩa là “thách thức chúng ta từ bỏ ngẫu tượng của chúng mình”.
Ivereigh nói thêm: Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm bởi điều đó thì “tốt thôi”, vì như vậy “có nghĩa là họ đang lắng nghe”. Ông khẳng định Đức Giáo Hoàng “thực sự không phải là” đang thù nghịch những người cảm thấy mình bị xúc phạm bởi lời nói của ngài, nhưng là cảnh giác “có thể họ đang lầm đường lạc lối và chỉ cho họ nẻo chính đường ngay”.
Theo Đức Hồng y Müller, “niềm tin vào chân lý trong tín điều của Hội Thánh, ân sủng bí tích của Giáo hội, bí tích cứu độ của thế giới, và thiên luật trong Giáo hội không phải là những ngẫu tượng, mà là nền tảng của Giáo hội Công giáo, “rường cột của chân lý””.
Ngài nói thêm: Tông huấn này “chỉ trở thành phúc lành cho Giáo hội và phục vụ đức tin của người Công giáo nếu những kẻ cơ hội và nịnh bợ không uốn nắn các yếu tố và ném vào những tín hữu nghiêm túc như ném đá vì cho rằng họ phạm tội chống lại sự hiệp nhất trong Hội Thánh”.
Đức Hồng y đặt vấn đề: “Ai muốn cáo buộc các Nghị Phụ Công Đồng là theo chủ nghĩa duy tín điều trong giáo huấn, cứng nhắc trong luân lý, và duy lề luật trong thiên luật?”
Đức Hồng Y Müller nói: “Người chống lại Thiên Chúa trong sự bất tín và bất tuân thì tự làm cho con tim mình nên chai đá và khóa chặt tâm trí của mình”. Ngài nói thêm: “Người cứng nhắc không phải là người giữ trọn Giới răn Thiên Chúa, nhưng là kẻ chối từ giới luật bằng con tim chai đá và đầu óc kiêu căng”.
Đức Hồng y nhấn mạnh Giáo hội là “cộng đoàn những kẻ tin” làm chứng cho “chân lý của Thiên Chúa”, chứ không phải là một đảng phái chính trị, trong đó những người bảo thủ và tiến bộ “đấu tranh vì quyền lực.” Giáo hội cần “sự hiệp thông nhiều hơn và ít xung đột hơn”.
Còn với Đức Hồng y DiNardo và Seifert, văn kiện thúc đẩy sự hiệp thông qua việc nhấn mạnh các mối phúc. Các mối phúc đưa ra “một hướng dẫn ngắn gọn tuyệt vời cho sự thánh thiện”, Seifert nói thêm rằng Tông huấn “Gaudete và Exsultate” cống hiến một “diễn ngôn bay bổng” cho Bài giảng trên Núi của Chúa Giêsu “và xác tín về giá trị luân lý tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa và lòng thương yêu người thân cận, lòng thương xót, sự nhẫn nại, v.v”.
Đức Hồng y DiNardo gọi các mối phúc là “trung tâm” của Tông huấn, một văn kiện mà “nơi tâm điểm của nó” nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta là những tội nhân đang đi tìm phương dược tăng trưởng đức tin của mình”.
Đức Hồng y nói “Sự hoàn hảo lãng tránh ta, nhưng chúng ta tiến triển trong sự thánh thiện bằng ‘tăng tiến từng bước chậm”.
Tác giả: Edward Pentin
Dịch giả: Lm Fx. Nguyễn Thượng
(tham khảo tiếng Anh tại: http://www.ncregister.com/daily-news/gaudete-et-exsultate-an-assessment)