Đừng xanh như lá!
Tuần Thánh khởi đầu bằng nghi thức làm phép lá và kiệu lá. Vì thế mà thánh lễ này được gọi là Lễ Lá. Chúng ta đều biết, nghi thức này diễn tả cuộc tiến vào thành thánh Giêrusalem của Chúa Giêsu. Người tiến vào thành như một vị vua chiến thắng, và còn hơn thế, như một vị Thiên sai muôn dân mong đợi. Người dân thành Giêrusalem vui mừng phấn khởi. Họ cầm ngành thiên tuế trong tay, lớn tiếng tung hô: “Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến!”. Nhiều người trải áo dọc đường cho Chúa đi qua. Tuy vậy, bầu khí tưng bừng hân hoan ấy không được bao lâu, vì chỉ mấy ngày sau, nhiều người trong số đám đông dân chúng ấy thay lòng đổi dạ. Họ lăng mạ, vu khống Chúa đủ điều. Những cánh tay tung hô hôm trước, giờ đây lại giơ lên đòi Philatô lên án tử cho Chúa. Thế mới biết, lòng dạ con người chóng thay đổi, giống như cành lá những người dân thành Giêrusalem cầm trong tay, mới đó còn xanh tươi, nay đã ngả màu, tàn úa và trở thành tro bụi. Giữa biết bao thông điệp mà nghi thức Tuần Thánh muốn chuyển tải cho chúng ta, có một lời mời gọi người tín hữu hãy trung thành, đừng xanh như lá!
Cành lá màu xanh giúp ta suy nghĩ về phận người. Trong nghi lễ xức tro của ngày thứ Tư khai mạc Mùa Chay, Phụng vụ đề nghị hãy lấy những cành lá được làm phép trong Lễ Lá năm trước, đốt đi để lấy tro xức trên đầu người tín hữu để thể hiện lòng sám hối. Chi tiết này nhắc chúng ta, phận người mong manh như chiếc lá. Kiếp sống chóng qua như đóa phù dung. Chiếc lá vừa màu xanh đã chóng tàn. Bông hoa vừa tươi nở đã héo khô. Giàu sang, danh vọng, bạn bè, sự nghiệp ở đời một ngày sẽ tan như mây khói. Điều có thể lưu lại mãi mãi là các nhân đức và cách đối nhân xử thế ở đời. Trong cơn bão hưởng thụ của cuộc sống hôm nay, nhiều người coi vật chất danh vọng là đích điểm tối hậu. Vì thế, họ tìm mọi cách để leo lên những nấc thang đẳng cấp và quyền lực trong xã hội, kể cả mánh mung hối lộ và mua chuộc thần thánh. Những vụ việc tham nhũng xảy ra chung quanh chúng ta đã chứng minh sức mạnh quyến rũ khủng khiếp của vật chất. Kiếp sống này chỉ như chiếc lá, sẽ có ngày tàn. Đừng bám víu và đặt trọn vẹn tâm huyết vào nó, vì như thế sẽ sớm thất vọng. Vinh quang thế gian, dù chói lọi đến mấy đi nữa, cũng đến hồi tắt lịm. Bước vào đời với hai bàn tay trắng, ta sẽ tạm biệt cõi đời cũng trắng tay. Điều quan trọng là làm được gì để lại cho đời và làm gì cho Chúa, để khi khuất bóng, vẫn lưu lại danh thơm và sự thánh thiện, để lại tấm gương cho thế hệ mai sau. Thiên Chúa sẽ thưởng công cho những ai trung thành yêu mến và phụng sự Ngài.
Đừng xanh như lá, hãy là những tín hữu trung thành! Bài Thương khó Năm A khởi đầu bằng sự phản bội của Giuđa. Ông là người đã được Chúa gọi và kết nạp vào nhóm Mười Hai. Cùng với các anh em, ông được ở với Chúa và được Người giáo huấn. Vì tham lam, Giuđa đã phản bội Thày mình. Ông đã bán Chúa với giá 30 đồng bạc, tương đương với giá của một nô lệ thời bấy giờ. “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi khốn nạn thì nào thấy ai”, điều này hợp với trường hợp Chúa Giêsu khi Người bị bắt và điệu ra trước Công nghị Do Thái. Tin Mừng nhắc đến các môn đệ với cái nhìn không mấy thiện cảm. Trước đó Phêrô đã mạnh mẽ tuyên thệ trung thành với Chúa: “Dầu có phải chết với Thày, con cũng không chối Thày” (Mt 26,35). Trong lúc hăng hái, các môn đệ khác cũng theo Phêrô mà nói với Chúa như vậy. Nhưng, thật trớ trêu thay, dầu chưa đến nỗi phải chết vì Thày, mà mới chỉ có một lời nói của cô gái, mà đó là một cô hầu, mà Phêrô đã cuống cuồng chối phắt Thày mình. Không chỉ chối, ông còn thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy!” (Mt 26,74). Lời nói thể hiện lòng trung thành với Thày trước đó là một lời thề, và bây giờ, trước mặt một cô hầu, cũng lại là một lời thề. Điều đó cho thấy con người ta dễ dàng thề thốt, nhưng lại ít khi nghiêm túc tuân giữ những gì mình đã thề. Các môn đệ khác xem ra cũng chẳng khá hơn. Tác giả Máccô kể lại, khi Chúa bị bắt trong vườn Cây Dầu, các ông sợ hãi chạy trốn hết (x. Mc 14,50). Mỗi năm, khi Mùa Thương khó về, sự phản bội của Giuđa và Phêrô, sự yếu đuối của các môn đệ lại được nhắc tới trong phụng vụ và trong các lời kinh nguyện ngắm. Dĩ nhiên, chúng ta nhắc lại không phải để phê phán chê bai, nhưng để rút ra bài học về lòng trung thành. Mỗi chúng ta cũng có những lúc giống như Giuđa: tham lam, ghen tỵ và phản bội Thày mình. Nhiều lúc chúng ta giống như Phêrô, dù không chối Chúa, nhưng coi Người như người dưng để tránh liên lụy. Có lúc gặp khó khăn trong đời sống, chúng ta giống như các môn đệ, bỏ Thày mình mà chạy trốn hoặc đi tìm kiếm trợ lực nơi những thần linh khác. Khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã tuyên thệ trung thành và từ bỏ ma quỷ cùng với những gì không phù hợp với đời sống của con cái Chúa. Lời thế ấy nhiều khi bị quên lãng. Và thế là, thay vì sống như con cái ánh sáng thì chúng ta lại giống như con cái tối tăm. Thay vì tỏa lan sự thánh thiện thì chúng ta lại vương vấn nhiều tội lỗi. Những lời thề hứa của chúng ta trong ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, giống như cành lá xinh tươi ngày nào, bỗng chốc khô héo và trở thành tro bụi.
Trong cuộc đời, dù ở bậc sống nào đi nữa, mỗi người có một bổn phận phải chu toàn. Có thể đó là bổn phận của một linh mục, một tu sĩ, hoặc đơn giản đó là người cha, người mẹ trong gia đình. Chúa trao cho chúng ta những bổn phận, như vốn liếng cần được quản lý và sinh lợi. Dù đó là một trách nhiệm quan trọng có ảnh hưởng đến nhiều người, hay chỉ là một bổn phận thông thường nhỏ bé, những ai được trao đều phải lo chu toàn theo lương tâm và trước mặt Chúa. Có người sánh ví cuộc đời như một sân khấu bao la, mà mỗi người đều là diễn viên. Thiên Chúa là khán giả duy nhất đang “thưởng thức” vở kịch cuộc đời này. Điều quan trọng, xem và không phải là đóng vai gì trong vở kịch đó, nhưng là hoàn thành vai diễn ấy thế nào, và để lại âm hưởng nơi người xem ra sao. Nếu đóng vai vua chúa mà vụng về, thì không bằng đóng vai anh hề mà sâu sắc. Trung tín trong bổn phận được trao phó, đó là một đức tính quan trọng giúp chúng ta trưởng thành và vươn lên. Trong lãnh vực Giáo Hội cũng như xã hội, luôn cần có những người trung tín. Họ tận tâm với công việc, dù có gặp thất bại gian nan. Họ sống hết mình vì người khác và cho người khác. Thử thách và hiềm khích ghen tỵ không làm cho họ ngã lòng thất vọng, nhưng giúp họ vươn lên và thành đạt. Trong cuộc sống nhiều chao đảo hôm nay, lòng trung thành trở nên hiếm hoi giữa tình bạn, tình đồng nghiệp cũng như tình nghĩa vợ chồng. Hãy đừng xanh như lá trong tương quan bạn bè, vợ chồng, để rồi chóng nhạt phai héo tàn.
Mỗi năm, Tuần Thánh đến rồi đi. Những nghi lễ tưng bừng ồn ào sẽ khép lại. Điều còn đọng lại nơi cuộc sống người tín hữu là những thông điệp mà Giáo Hội muốn gửi đến cho chúng ta qua những lễ nghi được cử hành long trọng. Trung thành với Chúa, trung thành với bổn phận sẽ làm cho cuộc sống có ý nghĩa, giúp chúng ta trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Khi chuyên tâm sống màu nhiệm thập giá mỗi ngày trong đời, chúng ta sẽ được phục sinh với Chúa, ngay ngày hôm nay, trong cuộc sống này. Đó là sự sống và nghị lực thiêng liêng do chính Chúa ban tặng. Sự sống này không tàn úa với thời gian, nhưng luôn xanh tươi, như cây trồng bên suối nước, luôn trổ sinh hoa trái dồi dào. (WHĐ)
Tuần thánh 2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên