Chứng nhân Phục sinh
***
Cả bốn tác giả Tin Mừng đều kết thúc tác phẩm của mình với trình thuật Chúa Giêsu sống lại, sau khi Người đã chết và được an táng trong mồ. Mỗi tác phẩm mang một nét văn phong riêng, nhưng đều chung một điểm, đó là trình bày sự phục sinh của Đức Giêsu như khởi đầu cho một giai đoạn mới, lạc quan và đầy hứa hẹn. Các Tin Mừng Nhất lãm đều nói đến việc Chúa Phục sinh gặp gỡ các tông đồ và sai các ông đi khắp nơi để tiếp tục sứ vụ giảng dạy của Người. Tác giả Tin Mừng thứ bốn kể lại một mẻ lưới lạ lùng thu được 153 con cá, như hứa hẹn một mùa màng bội thu của Giáo hội. Qua sách Công vụ Tông đồ, Giáo hội được trình bày như một cộng đoàn của những chứng nhân cho Đấng Phục sinh. Phêrô, vị Tông đồ trưởng, mỗi khi nói đến việc Đức Giêsu sống lại, đều nhấn mạnh: “Chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32; 3,16). Ngay từ ban đầu, chứng tá về sự phục sinh của Chúa đã mang tính cộng đoàn. Đây là chứng tá của toàn thể Giáo hội, trong tình hiệp thông và liên kết với nhau.
Làm chứng về Đấng Phục sinh, đó chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Người tạm biệt các môn đệ để về trời: “Anh em hãy là những chứng nhân của Thày, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Các môn đệ ý thức tầm quan trọng của lệnh truyền này, và đã mau mắn hăng hái thực hành. Phêrô, với trách nhiệm Tông đồ trưởng, đã tập họp anh em để bầu ông Mátthia, người thay thế Giuđa đã phản bội. Tiêu chí mà ông đề ra cho vị được đề cử phải là người có khả năng cùng với các môn đệ làm chứng nhân cho Đấng Phục sinh (x. Cv 1,22).
Nội dung lời rao giảng của các tông đồ nhấn mạnh và xoay quanh việc Đức Giêsu đã chết trên thập giá, nhưng người đã trỗi dậy từ nấm mồ. Lời chứng của các ông rất đơn sơ, như chính cuộc đời chất phác của các ông, những người xuất thân từ xóm chài nghèo bên bờ hồ Galilêa. Ấy vậy mà có nhiều người tin theo, làm cho Giáo hội ngày một thêm đông đảo. Các ông làm chứng không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính con người của mình. Là những người đã được gặp gỡ Đức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại, các ông cam đoan những gì mình nói là sự thật. Tại Thượng Hội đồng, các thủ lãnh và Thượng tế Khanan ngạc nhiên trước sự bình tĩnh và can đảm của hai Tông đồ Phêrô và Gioan, những người bị đánh giá là không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Các ông không sợ sệt trước những lời đe doạ, còn khẳng khái tuyên bố: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20).
Lời giảng dạy của các ông còn được chứng minh bằng những phép lạ kèm theo. Cũng như trước đây, khi Đức Giêsu đi đến đâu, dân chúng kéo theo rất đông đảo để nghe lời Người và để chứng kiến những phép lạ Người làm, thì nay, hiện tượng đó cũng xảy đến đối với các tông đồ. Trước quyền năng kỳ diệu Chúa ban cho các ông, người ta đem bệnh nhân đến đặt bên lối đi, để ít ra, khi Phêrô đi qua, bóng của ông phủ lên bệnh nhân cũng có thể chữa họ lành bệnh (x. Cv 5, 15-16). Các ông cảm nhận được có Chúa đồng hành với mình trong mọi chặng đường truyền giáo. Điều đó càng tăng thêm lòng nhiệt huyết giúp các ông thực thi sứ mạng được Chúa trao phó.
Khi loan báo Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ xác tín rằng, lời giảng dạy của các ông đến từ tác động và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Các ông không chỉ là những nhân chứng đơn thuần theo cảm tính cá nhân, nhưng “cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5,32). Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng ngự xuống trên các ông vào ngày lễ Ngũ Tuần, đã trở nên nguồn sức mạnh, soi lòng mở trí để các ông hiểu và nhớ lại giáo huấn của Chúa Giêsu. Các ông xác tín rằng mình không làm việc đơn lẻ, nhưng cùng với Chúa Thánh Thần. Giữa cơn nguy nan cấm cách, các ông đã sốt sắng cầu nguyện và được đầy tràn Chúa Thánh Thần, trở nên mạnh dạn để nói Lời Thiên Chúa (x. Cv 4,31). Nhờ Thánh Thần mà các ông có thể can đảm mạnh mẽ làm chứng về Chúa Giêsu trước những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như chính trị. Từ một người dân chài, Phêrô đã trở nên một nhà giảng thuyết hùng biện, trích dẫn Kinh Thánh và lập luận khôn ngoan để chứng minh Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Lời giảng của ông có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày lễ Ngũ Tuần, đã có ba ngàn người xin gia nhập Đạo. Ngay cả lúc các ông bị bắt giam, vẫn có những người tin vào Chúa, làm cho cộng đoàn Đức tin phát triển nhanh chóng (x. Cv 4,4).
Cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem được coi như mẫu mực và lý tưởng cho các cộng đoàn Kitô hữu. Cộng đoàn này được xây dựng trên bốn trụ cột quan trọng: Chuyên cần nghe lời giảng dạy của các tông đồ; Năng tham dự lễ nghi bẻ bánh; Cầu nguyện không ngừng; Sống tình bác ái hiệp nhất (x. Cv 2,42). Một cụm từ được tác giả sách Công vụ sử dụng nhiều lần để diễn tả tình hiệp thông giữa các tín hữu, đó là “đồng tâm nhất trí”. Tình hiệp thông này đã làm cho Giáo hội, dù đông đảo, nhưng trở nên “một lòng một ý”, làm nên sức mạnh kỳ diệu, thuyết phục nhiều người tin vào Chúa và gia nhập Đạo.
Hai ngàn năm đã qua kể từ biến cố Phục sinh, Giáo hội vẫn mang sứ mạng loan báo Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Sứ mạng này được thực hiện qua các lễ nghi phụng vụ cũng như trong đời sống thường ngày của các cộng đoàn Kitô hữu. Khi mừng lễ Phục sinh, chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân của Đấng đã sống lại từ cõi chết. Điều đáng tiếc là đây đó có những cộng đoàn công giáo, sầm uất về các hoạt động bề ngoài, nhưng lại nghèo đi về tình hiệp nhất bên trong. Sự chia rẽ là phản chứng của Đức tin, làm lu mờ hình ảnh Đấng Phục sinh và làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên bế tắc. Được gọi là “Cộng đoàn chứng nhân Phục sinh”, khi mọi thành viên đều thiện chí xây dựng và duy trì tình hiệp nhất, chuyên cần trong đời sống cầu nguyện và nhiệt thành hy sinh trong những thực hành bác ái. Nhờ những tiêu chí này, mà anh chị em không cùng tôn giáo với chúng ta nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện và đang nối kết chúng ta trong tình thương yêu.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên