Nên Như Trẻ Nhỏ
Khi những chiếc đèn lồng xanh đỏ lung linh trong các quán xá bên đường và những tiếng trống lân thì thùng vang lên báo hiệu một mùa Trung thu nữa lại đến, ước mơ được trở lại tuổi thơ như một chút chấm phá tràn về trong kí ức lãng đãng của mỗi người.
Ai trong đời chả có đôi lần từng mong ước cho thời gian quay trở lại. Không phải chỉ vì tiếc nuối mà đôi khi chỉ vì muốn nhìn lại chính mình thuở ấy với nụ cười hồn nhiên và ánh mắt ngây thơ trong sáng.
Nhớ lắm những đêm nằm trên chiếc chõng tre trước sân nhà ngửa mặt ngắm nhìn một bầu trời đầy sao lấp lánh và ước mơ mình có thể vươn tay chạm vào. Nhớ những đêm trăng nằm nghe mẹ kể chuyện và ngủ thiếp đi với chị Hằng Nga xinh đẹp, chú thỏ ngọc trắng muốt và chú cuội hay nói dối phải ngồi dưới gốc đa “để trâu ăn lúa gọi cha ời ời” …
Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên và khi người ta lớn, cái tôi cũng lớn lên theo. Nó như những giọt mưa thấm dần và lan tỏa thành niềm kiêu hãnh của riêng mỗi người. Người ta không còn nhìn đời với cặp mắt vô tư và nhận ra cuộc sống không phải lúc nào cũng êm trôi đơn giản. Không phải lúc nào nhìn lên thì trời cũng trong xanh, nhìn xuống thì đất nở hoa rực rỡ. Có những lúc trời quang mây tạnh và có những lúc trời đen mây phủ cả vầng trăng dù đó là tiết đêm rằm tháng Tám.
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10, 13-16)
Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em (do chúng chưa biết lề luật) của người Do Thái. Đức Giê-su đã tỏ thái độ bực mình khi các Tông đồ ngăn cản không cho các trẻ em đến với Ngài và đã dạy cho các ông bài học nhớ đời: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.
Ngoài việc giáo huấn cho các môn đệ về sự chân thành, đơn sơ cần có. Đức Giê-Su còn chỉ dẫn cho chúng ta cách đối nhân xử thế với tâm hồn trẻ thơ để được vào Nước Trời: sống thành thật, ngay thẳng: không gian tham, hối lộ; chớ vu oan, giá họa; không cướp của, giết người…
Ở một trình thuật khác khi trả lời cho câu hỏi “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” của các môn đệ, Ngài đã nhấn mạnh “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. (Mt 18, 3-4).
Chúng ta thường hiểu “trở nên như trẻ nhỏ” là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng cái cây đã lớn rồi thì không thể nào non trẻ lại, con người đã lớn thì không thể trở về với tuổi thơ. Lứa tuổi đã trải qua nhiều “sân, si, hỉ, nộ, ái, ố” thì không thể nào lột xác như con rắn để trở nên hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng như trẻ em được.
Trở nên như trẻ nhỏ là luôn sống tốt trong mối quan hệ giữa người với người theo chiều kích xã hội. Trẻ em không thể tự mình đón nhận sự sống, nhưng từ những người khác, nhất là những người thân yêu. Trẻ em hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi ông bà cha mẹ, luôn vâng lời mà không cần băn khoăn suy nghĩ xem tại sao.
Sâu xa hơn là quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Trở nên như trẻ nhỏ là sống ơn gọi làm con của Thiên Chúa vì chúng ta đã được thanh tẩy trong máu của Chúa Giê-su qua cái chết thập giá của Ngài. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của con người mới sống đơn sơ, phó thác trong cánh tay quan phòng của Thiên Chúa.
Trở nên như trẻ nhỏ còn là sống bản chất hiền lành, thật thà vốn có trong cõi lòng chúng ta giống như Đức Giê-su luôn mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên bị nhiễm những thói quen do hoàn cảnh môi trường xã hội nên mất dần bản tính ấy. Vì thế cần phải chuyên cần tu sửa bản thân để duy trì bản tính thiện của trẻ thơ có trong ta để có thể đón nhận cuộc sống trường sinh đích thực.
Nước Thiên Chúa dành cho những ai có tâm hồn đơn sơ không suy tư tính toán, đồng thời khiêm hạ tự biết mình tùy thuộc vào Thiên Chúa và các mối liên quan hỗ tương với người khác. Khó có thể được đón nhận vào Nước Trời nếu thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa và không cùng tương tác, chia sẻ với tha nhân.
Thế nhưng con người vốn dĩ yếu đuối, bất toàn nên chúng ta hãy cứ vui sống đơn sơ phó thác như trẻ nhỏ và đi hết cuộc đời này trong cánh tay quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã mặc khải Nước Trời cho những người đơn sơ, bé nhỏ và luôn mời gọi chúng con sống “hiền lành và khiêm nhường”. Xin cho chúng con luôn trở thành tấm gương sáng cho trẻ em noi theo và học được những bài học đơn sơ, phó thác giống các em để luôn vững tin trên hành trình tiến bước vào Nước Trời chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa. Amen.
Mùa Trung Thu 2016
Jos. Hoàng Mạnh Hùng