Sư Huynh Vô Định
Một hôm, một đệ tử đem đến cho vị thiền sư già, người đã sáng lập viện và dạy dỗ cho nhiều thế hệ thiền sinh một tin buồn như sau: “Thưa sư phụ, đại sư huynh Vô Định, người môn sinh xuất sắc sẽ kế tục Ngài đã lặng lẽ bỏ đi vào đêm qua”.
Nghe xong, vị thiền sư già bình thản trở lại với công việc đang làm. Ông chẳng để lộ mảy may xúc động hay buồn phiền.
Người đệ tử lòng chưa hết bàng hoàng, liền hỏi:
“Thưa sư phụ, sư huynh Vô Định là người đệ tử đầu tiên của Ngài. Sư huynh lại đức độ hơn người, có thể gánh vác trọng trách mai này. Nay sư huynh bất thần bỏ đi, sư phụ không thấy mất mát sao?”
Vị thiền sư già ôn tồn giải thích:
“Sư huynh của con chỉ dời chỗ ở chứ không bị tiệu diệt, sao gọi là mất mát?”
Người đệ tử vẫn thắc mắc:
“Nhưng thưa sư phụ, sư huynh ra đi mà không có lý do chính đáng, nếu mọi người biết được, đệ tử e rằng thiên hạ sẽ thị phi đàm tiếu nhiều điều gây tổn hại đến thanh danh của sư phụ, sư phụ nghĩ sao?”
“Thanh danh thì cũng là Hư danh. Người ta sanh ra thanh danh rồi thì người ta cũng có thể đổi nó thành xú danh. Sao con lại quan tâm?”
Người đệ tử vẫn chưa hết lo âu:
“Vậy thì sư phụ không lo cho sư huynh sao? Liệu sư huynh có an lạc khi rời bỏ nơi này chăng?”
Vị thiền sư ung dung trả lời:
“Sư huynh của con phải thấy rằng tâm không còn an lạc khi ở đây thì mới ra đi. Ta chẳng hề lo lắng. Nơi nào an lạc ắt đấy là nhà con ạ”.
Người đệ tử vẫn chưa hết ấm ức:
“Thưa sư phụ, xin cho con hỏi một câu cuối: sư phụ không thấy một chút khó chịu nào hết khi sư huynh của con làm một quyết định quan trọng như thế mà không hề bàn bạc với sư phụ sao?”
Vị thiền sư già cười một cách hiền hòa:
“Con ơi, trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn sự an lạc của mỗi chúng sanh. Con nên nhớ rằng, con phải tự đi tìm an lạc cho chính mình. Ta hiểu và thông cảm với sư huynh của con. Con nên nhớ rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, có những quyết định mà ta không thể nào bàn bạc với ai khác ngoại trừ với chính cái TÂM của mình.”
Bạn thân mến,
…Trong cuộc đời của mỗi con người, có những quyết định mà ta không thể nào bàn bạc với ai khác ngoại trừ với chính cái TÂM của mình. Lời dạy của vị thiền sư già quả là sâu sắc khi nhắc nhở con người nên bàn với chính cái TÂM của mình trước những quyết định của cuộc đời. Vì cái TÂM ở đây chính là thiên lương Chúa đặt để trong lòng của mỗi người, và trên hết tất cả là tiếng Chúa, vì Lời Ngài chính là Sự Thật, là Chân Lý. Con người trở nên đúng đắn khi và chỉ khi biết quy chiếu mọi hành động, suy nghĩ của mình về Chân Giá Trị này.
Khi sư huynh Vô Định ra đi chắc chắn ông ta muốn tìm một nơi an lạc hơn chỗ ngôi chùa ông đang sống. Adam, Eva khi ăn trái cấm cũng chỉ vì nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn khi “trở thành vị Thần biết điều Thiện, điều Ác”, và “được tinh khôn hơn”. Mưu cầu hạnh phúc là một nhu cầu rất chính đáng của con người. Vấn đề là, họ có lấy ánh sáng của Lời Chân Lý để soi rọi cho mục đích tìm kiếm của mình hay không? Vì rằng họ sẽ gặp hạnh phúc hay bất hạnh tùy thuộc vào sự chọn lựa đó…
Tác giả: Bình Minh
Nguồn: Web Uỷ ban Giáo dục Công Giáo