Đón nhận và loan báo lòng thương xót
Bài giảng của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên
trong Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phaolô ngoại thành ngày 06/03/2018
Các Bài đọc: Đn 3,25.34-43; Mt 18, 21-35 (Thứ Ba tuần III Mùa Chay)
“Thưa Thày, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? có phải bảy lần bảy không?”
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
Nhân câu hỏi của Thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã kể một câu chuyện dụ ngôn. Nội dung của câu chuyện vừa bao gồm giáo huấn về lòng thương xót của Chúa Cha, vừa là lời mời gọi con người hãy tha thứ cho nhau. Nếu theo quan niệm của con người, sự tha thứ dừng lại ở con số bảy, thì đối với Chúa Giêsu, sự tha thứ không có giới hạn: “Thày không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Đọc câu chuyện dụ ngôn này, chúng ta thấy một chuỗi những điều chênh lệch và cách biệt.
Sự chênh lệch thứ nhất là con số 7 và 70 lần 7 (tức là 490 lần). Con số 7 là cách nghĩ hẹp hòi tính toán của con người. Con số 70 lần 7 nói lên sự tha thứ không giới hạn của Thiên Chúa.
Sự chênh lệch thứ hai là giá trị của hai món nợ: Món nợ của người đầy tớ đối với ông chủ là mười ngàn yến vàng, trong khi người bạn kia nợ anh ta chỉ có một trăm quan tiền. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, đối với món nợ thứ nhất, một người có thu nhập bình thường phải lao động cật lực trong suốt một trăm năm mới kiếm đủ, trong khi đó, món nợ thứ hai, người ta có thể kiếm trong 3 tháng. Sự khác biệt này như một điểm nhấn để nói lên lòng bao dung của ông chủ rất lớn.
Sự cách biệt thứ ba, đó là sự bao dung của ông chủ và sự hẹp hòi của người đầy tớ vừa được tha nợ. Người đầy tớ vừa được tha một món nợ rất lớn, nhưng lại cố chấp và đòi bằng được một món nợ nhỏ của người anh em. Ông chủ trong dụ ngôn vừa được gọi là vua, vừa là tôn chủ và kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu kết luận: đó là hình ảnh của Chúa Cha. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và sẵn sàng tha thứ, thì con người lại ích kỷ và giữ mãi hận thù.
Bài học được rút ra từ câu chuyện dụ ngôn do chính Chúa Giêsu công bố: “Ấy vậy, Cha của Thày ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho nhau” (c 35). Đây cũng là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha, kinh mà chúng ta đọc hàng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Cảm nhận lòng thương xót của Chúa, người tín hữu phải thực thi lòng thương xót đối với anh chị em mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã san bằng những cách biệt, nối liền những khoảng cách. Mùa Chay chính là thời điểm giúp chúng ta nhận ra khoảng cách ấy, để khiêm nhường sám hối và canh tân đổi đời. Một khi nhận ra lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ đối xử nhân hậu với anh chị em mình.
Bài sách thánh trích từ sách ngôn sứ Đanien cũng cùng chung tư tưởng, diễn ta sự cách biệt giữa Thiên Chúa chí thánh và con người tội lỗi. Đó là lời cầu nguyện của ông Adaria giữa lò lửa (Bài đọc I). Ông đã ca ngợi tình thương vô bờ của Thiên Chúa, mặc dù dân Do Thái đã nhiều lần phản nghịch và phạm tội chống lại Ngài. Thiên Chúa luôn thương xót thứ tha, dân Israen luôn bất trung phản nghịch. Lời cầu nguyện này vừa là lời tôn vinh Chúa qua những điều kỳ diệu Ngài thực hiện trong lịch sử của dân Do Thái, vừa là lời cầu nguyện của niềm hy vọng cậy trông. Vì những ai tin vào Chúa sẽ không bao giờ phải hổ thẹn. Lòng thành tâm sám hối là của lễ đẹp lòng Chúa và nhờ đó, Chúa sẽ ban ơn tha thứ.
Kính thưa Cộng đoàn,
Chuyến viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam được thực hiện trong thời điểm Mùa Chay. Mùa Chay là mùa trở về. Chuyến hành hương Ad Limina cũng là một cuộc trở về. Nếu lời mời gọi của Mùa Chay là trở về với Chúa, thì chuyến Ad Limina là cuộc trở về với cội nguồn đức tin. Nếu Mùa Chay nhắc ta ý thức bổn phận của người đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, thì cuộc hành hương nhắc ta trách nhiệm của sứ vụ tông đồ. Dừng chân suy niệm bên mộ Thánh Phêrô và mộ Thánh Phaolô tông đồ, chúng ta, các Giám mục, như được liên kết hơn bao giờ hết với các vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội, đồng thời cảm nhận tính liên tục của Giáo Hội qua mọi thời đại, bất chấp những bão tố phong ba. Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, đặt nền móng trên Phêrô và có cột trụ vững chắc là Phaolô. Nhờ có nền móng và cột trụ vững chắc đó, quyền lực trần thế cũng không thể phá hủy. Lịch sử Giáo Hội hoàn vũ và cách riêng lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam đã chứng minh điều đó. Nghi thức viếng mộ hai Thánh Tông đồ mang đầy cảm xúc. Lời kinh nối liền Giáo Hội qua mọi thế hệ, đã hơn hai mươi thế kỷ. Lời kinh này không thay đổi, trong khi bao thế lực hùng mạnh của trần gian, đã có thời xưng hùng xưng bá, nhưng đã suy tàn và bị xóa sổ. Hội đồng Giám mục Việt Nam đến nơi linh thiêng này, để khẳng định lòng trung thành với đức tin đã được tuyên xưng từ thời các thánh Tông đồ, được thể hiện trong một Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Cuộc viếng thăm Ad Limina cũng là dịp để các Giám mục, với tư cách là những người kế vị các thánh Tông đồ, thể hiện tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian và là Đấng kế vị Thánh Phêrô. Ngài là mối dây hữu hình liên kết mọi thành phần Dân Chúa trên toàn thế giới, và làm thành gia đình của Thiên Chúa.
Với tinh thần của Mùa Chay, là những giám mục, chúng ta được mời gọi cảm nhận lòng thương xót của Chúa. Nếu chuyến viếng thăm Ad Limina là cuộc trở về để được tiếp thêm nghị lực tông đồ, thì Mùa Chay lại là mùa trở về để đón nhận ơn tha thứ. Như bao tín hữu khác, chúng ta cũng cần sám hối vì những thiếu sót trong bổn phận, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta thực thi sứ mạng loan báo lòng thương xót của Ngài một cách có hiệu quả. Có thể chúng ta mắc nợ Chúa những món nợ rất lớn. Chúa sẵn sàng tha cho chúng ta, trong khi đó chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình những món nợ rất nhỏ.
Chúng ta đang dâng thánh lễ tại Đền thờ mang tên vị Tông đồ dân ngoại là Thánh Phaolô. Cuộc đời và ơn gọi của Thánh Phaolô diễn tả lòng thương xót của Chúa. Từ một người đang bừng bừng căm giận và hung hăng tìm giết các Kitô hữu, Chúa đã biến đổi ông nên một tông đồ. Trước khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi Damas, Phaolô cho rằng mình đang chiến đấu vì danh Chúa. Tuy vậy, lòng nhiệt thành chiến đấu của ông đặt không đúng chỗ. Chúa đã biến đổi cuộc đời ông và đã điều chỉnh để lòng căm thù của ông trở thành lòng nhiệt thành tông đồ. Phaolô đã mắc nợ Chúa một món nợ rất lớn, nhưng Chúa đã tha thứ. Không những thế, Ngài còn đặt ông làm tông đồ của muôn dân.
Đến nơi linh thiêng này trong chuyến Ad Limina, chúng ta cùng ôn lại cuộc đời và giáo huấn của Thánh Phaolô. Cùng với thánh nhân, chúng ta cảm nhận rằng Chúa đã thương “dành riêng và gọi chúng ta từ trong lòng mẹ” (x. Gl 1,15), để góp phần loan truyền Lời Chúa và dựng xây Giáo Hội với tư cách là người kế vị các tông đồ. Thánh Phaolô đã khiêm tốn nhìn nhận rằng: “là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Chúng ta cũng vậy, Chúa chọn chúng ta làm Giám mục không phải vì những công đức hay tài ba của chúng ta, nhưng do lòng nhân từ thương xót của Chúa. Truyền giáo là một sứ mạng đầy gian nan thử thách, Phaolô đã nhiều lần muốn chùn bước, nhưng Chúa khích lệ ông: “Ơn ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Phaolô coi truyền giáo là một đam mê, thậm chí là một món nợ phải hoàn trả, vì vậy Ông tâm niệm: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Trải qua những thăng trầm gian khổ, Phaolô vẫn miệt mài kiên định trong các hành trình truyền giáo. Cảm nhận sâu xa về niềm vui trong sứ mạng tông đồ, Thánh nhân đã xác tín: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Trong cảnh tù đày và xiềng xích, ông vẫn vững vàng và quả quyết: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12). Niềm xác tín này đã giúp ông vượt qua tất cả. Ông còn lạc quan tin tưởng và chờ đợi triều thiên công chính Chúa ban cho mình như phần thưởng của lòng trung thành.
Kính thưa Cộng đoàn,
Sứ mạng loan báo Tin Mừng được trao phó cho mọi tín hữu, qua bí tích Thánh Tẩy. Một cách đặc biệt, các Giám mục chúng ta được Chúa đặt làm mục tử mặc dù chúng ta bất xứng. Chúng ta “được tuyển chọn giữa loài người và được đặt lên vì loài người mà lo việc thuộc về Thiên Chúa”. Cuộc hành hương này cũng nhắc nhở chúng ta về bổn phận quan tâm chăm sóc đoàn chiên được trao phó. Đã lãnh nhận nhưng không, chúng ta hãy trao ban nhưng không. Xin Thánh Phaolô tông đồ dạy chúng ta kinh nghiệm truyền giáo, để “trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người, vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,23). Vào lúc cuối của cuộc đời, ước gì chúng ta được nghe những lời ngọt ngào của Chúa: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” (Mt 25, 23).
Gm Giuse Vũ Văn Thiên