Nguyện danh Cha cả sáng
Kinh “Lạy Cha” là lời cầu nguyện duy nhất mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ. Lời cầu nguyện đơn sơ này đã trở nên quen thuộc đối với mọi Kitô hữu. Trong truyền thống Cựu ước, người Do Thái không bao giờ dám gọi Chúa với danh xưng “Cha”. Chính Chúa Giêsu đã cho phép chúng ta gọi Cha của Người là Cha của chúng ta. Nói cách khác, nếu chúng ta gọi Chúa là Cha là nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu. Nhờ mang danh Chúa Kitô mà chúng ta có thể gọi Chúa là Cha, như một đặc ân. Vì thế, trong Phụng vụ, lời dẫn của linh mục chủ sự nói: “Chúng ta dám nguyện rằng”. Điều đó có nghĩa, thực tế, chúng ta chẳng được phép gọi Chúa là Cha, nhưng vì Chúa Giêsu cho phép, nên chúng ta dùng danh xưng này để cầu nguyện. Khi tin tưởng xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa, điều cầu nguyện đầu tiên của chúng ta là cầu xin cho mọi người trên thế gian này nhận biết Chúa, và do đó, toàn thể nhân loại tuyên xưng danh của Ngài, để danh Ngài cả sáng trong khắp vũ trụ và trong cuộc sống hằng ngày.
Danh Cha cả sáng, đó là sứ mạng ưu tiên của Chúa Giêsu. Người được sai xuống trần gian để làm cho mọi người nhận biết Danh Chúa Cha. Con người mọi thời đại vẫn tìm kiếm Chúa Cha như tìm về cội nguồn. Tuy vậy, vì sự tối tăm lầm lạc, con người tìm kiếm Chúa mà không thể thấy Ngài. Họ suy tưởng về Ngài theo kiểu trần thế và đưa ra nhiều giả thuyết về hình ảnh của Ngài. Có những quan niệm lầm lạc đồng hóa Ngài với thần sấm thần sét hoặc với những sức mạnh huyền bí của thiên nhiên. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu muốn cho con người có quan niệm chính xác về Thiên Chúa. Ngài không giống như ngẫu thần của các dân ngoại, nhưng Ngài là Cha đầy lòng nhân hậu, luôn rộng lòng tha thứ cho những lỗi lầm của con người. Ngài cũng không phải là một vị thần nghiêm khắc luôn trừng phạt con người, nhưng Ngài là đấng yêu thương và mong muốn cho con người được hạnh phúc. Trong Cựu ước, nếu Thiên Chúa được trình bày như một vị thần “trừng phạt con cháu đến ba bốn đời”, là vì đó là quan niệm về một Thiên Chúa của thời xa xưa, khi con người còn sống trong thời hỗn mang, lạc hậu. Đối với họ, Thiên Chúa giống như một con người. Ngài cũng hờn ghen, cũng buồn giận và cũng muốn phục thù. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định, đó là một quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa. Sau này, Thánh Gioan được ơn linh hứng của Chúa và khẳng định: Thiên Chúa là tình yêu. Đây không phải là một khẳng định vô cớ, vì bản thân thánh Gioan đã chiêm ngắm và suy tư cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Ông đã xác tín rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng thời Người luôn thể hiện hình ảnh của Chúa Cha là Đấng nhân hậu và bao dung. Vì thế, tôn vinh danh Chúa là sứ mạng cốt lõi của Chúa Giêsu. Trong suốt cuộc sống trần thế của Người, Người chỉ lo tìm vinh danh Chúa Cha. Mọi việc Người làm đểu nhằm mục đích này. Khi những người Do Thái chứng kiến phép lạ Chúa nhân bánh ra nhiều, họ muốn tôn vinh Người làm vua, nhưng Người đã lánh ra một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Người không muốn cho người ta tôn vinh mình. Bởi lẽ chỉ có Chúa Cha là Đấng duy nhất được tôn vinh. Người không muốn chiếm đoạt vinh quang của Chúa Cha làm vinh quang của riêng mình. Chính vì thế, lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi thánh ý Cha” thường được áp dụng cho Chúa Giêsu, vì Người đến trần gian để thực thi thánh ý của Chúa Cha. Trong vườn Cây Dầu, vào lúc đen tối của cuộc đời, Chúa Giêsu bị cám dỗ bỏ cuộc, nhưng Người vẫn thốt lên lời cầu nguyện đầy xác tín: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin Cha cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Điều đó chứng tỏ, Chúa Giêsu luôn đặt thánh ý Chúa Cha là điều ưu tiên của cuộc đời Người. Người sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, miễn là danh Chúa Cha được tôn vinh.
Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ, vì Ngài là đấng Sáng tạo trời đất, muôn vật muôn loài. Qua công trình sáng tạo, Chúa bày tỏ vinh quang và quyền năng của Ngài nơi tạo vật, qua đó, con người có thể nhận ra sự hiện hữu của Chúa. Vũ trụ này được ví như một cuốn sách, trong đó chính Thiên Chúa là tác giả đã để lại những dấu ẩn của Ngài. Cũng như đối với một cuốn sách, có những người đọc hiểu và giải nghĩa được những định đề, những nguyên tắc ẩn chứa trong vũ trụ, nhưng cũng có những người đọc mà không hiểu ý muốn của tác giả. Cuốn sách vũ trụ chứa đựng nhiều nội dung phong phú, những ai đón nhận và “đọc” với tấm lòng chân thành, sẽ nhận ra bàn tay của Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và đang điều khiến với một trật tự kỳ diệu. Trong lịch sử, có nhiều nhà bác học là người tin Chúa. Họ đã nhận ra Thiên Chúa qua những công trình khoa học. Họ đã “chạm” tới Ngài qua những nguyên lý, những quy luật của thiên nhiên, để đi đến kết luận, trên đời này, chẳng có gì là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng do Thiên Chúa sắp đặt và hướng dẫn. Nếu con người tuân theo những nguyên lý Thiên Chúa đã quy định trong mọi lãnh vực, thì thế giới này sẽ an bình trật tự. Nếu đi ngược lại, con người sẽ chuốc lấy mọi khổ đau và hỗn loạn. Khi cầu nguyện cho danh Cha cả sáng, người tín hữu ước mong cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là đấng Sáng tạo, là chủ của lịch sử, để yêu mến tôn thờ và tuân giữ những gì Người truyền dạy. Khi tôn nhận Chúa là Đấng Sáng tạo, con người tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Họ cũng nhiệt thành cộng tác với Chúa, để làm cho công trình sáng tạo đạt tới mức hoàn mỹ. Dưới nhãn quan Kitô giáo, lao động không phải là công việc khổ sai, nhưng là cộng tác với Chúa, tiếp nối công trình sáng tạo của Ngài. Bất cứ công việc lớn hay nhỏ, nếu nhằm mục đích thiện hảo cho bản thân và cho xã hội, thì đều là hành vi tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Danh Cha cả sáng, đó là ước nguyện của mỗi tín hữu. Đó cũng là động lực soi sáng cho mọi hành động của những ai tin vào Chúa Giêsu. Nhờ phép rửa tội, họ được đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Vì thế, cũng như Chúa Giêsu, họ phải tìm thánh ý của Chúa Cha và chuyên tâm thực hiện thánh ý Ngài trong cuộc sống hằng ngày.
Khi cầu nguyện cho danh Cha cả sáng, các tín hữu được mời gọi phản chiếu sự thánh thiện của Chúa qua cuộc sống hằng ngày. Chúa Giêsu đã khẳng định: khi chúng ta thương yêu nhau, những người khác sẽ qua đó mà nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, không ai nhìn thấy. Chúa Giêsu cũng hiện diện vô hình thiêng liêng trong Giáo Hội, người ta không nhìn thấy bằng con mắt giác quan. Tình yêu thương nơi người tín hữu là bằng chứng hùng hồn về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời. Đó cũng là một trong ý nghĩa của danh xưng Kitô hữu. Kitô hữu là người được xức dầu, người mang danh Đức Kitô và là người phản chiếu cuộc đời của Đức Kitô giữa trần thế. Kitô hữu cũng là người phác họa chân dung Đức Kitô qua chính cuộc sống của mình. Đáng tiếc là trong thực tế, có những người Kitô hữu không sống phù hợp với danh xưng cao quý này, nên họ làm lu mờ, thậm chí biến dạng hình ảnh của Chúa Giêsu, tạo cớ cho nhiều người thiếu thiện cảm với Đạo có dịp phê bình chỉ trích Giáo Hội. Một số khác mang danh Kitô hữu, nhưng chỉ dừng lại ở cái vỏ bọc bề ngoài hoặc ở tên gọi, còn thực tế thì xa vời với đức tin họ tuyên xưng. Họ cũng không tha thiết gắn bó với Giáo Hội, với cộng đoàn đức tin ở địa phương, nên luôn cảm thấy lạc lõng, đơn điệu và thiếu tình hiệp thông với Giáo Hội.
“Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”, đó là điều chúng ta cầu xin mỗi ngày. Đó cũng là ước muốn của Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế. Khong chỉ dừng lại ở lời cầu nguyện, mỗi người tín hữu chúng ta được mời gọi nỗ lực cộng tác phần mình để tôn vinh Thiên Chúa, nhờ đó, Vương quốc của Thiên Chúa lan rộng trong cuộc sống của chúng ta.
Ngày 1-6-2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên